Di tích lịch sử cách mạng xã Đào Ngạn (Hà Quảng)
Lượt xem: 39
Xã Đào Ngạn cách trung tâm huyện Hà Quảng 10 km. Trước đây, xã Đào Ngạn được gọi là Pỏ Ngàn, sau đổi thành xã Đào Ngạn. Trước năm 1942, có 2 xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc hợp thành xã Phù Đúng. Từ năm 1946 đến nay là xã Đào Ngạn.
Địa điểm di tích Phja Gào - Khuổi Slấn đã được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận xếp hạng theo Quyết định số 2932/QĐ-VX-UB ngày 4/12/2003.


Ngay từ khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Quảng ra đời (ngày 20/6/1931), chi bộ đã coi trọng xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng ở xã Đào Ngạn để vận động tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. Trước năm 1940, xã Đào Ngạn đã trở thành một căn cứ địa cách mạng của huyện và của tỉnh. Từ những năm 1941 - 1945, Đào Ngạn trở thành xã thí điểm của Mặt trận Việt Minh và đã trở thành xã “Việt Minh hoàn toàn”. Nhân dân Đào Ngạn tích cực nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ hoạt động và đi lại an toàn. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng, là cơ sở hoạt động của các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Phạm Văn Đồng; trạm dừng chân của Trung ương II và Bác Hồ từ Pác Bó đi Tân Trào (tháng 5/1945).

Năm 1942, đồng chí Phạm Văn Đồng từ Pác Bó đến Đào Ngạn ở và làm việc tại hang Phja Gào - Khuổi Slấn. Tại đây, đồng chí đã xem xét, nắm tình hình thực tế ở địa phương, cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo địa phương quán triệt tinh thần vận động nhân dân các dân tộc trong vùng tham gia đấu tranh giành độc lập. Khi đó có các đồng chí: Đàm Hải Khoát, Nông Phục Việt... Hang Phja Gào cũng là nơi lập “kho thóc” của địa phương để tích trữ lương thực nhằm ủng hộ, nuôi dưỡng cách mạng.

Các địa danh trở thành di tích cách mạng như: Phja Gào, Phja Cút, Khuổi Hoát, Đoỏng Ỷ... là nơi chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của phong trào cách mạng xã Đào Ngạn.

Di tích Đoỏng Ỷ, năm 1942 - 1943 là nơi mở 4 lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, thành lập đội tự vệ. Xã Đào Ngạn tuyển chọn được một trung đội tự vệ tập trung chiến đấu. Những đồng chí là con em các dân tộc ở địa phương đã được huấn luyện trưởng thành để làm cán bộ cách mạng: Đàm Hải Khoát, Việt Hải, Phúc Tăng, Cao Trung, Lê Bạch, Đàm Quân, Đăng Dương, Lý Hoa, Vĩnh Hậu, Hoàng Quân và một số đồng chí khác. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đồng chí thuộc Châu ủy Hà Quảng từng đến hoạt động tuyên truyền cách mạng, như: Đức Thanh, Thụy Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Thế An...

Khuổi Mẩn là nơi tập trung mở 3 lớp huấn luyện về chính trị quân sự do 2 đồng chí Bát Ngư, Ngư Mạn và một số đồng chí khác đến tổ chức các lớp học trong thời gian ngắn, với gần 100 học viên.

Phja Cút, trong thời gian cuối năm 1942 đã tổ chức mít tinh, triển lãm trưng bày tranh, ảnh nhằm phản ánh sự xâm chiếm và tội ác phát xít Nhật ở Trung Quốc, ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm bảo vệ Tổ quốc của Hồng quân Liên Xô... Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh, về tình hình cách mạng thế giới và trong nước. Từ đó tăng thêm nhận thức về cách mạng, về lòng căm thù giặc của nhân dân các dân tộc xã Đào Ngạn đối với đế quốc và phát xít, tăng thêm tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Khuổi Hoát là nơi được các đồng chí: Cải Viên, Việt Hải, Đàm Côn, Đức Loan, Đàm Quân, Thế Hậu, Phúc Lai, Phan Quế..., đến tổ chức lớp huấn luyện cán bộ trong thời gian ngắn (khoảng một tháng) với khoảng 200 người tham gia.

Tại nhà ông Nông Văn Giác (tức Phục Việt) ở Bản Nưa là nơi vinh dự được lãnh tụ Hồ Chí Minh đến nghỉ đêm trên đường từ Pác Bó đi Tân Trào (ngày 4/5/1945). Nhân dân xã Đào Ngạn đã bảo vệ bí mật, an toàn.

Xã Đào Ngạn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xã Đào Ngạn là xã An toàn khu theo Quyết định số 988/QĐ-TTg, ngày 14/6/2014.

Theo baocaobang.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1