Dòng suối Then chảy mãi cùng mùa xuân dân tộc
Lượt xem: 60

Mỗi dịp xuân về, đất trời non nước Cao Bằng như khoác lên mình chiếc áo tươi thắm nhiều màu sắc bởi sự đa sắc tộc của đồng bào các dân tộc. 

Mỗi dịp xuân về, đất trời non nước Cao Bằng như khoác lên mình chiếc áo tươi thắm nhiều màu sắc bởi sự đa sắc tộc của đồng bào các dân tộc. Mùa xuân người Mông, người Dao dập dìu trong các điệu gầu tào, páo dung réo rắt, còn người Tày, Nùng góp cùng mùa xuân là những lời then, tiếng tính ngọt lành, êm dịu.

Nghi lễ Then của dân tộc Tày Cao Bằng đã vượt qua cả không gian, thời gian để có mặt cùng kho tàng dân ca, dân vũ đặc sắc của các dân tộc Việt Nam và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, tiếng tính, lời then sẽ như dòng suối chảy mãi cùng mùa xuân dân tộc.

“Thâng thì than tứn quân/Mường tiên than tứn mạ/Quát cờ pây bưởng lăng tứn mạ/Quay cờ mừa bưởng nả tứn luồng/Cờ đông tứn cờ đông ăng ắc/Cờ bắc tứn cờ bắc lao xaoLệnh truyền các quan cao tứn mạ...”. Lời hát then cùng tiếng tính, đặc biệt là tiếng xáu mạ nghe gấp gáp, rộn ràng của Giàng Bế Sơn Chung khiến cho mọi người đến xem Lễ mừng lúa mới đều nín thở, chăm chú lắng nghe. Qua lời then, người nghe có thể biết được quan quân của Then bắt đầu lên đường đi đến từng mường trời. Lời then cũng chỉ rõ đặc điểm của từng bản ở Mường Trời, nơi quan quân Then đang qua. Điệu then khi trầm khi bổng, đôi lúc sôi động gấp gáp kết hợp với động tác mô phỏng cùng tiếng hò reo tạo khí thế quyết tâm của quan quân Then. Lời Then khi đếm của cải sau một năm làm lụng vất vả để mang theo quan quân lên cúng các mường trời được Giàng Sơn thể hiện một cách rộn rã, tấp nập, hồ hởi, lạc quan khiến cho người xem cũng cảm thấy vui tươi, ấp áp, no đủ... Một lễ mừng lúa mới thông thường diễn ra khoảng 1 ngày, 1 đêm, với nhiều phần nghi lễ, như: Niệm hương (báo cáo tổ tiên về việc làm hôm nay), Tọng hương (báo cáo với tổ tiên trình tự buổi lễ sẽ diễn ra như thế nào), phần lễ (phần chính của buổi lễ, cầu khấn, lên mã (ngựa) dẫn của cải (đồ lễ) lên tổ tiên), hồi mã (kết thúc). Nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc mà còn là dịp sinh hoạt văn hóa để cho bà con có được một ngày vui chơi thưởng thức nghệ thuật hát then sau một năm lao động vất vả. Lễ mừng lúa mới kết thúc cũng là lúc ánh bình minh nhô lên chào một ngày mới với niềm tin của tất cả bà con dân bản rằng năm tới sẽ may mắn, hạnh phúc hơn khi ông Then của bản đã báo cáo với thần linh và xin thần linh ban phúc cho dân mình.

Hát then, đàn tính được các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc.


Trao đổi với Giàng Bế Sơn Chung - một nghệ nhân then lớn lên và sinh ra trong gia đình đã có 8 đời làm pựt (giàng) ở xóm Bản Co, xã Triệu Ẩu (Phục Hòa), ông cho biết: Then không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Tày, Nùng, nó đã trở thành một trong số tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng tộc người này. Khi vui người ta mời Then, khi nhà có chuyện mời Then, người có bệnh mời Then, người hiếm muộn mời Then. Theo quan niệm của người Tày có ba tầng trời, mỗi mường đều có người sinh sống, trần sao âm vậy. Và các ông Then, Tào, Pụt, Mo là những người có khả năng liên hệ với thần linh, tiếp cận với thế giới siêu nhiên, là cầu nối giữa người trần với các đấng tự nhiên. Chính bởi đó, họ có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng. Then được hát trong hầu hết các nghi lễ, hội với nhiều đường Then khác nhau tùy thuộc vào mục đích của lễ cúng. Ông Then là người thuộc nhiều đường then và có căn then. Người làm then phải là người có “Mình pang Then” thích hợp cho việc làm thầy cúng, được cộng đồng tín nhiệm, nể trọng.

