Ðộc đáo văn hóa ẩm thực đồng bào Mông
Lượt xem: 1509

Mưu sinh trên vùng núi đá xa xôi, đồng bào Mông vẫn luôn gìn giữ được những nét đặc trưng về phong tục, tập quán, ngôn ngữ cũng như bản sắc văn hóa. Khám phá bản làng người Mông ở miền non nước Cao Bằng, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống bình dị, tự nhiên của người dân bản địa và thưởng thức những món ăn thơm ngon, độc đáo.

anh tin bai
 

Đồng bào Mông giã bánh dày tại lễ hội.

Ẩm thực của người Mông từ lâu vẫn được biết đến với nhiều món ăn gây thương nhớ trong tâm trí du khách thập phương, như: mèn mén, thắng cố, bánh ngô, gà đen, thịt lợn treo gác bếp, rau cải… Văn hóa ẩm thực dân tộc Mông gắn liền với đời sống, tập quán canh tác của đồng bào. Sống trên núi cao, giữa rừng đá tai mèo lởm chởm, quanh năm đối mặt với nắng gió, mây mù, người Mông coi cây ngô là nguồn lương thực chính. Họ không chỉ giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ngô mà còn rất giỏi trong việc chế biến ngô thành nhiều món ăn có hương vị đậm đà, hấp dẫn.

Mèn mén - món ăn biểu trưng cho khả năng thích nghi kỳ diệu của cộng đồng dân tộc Mông trước cuộc sống khó khăn và thiên nhiên khắc nghiệt. Người Mông quan niệm một phụ nữ đảm đang thì phải biết việc ruộng nương, thêu thùa và làm mèn mén. Để có được món mèn mén thơm ngon phải trải qua khá nhiều thời gian và công đoạn phức tạp, tỉ mỉ. Ngô sau khi thu hoạch về được tách lấy hạt rồi đem xay, dùng sàng lọc bỏ các hạt ngô to và vỏ ra ngoài. Sau đó, bột ngô đem trộn với một lượng nước vừa phải sao cho không bị vón cục hay quá khô. Công đoạn nhào bột thường do người có kinh nghiệm nấu nướng làm để đảm bảo món ăn chuẩn vị. Tiếp đến, cho bột ngô vào chõ, đặt trên bếp lửa hấp hai lần. Thời gian hấp lần thứ nhất tùy vào từng loại ngô, nếu là ngô non thì chỉ sau khi nước trong đáy chõ sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được, nếu là bột ngô già thì cần thời gian lâu hơn. Do đồ lần đầu tiên chưa chín hẳn nên vẫn phải cho thêm một lượng nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ đồ lần hai, giữ lửa vừa đủ để mèn mén chín đều.

Mèn mén thường ăn kèm với tảu chua (tào xua, tậu chua). Đây là món ăn được chế biến từ đỗ tương, rau cải 9 tháng và nước lá chua. Đầu tiên, lấy đỗ tương ngâm nước khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ đến khi hạt đỗ nở phồng. Xay nhuyễn hạt đỗ rồi nấu chín cùng rau cải thái nhỏ. Cuối cùng đổ nước lá chua xuống, đun trên lửa vừa đến khi món ăn đặc sánh, hòa quyện với nhau.

Thắng cố - món ăn đặc biệt nổi tiếng của người Mông. Cách chế biến món này là cho tất cả các loại thịt, xương, nội tạng… của con bò, trâu hoặc ngựa nấu chung trong một chiếc chảo to. Vào những dịp trang trọng như lễ cưới, ma chay hoặc trong các chợ phiên, đồng bào Mông hay nấu thắng cố. Các nguyên liệu được rửa sạch, ướp gia vị gồm muối trắng, thảo quả, quế, địa liền, lá chanh nướng thơm. Sau đó cho vào xào lăn rồi ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ. Chảo thắng cố được đặt trên bếp lửa hồng, ăn đến đâu múc ra đến đó, ăn kèm ớt gió, rau cải muối chua. Thêm chén rượu ngô thơm nồng là có thể cảm nhận vị ngon tinh túy đậm chất núi rừng của ẩm thực vùng biên viễn.

Thịt treo gác bếp - món ăn không thể thiếu trong dịp tết của đồng bào Mông. Ngon nhất là phần thịt ba chỉ, mông, vai của lợn đen bản địa. Sau khi sơ chế thật sạch và lau khô, những phần thịt được cắt theo từng khúc dài, một đầu được xiên bởi sợi lạt tre để thuận tiện đem treo. Thịt sẽ được ướp với muối, rượu rồi đem trữ vào âu sành (hoặc những chiếc sọt tre có lót và đậy bằng lá chuối). Khi miếng thịt đã ngấm muối, người ta sẽ treo vào những thanh tre dưới gác bếp đến khi nào lớp bì vàng cháy lại, lớp mỡ trong suốt thì có thể hạ xuống. Cắt một miếng thịt ngâm vào nước nóng cho mềm, rửa sạch, thái mỏng rồi xào cùng lá tỏi tươi thơm phức. Phần thịt nạc đậm đà, chắc ngọt, thịt mỡ mềm ngậy mà không hề ngán, bì lợn giòn giòn thoảng mùi khói, tất cả tạo nên một hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Gà đen thường được thả tự nhiên, bay nhảy tìm kiếm thức ăn ở nơi miền đá khí hậu khắc nghiệt. Chính vì thế thịt rất chắc, thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà. Bên cạnh đó, gà đen có giá trị dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với gà thường, luôn được coi là 1 vị thuốc nâng cao sức khỏe. Người Mông thường chế biến món gà đen vào dịp lễ, tết hoặc để tiếp khách quý từ phương xa đến.

Trải qua bao biến chuyển của thời gian, văn hóa ẩm thực dân tộc Mông vẫn luôn giữ được nét độc đáo, hấp dẫn riêng biệt. Tâm tư, tình cảm của bà con gửi gắm qua từng món ăn thơm ngon, hấp dẫn, thể hiện lòng tấm lòng hiếu khách nơi rừng núi vùng cao.

 

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1