Người anh hùng bước ra từ trong trang sử
Lượt xem: 15873

Chúng tôi may mắn được gặp Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu trong dịp Đại tá về thăm cụm di tích Cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê (Thạch An) - nơi cách đây 70 năm, ông cùng đồng đội đã làm nên chiến thắng Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950 toàn thắng.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch An

Đã bước sang tuổi 90, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu trở lại thăm chiến trường xưa trong bộ quân phục giản dị, ấm áp, thân thiện. Lời nói và nụ cười của ông vẫn ấm nồng tình cảm, vẫn rành rọt khi nhớ về một thời trai trẻ, nhớ từng chi tiết đã trở thành máu thịt của đời lính. Sự xuất hiện của Đại tá như người anh hùng bước ra từ trong trang sử, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, từ các cụ già đến các cháu học sinh. Theo lời Đại tá, việc quay lại nơi mình đã chiến đấu để thay mặt những người đồng đội đã nằm xuống kể những câu chuyện lịch sử hào hùng cho thế hệ sau là mong muốn, cũng là trách nhiệm của các cựu chiến sĩ.

Đặt chân đến mảnh đất năm xưa từng chiến đấu, mỗi gốc cây ngọn cỏ nơi đây đều là những kỷ niệm không dễ phai mờ, tận tay sờ vào từng hiện vật được lưu giữ nguyên vẹn, Anh hùng La Văn Cầu lặng người, bồi hồi nhớ về những năm tháng “nếm mật nằm gai” với đồng đội năm xưa trên chiến tuyến chống quân thù.

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính. Sau khi khảo sát nắm tình hình địch, Đảng ủy Mặt trận thống nhất chuyển hướng đánh pháo đài thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố) sang đánh cứ điểm Đông Khê (Thạch An).

Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng pháo kích vào cứ điểm Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Chọn Đông Khê làm trận mở màn là một quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chiến thắng Đông Khê đã tiếp nối truyền thống "đánh thắng trận đầu" của quân đội ta và mở ra một phương thức tác chiến mới, hiệu quả "đánh điểm, diệt viện".

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tá La Văn Cầu đã tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới là trận đánh đáng nhớ nhất, bởi nơi đây, cánh tay phải của ông vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Bồi hồi xúc động, Đại tá La Văn Cầu kể về trận đánh đồn Đông Khê đầy khốc liệt và bi tráng. Trong Chiến dịch Biên giới, La Văn Cầu thuộc Trung đội 2, Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316. Theo lời kể của ông, vào khoảng 10 giờ đêm 17/9/1950, ông được Đại đội trưởng gọi đến giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt của địch tại Cứ điểm Đông Khê.

Đến chừng nửa đêm, được lệnh dùng bộc phá đánh vào một lô cốt lớn của địch, mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong lúc đang chuẩn bị vọt tiến thì ông bị hai viên đạn bắn trúng. Một viên trúng má phải và viên kia trúng tay phải, khiến ông ngã xuống ngất lịm. Tỉnh lại, ông nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt, nên cố nhổm dậy; đưa tay trái sờ lên đầu, lên ngực thấy không sao, mừng quá, định vọt tiến thì thấy chỉ còn tay trái cử động được, cánh tay phải không có cảm giác.

Trong đêm tối, ông biết tay phải của mình đã bị thương, nhưng vì nhiệm vụ, ông vẫn cố tìm quả bộc phá, rồi dùng tay trái ôm chặt vào ngực và trườn lên phía trước. Lúc này, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép đau hơn lúc trúng đạn. Khi đó ông nghĩ, đằng nào cũng bị thương rồi, thà chặt luôn tay đi cho đỡ vướng.

Nghĩ thế, ông liền nhờ đồng đội giúp mình chặt cánh tay bị thương để khỏi vướng, rồi biến đau thương thành hành động, với quyết tâm dâng cao ngùn ngụt, ông tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, ông lại ngất đi. Các đồng đội của ông tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch... “Trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh” - giọng ông trầm hẳn xuống, rưng rưng xúc động.

