Di tích lịch sử xã Tam Kim (Nguyên Bình)
Lượt xem: 45

Xã Tam Kim nằm ở phía Đông Nam của huyện Nguyên Bình, cách trung tâm huyện 12 km theo tỉnh lộ 202, cách thành phố Cao Bằng 50 km. Xã Tam Kim trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Kim Mã. Năm 1950, 2 xã Kim Mã, Tam Lộng được hợp nhất lấy tên là xã Tam Kim cho đến ngày nay.

Xã Tam Kim nằm ở phía Đông Nam của huyện Nguyên Bình, cách trung tâm huyện 12 km theo tỉnh lộ 202, cách thành phố Cao Bằng 50 km. Xã Tam Kim trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Kim Mã. Năm 1950, 2 xã Kim Mã, Tam Lộng được hợp nhất lấy tên là xã Tam Kim cho đến ngày nay.
Di tích Chiến thắng đồn Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình).

Ngay từ khi trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam (ngày 28/1/1941), một trong những việc đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là chỉ đạo tổ chức thí điểm các tổ chức Việt Minh ở 3 châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Kim Mã - Tam Lọng (Nguyên Bình) là một trong những nơi chọn làm thí điểm, sau 3 tháng thí điểm (từ tháng 2 - 4/1941), phong trào Việt Minh Kim Mã - Tam Lọng đã phát triển rộng khắp, một số xóm, bản trở thành xóm Việt Minh hoàn toàn. Đội ngũ cán bộ Việt Minh ở xã Kim Mã - Tam Lọng trở thành lực lượng nòng cốt để tuyên truyền vận động ở những xã lân cận.

Để phong trào Việt Minh tiếp tục phát triển mạnh và sâu rộng, kịp thời có đội ngũ cán bộ để chỉ đạo, dẫn dắt phong trào, năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến Kim Mã - Tam Lọng mở lớp huấn luyện cán bộ ở Khuổi Dủ, Thẳm Gầu. Cuối năm 1943, tại Pù Minh, xã Tam Kim (Nguyên Bình) mở lớp huấn luyện của tỉnh (còn gọi lớp Quân chính khóa III), lớp gồm có 30 học viên do đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng giảng dạy.

Đặc biệt, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Kim Mã - Tam Lọng trở thành điểm xuất phát của phong trào Nam tiến. Ngày 30/6/1942, tại Thôm Dầm, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức kết nạp các đồng chí Dương Văn Đội (bí danh Trọng Khánh), Nông Văn Lạc (bí danh Tán Thuật) vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chi bộ Kim Mã - Tam Lọng (Tam Kim) được thành lập do đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư. Sau đó, đồng chí Dương Mạc Hiếu chuyển xuống Ngân Sơn (Bắc Kạn), Chi bộ bầu đồng chí Nông Văn Quang (Mạc Văn Úc) làm Bí thư. Nhiệm vụ của Chi bộ lúc này là củng cố vững chắc phong trào Việt Minh ở Kim Mã - Tam Lọng, tích cực phát triển phong trào sang vùng Nam Ty, tổ chức lực lượng khai thông con đường Nam tiến xuống Ngân Sơn và khu vực các xã phía nam và đông nam châu Nguyên Bình.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Kim Mã - Tam Lọng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng toàn xã. Đây là hạt nhân, lực lượng nòng cốt lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Nhân dân xã Kim Mã - Tam Lọng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã nỗ lực góp phần hoàn thành khai thông con đường Nam tiến - con đường liên lạc giữa 2 khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn, Võ Nhai (Lạng Sơn) được nối liền tạo điều kiện cho sự ra đời của Khu giải phóng sau này.

 Tháng 2/1944, tại Vạ Phá (Tam Lọng), Tổng bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng đã mở một lớp huấn luyện quân sự để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách. Lớp học có 100 học viên của Cao Bằng và Bắc Kạn. Thời gian học một tháng. Nội dung của lớp học chủ yếu là tập quân sự về cách đánh và bố trí lực lượng, về nghệ thuật quân sự. Lớp huấn luyện quân sự là bước chuẩn bị về lực lượng, góp phần tích cực vào việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Với vị trí, địa điểm “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, sau khi nhận định phong trào cách mạng ở Kim Mã - Tam Lọng là cơ sở chính trị tốt, nhân dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng, khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc tổng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) vùng đất địa lợi - nhân hòa được chọn làm nơi tập kết và là nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được cử hành. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và 10 lời thề danh dự của Đội.

