Đặc sản địa phương vào mùa sản xuất Tết
Lượt xem: 2390

Đến thời điểm này, các cơ sở, hộ gia đình chuyên chế biến các món đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh như: Bánh khảo, lạp sườn, thịt khô, miến, đang tất bật sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Với hương vị truyền thống và uy tín lâu năm, các sản phẩm truyền thống của Cao Bằng giữ mức tiêu thụ ổn định trên thị trường dù chịu sự cạnh tranh của các mặt hàng khác.

Đến thời điểm này, các cơ sở, hộ gia đình chuyên chế biến các món đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh như: Bánh khảo, lạp sườn, thịt khô, miến, đang tất bật sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Với hương vị truyền thống và uy tín lâu năm, các sản phẩm truyền thống của Cao Bằng giữ mức tiêu thụ ổn định trên thị trường dù chịu sự cạnh tranh của các mặt hàng khác.

Không khí sản xuất tại cơ sở sản xuất bánh khảo Kim Phoóng ở Tổ 4 phường Tân Giang (Thành phố) những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Bà Chung Thị Kim, chủ cơ sở cho biết: Để kịp các đơn hàng Tết, các thành viên gia đình và 5 nhân công làm suốt ngày không nghỉ, lượng hàng gia đình sản xuất mỗi ngày nhiều hơn bình thường do khách hàng đặt để làm quà Tết với số lượng lớn.

Tại cơ sở Bánh Khảo Sơn Tòng ở Tổ 22, phường Sông Hiến, khoảng 10 nhân công cũng đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng của khách. Theo ông Lâm Thanh Quý, chủ cơ sở sở sản xuất: Sản phẩm của cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở mở rộng đến các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội…với số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

bk

Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng đang tất bật sản xuất cho kịp giao hàng.

Với người dân Cao Bằng, mỗi dịp tết đến xuân về, bánh khảo là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Bánh khảo cũng là món quà biếu khi khách lên thăm Cao Bằng hay gửi cho những người con sống xa quê. Nguyên liệu để làm bánh khảo gồm: Gạo nếp ngon, lạc, thịt mỡ, vừng. Gạo sau khi rửa, đãi sạch sạn, đem rang trên chảo gang cho đến khi chín vàng đều là được. Gạo nếp rang xong đem xát mịn. Bột đem ủ tầm 5 - 7 tiếng cho hút ẩm; lấy đường kính trắng trộn với bột theo tỷ lệ phù hợp rồi trộn đều vào nhau cho thật mịn. Nhân bánh khảo gồm: thịt mỡ luộc chín thái nhỏ như hạt lựu rồi trộn lẫn với lạc, vừng rang. Sau khi đã có bột và nhân bánh sẽ đóng bánh vào khuôn. Khuôn bánh khảo làm bằng gỗ cỡ 40 x 40 cm. Người làm bánh đổ một lớp bột vào khuôn, dàn đều bột ra rồi đổ nhân lên trên, dàn đều nhân ra khắp chiều rộng khuôn bánh, sau đó đổ thêm một lớp bột lên trên cùng để hai phần bánh bên ngoài lớp nhân bằng nhau rồi nén bánh. Sau đó dùng dao cắt bánh thành từng chiếc bánh nhỏ theo độ dài, rộng đo sẵn, rắc thêm ít bột để các chiếc bánh không dính vào nhau. Bánh làm xong có thể gói ngay. Bánh khảo để được lâu, không mốc; bánh khảo bán theo chục, giá bán từ 100 – 120 nghìn đồng/10 phong. Bánh khảo Cao Bằng được mang đi làm quà khắp các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần quảng bá cho văn hóa ẩm thực của quê hương Cao Bằng.

Ngoài bánh khảo, lạp sườn, thịt khô, thịt hun khói Cao Bằng cũng đang vào mùa cao điểm sản xuất hàng Tết. Tại khu vực Vườn Cam, phường Hợp Giang (Thành phố) nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất lạp sườn nổi tiếng không khí mua bán diễn ra nhộn nhịp. Các cơ sở sản xuất đều phải thuê thêm nhân công để sản xuất. Chủ cơ sở sản xuất lạp sườn Thanh Lịch nổi tiếng ở Vườn Cam cho biết: Gần Tết, sản phẩm bán chạy hơn ngày thường, để kịp cung cấp cho khách hàng, cơ sở phải thuê thêm người giúp một số công đoạn chế biến. Số lượng đơn hàng lớn nhưng cơ sở luôn đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ uy tín của thương hiệu.

lsuon

Lạp sườn Cao Bằng hương vị thơm ngon được người tiêu dùng ưu thích.

