Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Cao Bằng (1946-1950)
Lượt xem: 3462

1. Đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến (8/1945-10/1947)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, chính quyền cách mạng về tay nhân dân đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, đó là thù trong giặc ngoài lăm le xâm chiếm, nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói xảy ra.

Quân Trung Hoa Dân quốc lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật, kéo vào Cao Bằng từ ba phía: Hà Quảng, Phục Hoà, Trùng Khánh hòng lật đổ chính quyền non trẻ mà ta mới giành được.

Trong tỉnh, bọn phản động Nam dương Hoa kiều hiệp hội, Việt Nam phục quốc, bọn Đại Việt quốc gia liên minh, đặc biệt là bọn Quốc dân Đảng dựa vào lực lượng Tưởng Giới Thạch nổi dậy chống phá cách mạng. Ngoài ra, bọn phỉ Vi Cao Chấn ở châu Bảo Lạc, Mã Trần Thình, Triệu Hải Quáng chiếm giữ châu Hà Quảng, phỉ Gioòng Mẻn ở phố Trà Lĩnh, châu Trấn Biên, phỉ Phùng Phí Lùng, Lầu Pạc Phí chiếm giữ vùng biên giới từ châu Trấn Biên đến châu Trùng Khánh, phỉ Lường Sắn Sình ở châu Hạ Lang, phỉ Lý Khí Phang ở châu Phục Hoà... tất cả đều quấy phá ta, nhằm mục đích tiêu diệt chính quyền cách mạng.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng (ngày 25/11/1945), nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng được Ban Chấp hành Đảng bộ nêu rõ là: Đấu tranh với âm mưu xâm lược của Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai của Tưởng; tiêu diệt thổ phỉ và phản động địa phương; củng cố chính quyền cách mạng các cấp từ xã đến tỉnh. Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói và mở phong trào xóa nạn mù chữ. Đồng thời, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam.

Để bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ trên, công tác xây dựng tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đến cuối tháng 9/1945, các huyện trong tỉnh đã thành lập xong Uỷ ban nhân dân lâm thời, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 06/01/1946, nhân dân các dân tộc Cao Bằng phấn khởi tham gia bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cao Bằng vinh dự được bầu bốn đại biểu (Vũ Anh, Dương Kim Đao, Nguyễn Khánh Kim, Dương Đại Lâm). Tháng 02/1946, đồng chí Bùi Bảo Vân được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Cuối tháng 3/1946, nhân dân các dân tộc Cao Bằng tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng chí Đoàn Nguyên Nhật (tức Hồng Kỳ) được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh. Thắng lợi của cuộc bầu cử tạo ra thực lực mới cho cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền mới giành được và đấu tranh chống lại bọn phản động trong và ngoài nước. Phòng “Liên hiệp dân tộc” được thành lập giúp Uỷ ban hành chính tỉnh đi sâu nghiên cứu, tổ chức, động viên đồng bào các dân tộc từ vùng cao đến vùng thấp, đoàn kết trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Một trong những vấn đề cấp bách mà Đảng bộ và chính quyền cách mạng phải tập trung giải quyết là nhanh chóng ổn định đời sống mọi mặt cho nhân dân. Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh đã phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp nhân dân giống, vốn, phương tiện để sản xuất. Thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, nhiều vùng đất hoang được khai phá đưa vào cày cấy. Những nơi trước đây là đồn bốt của địch cũng được san phẳng để trồng ngô, khoai, sắn. Chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất của tay sai, phản động theo giặc, đem chia cho dân nghèo. Các tổ đổi công được thành lập dưới nhiều hình thức. Mọi sinh hoạt được ổn định dần.

Các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước được khôi phục. Đầu năm 1946, Cao Bằng thành lập các “trạm mậu dịch biên giới” để khai thác có hiệu quả việc trao đổi hàng hoá giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Cuối năm 1946, thành lập Chi cục Ngoại thương.

