Cao Bằng: Xây dựng nông thôn mới, mở rộng hội nhập quốc tế (2011-2015)
Lượt xem: 425

Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế đất nước có bước phát triển mạnh mẽ, nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Những thành tựu đạt được là điều kiện quan trọng tạo đà cho nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, mở rộng hội nhập quốc tế, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Từ ngày 20 đến ngày 22/10/2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội là: “Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; kết hợp khai thác nội lực với thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài; chú trọng chất lượng tăng trưởng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo vệ và cải thiện tốt môi trường sinh thái; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Tại Đại hội, đồng chí Hà Ngọc Chiến được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

Từ ngày 12 đến ngày 19/01/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2011-2015: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trên cơ sở đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững phù hợp với thực tế và tiềm năng của tỉnh.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các biện pháp thâm canh, kết hợp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường, do đó, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đều tăng. Năm 2011, đạt 240.000 tấn. Năm 2015, đạt 262.600 tấn. Bình quân lương thực đạt 488 kg/người. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng như: vùng sản xuất thuốc lá, vùng sản xuất mía, vùng trồng trúc sào, vùng nguyên liệu sắn...

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông - lâm nghiệp, qua đó tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh và chống chọi được môi trường khí hậu khắc nghiệt; đồng thời, phục tráng, bảo tồn, cải tạo các loại giống cây lương thực, cây ăn quả đặc sản có thế mạnh của địa phương như: cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, bưởi Phục Hoà...

Ngành chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản lượng tăng trung bình trên 7%/năm, chiếm trên 32% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; kinh tế trang trại, gia trại đã được hình thành và phát triển; một số sản phẩm như thịt bò, lợn đen... bước đầu xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ năm 2011 đến năm 2015, tổng đàn gia súc có tăng nhưng chậm: đàn trâu từ 102.668 con lên 104.000 con; đàn bò từ 125.599 con lên 128.000 con; đàn lợn từ 367.599 con lên 389.000 con.

Về lâm nghiệp, công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ rừng thực hiện tốt, tài nguyên rừng từng bước được phục hồi. Công tác trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến tích cực, kết quả năm sau cao hơn năm trước: năm 2011, trồng rừng tập trung đạt 484 ha; năm 2015 đạt 2.057,9 ha, độ che phủ rừng đạt 51%. Một số doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất gắn với chế biến các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ như: vầu, trúc, giang, nứa, song mây, nhựa thông, lá dong, măng tươi, mộc nhĩ...

Công tác định canh, định cư được quan tâm, tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy và di dân tự do cơ bản đã được ngăn chặn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện hiệu quả chính sách tạo việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2011 đến năm 2015 đã đào tạo, dạy nghề cho 2.646 lao động thuộc hộ nghèo, 47.313 lao động có việc làm.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Cao Bằng có 177/199 xã, phường, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn trên 517 tỷ đồng. Bình quân toàn tỉnh đạt 6,46 tiêu chí/xã. Đến tháng 12/2015, có 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Trên lĩnh vực công nghiệp, tập trung sản xuất công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản và thuỷ điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,4%/năm. Một số doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả như: Nhà máy Feromangan Tây Giang (Km 7, quốc lộ 3, thành phố Cao Bằng); Công ty cổ phần mía đường Cao Bằng (thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa); Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Chu Trinh (xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng); Công ty cổ phần Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng (Nà Cạn, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng)...

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm chủ yếu là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, khai thác đá, cát, sỏi...

Hệ thống thương mại và dịch vụ được mở rộng, toàn tỉnh có 83 chợ, 05 siêu thị. Các đại lý bán buôn, bán lẻ được hình thành rộng khắp ở thị trấn, thị tứ nên việc mua bán, luân chuyển hàng hóa ngày càng thuận lợi.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực, giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 1.900,24 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 828,53 triệu USD; nhập khẩu đạt 1.071,71 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, lợn, cao su, hạt điều, chì thỏi; hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị, than cốc, thuốc lá, vải, fero các loại, hóa chất. Tổng thu thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu giai đoạn 2011-2015 là 834,412 tỷ đồng.

