Người tâm huyết giữ nghề đan lát truyền thống
Lượt xem: 973

Nghệ nhân Nông Thị Nhi, xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai (Thạch An) là một trong những người đan lát có tay nghề giỏi nhất xã. Đến nay, dù đã 85 tuổi nhưng bà vẫn có nhiều khách hàng tìm đến mua các sản phẩm đan lát (chiếu, rổ, rá…).

 

Nghệ nhân Nông Thị Nhi, xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai (Thạch An) truyền dạy kỹ năng đan chiếu cót cho con cháu.

MIỆT MÀI GÌN GIỮ NGHỀ  

Đang ngồi tỉ mỉ đan, bà Nông Thị Nhi kể, năm lên 10 tuổi, bà được bố mẹ dạy nghề đan lát. Sau khi lập gia đình riêng, hầu như tất cả các vật dụng trong gia đình như: chiếu cót, rổ, rá, nong, nia… đều do bà tranh thủ đan vào dịp nông nhàn. Các sản phẩm bà đan đều bền đẹp nên “tiếng lành đồn xa”, ban đầu là các gia đình trong xóm, rồi trong xã và các xã lân cận tìm đến bà để đặt làm sản phẩm đan lát. Cứ như vậy, nghề đan lát “ngấm vào máu” của bà lúc nào không hay.

Theo bà Nhi, ngày trước, các vật dụng trong gia đình của người dân đều được đan lát thủ công, từ chiếu, rổ, rá đến nong, nia… nên nhà nào cũng có người biết làm. Hằng năm, hết mùa vụ, đàn ông, con trai đi rừng tìm tre, giang để phụ nữ đan lát. Trong xóm, xã luôn đông vui, rộn ràng, những đống nan giang, tre được chẻ nhỏ chất đầy trước mỗi hiên nhà. Ngày đó mọi người chưa hình dung đan lát là nghề truyền thống hay làm kinh tế mà đơn thuần chỉ là một nghề lúc nông nhàn giúp bà con có thêm thu nhập. Các sản phẩm làm ra được các bà, các mẹ mang ra chợ bán chứ không có người đến nơi thu mua như bây giờ.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, bà Nhi cho biết: Để làm nghề đan lát, người thợ phải có tính cần cù, mềm mỏng, cẩn thận, bình tĩnh và tuyệt đối không được nôn nóng. Từ khâu chọn nguyên liệu đã phải kỹ lưỡng bởi sản phẩm muốn bền, đẹp phải chọn cây giang, tre già chắc, khi chẻ thành nan mới bóng đẹp. Từ việc chẻ nan, vót nan, mỗi khâu đều có cái khó riêng, thân cây giang được sử dụng đan chiếu trải giường, nền nhà; còn thân tre, nứa dùng để đan chiếu phơi thóc, ngô, sắn...

Cây giang, tre, nứa được cưa thành đoạn theo mục đích sử dụng như đan chiếu, sàng, giỏ, rổ, rá... tùy theo độ lớn, nhỏ và mục đích sử dụng. Những khúc giang, tre, nứa được chẻ thành nan mỏng, phơi sương cho ngả màu đẹp. Từng nan giang, tre, nứa qua đôi bàn tay của nghệ nhân dần dần thành hình chiếu cót với nhiều hoa văn đẹp mắt: hình ô vuông, bàn cờ, ô ngựa, hoa 6 cánh... và được căn chỉnh chuẩn xác, vuông vắn. Đặc biệt, chiếu cót đan bằng cây giang càng dùng lâu càng bóng đẹp, có thể sử dụng hàng chục năm, nếu bảo quản tốt có thể dùng 40 - 50 năm.

Ngoài đan chiếu cót, nghệ nhân Nhi còn đan những vật dụng với đủ các loại kích cỡ để đựng đồ, nong, nia, dần, sàng… Đặc biệt, bà còn có tài đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có yêu cầu kỹ thuật cao như: bàn cờ tướng, giỏ hoa, giỏ xách tay… có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao.

Hơn 70 năm gắn bó với nghề đan lát, bà Nhi không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc chiếu cót, rổ, rá… phục vụ đời sống và lao động của bà con trong xóm, xã và các vùng lân cận. Với bà Nhi, nghề đan lát là truyền thống của người Tày, Nùng ở Minh Khai, giữ lại nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát tốn nhiều thời gian, thu nhập không cao nhưng bà Nhi vẫn miệt mài gìn giữ nghề và tận tâm truyền dạy cho con cháu.

TRĂN TRỞ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Theo nghệ nhân Nhi, hiện trên địa bàn xã còn rất ít người biết và duy trì nghề đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian, công sức, do vậy giới trẻ không mặn mà với nghề vì thu nhập không cao. Những người trẻ bây giờ học xong không chịu áp dụng nên dần dần quên nghề, những người già biết đan lát như bà cũng đang dần mất đi. Giới trẻ không ai đam mê, chịu theo nghề để tiếp nối, bà Nhi luôn đau đáu sợ rằng một ngày không xa nghề đan lát sẽ bị mai một.

 

Nghệ nhân Nông Thị Nhi với sản phẩm đan bàn cờ tướng độc đáo.

Để lưu giữ nghề truyền thống đan lát của dân tộc, nghệ nhân Nhi thường xuyên tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của nghề, chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát cho lớp trẻ với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống của địa phương đang dần bị mai một.

Những người như nghệ nhân Nhi đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống của quê hương. Nhưng để những người thợ đan lát gắn bó với nghề cần sự quan tâm của các cấp, ngành tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm đơn đặt hàng, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo thương hiệu cho nghề truyền thống. Quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, cần vinh danh những nghệ nhân, thợ giỏi như nghệ nhân Nhi bởi xã hội phát triển, công nghệ hiện đại, máy móc cùng lúc có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đa dạng về mẫu mã, loại hình, nhưng xét ở một khía cạnh khác vẫn không thể so sánh với mặt hàng thủ công truyền thống mộc mạc, vì nét đẹp văn hóa của dân tộc, nghề đan lát truyền thống luôn tồn tại trong từng sản phẩm.            

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1