Để khắc phục khó khăn về tài chính cho Nhà nước, nhân dân các dân tộc Cao Bằng thực hiện triệt để Sắc lệnh xây dựng Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng, tự nguyện góp vàng bạc, có người góp cả dây chuyền, khuyên tai, nhẫn cưới... vào công quỹ kháng chiến, giảm bớt khó khăn cho Nhà nước.

Về văn hóa - xã hội: để diệt giặc dốt, tỉnh Cao Bằng đã mở các lớp bình dân học vụ, các lớp đào tạo giáo viên ngắn ngày, mở các trường tiểu học đón con em các dân tộc vào học nhằm xoá nạn mù chữ trong nhân dân. Đồng thời quan tâm chăm lo sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh cho nhân dân, qua việc tập hợp một số y sĩ, y tá lập các trạm khám, chữa bệnh ở thị xã và một số thị trấn lớn, đông dân cư và nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế.

Về công tác quân sự: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, thực dân Pháp gây hấn hòng xâm lược nước ta một lần nữa, Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Để góp phần chi viện cho đồng bào miền Nam đánh giặc, Cao Bằng đã cử một Chi đội giải phóng quân của tỉnh (Chi đội Nam tiến) gồm 150 người do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy, xuất phát từ làng Đền (xã Hoàng Tung, huyện Hoà An). Ngày 28/9/1945, Chi đội hành quân đến Đu (Phú Lương, Thái Nguyên) thì tạm nghỉ và tổ chức mít tinh tại đồn Đu để tuyên truyền các chính sách Việt Minh cho quần chúng nhân dân. Ngày 30/9/1945, đồng chí Hoàng Đình Giong về đến Hà Nội làm việc với Bộ Tổng tham mưu. Bộ Quốc phòng đã điều thêm 4 cán bộ chủ chốt người Cao Bằng (Đàm Minh Viễn, Nam Long, Hữu Thành, Thu Sơn) trực tiếp chỉ huy Đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu tại miền Nam. Ngày 11/10/1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Đội quân Nam tiến với bí danh là Võ Văn Đức. Cái tên này mang nhiều ý nghĩa, vừa có văn, vừa có võ, vừa có đức, thể hiện sự trọn vẹn và sự cần thiết phải có của một nhà lãnh đạo, như lời Bác Hồ căn dặn: “Chú cầm quân ra chiến trường văn võ đều cần, nhưng phải coi trọng cái đức của người cán bộ cách mạng”.

Chi đội giải phóng quân của tỉnh còn lại được bổ sung thêm lực lượng do đồng chí Bằng Giang làm Chi đội trưởng, đồng chí Dương Đại Lâm và Nông Công Dũng làm Chi đội phó. Lực lượng dân quân, du kích được đẩy mạnh, các đơn vị tự vệ và tự vệ chiến đấu ở các thôn, xã ra đời làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Giành chính quyền chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại chiếm nước ta lần nữa. Trung ương Đảng, Bác Hồ phát động toàn dân kháng chiến, Người kêu gọi nhân dân đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do.

Ngày 12/12/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách trước mắt: Tăng cường bộ máy chính quyền các cấp để chỉ đạo kháng chiến; củng cố lực lượng vũ trang; xây dựng kế hoạch phòng thủ; triệt để thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến; xây dựng các căn cứ kháng chiến; củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc, tăng cường sự hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Liên Việt; tăng cường mọi mặt để ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh; tăng cường công tác xây dựng Đảng, đặc biệt chú ý vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tháng 10/1947, Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến sáp nhập thành Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính tỉnh do đồng chí Đoàn Nguyên Nhật (Hồng Kỳ) làm Chủ tịch, chuyển toàn bộ hoạt động của chính quyền vào công việc chuẩn bị và tiến hành kháng chiến. Đồng chí Lê Thành được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Ngày 15/4/1947, Tỉnh đội bộ dân quân được thành lập để chỉ đạo lực lượng vũ trang trong tỉnh. Ở cấp huyện có Huyện đội bộ dân quân. Ở cấp xã có Ban chỉ huy xã đội. Trung đoàn chủ lực của tỉnh được kiện toàn, bổ sung thêm quân số. Tháng 10/1947, tại Pác Bó, Nà Phia, xã Dân Chủ (huyện Hòa An) đã thành lập tiểu đoàn cơ động tập trung mang phiên hiệu Tiểu đoàn 73 của tỉnh. Năm đại đội độc lập cũng được nhanh chóng xây dựng tại các huyện Hoà An, Nguyên Bình, Thạch An, Trấn Biên, Quảng Uyên.

