Lễ cầu mùa của người Tày, Nùng
Lượt xem: 3490

Tháng 4, tháng 5 âm lịch hằng năm, khi những thửa ruộng lên lớp mạ non, ruộng ngô chuẩn bị thu hoạch cũng là lúc bà con dân tộc Tày, Nùng huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh tổ chức Lễ cầu mùa. Ðây là nghi lễ quan trọng trước khi bắt đầu một vụ mùa mới, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Cúng thổ công là nghi lễ quan trọng được người dân chuẩn bị chu đáo.

Xóm Lũng Sặp, xã Quốc Toản (Quảng Hòa) có 22 hộ, đa số là dân tộc Nùng (nhóm Phàn Slình) sinh sống. Đời sống người dân nơi đây gắn với sản xuất nông nghiệp, vì vậy, trước khi vào mùa vụ mới, người dân tổ chức Lễ cầu mùa. Lễ cầu mùa của người Tày, Nùng ở Lũng Sặp đã có từ lâu đời, các nghi thức chính được gìn giữ gần như nguyên bản và trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Mỗi lần làm lễ là một lần bà con trong xóm gửi gắm ước mong về sức khỏe, mùa màng, cuộc sống đến các vị thần linh.

Trước khi thực hiện nghi lễ, xóm họp bàn, thống nhất chọn ngày tổ chức. Theo phong tục, Lễ cầu mùa được tổ chức vào "ngày Mão - con mèo" tháng 5 âm lịch và thu hoạch vào "ngày Dần - con hổ" hằng năm ("Đăm nà vằn Mạo/Khẩu dảo vằn Dần") với ý nghĩa tượng trưng cho sự chăm chỉ, một vụ mùa thắng lợi, no đủ. Năm nay, xóm chọn ngày 9/5 âm lịch, tức ngày Tân Mão là ngày cấy đầu tiên của làng; buổi chiều ngày làm lễ, mọi người cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đồ cúng, nấu nướng, tiếp đó là cúng thổ công và tập trung ăn uống tại miếu thờ thổ công. Phần cúng miếu thổ công do trưởng bản thực hiện.

Là hộ gia đình đại diện cho xóm thực hiện lễ cúng thổ công và cấy những cây mạ đầu tiên, bà Lương Thị Minh, xóm Lũng Sặp cho biết: Một năm chỉ cấy một vụ chính là vụ hè thu, thiếu thốn hay no đủ sẽ phụ thuộc rất lớn vào vụ mùa này, vì vậy, Lễ cầu mùa được bà con chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là nghi thức cúng thổ công. Lễ vật phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, gồm có thủ lợn, gà luộc, xôi, rượu…

Sau nghi thức cúng thổ công, đại diện nhà trưởng bản sẽ đi cấy đầu tiên, sau đó người dân trong làng mới được cấy. Sau khi thực hiện các nghi thức, mọi người cùng đến miếu, mỗi gia đình sẽ cử một người đại diện để đi dự lễ. Điều thú vị của Lễ cầu mùa nơi đây là khi đến dự, ai cũng tự giác mang theo bát đũa để ăn và giúp nhau dọn dẹp, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa trò chuyện việc gia đình, việc làng xóm. Mâm cỗ dù đơn giản nhưng ấm cúng và mang đậm bản sắc dân tộc, số thịt cúng còn lại sẽ chia đều cho các gia đình.

Kết thúc nghi lễ, trước khi ra về, mọi người trong xóm xếp thành 2 hàng đứng ngay ngắn trước miếu thờ thổ công. Sau khi thắp hương, trưởng bản thực hiện bài khấn xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông, nuôi được nhiều trâu, bò, nhà nhà ấm no, khỏe mạnh, tránh được những rủi ro như mưa lũ, hạn hán, sâu bọ phá hoại…

Mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng riêng. Xóm Bản Hía, thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh) là xóm biên giới có 68 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng định cư tại đây từ nhiều thế hệ. Lễ cầu mùa cũng có từ rất lâu đời, đến nay vẫn được người dân duy trì thực hiện. Trong năm, xóm tổ chức 3 lễ cúng, lễ cúng lần thứ nhất vào tháng 2 âm lịch là lễ cúng trừ bệnh dịch cho mùa trồng cấy; lễ cúng lần 2 vào tháng 5 cầu sức khỏe, cầu vụ mùa; cúng lần thứ 3 vào tháng 8 âm lịch sau gặt hái xong vụ mùa. Những ngày làm lễ cúng được chọn vào các ngày tốt. Lễ cầu mùa là nghi lễ quan trọng thứ 2 trong năm, đánh dấu thời điểm bước vào mùa vụ mới với ước mong mùa màng tươi tốt, thuận lợi, người dân có cuộc sống bình an, no ấm. Năm nay, nghi thức cúng thổ công được thực hiện vào ngày mùng 8/5 âm lịch - ngày Canh Dần.

Theo thông lệ, đến ngày làm lễ, người dân tập trung tại miếu thổ công ở đầu làng để tiến hành các nghi thức, chuẩn bị lễ vật dâng cúng và cùng nhau nấu nướng. Lễ vật cúng gồm: 1 con lợn, 1 con gà, rượu, 2 bát tiết canh,... Nghi lễ được thực hiện từ 20 - 30 phút, bà con lần lượt dâng hương cầu xin thần linh phù hộ những điều tốt lành cho dân bản và gia đình. Sau khi cúng mọi người cùng nhau ăn uống chung, thụ lộc tại miếu.

Trưởng xóm Bản Hía Nông Văn Nhân chia sẻ: Lễ cầu mùa là nghi thức truyền thống không thể thiếu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân trong xóm, đây không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để người dân cùng ngồi lại với nhau ăn uống, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, biểu hiện của sự đoàn kết, nhất trí, cố kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của người dân nơi đây.

Lễ cầu mùa là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng, thể hiện sự gắn kết giữa con người với thế giới siêu nhiên và các vị thần bảo trợ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng. Lễ cầu mùa hiện nay còn tồn tại và duy trì theo đúng nghi lễ truyền thống, được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành tục lệ của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, góp phần vào sự đa dạng nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1