Nơi lưu giữ bản sắc dân tộc Lô Lô
Lượt xem: 1163

Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 120 km, là nơi sinh sống của hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô. Đây cũng là điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Lô Lô.

Chị Chi Thị Phêng, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) dệt vải bên khung cửi.

Chúng tôi đến Khuổi Khon với lòng hiếu kỳ và tâm thế sẵn sàng trải nghiệm tại mảnh đất này. Vượt thị trấn Bảo Lạc khoảng 10 km hướng về Thành phố, theo tấm biển chỉ dẫn đến Làng du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon đi theo đường bê tông dài khoảng 5 km. Con đường bê tông mới như dải lụa mềm mại uốn quanh theo ngọn núi, đi ngang qua những ngôi nhà sàn lấp ló sau màn sương mờ.

Càng lên cao, gió núi thổi lồng lộng, trong không khí nồng đậm mùi hương tươi mát của núi rừng, đôi lúc là những luồng khí lạnh mà gió mang đến trên da thịt. Đi qua những con dốc cao và quanh co, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trung tâm xóm Khuổi Khon. Những du khách như chúng tôi đến với vùng đất này vừa thấy xa lạ nhưng lại có cảm giác rất quen thuộc. Trên gương mặt của họ luôn nở nụ cười vui vẻ, vẫy chào chúng tôi như đang đón tiếp những đứa con mới trở về quê nhà, khiến chúng tôi cảm nhận được sự hiếu khách của người dân nơi đây.

Đón tiếp chúng tôi là chị Chi Thị Phêng, thường gọi là Phanh - một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, cũng là một hướng dẫn viên du lịch của xóm. Chị đưa chúng tôi đi tham quan xung quanh xóm, vừa ngắm phong cảnh chị vừa kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi làng, những nét đặc trưng mà chỉ có trong văn hóa của người Lô Lô… Những người ở đây đều giao tiếp bằng tiếng Lô Lô, một số ít người dân không biết nói tiếng phổ thông.

Cuộc sống nơi đây yên bình, chậm rãi, không giống như chốn đô thị ồn ào và vội vã. Trời chiều vùng cao, nắng vẫn chưa tắt, đám trẻ nói sẽ đưa chúng tôi đến điểm đẹp nhất xóm. Chúng tôi rất háo hức đi theo bọn trẻ, dọc đường đi nghe chúng hát vang những bài đồng dao của dân tộc Lô Lô và bản thân như đang trở lại những ngày còn ấu thơ. Đi ngang qua xóm, xuyên qua những rặng cây mai, chúng tôi theo bước chân của bọn trẻ leo lên đỉnh một ngọn đồi rất cao sau xóm.

Cảnh tượng trước mắt làm chúng tôi ngỡ ngàng bởi nơi đây có thể bao quát cả một vùng rộng lớn. Mặt trời lặn sau ngọn núi phía xa, những tia nắng cuối cùng của ngày dần biến mất. Trở về nhà chị Phanh. Trời đã tối hẳn, những thành viên trong gia đình cùng quây quần bên bếp lửa giữa nhà. Người Lô Lô rất coi trọng bếp lửa, bởi đây là nơi tạo sự ấm cúng của cả ngôi nhà. Bếp lửa chính là nơi tiếp khách, nơi bàn công chuyện gia đình, thông thường mọi người ở đây không để bếp lửa tắt, lúc đun nấu sẽ ủ than dưới lớp tro để bếp luôn duy trì hơi ấm.

Chúng tôi được gia đình chị Phanh tiếp đãi bằng các món ăn khá đơn giản nấu từ những nguyên liệu có sẵn. Trong không khí đầm ấm và vui vẻ, chị Phanh mang rượu ngâm lá cây rừng mời chúng tôi, rượu uống vào rất dịu, có vị nồng nàn; khi vò rượu đã vơi, men say đã thấm, tình cảm được nâng lên nhiều lần. Bữa ăn tuy giản dị nhưng những tiếng cười nói luôn vang vọng cả ngôi nhà, không hề mang cảm giác lạ lẫm, chúng tôi như được hòa nhập với mọi người, trở thành thành viên trong ngôi nhà mà mình vừa mới đặt chân đến không lâu.

Khi ăn cơm xong, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, bên cốc trà ấm nóng, chị Phanh kể nhiều câu chuyện cho chúng tôi nghe về văn hóa, về phong tục tập quán, con người Lô Lô và những kỷ niệm khó quên cùng những vị khách du lịch đặt chân đến làng Khuổi Khon.

