Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2024
Lượt xem: 125

Sáng 23/5/2024, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2023, nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2024. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đại biểu mời dự Hội nghị có đồng chí Nông Thanh Tùng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng.

Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Bích Ngọc, Hoàng Văn Thạch; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ thực hiện Đề án Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị

Theo báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Cao Bằng đạt 62,65 điểm, tăng 3,07 điểm so với năm 2022, xếp hạng thứ 61/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Cao Bằng có 07/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022 gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,46 điểm; (2) Tính minh bạch tăng 1,56 điểm; (3) Chi phí thời gian tăng 1,02 điểm; (4) Chi phí không chính thức tăng 0,22 điểm; (5) cạnh tranh bình đẳng tăng 0,52 điểm; (6) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1,2 điểm; (7) Đào tạo lao động tăng 0,18 điểm.

Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Có 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số CCHC tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9,39%, tăng thấp nhất là 0,03%. Tỉnh Cao Bằng đạt 81,98%, tăng 4,43% so với năm 2022, tăng 02 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố, sau đó tính điểm cụ thể và xếp hạng theo 05 nhóm là: Cao nhất, Trung bình cao, Trung bình thấp, Thấp nhất và Khuyết dữ liệu. PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 120 tiêu đề chính với hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam. Tổng điểm tối đa của PAPI là 80 điểm chia đều cho 08 chỉ số nội dung. Trên cơ sở dữ liệu được công bố, chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Cao Bằng được tổng số là 41,66/80 điểm, xếp vị trí 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với năm 2022; trong 08 chỉ số nội dung có 07 chỉ số tăng điểm và 01 chỉ số giảm điểm so với năm 2022.

Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh năm 2023 được thực hiện qua việc lựa chọn 558 người dân đại diện cho các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đánh giá. Kết quả, chỉ số SIPAS tỉnh Cao Bằng đạt 76,26%, xếp thứ hạng 61/63 (tăng 01 bậc so với năm 2022).

anh tin bai

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu thảo luận

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả các chỉ số đạt thấp, đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả các chỉ số như: Trình độ ứng dụng, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân trong giải quyết công việc với chính quyền còn hạn chế, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn nên mức độ thu hút đầu tư của tỉnh và cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế so với các địa phương khác; khả năng tự chủ về kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế; Công tác tham mưu của một số cơ quan chủ trì các nhiệm vụ CCHC chưa được kịp thời, chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra; trình độ chuyên môn, năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ của một số công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tính chuyên nghiệp; việc bố trí, đầu tư cơ sở vật chất cho nhiệm vụ CCHC ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CCHC, về các chỉ số đánh giá đến người dân, tổ chức chưa hiệu quả…

 

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị: Các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; luôn xác định nhiệm vụ CCHC là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, cải thiện và nâng cao các chỉ số là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, tổ chức hiểu rõ về các nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác CCHC tại sở, ngành, địa phương.

Kịp thời rà soát, đánh giá TTHC; kiến nghị bãi bỏ các TTHC rườm rà, chồng chéo, không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các quy định, điều kiện không cần thiết, không hợp lý, đảm bảo thực chất. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC, thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu phải kiểm tra đôn đốc cán bộ, công chức thường xuyên để xảy ra chậm trễ trong việc hẹn giải quyết thủ tục hành chính để chuyển đổi vị trí công tác. Rà soát, sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; nghiêm túc bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tổ chức các hội nghị đối thoại với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm khắc phục hạn chế trong công tác CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2024 và các năm tới.

Dương Liễu

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1