Sưu tập mộc bản chùa Phố Cũ, thành phố Cao Bằng
Lượt xem: 4315

Chùa Phố Cũ tại trung tâm thành phố Cao Bằng (thuộc tổ 1, phường Hợp Giang). Ngoài giá trị mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Triều Nguyễn, là nơi thờ Quan Vân Trường, thờ Phật, chùa Phố Cũ còn có giá trị lịch sử cách mạng.

Chùa Phố Cũ tại trung tâm thành phố Cao Bằng (thuộc tổ 1, phường Hợp Giang). Ngoài giá trị mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Triều Nguyễn, là nơi thờ Quan Vân Trường, thờ Phật, chùa Phố Cũ còn có giá trị lịch sử cách mạng. Tại đây, ngày 22/8/1945, nhân dân thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) đã tổ chức mít tinh thành lập Ủy ban Hành chính (UBHC) lâm thời Thị xã và lễ ra mắt UBHC tỉnh Cao Bằng. Di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2012.

moc%20ban

Mộc bản chùa Phố Cũ lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Trong di tích chùa Phố Cũ, bên cạnh một số hiện vật có giá trị được lưu giữ đến nay như: chuông đồng, bia đá, còn có một loại hình tư liệu quý, có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt, đó là sưu tập mộc bản. Do tình trạng xuống cấp của chùa Phố Cũ, ảnh hưởng tới việc bảo quản mộc bản (nhiều tấm đã bị mọt, mối xông), năm 2009, Bảo tàng tỉnh đã đem toàn bộ số mộc bản trên về lưu giữ, bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng. 

Mộc bản là những tấm gỗ có khắc chữ Hán (khắc ngược) ở cả 2 mặt, hay còn gọi là âm bản. Khi in ra giấy, sẽ trở thành chữ xuôi và được đọc từ phải sang. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt ở nước ta. Hiện nay, những  nơi còn lưu giữ được số lượng mộc bản lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với trên 3.000 đơn vị bản khắc, chứa đựng nhiều nội dung như: Kinh sách nhà Phật, truyện ký, sách thuốc... Sưu tập mộc bản trường học Phúc Giang, Can Lộc, Hà Tĩnh  với nội dung đề cập tới quá trình đào tạo, truyền thống học tập của dòng họ Nguyễn Huy trong thế kỷ 18. Đặc biệt, bộ sưu tập mộc bản Triều Nguyễn hiện đang lưu trữ tại Huế với 34.555 bản, có nội dung phong phú, đề cập tới nhiều nội dung như lịch sử, địa lý, văn học...

Mộc bản là di sản tư liệu bằng chữ Hán, là những cổ vật có giá trị, chứa đựng nhiều thông tin, là nguồn tư liệu quý giá giúp cho việc nghiên cứu, phát triển ngôn ngữ Việt nói chung, góp phần nghiên cứu nhiều mặt. Đồng thời đây còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những di sản này đã được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ sưu tập mộc bản chùa Phố Cũ dù số lượng không nhiều (44 tấm), nhưng đây là những tư liệu có giá trị trong việc nghiên cứu, tham khảo bổ ích. Mỗi tấm có chiều dài 27 cm, rộng 17 cm, dày 2 cm, được khắc chữ Hán ngược ở cả 2 mặt. Chất liệu  gỗ làm mộc bản, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết được lấy từ gỗ thị, là loại gỗ có tính chất mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong, vênh, khó nứt, vỡ. Do trước đây bị xếp dưới đất trong hậu cung của chùa một thời gian dài nên một số tấm mộc bản đã bị mối xông mục.

Đến nay, chưa có tài liệu nào nói về số mộc bản chùa Phố Cũ được lấy từ đâu về, sách được in tại đây hay ở một cơ sở nào đó. Về xuất xứ của nghề in mộc bản, trong cuốn sách "Di tích và danh thắng Hải Dương" xuất bản năm 1999 cho biết, nghề khắc bản in (mộc bản) ở Hồng Lục, Liễu Tràng, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tại đây có đình thờ Lương Như Hộc - ông tổ nghề khắc ván in, người có công xây dựng làng nghề. Lương Như Hộc đỗ Thám hoa năm Đại Bảo thứ 3 (1442), đi sứ Trung Quốc 2 lần. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông như: An phủ sứ, Hàn lâm học sỹ, Đô ngự sử...; là người có học vấn uyên bác, quan tâm đến nền giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa cho dân tộc. Lương Như Hộc đã dày công xây dựng thành công nghề in mộc bản ngay tại quê hương và trở thành nghề nổi tiếng trong cả nước. Hồng Lục là nơi đã khắc ván in cho bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", bộ lịch sử quan trọng bậc nhất của dân tộc vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19,  Liễu Tràng là làng khắc ván in duy nhất. Người Hồng Lục đã khắc hàng nghìn bộ sách, họ còn đi khắp nơi trong cả nước và nước ngoài để hành nghề. Như vậy, phải chăng mộc bản chùa Phố Cũ cũng được mang từ làng nghề Liễu Tràng lên để phục vụ việc in sách tại Cao Bằng?

Mặc dù mộc bản chùa Phố Cũ chỉ là những bản in sách với nội dung xem tử vi, song bộ sưu tập này cũng chứa đựng nhiều giá trị. Về mặt nghệ thuật, các chữ khắc trên mộc bản là thư pháp tuyệt mỹ, được khắc công phu, cầu kỳ, đòi hỏi người thợ phải tốn nhiều công sức. Thợ khắc mộc bản phải giỏi chữ Hán, có bàn tay khéo léo, có trình độ thẩm mỹ mới chạm được các nét chữ cầu kỳ, tinh xảo như vậy. Nội dung của mộc bản chùa Phố Cũ sau khi in ra giấy sẽ được sử dụng như sách xem tử vi, đoán vận hạn ứng theo các tuổi. Dù là những que tử vi, nhưng nó vẫn chứa đựng trong đó triết lý nhân văn sâu sắc, mang giá trị giáo dục đạo đức, lẽ sống ở đời, đã có từ ngàn xưa. Đó là sống phải có đạo đức, làm việc thiện, không được làm điều xấu, điều ác. Chuẩn mực đạo đức này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Ví dụ trong quẻ số 45, nội dung được dịch thơ như sau: 

"Chăm lo canh tác ruộng đồng

Núi đồi phát rẫy cấy cày sớm hôm

Tu nhân cốt giữ thiện tâm

Trong lòng thanh bạch, họa mầm sẽ qua".

Sưu tập cũng giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm nguồn sử liệu về sự phát triển của hệ thống văn tự. Đồng thời có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp cho thế hệ hôm nay nhận thức rõ hơn về trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1