Sau ngày thành lập, toàn Đội hành quân về Roỏng Bó, cách đồn Phai Khắt khoảng 500 m để chuẩn bị ra quân đánh trận đầu theo kế hoạch đã chuẩn bị trước. Trước ngày thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và đặc biệt Người nhấn mạnh “Trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Quán triệt chủ trương đó, từ tháng 11/1944, Ban Chỉ huy Đội vừa được hình thành, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ban Chỉ huy Đội đã bắt tay vào chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban Chỉ huy Đội quyết định chọn đồn Phai Khắt đánh trận đầu và tiếp đó đánh đồn Nà Ngần. Trước trận đánh đồn Phai Khắt, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội đã lên đỉnh  núi Slam Cao trực tiếp quan sát đồn Phai Khắt.

Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lọng, tổng Kim Mã, bản có khoảng 10 nóc nhà. Từ xóm Phai Khắt có 3 con đường đi các ngả, về phía nam có đường đi Ngân Sơn, phía đông bắc có đường đi Nà Ngần ra quốc lộ 3B và một con đường độc đạo ra huyện lỵ Nguyên Bình. Đây là một xóm Việt Minh “hoàn toàn”, nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Với vị trí thuận lợi như xóm Phai Khắt, thực dân Pháp đã đóng Đồn tại đây nhằm khống chế phong trào cách mạng ở địa phương và chặt đứt con đường liên lạc huyết mạch của cách mạng. Đầu năm 1944, chúng đã chiếm nhà của ông Nông Văn Lạc, một ngôi nhà xây to duy nhất của xóm Phai Khắt để làm đồn đóng quân.

Chiều 25/12/1944, toàn Đội cải trang thành lính dõng xuất phát đánh Đồn Phai Khắt. 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội chia làm 2 tiểu đội tiến vào xóm Phai Khắt và tiếp cận đồn. Đồng chí Thu Sơn cải trang thành đội xếp cùng một tiểu đội nhanh chóng tiếp cận nơi để súng. Tiểu đội 2 áp sát nơi bọn lính ở. Sau khi vào đồn và tiếp cận các vị trí cần thiết, đồng chí Thu Sơn hô lệnh cho quân lính tập hợp để đón quân đi tuần. 16 tên lính và tên cai tập hợp giữa sân. Cả đội chĩa súng về bọn lính. Đồng chí Thu Sơn hô lớn: Chúng tôi là đội quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên. Bị bất ngờ không kịp trở tay, toàn bộ lính đồn buộc phải đầu hàng. Trong lúc đó, tên Đồn trưởng người Pháp trên đường từ châu lỵ Nguyên Bình trở về đồn không kịp trở tay đã bị bắn chết. Trận đánh Đồn Phai Khắt đã kết thúc thắng lợi. Sau đó, toàn Đội cấp tốc hành quân đi đánh đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình) theo kế hoạch và giành thắng lợi ngày 26/12/1944.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, với 2 chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần đã làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ, đồng thời là niềm cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và nhân dân xã Tam Kim nói riêng với niềm tin tưởng chắc chắn cuộc chiến đấu của nhân dân ta nhất định thắng lợi.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Tam Kim đã có nhiều công lao đóng góp, tham gia hoạt động, bảo vệ, nuôi giấu các đồng chí cán bộ cách mạng cốt cán của Trung ương, tỉnh và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đặc biệt, nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nơi gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (1941 - 1945) gồm 4 điểm di tích nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim - Hoa Thám, huyện Nguyên Bình) được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Với giá trị lịch sử trên, xã Tam Kim xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp theo Quyết định số 160KT/CTN ngày 28/4/2000 của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu theo Quyết định số 988/QĐ-Tg ngày 18/6/2014.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1