Chuyện đất và người Phúc Sen
Lượt xem: 49

Xã Phúc Sen (Quảng Uyên) được biết đến là nơi triển khai thành công chủ trương “3 nhiều”: Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2016.

Xã Phúc Sen (Quảng Uyên) được biết đến là nơi triển khai thành công chủ trương “3 nhiều”: Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2016. Đây là vùng đất khó nhưng người dân biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất, cộng với tính gắn kết cộng đồng cao của người Nùng An đã làm nên bao “kỳ tích” của một vùng đất với những nét đặc trưng riêng có.

img1359_TEYX

Để tận dụng đất, nông dân xóm Chang trên, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) trồng xen canh cây bí với cây ngô, góp phần nâng cao thu nhập.

Xã có duy nhất một dân tộc

Xã Phúc Sen từ nhiều đời nay là địa bàn cư trú của duy nhất một dân tộc - dân tộc Nùng An. Người Nùng An đến cư trú tại xã vào khoảng thế kỷ XVIII, tổ tiên của họ lúc đầu chỉ có ba gia đình, thuộc ba dòng họ khác nhau, gồm họ Hoàng, họ Nông, họ Lương di cư từ phương bắc sang. Chuyện kể rằng, một đêm nọ họ vào một cái hang thuộc khu rừng của bản Phja Chang, xã Phúc Sen nghỉ đêm. Từ lúc dời quê hương, chưa đêm nào mà họ được ngủ yên giấc, tự nhiên đến Phja Chang, đêm đó họ ngủ ngon lành, trẻ con không quấy khóc. Sớm dậy, họ ra đứng trước cửa hang lấy làm lạ, thấy phong cảnh nên thơ, hữu tình, đất đai trải dài, ở giữa có một núi đá. Cả đoàn bàn nhau ở lại khai phá đất đai làm ruộng trồng lúa, nơi nào cao thì trồng ngô, khoai..., chặt cây dựng nhà, dời hang lập bản định cư đặt tên bản là Phja Chang. Từ ba gia đình ban đầu, lâu dần con cháu sinh sôi ngày một đông, trong khi đất đai của bản không đủ, họ phải mở rộng địa bàn cư trú và canh tác thành các bản làng.

Hiện nay, dân cư Phúc Sen phân bố tập trung tại 10 đơn vị thôn, bản, hình thành 2 khu vực chính: Thung lũng cánh đồng thôn Khào, gồm 3 bản (Khào A, Khào B, Tẩư Đông); thung lũng cánh đồng Thanh Minh, gồm 6 thôn (Chang trên, Chang dưới, Đâư Cọ, Pác Rằng, Tình Đông, Lũng Vài). Riêng xóm Lũng Sâu có một thung lũng nhỏ, núi bao bọc xung quanh. Thôn, bản của Người Nùng An thường dựa lưng vào núi, đằng trước là ruộng vườn, nơi thuận tiện đi lại và có nguồn nước. Do đặc điểm về dân tộc, nơi cư trú, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, người Nùng An ở xã Phúc Sen vẫn giữ và phát huy tốt tính gắn kết cộng đồng theo dòng họ, thôn, bản.

Người Nùng An hiện còn lưu giữ và phát triển được rất nhiều nghề truyền thống như nghề dệt, nhuộm vải chàm, nghề rèn, đúc... Ông Nông Minh Nhật, 76 tuổi, xóm Chang dưới tự hào tâm sự: Thiếu mỗi muối, dầu là dân không tự sản xuất được, còn lại từ trồng bông, dệt, nhuộm, khâu đến đúc nồi, sản xuất nông cụ, lương thực..., nghề nào dân Phúc Sen cũng làm được và làm rất giỏi. Ngoài việc tự cung, tự cấp lương thực, các sản phẩm làng nghề của Phúc Sen được bán khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, một số huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)... 

