Đường Pác Bó
Lượt xem: 881

Tự hào với mảnh đất quê hương cách mạng,  với địa danh Pác Bó lịch sử đã ghi đậm dấu ấn, tạo nên bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng dành một con đường ở Thành phố mang tên “Pác Bó”.

Tự hào với mảnh đất quê hương cách mạng,  với địa danh Pác Bó lịch sử đã ghi đậm dấu ấn, tạo nên bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng dành một con đường ở Thành phố mang tên “Pác Bó”.

 

pac%20bo%202

Đường Pác Bó, thành phố Cao Bằng.

 

Bản Pác Bó thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), là một bản người Nùng, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nằm trong một thung lũng, xung quanh là núi đất và núi đá. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chế độ thực dân, phong kiến kìm hãm, cuộc sống đồng bào cực khổ. Cả làng chỉ có một người (Dương Đại Lâm) biết chữ Quốc ngữ, còn lại chỉ một vài người biết chút chữ nho. Mặc dù cuộc sống nghèo khó nhưng đồng bào luôn đoàn kết và căm ghét quân Pháp xâm lược, tổng lý, kỳ hào làm tay sai cho thực dân  Pháp.

Năm 1937, các đồng chí: Lê Quảng Ba, Đàm Văn Lý (Quý Quân), Hoàng Văn Chài (Hoàng Tô), Bảo An về Pác Bó gây dựng cơ sở cách mạng, nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiệt tình tham gia, từ đó phong trào ngày càng phát triển. Làng Pác Bó tổ chức các hội tương tế, dân bản đoàn kết, hằng tháng đi đâu cũng theo hẹn về họp để cán bộ cách mạng nói chuyện về tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ của hội viên. Đồng chí Lê Quảng Ba thường về dự sinh hoạt và có nhiều ý kiến chỉ đạo phong trào. Đầu năm 1940, Chi bộ Đảng gồm 3 đảng viên đầu tiên được thành lập ở Pác Bó, đến năm 1941, số đảng viên của Chi bộ Pác Bó đã lên đến 9 đồng chí.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng vững chắc ở các địa phương, nhất là vùng Pác Bó - Lục Khu (Hà Quảng). Với vị trí đắc địa và sự phát triển vững chắc của phong trào cách mạng tại Pác Bó và khu vực xung quanh, những tiền đề đó đã trở thành những điều kiện thuận lợi có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết định chọn Pác Bó về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước với nhận định: "... Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm liên lạc quốc tế rất thuận lợi...".

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Pác Bó. Đồng bào Pác Bó vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, cứu dân, Người đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, là mốc son đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

 Ngay khi trở về Tổ quốc, Người đã cùng các đồng chí của mình bắt tay ngay vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng.  Ra sức tổ chức, hoạt động để thực hiện những gì mà suốt 30 năm trước đó Người hằng ấp ủ, mong đợi. Pác Bó là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại gắn liền với tên tuổi của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước.

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo thí điểm Mặt trận Việt Minh; triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám, họp tại lán Khuổi Nặm, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam; quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và chỉ đạo mở rộng xây dựng Mặt trận Việt Minh ra cả nước; xuất bản Báo Việt Nam Độc Lập; huấn luyện cán bộ; dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt để làm tài liệu tuyên truyền; chỉ đạo thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh)...

Rất nhiều hoạt động, nhiều sự kiện mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời kỳ mới về nước (1941 - 1945) thực hiện ở Cao Bằng. Khu di tích Pác Bó được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong Khu di tích có nhiều điểm di tích điển hình như: Cột mốc biên giới 108, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, bàn đá Bác ngồi làm việc bên bờ suối Lê-nin, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Pác Bó - nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác. Các di tích, hiện vật luôn có giá trị trong mọi thời đại. Hiện nay, các di tích đang được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.              

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1