Bếp lửa được coi là linh hồn của ngôi nhà người Lô Lô.

 Trời về đêm, không gian trở nên vắng lặng khi nghe được tiếng gió thổi, thỉnh thoảng có tiếng chim rừng kêu đâu đó. Bọn trẻ đã buồn ngủ, chị Phanh ôm con trong lòng, hát những lời hát ru của người Lô Lô. Sau khi đặt em bé đã ngủ vào phòng rồi trải chăn cho chúng tôi nghỉ, chị Phanh tâm sự: Ở nơi này gió lớn, mái nhà âm dương cũng khó chống nổi. Tuy thiên nhiên khắc nghiệt nhưng những ngôi nhà vẫn lợp mái ngói âm dương, bởi nó làm nên nét độc đáo của nhà sàn, cũng là biểu tượng cho tinh thần quật cường của người dân nơi đây, chống chọi với thiên nhiên để gây dựng cuộc sống.

Chị Phanh sắp xếp cho chúng tôi ngủ ở giữa nhà, chăn gối dày dặn ấm áp có hương thơm của cây cỏ. Khi những ánh đèn cuối cùng đã tắt, chúng tôi chìm vào giấc ngủ. Qua một đêm ở Khuổi Khon cũng là trải nghiệm không thể nào quên, chúng tôi như tách biệt với thế giới bên ngoài, không ồn ào, náo nhiệt của đô thị, không ánh điện rực rỡ. Đêm đến, Khuổi Khon chìm vào bóng tối, chỉ len lỏi xa xa những ánh điện chiếu sáng từ những ngôi nhà sàn, tiếng côn trùng hòa thành bài ca thiên nhiên bất tận suốt đêm...

Điều đáng nhớ nhất của chúng tôi có lẽ là thử thách 2 ngày 1 đêm không có mạng wifi, sóng điện thoại chập chờn rất khó liên lạc. Tuy cảm thấy thiếu vắng một số thiết bị quen thuộc của đời sống hiện đại nhưng chúng tôi lại có một trải nghiệm trọn vẹn đó là hòa mình vào vùng núi thôn quê, vừa như được trở lại những tháng ngày trước đây, khi mà thiết bị điện tử chưa phổ biến.

Ngày hôm sau thức dậy, chị Phanh dẫn chúng tôi đi tìm hiểu và trải nghiệm nét đẹp văn hóa của người Lô Lô. Chị đưa chúng tôi đến tham quan Khuổi Khon homestay ngay đầu xóm, homestay mới đi vào hoạt động trong thời gian gần đây và gây được ấn tượng với khách du lịch. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều phụ kiện, trang phục của dân tộc Lô Lô. Những bộ trang phục đầy màu sắc khiến chúng tôi bị choáng ngợp với thiết kế cầu kỳ được tạo ra bởi chính bàn tay khéo léo của những cô gái Lô Lô. Chúng tôi được chị Phanh hướng dẫn cách dệt quần áo, được ngồi vào khung cửi trực tiếp dệt vải, tuy khá khó khăn để làm các thao tác dệt nhưng đây là một trải nghiệm rất thú vị.

Ngoài những bộ trang phục đặc sắc thì phụ kiện của người Lô Lô cũng rất độc đáo. Những chiếc túi với nhiều hình dáng, đai đeo lưng, mũ, nón..., nhiều màu sắc rực rỡ và mỗi phụ kiện đều mang nét đẹp riêng. Theo lời người dân kể, người Lô Lô rất thích kết hợp nhiều màu sắc với nhau, vào những dịp lễ hội, đám cưới, ma chay, đầy tháng..., tất cả mọi người đều mặc đẹp, mang những phụ kiện sặc sỡ thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với các sự kiện trọng đại của dân tộc.

Kết thúc cuộc hành trình, tuy thời gian hai ngày không dài nhưng đủ để chúng tôi thêm yêu mến con người và mảnh đất thân thương này. Chúng tôi sẽ mãi nhớ nụ cười, sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân Khuổi Khon. Trở lại Thành phố với sự nuối tiếc khi nhiều cảnh đẹp vẫn chưa kịp lưu lại, những nét văn hóa chưa kịp trải nghiệm, những món ẩm thực chưa được nếm qua. Tất cả mọi thứ đều thôi thúc chúng tôi có dịp sẽ quay lại Khuổi Khon một lần nữa để trải nghiệm đầy đủ hơn phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1