Đặc sắc Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành
Lượt xem: 3451

Đến xã Tiên Thành (Quảng Hòa) vào ngày 22/3 âm lịch các năm chẵn, du khách sẽ được tham gia Lễ hội Nàng Hai mang đậm nét văn hóa của người Tày; được trải nghiệm các nghi lễ đặc sắc, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, thả hồn vào câu hát lượn Hai. Thông qua nghi lễ tại lễ hội, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân lao động, luôn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa) thể hiện ước vọng và niềm tin của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống thanh bình.

Theo tín ngưỡng của người Tày, trên trời có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên (gọi là các Nàng Hai, là con của Mẹ Trăng) chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian. Lễ hội Nàng Hai có ý nghĩa là một tục lệ cầu mùa với các đêm hát xướng để mời các Nàng Hai ở trên trời xuống vui hội trần gian và giúp người dân trong công việc đồng áng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy lộc. Lễ hội Nàng Hai diễn ra với đầy đủ nghi lễ của một lễ hội truyền thống, gồm 3 phần: Lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ đưa Hai. Trước khi diễn ra nghi lễ, đồng bào dân tộc Tày phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. 

Trong lễ, thầy tào mặc áo đỏ, đội mũ màu đỏ, tay cầm đàn tính, chân lắc xúc xắc khấn bài cúng bằng tiếng Tày ngay trước bàn thờ tổ tiên. Sau ông thầy tào là 14 cô gái tay cầm chiếc quạt giấy, trong đó, có 2 cô gái trẻ đứng gần thầy cúng nhất ngồi xếp chân vòng tròn, tay đặt lên 2 đầu gối nghiêm trang hướng mắt lên bàn thờ, tay cầm 2 chiếc quạt giấy xòe ra đặt trước mặt. Theo tục lệ của người Tày, đây là 2 cô gái trẻ đóng vai Nàng Gường mặc áo đỏ, Nàng Sở mặc áo vàng tượng trưng cho Nàng Hai. 12 cô gái còn lại mặc áo chàm đen đi giầy vải thô, trên đầu có buộc dẻ vải màu đỏ hoặc màu vàng, xếp ngay ngắn thành 2 hàng đứng liền ngay sau đó. Bên cạnh họ là một phụ nữ cao tuổi (bà dẫn) có trách nhiệm chỉ dẫn 14 cô gái thực hiện nghi lễ mời, đón Nàng Hai. Bà dẫn phải là người hát giỏi, gia đình hạnh phúc, ấm êm, thông thạo phong tục tập quán của người Tày.

Mở đầu phần lễ, thầy cúng đọc bài khấn, sau đó, 2 cô gái tay cầm quạt xoay vòng trong tư thế ngồi như lên đồng rồi cất tiếng hát. Đây chính là phần nghi thức để mời Nàng Hai xuống trần gian. Sau nghi thức mời Nàng Hai diễn ra trong nhà, thầy cúng dẫn Nàng Hai và 12 người con của Mẹ Trăng ra miếu thổ công của làng để trình diện với thành hoàng làng cầu khấn xin được đón Mẹ Trăng xuống trần gian. Xong xuôi, bà dẫn cùng với các cô gái ra lán tế ngoài trời cùng thầy tào làm lễ cúng Mẹ Trăng. Thầy tào khấn trước, bà dẫn hát sau, rồi 12 người con Mẹ Trăng đồng thanh hát theo bà dẫn.     

Khi lễ cầu mùa, cầu phúc kết thúc cũng là lúc 12 cô gái con của Mẹ Trăng dỡ lều, chia tay dân làng. Lời hát quyến luyến với những điệu hát dặn dò, hẹn ước năm sau. Khi kết thúc điệu múa và các bài hát chia tay Nàng Hai, đưa của cải lên thuyền cho Mẹ Trăng, các mụ nàng vừa đi xung quanh lều Trăng vừa dùng tay du mạnh những cột lều để cho lều đổ. Sau đó, các nàng phụ khiêng 2 sào hoa và 1 người già cầm chiếc thuyền to nhất thả xuống nước. 

Bên cạnh các điệu hát Nàng Hai, lễ hội cũng được phục dựng một cách công phu, kỹ lưỡng với nhiều chi tiết: từ các thẻ cắm 4 góc sân ngăn không cho tà ma bốn phương xâm phạm nơi làm lễ với lều Trăng được dựng giữa sân, các mâm lễ vật dâng các nàng Trăng và thần thổ địa. Cạnh các mâm đặt những chiếc thuyền đẽo bằng gỗ, trong đó có một chiếc thuyền to, trang trí đẹp hơn. Con thuyền tượng trưng để đưa 2 Nàng Trăng và chở của cải, hoa trái dưới dương gian đưa lên tiễn các Mẹ Trăng lên trời. Bên cạnh những chiếc thuyền là 12 bó hoa gồm 2 loại hoa chính (theo tiếng Tày gọi là hoa Rồm và hoa Bjoóc Mạ) tượng trưng cho 12 đêm làm lễ. Sở dĩ người Tày chỉ chọn 2 loại hoa này làm lễ vì đây là 2 loại hoa không có ong bướm, các con sâu bọ bám đậu, tượng trưng cho sự thanh sạch, trong trắng của Nàng Hai.

Trước cửa lều trăng là những hàng cọc dựng lên thành khung, trên những khung đó được trải những tấm vải lợp qua, tạo thành một đường vòng quanh sân. Những khung lợp vải này gọi là "trại mùng mành" để đoàn các mẹ và các nàng Trăng đi qua khi làm lễ. Sau khi làm lễ chia tay trong lều đón Trăng, phần lễ trong buổi chiều là các điệu múa tiễn đưa các Nàng Hai. Điệu múa diễn ra dưới “trại mùng mành” được dựng theo hình dáng của một chiếc cầu tượng trưng cho con đường đưa các Nàng Trăng từ trần gian trở về trời.

Lễ hội Nàng Hai là lễ hội mang tính diễn xướng dân gian tập thể mà không phải lễ hội nào cũng có. Những bài lượn Hai trong lễ hội mang tính nhân văn và giá trị lịch sử sâu sắc, khẳng định sự hoàn mỹ của ngôn ngữ Tày. Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017 về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1