Một số nghề, làng nghề truyền thống ở Cao Bằng
Lượt xem: 19512
Ở Cao Bằng, các nghề, làng nghề đã có từ rất lâu; người dân vẫn lưu giữ, say mê với nghề. Công nghiệp sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng phát triển, có nhiều sản phẩm có thể thay thế các sản phẩm từ làng nghề, tuy nhiên sản phẩm từ các làng nghề được làm thủ công có nét đặc trưng riêng, được duy trì, sử dụng theo phong tục tập quán của người dân nên vẫn có vị trí khác biệt trên thị trường, được duy trì và phát triển.

Ở Cao Bằng, các nghề, làng nghề đã có từ rất lâu; người dân vẫn lưu giữ, say mê với nghề. Công nghiệp sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng phát triển, có nhiều sản phẩm có thể thay thế các sản phẩm từ làng nghề, tuy nhiên sản phẩm từ các làng nghề được làm thủ công có nét đặc trưng riêng, được duy trì, sử dụng theo phong tục tập quán của người dân nên vẫn có vị trí khác biệt trên thị trường, được duy trì và phát triển.

Làng nghề làm đường phên:

Xóm Bó Tờ được biết đến là cái nôi của làng nghề truyền thống mía đường, làng nghề có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hàng năm vào thời điểm tháng 11 bà con nhân dân ở đây sau mỗi vụ mùa thu hoạch lại tiến hành làm những mẻ đường phên ngọt lành mang tinh túy của những cây mía tươi tốt. Sản phẩm được bán tại chợ phiên và các huyện lân cận.

Nghề rèn:

 

Du khách trải nghiệm làm nghề rèn thủ công truyền thống người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên). (Ảnh theo baocaobang.vn)

Sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng. Từ năm 1960, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp rèn sắt Phia Chang và sau này là Hợp tác xã rèn thủ công Phúc Sen ra đời. Từ đó, nghề rèn dần lớn mạnh, sản phẩm rèn của Phúc Sen đã vươn ra các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, sang cả Trung Quốc. Mặc dù các sản phẩm ở đây không bắt mắt, lại có giá bán cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn đúc với khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển. Có thể nói, nghề rèn đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Phúc Sen, góp phần quan trọng tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã này. Đồng thời, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua nghề rèn truyền thống ở nơi đây cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm Cao Bằng.

Nghề sản xuất miến:

Nghề làm miến dong tại huyện Nguyên Bình đã có  từ lâu đời và trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Miến dong Nguyên Bình có đặc điểm sợi miến dai, sau khi nấu để lâu không bị bở, nát, giá bán giao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.  Sản phẩm này được sản xuất từ bột dong riềng nguyên chất, không sử dụng chất tẩy mầu, chất bảo quản; được phơi trực tiếp bằng nắng mặt trời giúp miến khô tự nhiên và có hương vị đặc trưng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nghề đan lát mây tre:

Đan lát không chỉ là nghề truyền thống lâu đời của người Tày, Nùng Cao Bằng mà từ lâu đã trở thành một sản phẩm được công nhận bởi sự tinh tế và bền chắc phục vụ cho nhu cầu của nông dân. Những mặt hàng mây tre đan được bày bán tại khắp các chợ phiên trong tỉnh. Sản phẩm đan lát mây tre nơi đây khá đa dạng và phong phú, gồm: lồng gà, vịt; sọt gánh, bồ đựng thóc... Nghề đan lát không những góp phần đem lại thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ nét đặc trưng của dân tộc, một phong tục, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời.

Người Tày ở xã Phong Châu (Trùng Khánh) gìn giữ và phát huy nghề đan lát truyền thống.(Ảnh theo baocaobang.vn)

 

Nghề làm hương:

Sản phẩm hương của người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên không chỉ được phục vụ chính đồng bào Nùng An mà còn được nhiều người dân tộc khác ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt trên khắp các chợ phiên, thị trường trên địa bàn tỉnh bởi hương thơm đặc trưng, dễ chịu và đảm bảo an toàn vì được làm từ những nguyên liệu trong tự nhiên. Làm hương có nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trong rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu với nhau. 

Nghề làm giấy bản: 

Nguyên liệu để làm giấy bản của người Nùng An được làm từ vỏ cây “mạy sla”. Mỗi bể giấy bản sử dụng 2 kg vỏ “mạy sla” sẽ làm được 40 - 50 tệp giấy bản thành phẩm. Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, bởi sau khi chặt cây tước lấy vỏ, tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò. Nghề làm giấy bản đang được người Nùng An bảo tồn và phát huy đem lại thu nhập ổn định. 

Nghề dệt thổ cẩm:

 

Thổ cẩm của người Tày Cao Bằng (Ảnh theo baocaobang.vn)

Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với hoa văn đẹp mắt, mang đậm sắc thái dân tộc.

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc. Ở Cao Bằng, nghề dệt thổ cẩm phát triển mạnh ở xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (huyện Hà Quảng) và khu vực thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An). Các sản phẩm thổ cẩm hiện nay cũng khá phong phú, đường nét, màu sắc đẹp hơn và là món quà lưu niệm ý nghĩa mà các du khách thường chọn mua để tặng người thân và bạn bè khi có dịp đến với Cao Bằng.

 Nghề chạm khắc bạc:

Từ lâu đời, đồng bào Dao Đỏ ở Cao Bằng đã có nghề chạm bạc truyền thống, sản phẩm từ bạc là những đồ trang sức phục vụ cho nhu cầu thị hiếu của người Dao, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài chức năng làm đẹp, trang sức bạc của người Dao cũng được đánh giá như là sự thể hiện đẳng cấp, khả năng kinh tế của mỗi gia đình; bạc còn giúp họ tránh được bệnh tật như bệnh cảm, cúm.... Với người Dao, trang sức bạc là vật không thể thiếu trong đời sống của họ.

Chạm vòng cổ thường đeo cùng với trang phục truyền thống (Ảnh theo baocaobang.vn)

Bạc được dùng làm đẹp cho phụ nữ, bởi trên trang phục phụ nữ Dao hầu hết đều gắn  bạc như: Cúc áo, vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn, hoa bạc; Bạc dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Trong ngày cưới, thông thường cô dâu phải có ít nhất một bộ trang sức bạc.

Trải qua thời gian, đến nay nghề chạm bạc vẫn tồn tại và có một vị trí nhất định trong đời sống của đồng bào Dao Đỏ ở Cao Bằng. Nghề chạm bạc không những tạo ta sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người Dao Đỏ.

Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở Cao Bằng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi.

Dương Liễu (T.H)





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1