Nhớ về trận đánh lịch sử, Anh hùng La Văn Cầu không khỏi xúc động nghẹn ngào khi nhớ về những đồng đội gắn bó trong khó lửa năm xưa đã hy sinh. Ông luôn tâm niệm, chừng nào trái tim còn đập, ông vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần những đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của đồng đội. Nói rồi, ông rảo bước qua các hầm hào công sự, lô cốt, bước vào khu nghĩa trang để chào đồng chí, đồng đội.

Nghĩa trang Liệt sĩ Đông Khê rộng hơn 2.000 m2, quy tập hơn 400 mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 200 mộ liệt sĩ trong Chiến dịch Biên giới; những hàng bia mộ xếp hàng dọc, hàng ngang như hình bóng của đội quân trước giờ xung trận. Phía sau có Nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sĩ của huyện Thạch An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979.

Anh hùng La Văn Cầu dâng vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; đến bên từng ngôi mộ, bàn tay run run dọn từng chiếc lá, ngọn cỏ trên mộ đồng đội, bồi hồi cảm động, muốn nói thật nhiều mà lòng nghẹn lại, nước mắt đã chảy dài trên gò má. Ông lặng lẽ thắp nén tâm nhang thay cho lời chào, lời tâm sự ông gửi tới những người đồng đội đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho vùng đất này. Thời gian đã phôi pha nhưng tình cảm với những người đồng chí, đồng đội vẫn thủy chung, son sắt trong trái tim người anh hùng.

Ông tự hào về những đồng đội yêu quý của mình đã hy sinh cho Tổ quốc: “Ngày ấy dẫu biết là sẽ hy sinh nhưng đồng đội tôi vẫn tiến lên phía trước, họ đã ngã xuống như những người anh hùng. Chúng tôi là những người may mắn được chứng kiến chiến thắng đã đổ bằng biết bao máu xương của đồng đội mình”. Cuộc trùng phùng xúc động giữa những người đồng chí, đồng đội đã sát cánh bên nhau trong những năm tháng gian khó, hiểm nguy giờ đã ở hai thế giới, khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1931 tại huyện Trùng Khánh, người dân tộc Tày. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, dù mới 16 tuổi, chàng trai trẻ khi ấy đã khai tăng lên thành 18 tuổi để được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng tiền tuyến gọi, người lính sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ giải phóng quê hương.

Trước khi lên đường, mọi người trong gia đình căn dặn phải phát huy truyền thống quê hương. Và lời dặn dò ấy đã văng vẳng bên tai, theo dọc đường hành quân chiến đấu của người chiến sĩ La Văn Cầu suốt chặng đường tham gia chiến đấu gian khổ và vinh quang. Những lời căn dặn ấy như là mệnh lệnh, ý chí giúp cho chàng trai trẻ La Văn Cầu dù khó khăn gian khổ đến đâu, dù có phải hy sinh cũng không lùi bước, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, được đồng đội quý mến, quyết chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Do thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là Tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Cùng năm đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc. Được phong hàm Đại tá từ năm 1985; ông đã được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, từng là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiến tranh ác liệt, chiến sĩ La Văn Cầu đã phải gửi lại chiến trường một cánh tay phải. Nhưng điều này không làm giảm ý chí và nghị lực của người lính trong cuộc sống hằng ngày. Trở về với cuộc sống đời thường đã lâu và ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng cho nhiều người học tập.

Mỗi khi có dịp, ông lại say sưa kể lại câu chuyện và những kỷ niệm trong trận đánh về một thời chiến đấu hào hùng của cha ông. Qua đó, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm hiểu biết về lịch sử và biết ơn những cống hiến và hy sinh của ông cha ngày trước để có được nền độc lập, tự do như hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Anh hùng La Văn Cầu vẫn luôn in đậm trong tâm trí bao thế hệ, tô thắm thêm truyền thống đáng tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1