Bia “Câu thủy Bi Ký” - di sản miền non nước
Lượt xem: 768

Bia “Câu thủy Bi Ký” nói về sự kiện đắp đập, đào mương được khắc thành bia vào phần phía Tây núi Phja Tém thuộc xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt (Hòa An) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia ngày 12/7/2011. Đây là di sản văn hóa quý hiếm, là áng văn chương là nguồn tư liệu hết sức quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Cao Bằng nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung.

 

Đoàn công tác tỉnh khảo sát, kiểm tra hiện trạng di tích Quốc gia Bia “Câu thủy Bi Ký”.

Bia “Câu thủy Bi Ký” gắn với sự kiện lịch sử vào năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Triều Lê, lập nên Triều Mạc nhưng chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc xung đột Nam - Bắc Triều kéo dài nửa thế kỷ giữa họ Mạc (Bắc Triều) và họ Nguyễn, sau đó là họ Trịnh (Nam Triều). Năm 1592, Nam Triều thắng Bắc Triều, nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long và chạy lên Cao Bằng. Năm 1677 (đời vua Lê Hy Tông, hiệu Vĩnh Trị thứ 2), triều đình cử tướng Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng đem quân lên Cao Bằng dẹp thế lực nhà Mạc. Kết cục cuộc giao tranh nhà Lê đại thắng.

Sau khi dẹp xong thế lực nhà Mạc ở Cao Bằng, nhà Lê đồng thời với việc thu phục lòng dân là chăm lo tới sản xuất nông nghiệp, khẩn hoang đất đai bị hoang hóa, đắp đập, đào mương, mở mang đồng ruộng. Cụ thể, vào năm 1701 thấy vùng Tuyền Khê, Xuất Tính, châu Thạch Lâm (xã Hồng Việt, huyện Hòa An ngày nay) là vùng đất rộng, bằng phẳng nhưng bị bỏ hoang nên đã cho dân trong vùng đắp đập, đào mương dẫn nước vào ruộng để cày cấy, khiến cho mùa màng tươi tốt, bội thu, cuộc sống của quan chức và người dân được ấm no, đủ đầy hơn.

Sự kiện đắp đập, đào mương kể trên được khắc thành bia vào phần phía Tây núi Phja Tém thuộc xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt (Hòa An). Mặt bia hướng ra sông Dẻ Rào. Để tạo được mặt phẳng khắc được dễ dàng, người ta đã đục vào vách đá với kích thước sâu 5 cm, rộng 56 cm, cao 72 cm. Phần trán bia cao 15 cm khắc chữ “Câu thủy Bi Ký”. Bia được khắc trong 18 hàng dọc, tổng cộng hơn 300 chữ. Phần lớn chữ trên bia hiện vẫn còn nhìn rõ. Các nét khắc hầu còn khá nguyên vẹn, dễ đọc. Bia không có phần trang trí xung quanh. Bên trái bia có khắc tên người lập bia là Tống Đàm Bình.

Nội dung bia ghi chép về việc đào mương nước, tạm dịch như sau: “Nước sông trong xanh thấu đáy, hòa cùng cảnh sắc trời xanh. Ven sông đột ngột nổi lên ngọn núi cao, non nước quyện hòa tạo cảnh đẹp. Quan Bản Chức xã Tuyền Khê, tổng Xuất Tính, châu Thạch Lâm thấy xứ này địa thế rồng cuộn, hạc chầu. Vào bên trong đất rộng nhưng bị bỏ hoang không người cày cấy. Ông cho rằng nếu cải tạo được có thể mưu sinh tốt.

Cho nên từ tháng 2 năm Tân Tỵ (1701) đến thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1702), người ta đắp một con đập dài 18 trượng 7 thước để giữ nước. Liền đó mở một con mương dài 560 trượng để dẫn nước vào ruộng đồng khiến cho mùa màng tươi tốt. Bản Chức và mọi người đều vui vẻ. Việc làm nông khiến cho cuộc sống của con người đổi mới, đời đời được hưởng sự yên vui thanh bình, lưu truyền mãi muôn đời. Vì vậy lập bia để ghi lại sự việc này cũng như địa thế và cảnh đẹp nơi này”.

Bia còn ghi tên, chức sắc các vị có công đốc thúc, trông nom dân 18 xã quanh vùng đắp đập, đào mương. Đó là Đội trưởng Nguyễn Văn Tốc, thủ hậu Nông Phúc Dĩnh, Đội trưởng Đông Bá Uy, Hà Phúc Ký, Đội phó Nông Phúc Biểu, giáp trưởng Nông Phúc Khai. Cuối bia ghi ngày khởi công đắp đập là ngày 15/2 năm Chính Hòa thứ 23 (1701), kết thúc vào thượng tuần tháng 3 năm Chính Hòa thứ 24 (1702) tức đời vua Lê Hy Tông. Như vậy công trình thủy lợi đã được hoàn thành sau 12 tháng lao động vất vả của người dân 18 xã quanh vùng.

Việc khắc bia trên núi Phja Tém ghi lại sự kiện đắp đập, đào mương dẫn nước vào ruộng cho thấy một điều hết sức có ý nghĩa, một việc làm hợp lòng dân, được dân ủng hộ của triều đại vua Lê Hy Tông đã thu phục lòng dân bằng cách chăm lo tới sản xuất nông nghiệp, khẩn hoang đất đai, mở mang đồng ruộng để cày cấy, đem lại cuộc sống no đủ, yên bình cho nhân dân vùng đất Cao Bằng, mảnh đất xa xôi, hẻo lánh, xa chính quyền Trung ương nhưng vẫn được Triều đình quan tâm, chăm lo tới.

Bài minh văn “Câu thủy Bi Ký” với sự việc, thời gian, tên đất, tên người cụ thể có giá trị lớn giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu, cơ sở khi nghiên cứu các lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng đất Cao Bằng. Đặc biệt, là vấn đề sản xuất nông nghiệp, công tác thủy lợi… Ánh minh văn làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa quê hương Cao Bằng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Ngoài giá trị nội dung lịch sử, khoa học, bia “Câu thủy Bi Ký” còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao. Bia chính là tác phẩm nghệ thuật khắc chữ trên vách đá độc đáo với sự kết hợp hài hòa kỹ thuật và mỹ thuật. Đồng thời, cho thấy công sức, trí tuệ của người khắc để tạo nên giá trị lớn lưu lại cho muôn đời sau.

 

Bia “Câu thủy Bi Ký” nói về sự kiện đắp đập, đào mương được khắc thành bia vào phần phía Tây núi Phia Tém thuộc xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt (Hòa An).

Trải qua mấy trăm năm tồn tại, dưới sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết và sự tác động của con người đã làm cho di tích không còn giữ được nguyên trạng. Đặc biệt, hiện tại núi Phja Tém đã bị phá để lấy đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích. Việc khai thác đá đã khai thác vào sát bia. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di tích hiệu quả, thời gian tới các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương có di tích cần định hướng không gian bảo tồn, tôn tạo di tích, phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành tính nguyên gốc, tái hiện các đặc trưng của di tích, tạo không gian kết nối giữa các di tích.

Xác định nguyên tắc chung và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch và từng hạng mục, công trình di tích; rà soát các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã và đang được thực hiện để lập danh mục cần tu bổ, tôn tạo, phục hồi và mức độ tu bổ, tôn tạo, phục hồi. Bảo tồn cảnh xung quanh di tích, nghiên cứu phục hồi cảnh quan gắn với không gian lịch sử của di tích, không gian văn hóa của cộng đồng xung quanh di tích để phát huy di tích với phát triển du lịch địa phương.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1