Then vừa là một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vừa là một loại hình âm nhạc dân gian rất đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Then có mặt trong tất cả các ngày vui, ngày trọng đại của người Tày, Nùng. Then tính xuất hiện từ lâu đời, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong nước và trong tỉnh vẫn chưa xác định được nó sinh ra từ thời nào. Chỉ biết rằng, hát then và cây đàn tính diệu kỳ ấy bắt nguồn từ cuộc sống lao động tập thể cộng đồng người Tày cổ. Hát then tính Cao Bằng có ở hai vùng, miền với giai điệu, cây đàn đặc trưng riêng, đó là then tính miền Tây và then tính miền Đông. Then tính hai miền được cắt nghĩa rõ ràng bằng một giai đoạn lịch sử 84 năm khi nhà Mạc ở Cao Bằng (từ những năm 1593 - 1677). Nhà Mạc đã tiến cử Trạng nguyên Bế Văn Phụng người Bản Vạn, Bế Triều, (Hòa An) làm Tư thiên quản nhạc lập ra đội then nữ ngày đêm hát xướng phục vụ cung đình. Sau đó, khi Vua Ca Đáng Nông Quỳnh Văn quê ở xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (Chí Viễn, Trùng Khánh) được Bế Văn Phụng mời vào cung đình lập nên đội then nam gọi là Giàng. Then để chỉ nghệ nhân nữ hát, còn Giàng ám chỉ nghệ nhân nam hát. Đến khi triều Mạc tan rã, các nhạc công, ca sỹ chia tay nhau trở về quê cũ. Cây đàn tính ba dây âm cao thánh thót theo đội then tính nữ trở về vùng quê Hòa An và các huyện miền Tây, còn đội then Giàng cùng cây đàn tính hai dây thanh trầm theo các chàng trai về xứ sở quê hương Trùng Khánh và các huyện miền Đông. Vậy là then tính có hai lối đi về giữa dân gian và cung đình, từ dân gian đi vào cung đình và được nâng cao lên, sau đó, từ cung đình lại trở về dân gian và được dân gian hóa.

Then tính Cao Bằng bao gồm nhiều làn điệu, trong đó có then miền Tây dịu ngọt, mềm mại, dung dị như người thiếu nữ. Đối lại, then miền Đông cất lên mạnh mẽ, trải lòng miên man, giai nhịp rộn ràng khúc tứ như chàng trai tuấn tú tài ba, hào phóng. Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Sòi cho biết: Then tính phong phú thể loại, gồm nhiều làn điệu và các bài hát cổ. Then miền Tây có 5 làn điệu: Tàng bốc - Pây cảnh hoặc Pây tàng, đây là làn điệu then đường trường, nhịp điệu mạnh mẽ, vui tươi mô tả chuyến du ký hành hương dạo cảnh non nước sơn thủy hữu tình; Roọng khoăn, là những lời hát gọi hồn về, mang tính tâm linh với giai điệu êm ái; Tặng tính - những bài hát kính báo tổ tiên, thần thiêng bốn phương tám hướng, kính báo lên trời, cầu mong phúc lộc an lành; Tàng nặm (Khảm hải) - là lời ca vượt biển, một cung đường xa để đi tiếp lên mường trời. Đông mèng - Đông ngoảng, gồm những khúc hát mô tả đoàn người vượt qua cung đường núi non hiểm trở với giai điệu nhanh, mạnh, nhịp ngựa phi để bay lên trời cầu phúc, cầu may. Then miền Đông có 10 làn điệu, ngoài có 3 làn điệu: Tàng bốc - tàng cảnh, Khảm hải, Roọng khoăn là giống với then miền Tây, còn có điệu Tàng bốc - Pây mạ, giai điệu mạnh mẽ như phi ngựa, như trong cuộc chiến, hoặc đi lên mường trời; Thỏng hương, kính trình tổ tiên, xin cầu phúc, vận may, cầu lộc, sức khỏe an lành, làn điệu mang nội dung tâm linh; Giáp ba, là làn điệu du xuân, lễ hội với nhịp nhanh vui tươi, phấn khởi; Hạ liệu, làn điệu hát tâm tình, giao duyên, xum họp trúc mai, vui vẻ, trong sáng; Khảm khắc, nhịp điệu nhanh, mạnh tựa ngựa phi, mô tả đoàn người vượt qua núi non, hiểm trở để lên mường trời, cầu phúc lộc; Kim Loan hát trong Lễ cấp sắc, sắc thái thiết tha; Sáp mạ sắc thái tươi tắn, khỏe mạnh. Tất cả các lần điệu Then được tạo nên một cách có hệ thống, bài bản theo trình tự nội dung trình diễn. 