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến, với tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng sâu sắc, Cao Bằng đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân. Cả tỉnh sục sôi không khí chuẩn bị cho kháng chiến, sẵn sàng và quyết tâm đánh trả quân địch trên nhiều hướng, quyết tâm chiến thắng quân địch khi chúng tấn công lên Cao Bằng, biến “Cao Bằng thành mồ chôn của thực dân Pháp”.

2. Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc thu - đông (năm 1947)

Ngày 09/10/1947, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng ở Nà Chướng, Nà Lắc. Sáng ngày 10/10/1947, giặc Pháp tiến công vào trung tâm thị xã Cao Bằng. Sau đó, mở các cuộc càn quét lùng sục, lấn chiếm các huyện trong tỉnh, lùng sục cơ quan đầu não và bộ đội ta để tiêu diệt.

Ngày 12/10/1947, giặc Pháp đánh chiếm xã Đề Thám, huyện Hòa An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Cùng ngày, chúng cho quân nhảy dù chiếm Đông Khê (huyện Thạch An), xây dựng các đồn: Đông Khê, Nà Tẻn, Nặm Nàng, Khau Chang, Khưa Pát, Ngườm Kim, Rằng Kheo, Bó Mò, Khau Kha, Bắc Quảng, Lũng Đẩy, Nà Nưa, Nà Pá.

Ngày 14/10/1947, thực dân Pháp ở Cao Bằng liên lạc với cánh quân từ Bắc Kạn lên đánh chiếm huyện Nguyên Bình.

Ngày 21/10/1947, quân Pháp từ thị xã tiế n đ ánh chiếm Mã Phục, xã Quốc Toản, huyện Trấn Biên (nay thuộc huyện Quảng Hòa).

Ngày 27/10/1947, quân Pháp từ Mã Phục vào chiếm huyện Quảng Uyên.

Ngày 28/10/1947, quân Pháp từ Đề Thám đánh lên Cao Bình, Nước Hai (huyện Hoà An). Chúng xây dựng các đồn: Nước Hai, Khau Đồn, Khuổi Diển, Tài Hồ Sìn, Án Lại, Khau Chang, Nặm Loát, Nặm Pạng.

Ngày 31/10/1947, thực dân Pháp chiếm huyện Phục Hoà, tạo thành phòng tuyến vòng ngoài bảo vệ trung tâm chỉ huy ở thị xã Cao Bằng. Như vậy, sau gần một tháng, chúng đã xây dựng 19 vị trí chiếm đóng trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của thực dân Pháp” của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Ngay từ tháng 01/1947, cơ quan Tỉnh uỷ đã rời vào khu căn cứ Lam Sơn, huyện Hoà An. Tại đây, Tỉnh uỷ quyết định đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong toàn tỉnh, quyết đẩy lùi cuộc tiến công mùa đông của địch, chủ động đánh địch ở khắp mọi nơi. Ngay khi mới đặt chân lên Cao Bằng, thực dân Pháp đã bị quân ta chống trả quyết liệt. Ta đã bắn rơi chiếc máy bay JU-52 chở tên đại tá Lămbe, Phó Tổng tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trên bầu trời Cao Bằng, xác máy bay rơi xuống làng Pác Cáy, xã Lê Chung, huyện Hoà An (nay thuộc phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng). Ta thu được toàn bộ bản kế hoạch tấn công Việt Bắc của thực dân Pháp mang mật danh Lêa. Nhờ đó, Bộ Tổng chỉ huy của ta có thêm cơ sở vững chắc hoàn chỉnh phương án đánh địch, quyết phá tan cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp.

