Hoàng Như - người chiến sỹ cả đời cống hiến cho cách mạng
Lượt xem: 40

Đồng chí Hoàng Như tên thật là Hoàng Văn Nọn (bí danh Hoàng Tú Hưu, Tú Hưu, Hoàng Ngọc Như, Hoàng Như, Văn Tân, Hoàng Lương Hữu, Thiết, Hoàng Vĩnh Tuy), sinh năm 1906 tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng), là một trong những cán bộ tiền bối, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp không chỉ cho Cao Bằng mà còn đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Đồng chí Hoàng Như tên thật là Hoàng Văn Nọn (bí danh Hoàng Tú Hưu, Tú Hưu, Hoàng Ngọc Như, Hoàng Như, Văn Tân, Hoàng Lương Hữu, Thiết, Hoàng Vĩnh Tuy), sinh năm 1906 tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng), là một trong những cán bộ tiền bối, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp không chỉ cho Cao Bằng mà còn đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước.

hoang%20nhu%20copy_copy

Khi còn nhỏ, đồng chí Hoàng Như được đi học nên sớm có lòng yêu nước nồng nàn. Sau khi được đồng chí Hoàng Đình Giong giác ngộ, đồng chí Hoàng Như và đồng chí Nông Văn Đô tích cực tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh, vận động nhân dân trong xã không đi phu cho Pháp. Tháng 9/1928, khi đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động tại Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), có thư mời đồng chí Hoàng Như và đồng chí Lê Đoàn Chu sang Long Châu gặp các đồng chí Hoàng Đình Giong, Bùi Ngọc Thành..., là đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, để bồi đưỡng về lý luận cách mạng và cách thức lập đường dây liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Sau đó đồng chí Hoàng Như về nước hoạt động tại nhiều vùng ở Cao Bằng.

Tháng 10/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong tiếp tục có thư mời đồng chí Hoàng Như và đồng chí Lê Đoàn Chu sang Long Châu để cùng các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Bùi Ngọc Thành, Hoàng Văn Thụ, Vi Sơn Nam, Vi Sơn Bào, Vi Nam Sinh, Nguyễn Dương... tiếp tục học tập, nghiên cứu lý luận cách mạng; khi kết thúc kỳ học, đồng chí Lê Hồng Sơn ở Nam Ninh (Quảng Tây) lên Long Châu (Trung Quốc), làm lễ kết nạp đồng chí Hoàng Như và đồng chí Lê Đoàn Chu vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, giao nhiệm vụ về Cao Bằng hoạt động, tiếp tục vận động đưa một số thanh niên ưu tú sang Long Châu học tập.

Đồng chí Hoàng Như về nước hoạt động, đến tháng 12/1929, được đồng chí  Lê Hồng Sơn mời sang Long Châu, tổ chức kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng) cùng với các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, tuyên bố thành lập Chi bộ hải ngoại tại Long Châu. Sau đó, đồng chí Lê Hồng Sơn và đồng chí Hoàng Đình Giong cử đồng chí Hoàng Như về Cao Bằng chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và lựa chọn những cán bộ ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng, tiến tới thành lập chi bộ Đảng. Ngày 1/4/1930, đồng chí Hoàng Như làm lễ kết nạp hai đồng chí: Lê Đoàn Chu (Nam Cao), Nông Văn Đô (Bích Giang) vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung (Hoà An), do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư. Chi bộ ra đời như một Tỉnh uỷ lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh .

Từ khi chi bộ ra đời và chỉ đạo, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh, các cơ sở đảng, chi bộ lần lượt ra đời ở nhiều xã tại các huyện: Hoà An, Hà Quảng, Thạch An, Quảng Uyên... Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, từ năm 1930 - 1932, hàng loạt cuộc đấu tranh, tổ chức rải truyền đơn tại thị xã Cao Bằng và các huyện: Hoà An, Nguyên Bình, Quảng Uyên... Đặc biệt là các cuộc đấu tranh, biểu tình chống bắt phu, đòi quyền lợi khi đi phu diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Như, nhân dân 4 tổng: Tượng Yên, Hà Đàm, Nhượng Bạn, Tịnh Oa, nay là phường Đề Thám và các xã: Vĩnh Quang, Hưng Đạo (Thành phố), Hoàng Tung, Hồng Việt, Bình Long, Bế Triều, Đức Long, Nam Tuấn (Hoà An), đã cử một đoàn đại diện cho nhân dân Cao Bằng, do đồng chí Hoàng Như làm trưởng đoàn đưa đơn kiến nghị về Hà Nội gặp Thống sứ Bắc Kỳ, với các yêu sách: Ngày mùa không được bắt nhân dân đi phu; Nếu bắt đi phu phải trả tiền ít nhất mỗi ngày 3 hào cho một người; Có đủ gạo ăn trong thời gian làm phu. Với sự kiên trì đấu tranh, nhân dân ta giành thắng lợi. Song, đồng chí Hoàng Như và một số người bị bắt giam 3 tháng. Thắng lợi đó đã khích lệ nhân dân các địa phương tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn. Trải qua đấu tranh, Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, có hệ thống vững chắc từ tỉnh đến cơ sở, vì vậy tháng 7/1933, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư. 

