Thiếu tướng Chu Phương Đới
Lượt xem: 1882

Đồng chí Chu Phương Đới sinh năm 1922 tại xã Hưng Đạo (Hòa An), nay thuộc Thành phố. Năm 24 tuổi, Chu Phương Đới đến với cách mạng và hết lòng phụng sự cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thoát ly khỏi quê nhà từ rất sớm, đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong quân ngũ và trở thành vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam, từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Thiếu tướng Chu Phương Đới.

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Chu Phương Đới gắn bó với nhiều địa bàn chiến khu các miền trong nước. Tháng 6/1946, đồng chí là Trung đội trưởng Trung đội Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Đó là thời điểm Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, nạn đói xảy ra, thực dân Pháp lăm le gây hấn ở Nam Bộ, âm mưu trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Cả khu vực Đông Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang đang chuẩn bị bước vào Chiến dịch Thu - Đông năm 1947.

Là một cán bộ tích cực, cần mẫn, sáng tạo, chấp hành kỷ luật quân đội nghiêm minh, gắn bó với nhân dân địa phương, được đồng đội quý mến, tháng 1/1947, đồng chí được cấp trên đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội Tân binh Yên Bái. Được tổ chức tin tưởng, giao phó, đồng chí nỗ lực hăng hái trong mọi hoạt động công tác xây dựng đơn vị và làm tốt công tác dân vận. Tháng 9/1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, đồng chí có điều kiện cống hiến nhiều hơn nữa cho quân đội trong những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và vinh quang.

Tháng 8/1950, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209, thuộc Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) mang danh hiệu Sư đoàn quân tiên phong, đơn vị mới thành lập năm 1949 và nằm trong đội hình chủ lực tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Sau Chiến thắng Biên giới, tháng 11/1951, đồng chí được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312) còn gọi là Đại đoàn quyết thắng, một trong những đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập năm 1950. Tháng 9/1953, đồng chí đảm lãnh chức vụ Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng, sau đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn 312 được lệnh phối thuộc với các đơn vị bạn: Sư đoàn 304, 308, 316 hành quân cấp tốc, bao vây tấn công tập đoàn cứ điểm kiên cố Điện Biên Phủ do thực dân Pháp tạo nên. Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bắt sống toàn bộ chỉ huy quân Pháp, mở ra bước ngoặt mới hào hùng của dân tộc. Kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, đập tan chế độ thực dân cũ; miền Bắc giành được độc lập, tự do, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Tháng 12/1955, đồng chí được điều động làm Tham mưu phó Quân khu 4; tháng 5/1957, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 - Sư đoàn Bông Lau, một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1958, đồng chí được cử đi học tập, đào tạo tại Học viện Quân sự Trung - Cao của Bộ Quốc phòng. Kết thúc khóa học, tháng 10/1959, đồng chí được điều động làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316.

Từ năm 1964 - 1970, đó là thời kỳ gian khổ chịu đựng chiến tranh ác liệt của hai miền Nam, Bắc. Đế quốc Mỹ đã dùng máy bay chiến đấu ngày đêm ném bom ngăn chặn các tuyến đường chi viện cho miền Nam ở “khúc ruột” miền Trung, không ngừng “leo thang” bắn phá miền Bắc. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí được tổ chức giao đảm nhiệm Phó Tư lệnh Sư đoàn 324, thuộc Quân khu 4, sau đó là Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân khu 4.

Đó là những đơn vị chiến đấu ngoan cường, quyết liệt cùng quân, dân Khu 4 ngăn chặn sự tàn phá hung hãn của đế quốc Mỹ, bảo vệ huyết mạch thông tuyến vào miền Nam. Tháng 12/1967, đồng chí nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh Sư đoàn 325 vào Mặt trận B3-Tây Nguyên. Sư đoàn này còn gọi là Sư đoàn Bình Trị Thiên, là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sư đoàn tham chiến ở Tây Nguyên, cùng đồng bào miền Nam nhất tề đồng khởi giành chính quyền vào mùa xuân năm 1968.

Tháng 12/1968, đồng chí trở lại làm Tư lệnh Sư đoàn 324. Năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá các thành phố lớn ở miền Bắc, chúng dùng máy bay B52 dội bom xuống Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc nhằm đưa nước ta trở về thời kỳ đồ đá và gây thanh thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Khu 4 thành tuyến lửa dày đặc đạn bom, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Mặt trận Quân khu 4. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Quân khu 4 đã chia lửa cùng cả nước, góp phần làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Năm 1973, đồng chí được cấp trên điều động làm Phó Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Tháng 6/1978, đồng chí làm Phó Tư lệnh Binh đoàn 678, đơn vị có nhiệm vụ giúp nước bạn Lào bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian, ổn định cuộc sống của nhân dân. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tinh thần quốc tế cao cả, được Nhà nước Lào và nhân dân trân trọng. Tháng 1/1980, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1981, đồng chí là Tư lệnh Binh đoàn 678.

Suốt quá trình công tác, cống hiến bền bỉ, lập nhiều công lớn, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, là “Bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tướng Chu Phương Đới một lòng trung thành với Đảng, tận tụy phụng sự quân đội, vì lợi ích của nhân dân và đất nước; đồng chí là tấm gương sáng được mọi người tin tưởng, quý mến.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1