Quán triệt chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đặc biệt là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phá hoại để kháng chiến”, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập ba đội phá đường trên ba trục đường chính: Cao Bằng - Đông Khê, Cao Bằng - Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), Cao Bằng - Nguyên Bình để gây trở ngại cho việc hành quân tiếp tế của địch. Đồng thời, ta tổ chức 289 trận đánh tiêu hao sinh lực địch, tiêu biểu là: trận Bông Lau, Lũng Phầy trên quốc lộ số 4; trận Khuổi Ngọa; ngày 28/02/1948, ta đánh Nà Vài, Bản Lủng (đường Đông Khê - Cao Bằng); trận tập kích vào đồn Khau Lừa, đồn Nước Hai (Hoà An) ngày 04/3/1948; trận Bó Ca (Nguyên Bình), v.v.. Nhiều trận ta giành thắng lợi lớn như trận Lũng Mười (Thạch An) tháng 01/1948, ta chặn đánh 60 xe ôtô tiếp tế từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, tiêu diệt 42 tên địch, làm bị thương 30 tên, thu bốn trung liên, 21 súng trường. Trận Nà Keng (Thạch An) ngày 05/4/1948, ta chặn xe tiếp tế của địch, diệt 40 tên, phá huỷ cả đoàn xe. Tính từ tháng 10/1947 đến tháng 4/1948, quân dân ta đã tiêu diệt 1.257 tên địch, làm bị thương 130 tên, phá huỷ 29 xe ôtô, thu nhiều vũ khí.

Thắng lợi của những trận mở màn có ý nghĩa lịch sử quan trọng trên căn cứ địa của cả nước đã góp phần làm cho địch thiệt hại nặng, đập tan cuộc tiến công chiến lược Thu Đông năm 1947 của thực dân Pháp.

3. Các trận đánh của quân và dân Cao Bằng nhằm cản bước tiến của quân Pháp (từ năm 1948 đến giữa năm 1950)

Bị thiệt hại nặng trong cuộc tiến công lên Việt Bắc thu - đông 1947 buộc Pháp phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Quân Pháp tăng cường lực lượng, củng cố các vùng chiếm đóng, mở rộng đánh chiếm các khu vực xung quanh và các thị trấn dọc quốc lộ số 3, quốc lộ số 4. Tháng 3/1948, quân số của địch tăng hai đại đội bộ binh, một đại đội dù, đưa tổng số quân địch ở Cao Bằng lên đến 3.000 tên. Từ tháng 5 đến tháng 8/1948, chúng đã mở các cuộc hành quân đánh chiếm các huyện Trấn Biên, Quảng Uyên, Thạch An (Đông Khê), Phục Hoà, Hòa An (Khau Đồn, Cao Bình), tìm cách liên kết với thổ phỉ và phản động bên ngoài, cắt đứt đường ngoại thương của ta với Trung Quốc. Trong năm 1948, chúng đã chiếm 48 vị trí của Cao Bằng.

