Nét văn hóa đặc sắc trong đám cưới của người Lô Lô đen
Lượt xem: 49

Bản Khuổi Khon nằm ở lưng chừng núi, nơi có nhiều cây cổ thụ, thoáng mát và gần nguồn nước. Lễ cưới của người dân tộc Lô Lô đen có nhiều bước, trong đó có lễ dạm hỏi, lễ báo cưới, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. 

Bản Khuổi Khon nằm ở lưng chừng núi, nơi có nhiều cây cổ thụ, thoáng mát và gần nguồn nước. Lễ cưới của người dân tộc Lô Lô đen có nhiều bước, trong đó có lễ dạm hỏi, lễ báo cưới, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. 

dam%20cuoi%20lo%20lo

Đám cưới của người Lô Lô.

Cũng như các dân tộc khác, sau khi chọn được cô gái phù hợp với con trai mình, nhà trai tìm bà mối, chọn ngày lành tháng tốt sang thưa chuyện với nhà gái (gọi là lễ dạm hỏi). Sau khi lễ dạm hỏi thành công, thường sau 2 - 3 năm, lễ cưới chính thức mới được tổ chức. Lễ cưới thường được tổ chức vào tháng 9 - 12 âm lịch, khi đã thu hoạch xong ngô, lúa. Sau lễ dạm hỏi, cô dâu và chú rể danh chính ngôn thuận về chung sống với nhau. Nếu hai gia đình có điều kiện kinh tế thì sẽ tổ chức đám cưới, nếu điều kiện hạn hẹp thì họ được coi như vợ chồng sau lễ dạm hỏi. Có lẽ chính quan niệm này mà nhiều đám cưới diễn ra khi cô dâu và chú rể đã có con. 

Qua tìm hiểu, cô dâu Na Thị Dấn và chú rể Na Văn Chúng đã có với nhau được 2 người con, con trai cả được 5 tuổi và con gái thứ hai hơn 1 tuổi. Lễ vật mang theo đã được hai gia đình thống nhất từ lễ báo cưới. Lễ vật thường là gạo, rượu, thịt lợn và mỗi thứ đều là 1 tạ. Còn về tiền hay trang sức thì tuỳ vào điều kiện của từng gia đình chứ không có quy định cụ thể nào. Sau lễ cưới 3 hôm, cô dâu, chú rể, phụ dâu, phụ rể quay trở lại nhà gái thăm bố mẹ cô dâu còn được gọi là lễ lại mặt. 

Đồ lễ đi đón dâu khá nhiều, nhưng có 4 thứ không thể thiếu đó là rượu, gạo, xôi và ống tre. Ống tre này rất đặc biệt, nhà trai chọn 4 ống tre to, dài gần bằng nhau. Sau khi thịt lợn, xôi được nấu chín sẽ cho vào 4 ống và nút kín, buộc vào 2 đầu của đòn gánh, gánh theo lễ vật. Hai ống tre buộc ở hai đầu đòn gánh phải thẳng vì người Lô Lô rất kỵ nếu hai ống tre bị buộc lệch, sang nhà gái sẽ bị trách và phạt; ở đầu mỗi gánh đồ lễ đều buộc giấy đỏ. Khi sang nhà gái, thịt trong ống tre được mang lên mời mâm trên (mâm cỗ của ông bà, bố mẹ và anh em họ hàng thân thích của cô dâu). Điều này thể hiện sự cảm ơn của nhà trai đối với nhà gái đã nuôi nấng cô dâu trưởng thành, xin phép đón cô dâu về.

Cô dâu dậy từ khi gà gáy để vừa sửa soạn cho bản thân và lo đồ lễ. Vì sau lễ dạm hỏi, cô dâu Na Thị Dấn đã ở bên nhà trai nên đám cưới cô dâu không nhất thiết phải sang nhà mẹ đẻ, cô và phụ dâu dậy sớm, mặc quần áo mới, trang điểm, sửa soạn sau đó lẳng lặng sang nhà mẹ đẻ, đợi chú rể và nhà trai sang đón. 

Trong những món đồ phải mang sang nhà gái có túi đồ nhỏ để quan lang đeo bên trong, gồm có: 1 chai rượu, 1 túi gạo, 4 que hương, thịt lợn  làm lễ. Trước khi ra cửa, quan lang cùng gia chủ kiểm đếm lại số tiền sẽ mang sang nhà gái. Số tiền này không có những quy định cụ thể mà tùy vào điều kiện của nhà trai. Những người cao niên trong làng cho biết, số tiền này sẽ được mang sang biếu ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng thân thích của cô dâu và nếu nhà gái có anh em họ hàng đông thì số tiền mang sang sẽ nhiều hơn. Số tiền này được gói cẩn thận trong giấy màu đỏ hoặc giấy màu hồng và do quan lang cầm.

