Dân tộc Mông
Lượt xem: 49

Dân tộc Mông có các ngành chính: Mông đấư (Mông trắng), Mông đú (Mông đen), Mông lĩnh, Mông si, Mông sua. Tiếng nói của dân tộc Mông thuộc ngữ hệ Mông - Dao.

 

Dân tộc Mông có các ngành chính: Mông đấư (Mông trắng), Mông đú (Mông đen), Mông lĩnh, Mông si, Mông sua. Tiếng nói của dân tộc Mông thuộc ngữ hệ Mông - Dao.

 Hình thức canh tác của người Mông chủ yếu là làm nương trồng ngô, lúa, lúa mạch. Họ có truyền thống trồng xen canh trên nương cùng với cây trồng chính là các cây khoai, rau, lạc, vừng, đậu... Trồng lanh và cây ăn quả như: Lê, táo, đào, mận... dệt vải lanh là hoạt động sản xuất đặc sắc của người Mông. Người Mông chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà, ngựa. Chuồng nuôi gia súc được lát ván cao ráo, sạch sẽ. Ngựa thồ là phương tiện vận chuyển hiệu quả của họ trên vùng núi đá.

thieu%20nu%20dan%20toc%20mong

Thiếu nữ dân tộc Mông.

Người Mông phát triển đa dạng các nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc. Phụ nữ Mông rất khéo làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo vào những ngày lễ, tết.

Trang phục của người Mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm. Phụ nữ Mông mặc đẹp, trang nhã, màu sắc quần áo hài hòa, diêm dúa. Váy, áo của phụ nữ Mông chủ yếu là dệt bằng sợi lanh. Khăn quấn đầu “Sí chênh” thường dài từ một đến bốn sải tay, màu sắc rằn ri, ô vuông nhỏ. Áo mặc ngắn, nền là vải đen, may thêm những miếng vải hoa hoặc vải màu, chỉ dài đến vùng thắt lưng, tay áo thành khoanh, hai thân áo trước được thu lại ở vùng eo bụng, ngoài quấn 3 vòng bụng bằng thắt lưng vải (gọi là xế) rộng 6 cm có thêu thùa để giữ chặt gấu áo, che hết cạp váy, cạp tạp dề cho gọn. Nẹp áo từ hai vai chạy dọc xuống chữ V gọi là “đìa xả”, rộng khoảng 3 cm được thêu tinh xảo. Sau vai áo có vuông vải “đe xả” thêu công phu. Người phụ nữ Mông mặc váy tia là mảnh vải rộng từ 7 đến 10 sải, được khâu thành nhiều nếp đều đặn vào cạp váy (cạp váy vừa đủ vòng bụng), hai đầu có dải buộc. Chiều dài váy đủ che từ bụng xuống đến lưng bắp chân. Sau khi mặc váy họ buộc thêm hai chiếc tạp dề buông từ eo bụng xuống trước và sau, ngắn hơn váy, khi bước váy đung đưa nhịp nhàng như múa. Hai bắp chân người Mông quấn xà cạp vải (gọi là xông) tiện lợi cho việc đi đường rừng, núi. Người đàn ông Mông trước đây mặc áo ngắn, cuốn xà cạp như phụ nữ.

Nhà ở của người Mông thường là nhà trệt, 3 gian 2 chái, có từ 2 đến 3 cửa. Phổ biến vách nhà bưng ván hay vách nứa, mái lợp tranh. Lương thực được cất trữ trên sàn gác.

Bản người Mông thường có nhiều họ, trong đó, một hoặc hai họ có ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Người Mông rất coi trọng dòng họ, đặc trưng riêng của mỗi họ thể hiện ở những nghi lễ cúng tổ tiên, ma cửa, ma mụ... như số lượng và cách bày bát cúng, bài cúng, nơi cúng, ở các nghi lễ ma chay như cách quàn người chết trong nhà, cách để xác ngoài trời trước khi chôn, cách bố trí mộ... Người cùng họ dù không biết nhau, dù xa cách bao đời nhưng qua cách trao đổi các đặc trưng này có thể nhận ra họ của mình. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.

Dân tộc Mông, khi có người chết thì được niệm trên một chiếc cáng, khi đến huyệt mới cho vào quan tài. Trong khi chưa đưa đi chôn cất thì hằng ngày con cháu mang cơm, rượu đến cúng. Việc hành tang tổ chức đơn giản, sau này có điều kiện sẽ tổ chức làm ma khô. Việc kiêng kỵ trong nhà cũng chỉ giữ ba ngày, vào bữa ăn vẫn bày đủ bát đũa của người chết coi như có mặt cùng dự. Con trai không được cắt tóc, cạo râu trong ba tháng, không được dùng súng săn. Sau khi chôn cất người chết được ba ngày thì con cháu, người nhà đến sửa lại phần mộ, sau đó mãi mãi không đụng tới phần mộ nữa.

Trong cưới xin, phổ biến là tục kéo vợ. Cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai coi như đã thuộc vào dòng họ chồng. Người Mông có tục tảo hôn nhưng triệt để cấm những người cùng họ lấy nhau. Ngày đón dâu hoàn toàn là người bên nhà trai, bà sứ lấy ô che đầu cô dâu và nhận với nhà gái một mâm “má khúa” (mèn mén) và con gà luộc để cô dâu ăn đi đường và cả ba ngày đầu ở nhà chồng. Vợ chồng người Mông rất gắn bó, luôn ở bên nhau khi đi chợ, đi nương, thăm hỏi họ hàng. Người Mông ăn tết năm mới truyền thống từ đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán gần 1 tháng, theo cách tính lịch cổ truyền của người Mông, phù hợp với nông lịch truyền thống.

Dân ca phổ biến của người Mông có hát: Gầu phần, gầu xống; múa dân gian Mông có: Múa xoay vòng ong hút nhụy, múa đá gà, vừa múa miệng vừa thổi khèn. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình. Ngày lễ, tết, người Mông thường chơi trò chơi dân gian truyền thống như: Chơi đu, chơi còn, đánh quay...

Theo Baocaobang.vn
 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1