Để củng cố, tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, ngày 29/5/1948, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ II đã khai mạc tại Bản Ruồm, xã Đa Thông, huyện Hà Quảng. Tham dự Đại hội có 135 đại biểu đại diện cho 2.082 đảng viên trong 147 chi bộ của Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trên các mặt trong cuộc kháng chiến; đề ra những chủ trương, biện pháp mới để đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới, do đồng chí Bùi Bảo Vân làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Lê Khắc làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Đoàn Nguyên Nhật (Hồng Kỳ) làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo tổ chức tổng quét tề tại các huyện Quảng Uyên, Hòa An, Nguyên Bình, Trấn Biên, Phục Hòa, diệt tại chỗ 17 tên tay sai đắc lực cho thực dân Pháp, bắt 133 tên, giải tán nhiều hội tề khác. Tỉnh thành lập các đội vũ trang tuyên truyền ở các huyện Quảng Uyên, Nguyên Bình, Trấn Biên, Thạch An, thị xã Cao Bằng, v.v. để tung vào vùng địch hoạt động quấy phá. Nhiều trận đánh lớn nổ ra. Trung đoàn 74 mở chiến dịch đánh vào huyện Trấn Biên, đánh đồn Mã Phục, Bản Lang buộc địch phải điều 700 quân ở thị xã vào ứng cứu. Đồng thời, trên đường số 4, ta đánh 53 trận, trong đó tiến công các đồn: Cạm Ngần, Đông Khê (ngày 04/01/1949), Ngườm Kim (ngày 06/01/1949), buộc địch phải rút quân từ huyện Phục Hoà về tăng cường cho Đông Khê (huyện Thạch An). Ngày 02/3/1949, ta diệt gọn một trung đội địch ở Mã Phục, xã Quốc Toản (huyện Trấn Biên). Trận đột nhập phố Nguyên Bình vào đêm 24/3/1949, diệt 3 tên thổ phỉ, thu một số vũ khí. Trận phục kích ở Khuổi Đăm trên quốc lộ số 4, ta diệt 70 tên, phá huỷ 2 xe ôtô.

Trước thất bại nặng nề, thực dân Pháp đưa ra Kế hoạch Rơve nhằm “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Địch tăng quân số ở thị xã Cao Bằng lên 2.000 quân dưới sự chỉ huy của 2 quan năm, 4 quan tư, 20 quan ba và 3 quan một, cùng các loại vũ khí tối tân. Ở Hoà An, địch có 534 tên đóng ở 12 vị trí. Nguyên Bình có 584 tên đóng ở 16 vị trí; Thạch An có 809 tên đóng ở 15 vị trí; Quảng Uyên có 141 tên đóng ở 4 vị trí; Phục Hoà có 453 tên đóng ở 11 vị trí; Trấn Biên có 272 tên đóng ở 5 vị trí, v.v.. Tổng quân số của địch đến năm 1949 ở Cao Bằng là 5.000 tên, với 63 vị trí chiếm đóng.

Tháng 6/1949, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, với tinh thần quốc tế vô sản và mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã cử lực lượng cán bộ và các đơn vị quân đội sang giúp Trung Quốc chiến đấu giải phóng Biên khu Việt - Quế; sau đó, cử những cán bộ có kinh nghiệm tiếp tục giúp bạn xây dựng căn cứ địa cách mạng, củng cố vùng giải phóng phía Nam Trung Quốc vững chắc.

Đồng thời, giai đoạn này, tình hình kinh tế của tỉnh Cao Bằng còn nghèo nàn, giặc Pháp càn quét liên miên, đất canh tác bị bỏ hoang ở quanh đồn địch chiếm 20% diện tích, nhưng ta vẫn đảm đương nhiệm vụ nuôi ăn ở và lo những phương tiện sinh hoạt hàng ngày cho hai tiểu đoàn Nam Lộ của quân giải phóng Trung Quốc đang trú quân trên địa bàn của tỉnh ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang. Ngoài ra, còn có thêm một tiểu đoàn Quân giải phóng mới chuyển từ Lạng Sơn đến, chưa kể một đại đội vũ trang công tác của bạn thường xuyên hoạt động dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Quân và dân Cao Bằng đã thực hiện đúng chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tuy ta có khó khăn, nhưng phải chăm lo cho bạn như lo cho bộ đội của mình”.