Hệ thống doanh nghiệp và hợp tác xã ngày càng phát triển. Năm 2011, toàn tỉnh có 853 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã; năm 2015 có 1.107 doanh nghiệp, 390 hợp tác xã. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới đô thị được mở rộng. Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc thành lập thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng. Thị xã Cao Bằng trở thành thành phố thuộc tỉnh là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; đánh dấu kết quả quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Về giao thông - vận tải, các tuyến quốc lộ 3, quốc lộ 4a được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hàng hóa, hành khách từ Cao Bằng đến Hà Nội. Tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đưa vào Quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam. Cuối năm 2011, loại hình vận tải khách bằng xe buýt của Công ty cổ phần vận tải Hòa Bình được đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, góp phần giảm áp lực vận tải hành khách đi một số’ huyện trong tỉnh.

Kết quả thu ngân sách có sự tăng trưởng mạnh, tổng số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 đạt 601,053 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 1.405,345 tỷ đồng. Các hoạt động tín dụng, ngân hàng tích cực tuyên truyền, triển khai hiệu quả chính sách cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh doanh. Năm 2015, tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 13.086 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 9.655 tỷ đồng. Sự đầu tư vốn của ngân hàng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thiết thực đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo.

Lĩnh vực khoa học - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khai thác hiệu quả các cây trồng có lợi thế của địa phương như: cam Trưng Vương, quýt Hà Trì (Hoà An); quýt Trà Lĩnh; lúa nếp hương Bảo Lạc và Pì Pất Hoà An; chè Phja Đén, miến dong (Nguyên Bình)...

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Triển khai xây dựng nhà vệ sinh, di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn; thực hiện Chương trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh chú trọng việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Năm 2015, toàn tỉnh có 669 trường học và trung tâm, tăng 164 trường so với năm 2010, có 70 trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp với các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tạo không khí phấn khởi thi đua trong học tập, lao động và sản xuất.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc đạt kết quả tích cực. Năm 2015, tổng số di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh là 215 di tích, có 97 di tích đã được xếp hạng.

Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng khách trong nước và quốc tế đến Cao Bằng tăng cao, năm 2015, đạt 653.340 lượt người, doanh thu đạt 115,510 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 18%. Du lịch phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Lĩnh vực báo chí - xuất bản, truyền thanh - truyền hình hoạt động đúng chủ trương, định hướng thông tin, tuyên truyền, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sóng truyền hình Cao Bằng được đưa lên vệ tinh Vinasat-1, với thời lượng kênh chương trình truyền hình Cao Bằng 15 giờ/ngày. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, năm 2015, đã xây dựng được 687 trạm phát sóng di động BTS, 100% số xã trong tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động, tổng số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt 509.968 thuê bao.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng, tăng dần qua các năm, từ 479.259 người (năm 2011) lên 498.235 người (năm 2015). Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, kịp thời, không có dịch lớn xảy ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đáp ứng cơ bản công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2015, đã tổ chức khám bệnh được 1.051.904 lượt người, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 101,6%.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được duy trì thường xuyên, cung ứng đầy đủ vật tư thiết yếu, vật tư tiêu hao cho các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát, năm 2011, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,03%, năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 0,9%.

Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm: năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 30,06%, năm 2015 giảm xuống còn 15,86%. Bình quân giai đoạn 2012-2015 giảm trên 4%/năm.

Việc đào tạo nghề ngày càng được chú trọng về chất lượng, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Giai đoạn 2011-2015, có 13.200 lao động được đào tạo nghề, tăng 120% so với giai đoạn 2006-2010, tạo việc làm cho 49.232 lao động, 1.400 người đi xuất khẩu lao động.

Công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc gia đình có công với cách mạng đã được các cơ quan, đoàn thể và đông đảo nhân dân tham gia như phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, quyên góp, tặng quà. Năm 2015, quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đã vận động được 1.486.522.000 đồng, từ nguồn quỹ xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quà dịp tết, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Công tác quốc phòng - an ninh cơ bản ổn định, tiềm lực quốc phòng được quan tâm đầu tư, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng điểm; thực hiện xuyên suốt yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh. Lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm an toàn giao thông.

Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, nhất là với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ quan, các đại sứ quán, tổ chức nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam. Tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các dự án tài trợ trên địa bàn tỉnh.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, tập trung xây dựng toàn diện trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Công tác phát triển Đảng và việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức, cá nhân được các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác dân vận có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đề cao dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng được cấp uỷ quan tâm. Việc tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thực hiện tốt nên đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, triển khai thực hiện tốt Quy chế" dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Giai đoạn 2011-2015, trong điều kiện chung đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... tiếp tục tạo tiền đề vững chắc để các cấp, các ngành và nhân dân đẩy mạnh toàn diện, sâu rộng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững, sớm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển toàn diện và năng động.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1