Sự lớn mạnh của Đảng bộ càng củng cố thêm lòng tin của nhân dân, do đó phong trào cách mạng ở Cao Bằng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng, đây là một trong những điều kiện để cuối năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định cử đồng chí Hoàng Như là Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, làm đại biểu chính thức tham gia đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva (Liên Xô cũ, tháng 7/1935) và tham luận về vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng. Trước khi tham dự Đại hội, đồng chí Hoàng Như và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu vào học Đại học Phương Đông tại Matxcơva. Ngày 10/12/1934, đồng chí Hoàng Như và các đồng chí trong đoàn được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến thăm và nói chuyện. Sau khi tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hoàng Như và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục học đến năm 1937 thì được bố trí qua Đức, Pháp, Ý... về Hồng Kông (Trung Quốc) để về nước. Sau khi đến Hồng Kông, đồng chí Hoàng Như đến Thượng Hải gặp đồng chí Lê Hồng Phong là đại diện của Quốc tế Cộng sản đang triệu tập hội nghị phổ biến chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng. Sau khi họp hội nghị, đồng chí Lê Hồng Phong cử đồng chí Hoàng Như làm đặc phái viên của Trung ương về nước củng cố Liên xứ ủy Trung - Bắc kỳ. Giữa năm 1937, đồng chí Hoàng Như về Cao Bằng, xuống Hà Nội gặp các đồng chí Xứ uỷ cũ (Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh)... triệu tập cuộc họp để bầu lại Liên xứ uỷ, đồng chí Hoàng Như được bầu làm Bí thư Liên xứ uỷ Trung - Bắc kỳ. Đồng chí Hoàng Như đã tích cực đi các địa phương chỉ đạo, củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng. Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, đồng chí Hoàng Như cùng các đồng chí Xứ uỷ vận động nhân dân Hà Nội, Hà Đông tổ chức cuộc mít tinh lớn để biểu dương lực lượng tại khu Đấu Xảo, Hà Nội. 

Cuối năm 1938, với cương vị là Bí thư Xứ uỷ, đồng chí Hoàng Như về Hà Đông trực tiếp chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông, sau đó nhiều cơ sở đảng xung quanh Hà Nội được phục hồi và đẩy mạnh phong trào đấu tranh. Trước tình hình đó, địch khủng bố ráo riết, ngày 1/1/1939, đồng chí Hoàng Như bị Pháp bắt tại Hà Nội và đưa về Cao Bằng giam, song không tìm được chứng cứ khép tội, Pháp buộc phải tha tù. Đồng chí Hoàng Như lại xuống Hà Nội gặp Xứ uỷ và được giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu B (gồm các tỉnh Hải Dương, Quảng Yên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, Kiến An và thành phố Hải Phòng). Tháng 8/1940, Pháp lại giăng lưới bắt được đồng chí Hoàng Như tại Hải Phòng, bị kết án 5 năm tù giam và đưa về nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Đầu năm 1945, đồng chí Hoàng Như cùng các đồng chí: Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh... vượt ngục về huyện Chương Mỹ, Hà Đông hoạt động, sau đó về Cao Bằng tiếp tục hoạt động, tham gia lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

pho%20hoang%20nhu_copy

Phố Hoàng Như, thành phố Cao Bằng.

Năm 1946, đồng chí Hoàng Như được Tỉnh uỷ phân công phụ trách huyện Bảo Lạc (nay là huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm); năm 1947 được giao phụ trách các huyện biên giới phía đông Cao Bằng; năm 1948 chuyển về Trường Đảng Hoàng Văn Thụ làm giảng viên; sau đó chuyển về phòng Quốc dân Liên khu I; cuối năm 1949, chuyển sang Ban củng cố Việt Bắc công tác; đến năm 1950 chuyển lên Bộ Nội vụ giữ chức Trưởng phòng Miền núi, Bí thư Chi bộ Bộ Nội vụ. Đồng chí Hoàng Như đã tích cực giúp Trung ương củng cố, tăng cường sức mạnh chính quyền của ta ở vùng địch tạm chiếm tại nhiều tỉnh. Từ năm 1954 - 1956, phụ trách các đoàn cán bộ cải cách ruộng đất tại các tỉnh. Năm 1961, được bầu giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng. Năm 1968, đồng chí qua đời do sức khỏe yếu.

Với những công lao và cống hiến, đồng chí Hoàng Như đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã dành một trong những đường phố to đẹp tại trung tâm Thành phố mang tên Hoàng Như.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1