Cũng trong năm 1949, quân Trung Hoa Dân quốc (quân Tưởng Giới Thạch) bị đánh ở biên giới Trung Quốc, tràn vào Cao Bằng hòng nhờ thực dân Pháp che chở, với hơn hai vạn tên vào theo ba hướng: Hà Quảng, Phục Hoà và Hạ Lang. Quân Trung Hoa Dân quốc và thực dân Pháp đã cấu kết với nhau chống phá cách mạng nước ta. Nhưng ý đồ nhờ Pháp che chở không thành, vì vừa bước chân đến biên giới Cao Bằng, quân Trung Hoa Dân quốc đã bị ta đánh cho tơi bời, một số phải mở đường máu chạy về Đông Khê với thực dân Pháp.

Mặc dù địch đông quân, tới 5.000 tên, nhưng lúc này thế ta đã mạnh lên, chủ động đánh địch ở mọi nơi. Ngày 19/8/1949, Trung đoàn chủ lực 174 ra đời tham gia đánh rất nhiều trận: ngày 03/9/1949, đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy (huyện Thạch An) phá huỷ 86 xe ôtô chở hàng hoá, bắt sống 40 tên, thu 20 súng các loại. Tháng 4 và tháng 5/1949, quân ta đã 21 lần đột nhập vào thị xã, đánh thẳng vào pháo đài, nhà máy điện, trạm gác cầu sông Hiến và sông Bằng, làm cho địch hoang mang lo sợ. Tiếp đó, ngày 15/5/1949, ta đánh Nà Danh, tiêu diệt 130 tên địch, bắt sống 6 tên, thu nhiều vũ khí đạn dược. Riêng năm 1949, ta đánh 489 trận, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Quân Pháp bị thiệt hại nặng, bị cô lập đã nảy sinh ra mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa cơ động và chiếm đóng. Giao thông tiếp tế khó khăn, quân số ngày càng thiếu hụt, buộc thực dân Pháp phải cho rút hàng loạt đồn bốt. Đến lúc này, Kế hoạch Rơve đã cơ bản bị phá sản. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ngày 25/7/1949, Pháp rút khỏi huyện Phục Hoà; ngày 20/8/1949, địch rút các đồn thuộc huyện Nguyên Bình; ngày 31/8/1949, rút khỏi thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An); ngày 20/9/1949, rút các đồn nằm trên địa phận huyện Trấn Biên; ngày 20/10/1949, chúng rút hết khỏi các đồn trên địa bàn tỉnh, co cụm về thị xã Cao Bằng và Đông Khê. Lúc này, ta đã có hậu phương lớn gồm 10 huyện trong tỉnh với 2.000 km2 suốt từ Bắc Kạn đến Cao Bằng. Ta hoàn toàn làm chủ chiến trường, tiếp tế của địch chỉ bằng máy bay, chúng rơi vào thế phòng ngự, không dám mở những cuộc càn quét lớn, chỉ lùng sục xung quanh thị xã và Đông Khê. Chỉ tính riêng năm 1949, quân và dân ta đã đánh tới 489 trận lớn, nhỏ; những chiến công đó đã cổ vũ toàn quân, toàn dân trong tỉnh tiến lên phản công giặc Pháp vào năm 1950.