Dẫn đầu là 2 ông quan lang, sau đó là đồ lễ, người gánh xôi, thịt, gạo, rượu, mọi người xếp thành hàng dài theo thứ tự từng đồ lễ, lễ vật nào quan trọng hơn thì đi trước, cứ thế lần lượt đi ra cửa.  Khi đến nhà gái, quan lang báo với đại diện nhà gái rằng nhà trai đã đến và để được vào nhà thì quan lang nhà gái sẽ lấy lễ vật của nhà trai làm lễ cúng. Sau khi cúng xong, nhà trai mới được phép lên nhà gái và thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Trong lúc đợi quan lang nhà gái làm lễ cúng thì đoàn nhà trai phải đứng đợi ở cửa, nhà gái sẽ cử người ra mời nước và mời rượu. Bài cúng khá dài, nhưng nội dung chính với mục đích xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may mắn để đôi vợ chồng sẽ gặp nhiều thuận lợi, chăn nuôi được nhiều con vật, trồng trọt được nhiều loại cây tốt, mùa màng bội thu, con cái khoẻ mạnh, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc. Sau khi lễ cúng trước cửa nhà gái hoàn thành, đoàn nhà trai mới bước lên nhà gái, đi đầu là quan lang và đi sau là đồ lễ. Đến cửa nhà gái có một mâm được sắp sẵn, trên mâm gồm có rất nhiều bát rượu và một, hai bát  thịt lợn. Trước khi bước vào nhà gái thì tất cả mọi người trong đoàn nhà trai phải uống rượu và ăn thịt lợn. Quan lang của hai bên gia đình ngồi cùng bàn uống nước. Quan lang nhà trai bắt đầu đứng dậy hát, sau đó quan lang nhà gái cũng hát đáp lại lời.

 

Từ khi bước vào nhà gái, quan lang hai bên luôn bận rộn với các thủ tục từ việc hát mời chào cho đến hát đối đáp với nhã ý cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng cô dâu. Vì vậy mà sau mỗi lần hát, quan lang nhà trai sẽ đưa tiền cho quan lang nhà gái, số tiền này sẽ được quan lang nhà gái ghi chép lại cẩn thận và trao tận tay từng thành viên trong gia đình của cô dâu. Sau mỗi lần quan lang nhà trai đưa tiền thì quan lang và đại diện nhà gái sẽ mời rượu quan lang nhà trai. 

Đến giờ đón dâu về, quan lang nhà trai tiếp tục đứng dậy hát để xin phép ra về. Lúc này ở phía trước cửa ra vào cũng lại có mâm rượu để trước khi ra về mọi người ai nấy cũng đều phải uống tạm biệt. Khi mỗi người trong đoàn nhà trai ra về, nhà gái sẽ cử một người đại diện phát lộc cho từng người. Và nhà gái sẽ đưa nhà trai đến hết cầu thang, lúc này nhà trai mới được đón lễ đi về. Theo phong tục cưới của người Lô Lô thì dù lấy vợ xa hay gần thì đi được nửa đoạn đường cũng phải dừng lại nghỉ ngơi, nếu đi đường xa thì họ sẽ dừng lại ăn cơm, uống nước. Khi đến nhà trai quan lang nam có nhiệm vụ quan trọng đó là treo rèm cửa buồng của cô dâu, còn quan lang nữ thì sẽ xếp vải trắng, xếp chăn, màn vào tủ cho cô dâu.

Khi công việc đón dâu hoàn thành, mọi người vui vẻ với nhau bên mâm cơm. Lễ cưới diễn ra tốt đẹp và điều này khiến cho người Lô Lô tin rằng cuộc sống sau này của cô dâu và chú rể sẽ có nhiều may mắn, thuận lợi, cuộc sống hạnh phúc.

 Với người phụ nữ Lô Lô, trang sức bằng bạc trong đám cưới có vai trò rất quan trọng vì từ xa xưa con gái đi lấy chồng sẽ được mẹ trao cho những món đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay. Những món trang sức này được truyền từ đời này qua đời khác, dù nghèo khó họ cũng không mang đi bán. Có lẽ vì vậy mà so với các dân tộc khác, bộ trang sức của người phụ nữ Lô Lô còn tương đối đầy đủ và còn giữ được những món đồ từ nhiều đời để lại.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1