Làm giàu từ đất và nghề thủ công truyền thống

Từ nhiều năm nay, xã Phúc Sen được biết đến là xã thoát nghèo nhanh vì triển khai thành công chủ trương “3 nhiều”: Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Toàn xã có 240 ha đất nông nghiệp, do mặt bằng canh tác khá bằng phẳng, đất tơi xốp, người dân cần cù lao động nên ở đây đất quanh năm không ngưng nghỉ. Ông Hoàng Văn Sậu, Trưởng xóm Lũng Vài cho biết: Tết xong, người dân bắt tay vào gieo đỗ tương, ngô, mạch hoa; tháng 5, tháng 6 tập trung cấy lúa mùa; tháng 8, tháng 9 trồng ngô, khoai lang, đỗ tương; mùa thu và cuối năm trồng các loại rau màu. Ngoài việc luân canh gối vụ, nông dân chúng tôi còn trồng xen canh các loại cây ngô, sắn, bí, đậu, củ cải cung cấp cho thị trường; tạo việc làm, tăng thu nhập. Đối với những diện tích đất canh tác thiếu nước vào mùa khô, dân nghĩ ra cách đào hố lót ni lon dự trữ nước tưới. Vì vậy, Lũng Vài được biết đến là vùng đất trồng được nhiều rau màu nhất xã, trong đó có nhiều loại rau màu đã trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Cùng với việc khai thác tối đa vòng quay của quỹ đất, người Nùng An còn biết làm giàu nguồn dinh dưỡng cho đất bằng cách trồng những cây làm cho đất tơi xốp, như: Đỗ tương, đậu nho nhe, sử dụng phân chuồng, lấy thân ngô làm phân xanh, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học... Ông Đàm Văn Chính, xóm Khào A nhớ lại: Nhiều năm trước, dân ở đây đã chăm đến mức, ngày ngoài 3 buổi đi cày vẫn tranh thủ lấy được 2 gánh phân xanh. Sau năm 1995 có hương ước về cấm thả rông trâu, bò, người dân dùng thân cây ngô làm phân xanh, trồng đậu tương, đậu nho nhe cải tạo đất... Điều đó phần nào lý giải được việc dân quay vòng đất nhiều song không làm nghèo dinh dưỡng của đất. Ngoài ra, thực hiện chủ trương nuôi nhiều con, đàn gia súc của xã hiện có trên 8.000 con; đàn lợn trên 3.000 con; đàn gia cầm trên 16.000 con.  

Đồng bào Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Uyên) phát huy nghề rèn truyền thống

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống: rèn, dệt vải, đan lát, trong đó, nghề rèn phát triển mạnh nhất. Hiện xã có 157 lò rèn, 2 hợp tác xã rèn, hằng năm sản xuất hàng vạn nông cụ. Sản phẩm rèn của Phúc Sen có mặt tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng lựa chọn vì giá thành hợp lý, độ bền cao.

Xóm Pác Rằng có 60 hộ, ngoài làm nông nghiệp, du lịch, 100% hộ gắn bó nghề rèn truyền thống. Sản phẩm nghề rèn của xóm làm ra là các công cụ cầm tay, như: dao thái, dao chặt, búa, xẻng, cuốc... Anh Long Văn Minh, chủ một lò rèn có kinh nghiệm làm nghề 40 năm cho biết: Kỹ thuật rèn thủ công ở Phúc Sen không có công thức mà truyền kinh nghiệm từ người này sang người khác. Muốn học nghề rèn phải có sức khỏe, sự cảm nhận tinh tế của tai, mắt và đôi bàn tay. Ngoài khâu chọn nguyên vật liệu đầu vào, người thợ rèn có kinh nghiệm phải xác định được độ chín của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem tôi. Ở đây, mỗi gia đình hình thành một lò rèn thủ công, trung bình mỗi lò sản xuất được 8 sản phẩm/ngày, với giá bán lẻ từ 100 - 150 nghìn đồng/sản phẩm, trừ chi phí, mỗi lò thu về trên 300 nghìn đồng/ngày.

Từ sản xuất nông nghiệp, làm nghề thủ công, đến nay, bình quân lương thực đầu người của xã đạt trên 725 kg/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/năm; 15% hộ có thu nhập mức khá, giàu; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,9%, trung bình giảm 4 - 5%/năm. 

Phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm 2016

Từ cuối năm 2011, Phúc Sen được huyện chọn làm xã điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, xã bắt đầu công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đồng thời rà soát và cho triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí. Từ năm 2011 đến nay, xã đầu tư trên 39 tỷ đồng thực hiện chương trình. Trong đó, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư 6 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Nhân dân đóng góp 19.134 ngày công lao động; hiến gần 3.600 m2  đất xây dựng các công trình thủy lợi, đường nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, xã mở mới đường xóm Lũng Sâu với chiều dài hơn 1,4 km, tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng; bê tông hơn 2.000 m đường tại các xóm: Chang trên, Chang dưới, Đâư Cọ, Khào A, Tình Đông, Lũng Sâu… Từ nguồn vốn của Dự án IFAD đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng xây dựng công trình mương thủy lợi thôn Khào, Phja Chang, Đâư Cọ, Lũng Vài, Lũng Quang với tổng chiều dài hơn 4.000 m; đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng nâng cấp trạm bơm Pác Rằng. Ngoài ra, xã còn được Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho xóm Pác Rằng xây dựng hệ thống thoát nước, cải tạo gầm sàn nhà, hệ thống nước sạch, nhà văn hóa… Đến nay, 10/10 xóm có đường bê tông đến xóm dài gần 10 km, rộng từ 1,5 - 3 m; 70% tuyến mương chính được kiên cố, tương đương 15 km, tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu; 100% hộ dân được sử dụng điện; trên 80% đường liên xóm được bê tông; hơn 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 8/10 xóm có nhà văn hóa... Hiện nay, xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, trong số 3 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí về môi trường, mới có 118/434 hộ dân đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đạt 27,25%.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung cho biết: Xã đang dồn sức xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; tranh thủ tối đa các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cơ sở, huy động tối đa nguồn lực sẵn có của địa phương; tập trung hoàn thành các tiêu chí về môi trường, nhà ở dân cư; cơ sở vật chất văn hóa.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1