Để chuẩn bị cho phản công địch, ta tập trung tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương về mọi mặt, nhất là về tài chính. Năm 1949, nhân dân Cao Bằng đã mua 248.800 đồng công phiếu kháng chiến, gửi cho tiền tuyến 325.650 đồng, 1.383 kg gạo, 30.910 kg thóc, 17.915 m vải ủng hộ bộ đội. Riêng Hội Phụ nữ đóng góp năm vạn đồng vào quỹ kháng chiến; trong đó, phụ nữ xã Hồng Việt, huyện Hoà An góp 20.645 đồng. Đặc biệt lúc này có phong trào bán gạo cho Hồ Chủ tịch khao quân sôi nổi khắp toàn tỉnh. Tổng kết phong trào, tỉnh Cao Bằng đã bán được 759.417 kg thóc, 17.683 kg gạo. Trong phong trào bán gạo cho Bác Hồ khao quân có các huyện, xã bán nhiều nhất là: huyện Trấn Biên bán được 47.616 kg thóc, 215 kg ngô; xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh bán 21.540 kg thóc; xã Canh Tân, huyện Thạch An bán 5.894 kg thóc; xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên bán 36.725 kg thóc; xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang bán 11.293 kg thóc; xã Cao Chương, huyện Trấn Biên bán 20.440 kg thóc; xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc bán 8.436 kg thóc. Toàn tỉnh đã đóng góp 78.824 ngày công 2.346 tấn gạo, 120 tấn thực phẩm phục vụ chiến dịch. Đó là cơ sở vật chất quan trọng để quân và dân Cao Bằng sát cánh cùng bộ đội chủ lực bước vào cuộc chiến đấu mới: chiến thắng Đông Khê - giải phóng hoàn toàn tỉnh Cao Bằng.

4. Cao Bằng trong Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Nhằm mục đích đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Tháng 7/1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy mặt trận Biên giới, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng uỷ mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính uỷ chiến dịch.

Ngày 12/8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp uỷ đảng, nêu rõ Chiến dịch Biên giới là một chiến dịch quan trọng, các địa phương trong toàn quốc cần phối hợp, kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch không cho chúng tiếp viện. Trong Thư gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đây là trận quyết chiến tiêu diệt địch với quyết tâm “Chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”.

Cao Bằng là chiến trường chính và là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch. Làng Tả Phầy Nưa, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (nay thuộc thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) được chọn làm “bản doanh” của Sở Chỉ huy Chiến dịch.

Ngay từ đầu năm 1950, Đảng bộ Cao Bằng đã nhận được chỉ thị của Trung ương bắt tay vào công việc chuẩn bị cho chiến dịch. Ban huy động dân công cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập gồm trên một nửa số cán bộ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, Đảng bộ đã lãnh đạo huy động 78.224 người, trong đó hai phần ba là phụ nữ với 1.340.748 ngày công phục vụ cho chiến dịch. Nếu tính từ đầu năm 1950, Cao Bằng đã huy động tới 5,7 triệu ngày công phục vụ vào sự nghiệp kháng chiến, bình quân mỗi lao động đã đóng góp trên 100 ngày công; chưa kể trên 20.000 nam, nữ thanh niên các dân tộc tham gia bộ đội trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài sức người, Cao Bằng còn huy động được 2.346 tấn gạo, trên 120 tấn thực phẩm phục vụ chiến dịch. Đây là một cuộc động viên lớn nhất từ khi bước vào cuộc kháng chiến đến nay.

Nhiệm vụ quân sự do Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao cho bộ đội địa phương tỉnh là: Chặn quân địch vào phía Án Lại, Nước Hai, Bản Tấn; chặn đường rút lui về phía Bắc Kạn, Đông Khê; truy kích và tiêu hao địch; chặn đường tiếp tế hàng không của chúng; khi mặt trận Đông Khê nổ súng thì ở thị xã cùng nổ súng phối hợp. Bộ đội địa phương còn được giao nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ kho tàng trên các trục đường giao thông chính để phục vụ cho chiến dịch.

Ngày 16/8/1950, Hội nghị Đảng uỷ Mặt trận đã bàn định, cân nhắc lại phương án tác chiến dưới sự phân tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người trực tiếp trinh sát thị xã Cao Bằng. Đại tướng đề xuất với Bác và Trung ương Đảng chuyển hướng đánh thị xã sang đánh Đông Khê trước. Đề nghị này được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y. Đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê buộc địch phải ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động. Thể hiện tư tưởng chỉ đạo trên, kế hoạch tác chiến của chiến dịch được chia làm bốn bước: tiêu diệt Đông Khê, đánh quân tiếp viện lên Đông Khê, đánh Thất Khê và đánh thị xã Cao Bằng.

