Đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc
Lượt xem: 918

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Đoàn đại biểu tỉnh dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân.

Đồng thời, Người cùng với Trung ương Đảng thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa rộng khắp các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho đến Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

Đối với quốc tế, quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở về nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng Tháng Tám.

Quyết định về nước ngày 28/1/1941 và quá trình trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “tạo thời, lập thế”, là cơ sở vững chắc để toàn dân tộc Việt Nam đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Để rồi sau đó 9 năm, ngày 7/5/1954, nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

 

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng.

Bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

Tỉnh Cao Bằng vinh dự thay mặt cho nhân dân cả nước được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, được Người chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên. Nơi đây cũng là nơi hiện thực hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương, đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở Cao Bằng đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương. Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai đã từng sống và làm việc với Người.

Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy càng được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cách mạng mang lại cho Pác Bó - Cao Bằng tầm vóc lịch sử lớn lao: Là căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước, là “cội nguồn cách mạng”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam” và là quê hương thứ hai của Bác Hồ.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nhận thức sâu sắc những chỉ thị của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dồn hết trí tuệ và sức lực vào công cuộc củng cố và phát triển căn cứ địa của cả nước. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn động lực tinh thần to lớn, trở thành nguồn lực nội sinh, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, đoàn kết xây dựng Cao Bằng là bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin mà Bác đã dành cho Cao Bằng: “... Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc...” .

Với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Bác Hồ đã để lại trên quê hương mình. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Pác Bó (Hà Quảng) được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và đồng bào cả nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm Thành phố, Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Đây là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng để các thế hệ luôn nhìn thấy Bác gần gũi, ghi nhớ công ơn của Bác, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với cả nước, vinh dự và tự hào là “quê hương cội nguồn cách mạng”, "chiếc nôi của cách mạng Việt Nam", quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta.

Trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ Cao Bằng không ngừng vận dụng và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh có 415 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 7 huyện, Thành phố, 23 xã, 20 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, 5 đơn vị Anh hùng Lao động và 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; có 25 đồng chí được phong quân hàm cấp tướng.

Năm 2018, đồng chí Hoàng Đình Giong, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận là Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của Cao Bằng trong 80 năm qua đã và đang thắp sáng thêm truyền thống tốt đẹp của mảnh đất nơi cội nguồn cách mạng.

Đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước, tiếp thêm niềm tin, động lực và là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tiếp tục vững bước đi lên trên con đường đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1