71 năm sau Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950 (18/9/1950 - 18/9/2021), chúng tôi hành trình trên con đường số 4 để tìm về những địa danh, di tích, con người một thời đã từng gắn bó với những chiến công bi tráng để làm nên một Chiến dịch Biên giới toàn thắng. Tại những nơi chúng tôi đi qua, mỗi tên núi, tên làng, tên sông, mỗi con người một thời từng phải gồng mình để gánh chịu những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hôm nay đã và đang vươn mình trỗi dậy, tạo nên một diện mạo mới tràn sức sống và bình yên, no ấm.
|
Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 tại Thạch An.
|
Thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 tại Thạch An, xem các hiện vật, hình ảnh trưng bày về chiến dịch, như nghe được tiếng pháo, tiếng đạn của quân ta công kích đồn Đông Khê trong những ngày ác liệt nhất của Chiến dịch Biên giới dội về. Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Cao Bằng được chọn là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời, là hậu phương tại chỗ phục vụ chiến dịch.
Hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Nông Thị Liễu tự hào: Với mục tiêu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, tỉnh Cao Bằng đã huy động một lượng lớn sức người, sức của tham gia chiến dịch. Đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, sự chỉ đạo, có mặt của Người là nguồn động viên lớn lao cho tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta.
6 giờ sáng 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu ác liệt, dũng cảm, quân ta đập tan cụm cứ điểm Đông Khê. Ngày 18/9/1950 giải phóng Đông Khê đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi của dân tộc. Sau thất bại ở Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng bằng cách chiếm lại Đông Khê làm nơi đón quân ở Cao Bằng về, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng phân tán chủ lực ta, cứu nguy cho biên giới; mặt khác mở cuộc hành quân từ Thất Khê lên đánh chiếm Đông Khê làm đầu cầu đón binh đoàn Sác-tông rút từ Cao Bằng về.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã cùng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp ngoài mặt trận thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy Chiến dịch: Kiên trì tập trung lực lượng ở hướng chính là biên giới, tiêu diệt cả hai binh đoàn địch, tập trung lực lượng diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ trước, sau đó diệt binh đoàn Sác-tông, bộ phận lớn địch ở biên giới bị tiêu diệt, buộc địch phải rút khỏi Thái Nguyên.
Mất Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế vô cùng nguy khốn. Hàng loạt vị trí của chúng trên Quốc lộ 4 bị uy hiếp, phân khu Cao Bằng bị cô lập; thực dân Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng. Ngày 3/10/1950, thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Quân và dân ta tiếp tục truy kích, tiêu diệt toàn bộ địch. Chiến thắng Biên giới toàn thắng, quân ta giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất quan trọng suốt dải biên cương dài 750 km, gồm 35 vạn dân, địa bàn căn cứ địa Việt Bắc rộng mở, thông thương nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Nhiều năm đã trôi qua, kể từ khi Chiến dịch Biên giới thắng lợi, nhưng trong ký ức những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên hình ảnh về tháng ngày hào hùng cùng đồng đội chiến đấu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, cái ôm siết chặt vào nhau của những người lính mừng chiến thắng… Giờ đây, trở lại đời thường sau chiến thắng họ luôn phát huy tinh thần cách mạng năm xưa, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc. Đến nay, đã ngoài 94 tuổi, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc lại những năm tháng sôi nổi, hào hùng trên đường số 4, ông Nông Văn Páo, Bản Lũng, xã Thái Cường (Thạch An) như sống lại với không khí hào hùng của những ngày “rực lửa”.
Bồi hồi nhớ lại ký ức hào hùng của những ngày cùng đồng đội tham gia chiến dịch, ông Páo xúc động kể: Năm 1946, tôi xin đi bộ đội, được biên chế vào Đại đội 670 cùng lực lượng dân quân huyện phối hợp đánh trận quyết liệt chặn quân Pháp từ Lạng Sơn lên tại Kéo Ái, Lũng Phầy, xã Đức Xuân; Nà Đeng, thị trấn Đông Khê (Thạch An), làm cho quân Pháp phải rút lui khi lên tiếp viện cho Cao Bằng. Trước đây, bà con ta khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Dọc đường số 4 từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn hầu như không có nhà cửa. Nhân dân đã sơ tán vào rừng theo cách mạng thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bộ đội không sợ mưa bom bão đạn, hăng hái tham gia kháng chiến.
Nghe ông Páo kể chuyện, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của đồng bào nơi đây dành cho bộ đội, cho cách mạng. Có lẽ chính từ tình cảm trân trọng ấy mà nhân dân huyện Thạch An nói riêng và Cao Bằng nói chung luôn hăng hái, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, khi Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, nhân dân không tiếc sức người, sức của phục vụ chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.
71 năm đã trôi qua, nhưng những dấu tích của một thời kỳ oanh liệt, hào hùng vẫn còn hiện hữu với thời gian. Hiện nay, các địa điểm liên quan đến Chiến thắng Biên giới năm 1950 gồm 19 di tích và điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn của huyện Thạch An.
Về Thạch An hôm nay, du khách không chỉ tham quan, hòa dòng cảm xúc vào các chứng tích lịch sử, mà còn thấy được dáng vẻ của một vùng đất gian khó một thời nay đang vươn mình đổi thay. Bước ra từ mưa bom bão đạn, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, trải qua từng giai đoạn lịch sử, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch An nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy các nguồn lực, không ngừng phấn đấu vươn lên.
Nơi xưa ghi dấu một thời hào hùng, oanh liệt nay đang vươn mình trên con đường đổi mới. Những thay đổi trên quê hương Thạch An rất đáng tự hào, khẳng định rõ sức mạnh đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây. Quyết tâm ấy, tinh thần ấy xuất phát từ truyền thống yêu nước nồng nàn, từ tinh thần vượt khó vươn lên, mà nổi bật là truyền thống “đánh thắng” từ Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Theo Baocaobang.vn