Với tầm quan trọng của Chiến dịch Biên giới, cuối tháng 8, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị và động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch. Ngày 14/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở chỉ huy tiền phương tại Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An) trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sáng ngày 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát của mặt trận trên đỉnh núi Báo Đông (xã Đức Long, huyện Thạch An) trực tiếp quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới năm 1950. Tại đây, Người đã làm bài thơ “Lên núi” nổi tiếng:

Chống gậy lên non xem trận địa,

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.

Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu,

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Hình ảnh “Bác Hồ ra trận” thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng quân thù cao nhất của Đảng và nhân dân ta, là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn, lan truyền đến toàn thể quân và dân ta, tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân và toàn dân ta quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch. Khắp các mặt trận, quân và dân nô nức “thi đua giết giặc lập công”, phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi.

Sáng ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê. Sau hơn hai ngày chiến đấu ác liệt, đến 10 giờ ngày 18/9/1950, ta đã chiếm đồn Đông Khê. Mất Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng bằng cách chiếm lại Đông Khê làm nơi đón quân ở Cao Bằng về, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng phân tán chủ lực ta, cứu nguy cho biên giới; mặt khác mở chiến dịch “Têra”, dùng Binh đoàn cơ động “Buya” lên đánh chiếm Đông Khê làm đầu cầu đón quân ở Cao Bằng về. Ngày 03/10/1950, Binh đoàn Sáctông gồm 2.000 tên, cùng với tên Tỉnh trưởng ngụy quyền Nông Ngọc Tu rút khỏi thị xã Cao Bằng theo đường số 4. Ngày 07/10/1950, ta tiêu diệt binh đoàn Sáctông ở Cốc Xá. Ngày 08/10/1950, ta tiêu diệt Lơ Pagiơ ở Nà Gạo.

Trong chiến dịch xuất hiện những gương chiến đấu dũng cảm như La Văn Cầu, Lý Viết Mưu, Trần Cừ được Chính phủ phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị Triệu Thị Soi được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Hai. Các chị Đinh Thị Dậu, Đinh Thị Bỏng, Nguyễn Thị Bé, Đinh Thị Mẩn được tuyên dương công trạng trong ngày lễ chiến thắng...

Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới toàn thắng. Chiến dịch Biên giới thắng lợi, ta tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn địch trong đó 8 tiểu đoàn bị diệt gọn, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược toàn Đông Dương, giải phóng 350.000 dân với diện tích rộng 4.500 km2. Chiến dịch Biên giới kết thúc, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn giải phóng. Ngày 03/10/1950 trở thành ngày giải phóng Cao Bằng.

Ý nghĩa của chiến dịch:

- Chiến dịch Biên giới thắ ng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, buộc địch phải thú nhận đây là “những cuộc chiến đấu bất hạnh”. Đây là một thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

- Chiến thắng Biên giới làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và thực dân Pháp. Sau chiến dịch này, quân ta giành quyền chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ), đẩy quân địch ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Mở ra bước ngoặt mới đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy.

- Chiến thắng Biên giới đã củng cố lòng tin của nhân dân ta vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng ta trong việc lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, thấy rõ khả năng to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

- Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là thắng lợi chung của cả nước, đây là mốc son chói lọi của các dân tộc Việt Bắc, trong đó có Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

- Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã phá được thế bao vây của giặc, tạo điều kiện để mở rộng, giao lưu với quốc tế. Từ đây cuộc kháng chiến của nhân dân ta càng gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh của bè bạn quốc tế năm châu.

- Đối với Cao Bằng, Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa hết sức trọng đại. Kể từ khi quân Pháp đánh chiếm Cao Bằng tháng 10/1886, đến ngày 03/10/1950, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Cao Bằng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng do Đảng ta lãnh đạo. Ngày 03/10/1950, ngày Cao Bằng sạch bóng quân thù, mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành chính quyền của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1