Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực trên con đường phát triển (2016-2020)
Lượt xem: 2620

Từ ngày 14 đến ngày 16/10/2015, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo; tiếp tục xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quyết tâm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển”.

Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu trong giai đoạn 2015-2020; các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ. Đến tháng 12/2017, Bộ Chính trị điều động đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018 tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Từ ngày 20 đến ngày 28/01/2016, tại Thủ đô Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm (2016-2020) là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Ngay sau Đại hội, các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng.

Về nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; đồng thời, tích cực thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; đưa giống chất lượng cao vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng lúa nếp đặc sản (nếp Pì Pất, nếp Ong...), vùng thuốc lá, vùng mía... Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: thuốc lá, vùng hồi, vùng miến dong, chanh leo, quýt... tiếp tục được mở rộng quy mô, diện tích, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Tổng đàn gia súc được duy trì, nhưng do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng đàn không đạt kế hoạch đề ra.

Về lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng, phát triển một số cây đặc hữu như cây quế, hồi, trúc sào; đồng thời, rà soát chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất nhằm phát triển kinh tế từ rừng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được triển khai đồng bộ, đời sống người dân khu vực nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đến năm 2020, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã và đi lại được bốn mùa; 100% xã có điện lưới đến trung tâm; các xóm vùng sâu, vùng xa có điểm trường cho học sinh tiểu học; 100% trạm y tế có bác sĩ; 80,7% số xóm có nhà văn hóa.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước được phục hồi và tăng trưởng khá. Các dự án phát triển năng lượng, thuỷ điện được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động như: Nhà máy thuỷ điện Bảo Lâm 1, 3, 3A, Nhà máy thuỷ điện Hòa Thuận, Tiên Thành (huyện Phục Hòa, nay là huyện Quảng Hòa), Mông Ân (huyện Bảo Lâm). Hoạt động của một số nhà máy chế biến khoáng sản tiếp tục được duy trì. Toàn tỉnh có trên 2.300 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh năm 2010) đạt 4.194 tỷ đồng.

Thương mại - dịch vụ và kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Hàng hoá trên thị trường dồi dào, phong phú, mạng lưới chợ được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng trung bình 7,49%/năm.

Quan hệ kinh tế đối ngoại, giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tăng cường, mở rộng. Hằng năm, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu hợp tác như hội đàm, ký kết phát triển hợp tác kinh tế, tổ chức các hội chợ thương mại, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài giao lưu, hợp tác liên doanh, liên kết, tìm kiếm mở rộng thị trường. Đề án tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng được triển khai hiệu quả. Kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Triển khai thực hiện 08 dự án bố trí dân cư biên giới cho 68 hộ với tổng số vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng, góp phần hạn chế di cư tự do, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh hằng năm tăng cao, năm 2020 đạt 3 tỷ USD, tăng 96,5% so với năm 2015, bình quân tăng 13%/năm. Thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu và phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu trong giai đoạn 2016-2020 đạt trên 2.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu ngân sách của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng dịch vụ, du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp, lượng khách du lịch, doanh thu du lịch tăng cao. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch được tăng cường. Ngành du lịch đã hình thành các tour du lịch với một số địa phương lân cận và một số tỉnh của Trung Quốc. Các loại hình: du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... phát triển đa dạng, phong phú. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng từ 20-30%/năm. Năm 2020 đạt 1,725 triệu lượt khách, tăng 164%; doanh thu du lịch đạt 600 tỷ đồng, tăng 419,4% so với năm 2015.

Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020. Các tuyến đường tỉnh cơ bản được cải tạo, nâng cấp tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân đến trung tâm các huyện và các cửa khẩu trong tỉnh. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp và triển khai xây dựng một số đoạn đường tỉnh; đường giao thông liên xã...

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được tập trung chỉ đạo thực hiện, quyết liệt, đến năm 2020 đã hoàn thiện xong các thủ tục hồ sơ và triển khai thi công Dự án.

Tích cực huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Một số công trình lớn được xây dựng như: trụ sở làm việc các cơ quan, đoàn thể tỉnh, trụ sở làm việc các cơ quan đảng tỉnh, dự án Trụ sở làm việc Ủy ban nhân dân tỉnh, khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, cửa khẩu Trà Lĩnh...

Hoạt động tài chính, ngân hàng có bước phát triển đáng kể. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, bình quân tăng 11%/năm. Chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chi kịp thời, đúng quy định, tăng bình quân 9,17%/năm. Hệ thống ngân hàng được mở rộng, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt trên 19%/năm.

Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; công tác thu hồi đất, cho thuê đất tiếp tục được đẩy mạnh. Ban hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường. Hệ thống cấp nước sạch cho các trung tâm thị trấn và khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư.

