Cao Bằng: Đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (2001-2005)
Lượt xem: 520

Sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2000), đất nước ta giành được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh, tình hình chính trị ổn định; kinh tế có bước phát triển; an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền ngày càng được chú trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2001-2005 diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28/12/2000 tại thị xã Cao Bằng. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2001-2005 là: “Trong những năm tới, cần chủ động khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Coi trọng việc đầu tư cho khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu đề ra, nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng, kỷ cương pháp luật. Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Tại Đại hội, đồng chí Dương Mạc Thăng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nhiệm kỳ 2001-2006 diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra Kế hoạch 5 năm 2001-2005 là: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự quản lý, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương thi đua phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế"" - xã hội giai đoạn 2001-2005.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng có những chuyển biến tích cực, nhiều giống mới được đưa vào sản xuất phù hợp với đất đai, khí hậu từng vùng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 6%. Rừng được phục hồi nhanh chóng, độ che phủ rừng từ 21,4% năm 1996 nâng lên 43% năm 2000. Chăn nuôi được chú trọng phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư, hình thành các vùng kinh tế mới; đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Sản xuất công nghiệp được chú trọng. Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường. Một số sản phẩm như quặng sắt, mangan, gang đúc, thiếc thỏi, xi măng, gạch xây dựng... tăng về số lượng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp được khởi công xây dựng như: Nhà máy thuỷ điện Nà Lòa, lò cao luyện gang 50 m3 Bản Gủn (xã Ngũ Lão, huyện Hòa An), xưởng luyện Fêromangan Trưng Vương (huyện Hòa An)...

Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: đan lát, dệt vải, dệt thổ cẩm, làm hương, làm giấy bản... được khuyến khích phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn.

Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện. Các tuyến đường tỉnh thường xuyên được tu sửa, bảo dưỡng, bảo đảm giao thông thông suốt; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, có 44,6% xã có đường ôtô đến thôn, bản. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ 41,3% năm 2000 tăng lên 65,2% năm 2005, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao dần được khắc phục.

Ngành bưu chính - viễn thông đầu tư phát triển mạng lưới ra khắp các địa phương trong tỉnh. Trong 5 năm 2001-2005, toàn tỉnh có 44 xã có điện thoại, đạt 100% xã có điện thoại; xây dựng mới 11 điểm bưu điện văn hóa xã, nâng tổng số lên 156 điểm; hoàn thành chương trình đưa Internet đến 100% trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường phổ thông trung học và 13 phòng giáo dục trong tỉnh.

Công tác tài nguyên - môi trường được tỉnh quan tâm, nhất là công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp mới và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số địa phương hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Các hoạt động khoáng sản dần đi vào nền nếp, đúng theo quy hoạch, quy định của pháp luật.

Tài chính - ngân hàng có bước phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước, năm 2005, thu ngân sách của tỉnh đạt 213 tỷ 964 triệu đồng, tăng 8% so với năm 2004. Bình quân thu ngân sách tăng 23%/năm. Các ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp huy động tiền nhàn rỗi trong dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn vốn huy động trong nhân dân và vốn cho vay hằng năm tăng trưởng khá: năm 2005, nguồn vốn cho vay đạt 1.283 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 887 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2004.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong 3 năm 2003-2005, mạng lưới trường, lớp học phát triển mạnh, với nhiều loại hình như: công lập, dân lập, bán công, phân trường, lớp lẻ, lớp ghép; giáo dục mầm non. Toàn tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 66 xã, phường, thị trấn; xây dựng được 2.538 phòng học kiên cố; chất lượng giáo dục tăng đều ở các cấp học.

Công tác lao động - thương binh và xã hội, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho thương binh, bệnh binh và các đối tượng chính sách. Thông qua các nguồn vốn, toàn tỉnh hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 481 thương binh, gia đình liệt sĩ. “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành việc làm thường xuyên của các địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của thương binh, bệnh binh và các đối tượng chính sách.

Ngoài ra, công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cũng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Với nhiều giải pháp tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 25% năm 2001 xuống còn 9,43% năm 2005. Trong 5 năm 2001-2005, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 37.300 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 12,5% năm 2000 tăng lên 17,5% năm 2005.

Trong lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, trở thành phong trào rộng lớn trong xã hội; số gia đình, làng xóm, tổ dân phố, cơ quan đăng ký và đạt danh hiệu văn hóa hằng năm đều tăng. Xây dựng được 127 nhà văn hóa thôn, xóm phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Phong trào thể dục, thể thao có bước phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều giải thể thao quần chúng đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh.

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được mở rộng và củng cố, bổ sung trang thiết bị. 100% trạm y tế xã có nhà trạm, 39 trạm y tế có bác sĩ, đạt 7 bác sĩ/1 vạn dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tới 189/189 xã, phường, thị trấn. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hằng năm giảm 1,6%. Tỉnh Cao Bằng hoàn thành loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế.

Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền hoạt động của các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Báo Cao Bằng đưa vào hoạt động thử nghiệm Báo Cao Bằng điện tử. Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng trạm phát lại truyền hình Mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình), xã Tân Việt (huyện Bảo Lâm), xã Bình Lãng (huyện Thông Nông) và lắp đặt 261 bộ Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh DTH cho 97 xã, nâng tỷ lệ phủ sóng truyền hình lên 68%...

Về công tác dân tộc, tôn giáo, các lực lượng chức năng phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các hành vi truyền đạo trái pháp luật, bảo đảm quyền bình đẳng, tự do tín ngưỡng của mọi công dân. Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tỉnh hỗ trợ xây dựng 2.500 nhà ở cho đồng bào có nhà dột nát, hoàn thành và đưa vào sử dụng 35 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, xóm khó khăn.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tốt diễn tập quân sự tại 32 cụm xã; huấn luyện thường xuyên và nâng cao cho 320/320 cơ sở dân quân, tự vệ; mở 54 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 1.482 cán bộ của tỉnh và các huyện, thị xã.

Ngành công an phối hợp với lực lượng quân sự, Bộ đội biên phòng tổ chức nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm qua biên giới; phục vụ và bảo vệ an toàn quá trình phân giới, cắm mốc trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống truyền đạo trái phép trong đồng bào dân tộc thiểu số... góp phần giữ vững ổn định trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Đảng được các cấp uỷ tổ chức thực hiện nghiêm túc. Công tác phát triển đảng viên được coi trọng, trong 5 năm 2001-2005, tỉnh đã kết nạp được trên 7.000 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên trên 29.000 đảng viên và tăng thêm 145 xóm có đảng viên, 111 xóm có chi bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc theo chương trình, kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất với những nội dung được quy định trong Điều lệ Đảng. Công tác dân vận có nhiều đổi mới. Nội dung công tác dân vận được gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu với Đảng, kiến nghị với chính quyền các cấp, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế" - xã hội, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Trong 5 năm 2001-2005, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Công tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và giữ vững, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ quốc gia; quan hệ đối ngoại tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1