Lòng dân Cao Bằng với “Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Lượt xem: 1720

Giành chính quyền về tay nhân dân bằng đội quân công nông là tư tưởng chỉ đạo đấu tranh vũ trang của Đảng được thể hiện trong Chính cương vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo ngay khi Đảng ta ra đời.

 

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những bài học kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Người khẳng định: “Con đường giải phóng dân tộc ta là con đường cách mạng bạo lực, vũ trang khởi nghĩa”. Tại Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã xác định rõ: "Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện nay". Hội nghị đề cập những vấn đề lớn của cách mạng, trong đó nhấn mạnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã hăng hái tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ngay từ khi đội quân chủ lực đầu tiên đang còn trong trứng nước. Xây dựng lực lượng chính trị là cơ sở hình thành lực lượng vũ trang, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo thí điểm Mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc ở ba châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình.

Hầu hết các giai tầng trong xã hội đều hăng hái tham gia các tổ chức thành viên: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào thành lập Mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể đã lan rộng khắp phạm vi toàn tỉnh, khí thế cách mạng quần chúng dâng cao.

Phát triển lực lượng chính trị đến đâu xây dựng lực lượng vũ trang đến đó theo tinh thần chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: "Ở đâu có Việt Minh là ở đó có tự vệ". Mọi hoạt động hình thành nên các đội tự vệ tăng cường cho lực lượng vũ trang đều được cưu mang giữa lòng dân, được đồng bào gìn giữ bí mật, giúp đỡ về mọi mặt như: tiếp tế, ăn ở, canh gác, bảo vệ...

Đặc biệt có nhiều gia đình tuy nghèo nhưng vẫn tìm cách bán vải vóc, tư trang, ruộng vườn, nương rẫy, trâu, bò để mua vũ khí và hăng hái tham gia lực lượng vũ trang. Nhờ đó, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ĐVNTTGPQ).

Xây dựng căn cứ địa cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dựa trên nền tảng lực lượng chính trị, các tổ chức đoàn thể quần chúng và sự hình thành, phát triển lực lượng vũ trang. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan tâm trực tiếp chỉ đạo, nhân dân các dân tộc tỉnh tạo nên khu căn cứ địa cách mạng rộng lớn, kết nối được hành lang liên hoàn từ Pác Bó (Hà Quảng), Lam Sơn (Hòa An) đến Thiện Thuật, Quang Trung của đồng bào Dao, Mông (Nguyên Bình). Địa bàn cách mạng Việt Bắc rộng mở, thông thương về đến trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Quá trình xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, cùng với Hà Quảng, Hòa An, châu Nguyên Bình là một trong những điểm sáng nổi bật của tỉnh Cao Bằng. Là châu sớm có phong trào cách mạng, ngay từ năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện ra đời. Do biết dựa vào dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nơi đây đã hội tụ toàn bộ những yếu tố tiền đề, điều kiện cho sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, ĐVNTTGPQ được thành lập với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trong đó có 25 người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Nhân dân các dân tộc vinh dự, tự hào góp phần làm "bà đỡ" cho sự kiện trọng đại này. Sau khi ra đời, Đội lập công xuất sắc, đánh thắng ngay trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần, mở ra trang sử hào hùng truyền thống "bách chiến, bách thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau đó, ĐVNTTGPQ trở thành nhân cốt cho lực lượng vũ trang cách mạng, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc giải phóng Cao Bằng, hòa vào dòng thác cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đáp Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, nhân dân Cao Bằng ra sức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách như: củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch phòng thủ, tiêu thổ kháng chiến.

Với tình cảm "đi dân nhớ, ở dân thương", bộ đội đóng quân ở đâu thì chính quyền và nhân dân nơi đó kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn cho chiến sĩ. Đồng thời tự giác quyên góp tiền, vàng, mua vũ khí, thuốc men, đạn dược để các chiến sĩ yên tâm giữ chắc tay súng giết giặc lập công. Nhờ đó Cao Bằng góp phần xứng đáng đập tan cuộc tấn công chiến lược của thực dân Pháp trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. Âm mưu của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta bị phá sản hoàn toàn.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tình cảm nhân dân với anh “Bộ đội Cụ Hồ” được nhân lên gấp bội trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Với tinh thần tất cả cho chiến dịch toàn thắng, sát cánh cùng Trung đoàn 174, 209, Đại đoàn 308 và các tiểu đoàn bộ binh độc lập, nhân dân Cao Bằng đóng góp 5.700.000 ngày công, ủng hộ 2.346 tấn thóc, gạo, 250 tấn ngô, 10.428 con trâu, bò, 243 con ngựa thồ.

Trong "Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh khen: "… Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như góp quân lương, sửa đường sá, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội... Tôi thay mặt Chính phủ cảm tạ đồng bào". Mặt trận Đông Khê diễn ra trên quê hương của mình nên đồng bào Cao Bằng từ già đến trẻ đều tham gia chiến dịch, tận tình với “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu.

Đặc biệt, trong mưa bom, bão đạn đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu, phục vụ chiến đấu quả cảm của con em các dân tộc như: Tiểu đội trưởng Lý Viết Mưu, Tiểu đội phó La Văn Cầu và những tấm gương điển hình của dân công hỏa tuyến: Đinh Thị Dậu, Triệu Thị Soi, Đinh Thị Đồng, Đinh Thị Mận, Đàm Thị Nhay, Nông Thị Dương... Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, Chiến dịch Biên giới toàn thắng.

Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", năm 1953 - 1954, nhân dân các dân tộc Cao Bằng huy động sức người, sức của, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là công lao to lớn của cả nước, trong đó Cao Bằng tự hào đóng góp xứng đáng vào thành quả chung và vinh dự có các Anh hùng Lực lượng vũ trang: Bế Văn Đàn, Phùng Văn Khầu, Lộc Văn Trọng, Hoàng Văn Nô là những người con thân yêu của Cao Bằng.

Lòng dân với “Bộ đội Cụ Hồ” trở nên sâu nặng, bền chặt ngay từ khi "thai nghén" ra ĐVNTTGPQ - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Tình quân - dân "cá - nước" ngày càng được bồi đắp và đơm hoa kết trái bằng những chiến thắng vang dội, suốt chặng đường dài của cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Nghĩa tình nhân dân Cao Bằng với “Bộ đội Cụ Hồ” mãi mãi in đậm trong trang sử vàng truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1