Các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đóng góp cho nguồn thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Về lĩnh vực giáo dục, ngành giáo dục tập trung thực hiện xã hội hoá giáo dục; củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Tỷ lệ tốt nghiệp bậc trung học phổ thông hằng năm đạt từ 90% trở lên. Tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Toàn tỉnh có 169 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định. Chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Hoạt động văn hoá, thông tin được đẩy mạnh. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được chú trọng. Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; nghề rèn truyền thống của người Nùng An, xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng), bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ (xã Bình Long, nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hình ảnh về quê hương, con người Cao Bằng đến đông đảo nhân dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Phong trào thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng khắp; công tác đào tạo vận động viên năng khiếu, tuyển chọn, tập huấn đội tuyển tham dự các giải khu vực và toàn quốc được quan tâm.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nổi bật là nghiên cứu ứng dụng nhiều công nghệ mới trong việc phục tráng và phát triển các giống cây trồng đặc sản của địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Quy trình bảo quản, chế biến nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại hiệu quả tích cực; các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ được duy trì, đặc biệt là với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Chất lượng của hoạt động báo chí, phát thanh - truyền hình ngày càng được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được quan tâm triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hoạt động bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, báo chí tiếp tục phát triển mạnh, kênh truyền hình Cao Bằng (CRTV) được phủ sóng toàn quốc qua sóng vệ tinh Vinasat-1. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử có nhiều bước cải thiện góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và mở rộng. Đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung về số lượng, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tạo nghề nên chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được nâng lên. Chương trình mục tiêu về y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình được triển khai có hiệu quả; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,17%. Chủ động kiểm soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh lớn, có tính chất phức tạp như dịch COVID-19.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt được những kết quả tích cực. Thực hiện đào tạo nghề cho 29.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 34% năm 2015 lên 45% năm 2020; tạo việc làm cho 55.600 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,12%/năm, với 30.360 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 22,08%.

Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm đẩy mạnh; có 43.900 người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 16% và 28.900 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 10% lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả; công tác cứu trợ xã hội, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra bảo đảm kịp thời.

Công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc gia đình có công với cách mạng đã được các cơ quan, đoàn thể và đông đảo nhân dân tham gia và quan tâm thực hiện như phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, quyên góp, tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công.

Công tác quốc phòng, an ninh được tỉnh chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý biên giới quốc gia. Công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới tiếp tục được duy trì.

Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nòng cốt là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Chú trọng kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc quốc giới, an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới”; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm gây án nghiêm trọng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong những năm 2016-2020, các cơ quan chức năng trong khối nội chính đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, xây dựng các tủ sách pháp luật, đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật và đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật.

Công tác đối ngoại được triển khai có hiệu quả, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Cao Bằng với các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước tiếp tục được mở rộng, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, công tác cán bộ và đảng viên. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng có nhiều đổi mới. Qua đó tạo sự thống nhất nhận thức, sự đồng thuận trong việc cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Tiếp tục triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020; tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên đã từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ít người...

Thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 ngày 09/01/2020 và Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng, tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện (sáp nhập huyện Thông Nông vào huyện Hà Quảng thành huyện Hà Quảng; sáp nhập huyện Quảng Uyên, huyện Phục Hòa và xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh thành lập huyện Quảng Hòa; sáp nhập huyện Trà Lĩnh vào huyện Trùng Khánh thành huyện Trùng Khánh), cấp xã, các xóm, tổ dân phố và giảm số người hoạt động không chuyên trách. Sau khi sắp xếp, tỉnh Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; 161 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 139 xã, 08 phường và 14 thị trấn); 1.462 xóm, tổ dân phố; giảm 21.874 người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến năm 2020, toàn Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Chất lượng đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức cơ sở đảng được củng cố và phát triển. Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, công chức.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Công tác dân vận không ngừng được củng cố, chú trọng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; bám sát vào các nội dung, chương trình công tác của cấp uỷ.

Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trước những vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, nhạy cảm. Công tác thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên đề được tăng cường, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong nhiệm kỳ, thanh tra các cấp, ngành tiến hành 651 cuộc thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội, kịp thời phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, khắc phục hậu quả.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu với Đảng, kiến nghị với chính quyền các cấp, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế"" - xã hội, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế" dân chủ ở cơ sở.

Từ ngày 26 đến ngày 28/10/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành trọng thể tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cao Bằng với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Cao Bằng - nơi cội nguồn cách mạng phát triển nhanh và bền vững”; xác định rõ mục tiêu rông quát nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, tạo đột phá mới trên các lĩnh vực; từng bước xây dựng và phát triển kinh tế" số’; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, mở rộng hợp tác đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng Cao Bằng năng động, phát triển nhanh và bền vững”.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Cao Bằng tập trung vào 3 nội dung đột phá: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế" mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế" biến, hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế" cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc đi Trung Quốc và sang các nước châu Âu.

Ba chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ gồm: Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng nhằm khắc phục những điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách bảo đảm thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX gồm 53 đồng chí; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Đến tháng 9/2021, Bộ Chính trị điều động Trung tướng Trần Hồng Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế của tỉnh liên tục phát triển năm sau cao hơn năm trước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Những kết quả đạt được trong 5 năm 2016-2020 đã tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lãnh đạo nhân dân địa phương đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên hành trình cùng cả nước đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ, đưa tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, giàu về kinh tế, phát triển về văn hóa - xã hội, vững mạnh về chính trị, quốc phòng - an ninh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1