Thượng tướng Đàm Quang Trung
Lượt xem: 1847

Thượng tướng Đàm Quang Trung tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, sinh ngày 12/9/1921 tại làng Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng).

Đàm Ngọc Lưu là thanh niên ưu tú, sớm ý thức sâu sắc thời cuộc, có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù thực dân Pháp xâm lược và phong kiến phản động. Năm 16 tuổi, anh tiếp bước theo gương hai anh ruột Đàm Văn Lý (tức Quý Quân), Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh) tham gia hoạt động cách mạng tại xã. Là người con hiếu thảo của gia đình, được làng bản yêu quý, Đàm Ngọc Lưu không quản khó khăn gian khổ, bền bỉ, kiên trung, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và trở thành vị tướng lĩnh danh tiếng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

 

Thượng tướng Đàm Quang Trung.

Những năm 1936 - 1939, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đòi quyền dân sinh, dân chủ lên cao, nhất là các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng các giai tầng đứng lên mạnh mẽ chống lại chế độ hà khắc, áp bức, bóc lột, phu phen, tạp dịch bất công của thực dân Pháp và đòi giảm thuế khóa, giảm giờ làm, tăng lương, cải thiện đời sống.

Các cuộc đấu tranh của quần chúng sôi nổi, diễn ra hằng ngày trên quê hương. Trước tình hình đó, năm 1937, người thanh niên yêu nước Đàm Ngọc Lưu tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn xã Sóc Hà. Từ lúc khởi đầu đến với cách mạng, anh một lòng tin tưởng vào con đường đã chọn, noi gương hai anh, đem tuổi xuân phụng sự cho công tác Đảng giao.

Tháng 2/1939, trong lúc phong trào đấu tranh phản đế dâng lên mạnh mẽ, đồng chí Đàm Quang Trung vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dấu ấn quan trọng, bước ngoặt tiến bước trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí như được “chắp cánh đại bàng”, hăng hái cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước.

Với tinh thần hoạt động cách mạng nhiệt huyết không ngưng nghỉ, bọn địch để ý, tình nghi, theo dõi sát sao đồng chí Đàm Quang Trung. Tháng 5/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam nhưng với tinh thần kiên trung, một lòng với Đảng, chúng không khai thác được gì; tháng 3/1941, đồng chí ra tù và tiếp tục hăng hái hoạt động. Sau đó, đồng chí Đàm Quang Trung được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đi học Trường Quân sự Hoàng Phố. Đến tháng 9/1944, đồng chí về nước trực tiếp huấn luyện du kích ở các xã biên giới.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập và nhanh chóng phát triển đội viên thành các đơn vị chủ lực đầu tiên. Đồng chí Đàm Quang Trung gia nhập vào đội ngũ đó và trở thành cán bộ Trung đội, Đại đội trưởng, Chi đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân tại Thái Nguyên.

Tháng 8/1945, đồng chí được phân công chỉ huy Đại đội Việt - Mỹ cùng các lực lượng vũ trang tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, tiến về Hà Nội trực tiếp bảo vệ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, trong đại lễ Quốc khánh 2/9/1945. Tháng 3/1946, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ làm Khu đội trưởng Đặc khu Hà Nội.

Tháng 4/1946, đồng chí là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31, Khu V, Chỉ huy trưởng Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi Liên khu V được thành lập, tháng 10/1948, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn chủ lực của Liên khu V. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, quân và dân Liên khu V đã mở chiến dịch, tổ chức các trận đánh phối hợp với chiến trường miền Bắc nhằm tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng và lập nhiều chiến công xuất sắc.

Từ tháng 1/1951 - 1952, đồng chí tham dự khóa đào tạo cán bộ trung cấp Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam. Kết thúc khóa học (khóa 6), đồng chí được bổ nhiệm Đại đoàn phó Đại đoàn 312, một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Chiến dịch Hòa Bình, Đại đoàn 312 đã hiệp đồng tác chiến cùng các Đại đoàn chủ lực 304, 308, 315 đập tan âm mưu, kế hoạch của thực dân Pháp, giải phóng thị xã Hòa Bình, tiêu diệt địch trên đường số 6, lập chiến công xuất sắc trên địa bàn Tu Vũ, Ba Vì…

Sau đó, Đại đoàn 312 bước vào Chiến dịch Tây Bắc, Đại đoàn vinh dự được Bác Hồ đến thăm và ân cần động viên cán bộ, chiến sĩ. Bác đến thăm là nguồn động viên lớn, tạo động lực, sức mạnh cho đoàn quân, Đại đoàn 312 với khí thế hùng dũng đã phối hợp với Đại đoàn 308, 316, các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch và lập công lớn, phá tan âm mưu “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Đại đoàn 312 đến đâu cũng được nhân dân cưu mang, đùm bọc.

 Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ mở màn tiêu diệt cứ điểm Him Lam, phối hợp cùng các đơn vị bạn thọc sâu vào tập đoàn cứ điểm, bắt sống toàn bộ chỉ huy, góp phần quan trọng giải phóng Điện Biên ngày 7/5/1954. Trong khí thế chiến thắng vang dội nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc, tại lễ duyệt binh ở Mường Phăng ngày 13/5/1954, đồng chí vinh dự được thay mặt các đơn vị lập công nhận lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” từ tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đồng chí Đàm Quang Trung luôn có mặt trong những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Những năm 1955 - 1966, đồng chí liên tục được nắm giữ những cương vị trọng trách, là Tư lệnh Đại đoàn 312, Tư lệnh Quân khu Đông Bắc, sau đó là Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn; Thường vụ Quân khu ủy - Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Từ năm 1966 - 1967, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của cả nước bước vào giai đoạn quyết liệt, chúng bắt đầu gây hấn “leo thang” ra miền Bắc, đồng chí Đàm Quang Trung lại được điều động về làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh tiền phương kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 4, sau đó là Bí thư Khu ủy - Tư lệnh Quân khu.

Tháng 4/1974, đồng chí Đàm Quang Trung vinh dự được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến tháng 5/1976, đồng chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 1, Bí thư Quân ủy Quân khu. Đồng chí còn là một chính khách chính trị, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội từ khóa V đến khóa VIII. Tháng 1/1980, đồng chí được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đồng chí vinh dự được phong quân hàm Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Ngoài ra, đồng chí còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba và Huy chương Quân kỳ Quyết thắng cùng nhiều danh hiệu cao quý. Thượng tướng Đàm Quang Trung là niềm quý trọng, tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1