 Từ lâu, lạp sườn Cao Bằng có hương vị riêng không nơi nào có được. Lạp sườn Cao Bằng trải qua nhiều công đoạn chế biến, trước tiên đem lòng lợn (lòng non) rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, cuối cùng là rửa bằng rượu. Sau đó được phơi khô rồi thổi hơi vào trở thành bong bóng, để làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn. Thịt được chọn từ lúc còn nóng (lợn vừa mổ), đem thái miếng nhỏ và tẩm ướp các loại gia vị, rồi nhồi vào lòng non để trở thành lạp sườn. Hiện nay, một số công đoạn chế biến lạp sườn đã được chuyên nghiệp hóa hơn, việc chế biến giảm bớt những khâu thủ công, thay thế bằng máy móc. Thịt sau khi tẩm ướp được cho vào máy trộn đều và để cho ngấm gia vị, sau đó nhồi vào lòng non. Trước đây các cơ sở nhồi lạp sườn bằng tay, mấy năm gần đây chuyển sang nhồi bằng máy nhồi thịt nhanh hơn, năng suất cao hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lạp sườn nhồi xong đưa ra lò sấy và hun khói bã mía. Khi sấy khô đến độ phù hợp, lạp sườn được đóng gói bao bì, hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thời gian sử dụng lên tới 6 tháng kể từ ngày sản xuất (bảo quản ngăn đá tủ lạnh). Lạp sườn Cao Bằng khi ăn để nguyên cả khúc rửa sạch bằng nước nóng rồi đem hấp hoặc rán chín, rồi sau đó mang thái lát vừa phải đảo lên bếp, rưới thêm ít nước mắm, cho thêm chút lá tỏi tươi cắt dài ăn kèm cùng cơm trắng hoặc chế biến tùy theo khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng. Lạp sườn là món ăn tạo nên dấu ấn không thể quên đối với du khách gần xa khi tới Cao Bằng. Lạp sườn có giá bán dao động từ 200 – 250 nghìn đồng/kg.

Một mặt hàng tiêu thụ nhiều nữa trong dịp tết ở Cao Bằng là miến dong. Có nhiều nơi sản xuất miến nhưng ngon và nổi tiếng nhất là miến dong Phia Đén làm từ bột dong riềng nguyên chất, ngon và là đặc sản nổi tiếng của huyện Nguyên Bình. Miến dong Nguyên Bình được làm 100% từ củ dong riềng trồng trên các sườn núi huyện Nguyên Bình, sợi miến dai, giòn, sau khi nấu để lâu không bị bở, không nát, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Việt, bao giờ cũng có một bát canh miến. Và đối với người Cao Bằng, bát canh miến Nguyên Bình nấu với thịt gà, kèm mộc nhĩ, nấm hương là một món ăn mang đầy hương vị quê hương, góp phần làm cho bữa cơm tất niên, những bữa ăn sum vầy của nhiều gia đình thêm đậm đà, ấm áp.

mien

Thương hiệu miến Phja Đén (Nguyên Bình) nổi tiếng.

Ngoài bánh khảo, lạp sườn, miến, Cao Bằng còn có các loại đặc sản Tết khác như: chè lam, khẩu sli, Trà Phia đén, nấm hương, mộc nhĩ….

Hiện nay, trên thị trường không thiếu các mặt hàng này cho khách lựa chọn nhưng sản phẩm của Cao Bằng vẫn đắt hàng bởi hương vị riêng. Tuy nhiên, khi mua các loại đặc sản này vào dịp Tết, người mua cần tìm đến các cơ sở uy tín và thương hiệu nổi tiếng để đảm bảo chất lượng, giá thành lại không cao. Đặc biệt, khi mua hàng ở các cửa hàng bán quà quê quảng cáo trên mạng Internet, trên facebook, người mua cần xem xét kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, giá cả đề phòng trường hợp hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1