Hát then xưa kia chủ yếu để phục vụ cho tầng lớp vua, quan trong triều đình, phục vụ cho việc cúng lễ. Đồng thời, trong điều kiện khoa học chưa phát triển, người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, số phận, Then là một nghi lễ thuộc về tâm linh tín ngưỡng. Bà Then, ông Giàng dùng hình thức Then để xua ma, trừ tà, chữa bệnh cho người ốm, giải uế, phá tạp, cúng giải hạn, như: Roọng khoăn (gọi hồn), Mẻ bjoóc (mẹ hoa), cầu an giải hạn... Từ đó, rất nhiều bài then, giai điệu then, tiếng đàn tính đã ngấm vào hơi thở trong cộng đồng người Tày, Nùng. Cùng năm tháng, hát then trở thành dân ca, trở thành những khúc hát dân gian, và nó không còn là sở hữu riêng của bà Then, ông Giàng nữa. Then dân gian và then cúng lễ đã cùng song hành trong cuộc sống người Tày, Nùng và đại đa số các dân tộc  ở Cao Bằng và một số địa phương khác trong vùng. 

Hát then, đàn tính giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Nó đã đi sâu vào lòng người và cảm hoá họ bằng nội dung lời ca và sức truyền cảm của giọng hát, bằng sự rung động của tính then cũng như đường nét, động tác đẹp mắt của những nghệ nhân múa và những trang trí mỹ thuật phong phú. Xác định được điều đó, nhằm phát huy và bảo tồn  loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo này, ngăn chặn nguy cơ có thể bị mai một hoặc thất truyền, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ đến các xóm, bản tìm gặp các nghệ nhân để sưu tầm bằng cách học truyền khẩu tại chỗ và ghi chép lời ca, ký âm thành bản nhạc, mời các bà then cùng các nghệ nhân cao tuổi về ghi băng, hình diễn tả lại toàn bộ lễ phong cấp sắc, các bài hát then cổ, thực hiện đề tài “Sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật Hát then, Đàn tính của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng”. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã chú trọng quan tâm, đầu tư cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khuyến khích động viên phong trào phát triển. Hằng năm, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, Thành phố tổ chức định kỳ các cuộc liên hoan, Hội thi hát dân ca giao duyên - trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn công nông binh, liên hoan các ca khúc cách mạng... Qua đó, các làn điệu dân ca của các dân tộc, đặc biệt loại hình hát then, đàn tính vẫn giữ nguyên giá trị. Hằng năm, các trường học, trường năng khiếu nghệ thuật tỉnh ngoài chương trình chính quy thường tổ chức các lớp bồi dưỡng, lớp học hè ngắn hạn về  hát then, đàn tính cho học sinh, thanh thiếu niên... Cùng với đó, năm 2014, UBND tỉnh Cao Bằng đã lập hồ sơ, có công văn đề nghị và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận “Nghi lễ then của người Tày tỉnh Cao Bằng” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các nghi lễ gắn với Then tính đã tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Tày, Nùng, nó đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng vào những dịp tết đến, xuân về để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khoẻ, hạnh phúc, vạn vật sinh sôi nảy nở, qua hát then, đàn tính mọi người được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, thể hiện tình cảm với nhau. Với giai điệu âm sắc mượt mà làm say đắm lòng người hát then, đàn tính đã trở thành một kho tàng nghệ thuật vô cùng giá trị, nó sẽ mãi trường tồn cùng thời gian và như một biểu tượng của hồn dân ca, dân vũ của người Tày, Nùng Cao Bằng.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1