Khúc hát lượn Then đặc sắc của người Tày
Lượt xem: 2808

Lượn Then là những khúc hát giao duyên của nam, nữ thanh niên người Tày ở miền Đông, thể hiện cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và tình yêu đôi lứa. Các cuộc lượn Then được nam, nữ tổ chức hát ở trong nhà hoặc ngoài trời. Các bài lượn được chép trong quyển sổ nhỏ thành chương, mục cụ thể. Riêng hát ngoài trời thì ứng khẩu theo nội dung.

Lượn Then là những khúc hát giao duyên của nam, nữ thanh niên người Tày ở miền Đông, thể hiện cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và tình yêu đôi lứa. Các cuộc lượn Then được nam, nữ tổ chức hát ở trong nhà hoặc ngoài trời. Các bài lượn được chép trong quyển sổ nhỏ thành chương, mục cụ thể. Riêng hát ngoài trời thì ứng khẩu theo nội dung.

Dem%20tho_copy%20copy

Tiết mục hát then trong Đêm thơ Nguyên tiêu Bính Thân năm 2016.

Hát lượn trong nhà thường diễn ra khi có con trai, con gái làng khác đến nghỉ trọ. Sau bữa cơm tối, nam nữ thanh niên trong làng rủ nhau đến nhà có khách nghỉ trọ để hát lượn. Họ chủ động cất tiếng hát. Những câu hát đầu tiên thường là hát mời, hát chào bằng tiếng phổ thông, hoặc tiếng Tày: Anh ơi... anh ơi.../Người đồn khách lạ vào làng/Em đây xin bắc cầu vàng sang chơi.

Nếu không biết hát, hoặc không muốn hát, khách có thể hát lời từ chối: Em ơi...em ơi... /Anh đây xin chối em về/Hát ra chẳng có lợi gì đôi bên/Anh ơi! chớ hát chớ khuyên/Đầu làng chú bác nhà bên mất nằm...

Phần lượn mời, thời gian ngắn hay dài phụ thuộc vào khách được mời: Anh ơi... anh ơi...!/Cao cũng thể cây mai lá mỏng/Gió la đà còng võng xuống sân/Lọ nữa là nhân tâm dương thế/Cuộc đời đâu là chỉ để mưu sinh/Em gửi lời khuyên anh hãy lượn. Hoặc: Cất tiếng vọng về đến quê hương/Chàng có công đến mường này nghỉ/Chớ để em nài nỉ làm chi/Nài nỉ quá lắm khi nhàm chán/Hãy để em hát tạ đôi câu/Đừng để em âu sầu tủi hổ…

Nếu khách không đáp lời bằng lời hát, chỉ từ chối bằng lời nói, chủ hát mời mãi không được thì cuộc hát lượn không thành. Nếu khách đáp lại, cuộc lượn sẽ bắt đầu; khi đã hát, phải hát cho tới sáng. Cũng có thể do một trong hai bên kém tài, lượn không cân xứng đành phải bỏ cuộc.  

Cuộc lượn không thể thiếu hồi lượn kết. Nội dung gửi lời chào tới mọi người trong nhà, trong bản, lời nhắn nhủ làm quen, gắn kết tình thân: Anh ơi... Anh ơi...!/Hôm nay gặp bạn thân sinh/Gửi lời xin tỏ thực tình giờ đây/Một là chào mẹ, chào thầy/Hai là chào khách đông, tây trong nhà/Ba là chào bạn phương xa/Bốn là thưa với ông bà bậc trên/Năm là dâng tới tổ tiên/Sáu là chào cả hai bên họ hàng/Bảy lời mừng đến xóm làng... /Mười lời đáp lại thì ta chào tình.

Và bao giờ cũng vậy, lượn chia tay (lượn piảc) là phần lượn lâm ly, da diết nhất. Tình cảm bịn rịn, nhớ nhung thẫm đẫm trong từng câu hát: Piảc pỉ bặng piảc thoả rặng đang/Chứ căn nặm tha lồng rời rợi/Pền răng tẻ pây đuổi gàm tin/Lìa căn pây rừ kin rừ dú/Piầu ngài nhằng tói thú cằn bôm/Căm pát nặm tha lồng lít liệng/Bứa lai oóc kha tàng pây dặng/Đảy nhìn tiểng mèng slắng thêm buồn/Mì pích tẻ bân mừa thõng thỉnh/Lại vì pền một mỉnh pây đai/Pền răng vặn thân thai tả dảp/Tả sle noọng vọng piảc riết lai/Khuyên mừa thâng rậy gần chứ đuổi. Dịch: Chia tay anh như bỏ thắt lưng/Nước mắt tràn rơi đều chan chứa/Ước gì cùng sánh bước lên đường/Xa nhau thực bồn chồn khó nghĩ/Bữa ăn nhìn đôi đũa nhớ mình/Cầm bát nghẹn lệ tràn mi đẫm/Buồn quá bước ra đường ngóng đợi/Tiếng ve than thêm đốt lòng sầu/Giá có cánh bay ngay tới đó/Nhưng thân này cất bước sao đây/Ước cho hồn lìa xác yên thân/Bỏ để em ngóng trông thương nhớ/Khuyên đến chàng hãy nhớ bóng hình.

Sau những cuộc lượn ngày xuân gặp nhau, về nhà bần thần thương nhớ: Vằn puồn khửn pjai phja mừa nhỏm/Chứ thâng nghịa vằn cón sloong rà/Nặm tha luây lồng mà rằm nả/Điếp đuổi pỉ pây vạ bấu thâng/Ngoải nẳng tẻ phác lồm mừa hẩư/Chắc cạ pỉ nhằng chứ bấu nò/Nặm pế luây khửn pò cỏi tả/Phầy tẻ mẩy nặm tả cỏi lìa/Kết căn hẩư pền bia thiên hạ/Slắng rèo lồm bạn khoả cỏi slương/Phác tiểng thâng táng mường cỏi ngặm. Dịch: Ngày buồn lên đỉnh núi mà trông/Nhớ đến nghĩa ngày trước đôi ta/Nước mắt tuôn hai má ròng ròng/Bởi yêu anh mà không đến được/Ngồi xuống nhờ gió chuyển lời thương/Biết tâm anh còn nhớ không nhỉ/Nước bể chảy lên núi mới lìa/Lửa cháy nước suối kia mới bỏ/Kết nhau để thành bia thiên hạ/Nhắn lời bay theo gió hãy thương/Gửi lời đến khác mường hãy ngẫm.

Lượn Then cũng như các làn điệu dân ca khác được các thế hệ cha ông lưu giữ qua việc truyền khẩu và không ngừng sáng tạo thêm phong phú, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người trong cuộc sống luôn sống mãi với thời gian.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1