Xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa, góp phần cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viên cho tiền tuyến (1966-1972)
Lượt xem: 650

1. Cao Bằng trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968)

Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tập trung mọi nỗ lực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thì cách mạng miền Nam cũng đang trên đà phát triển và giành được những thắng lợi to lớn. Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân xâm lược trực tiếp vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đồng thời, chúng mở rộng cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc.

Trước tình hình cả nước có chiến tranh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III triệu tập Hội nghị lần thứ 11 (từ ngày 25 đến ngày 27/3/1965) và lần thứ 12 (ngày 27/12/1965) đề ra nhiệm vụ chung là: Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Hội nghị nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể của miền Bắc là: Bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chuẩn bị đánh thắng chúng, nếu chúng mở rộng “Chiến tranh cục bộ” ra cả nước; động viên sức người, sức của tăng cường chi viện cho miền Nam; ra sức xây dựng miền Bắc vững mạnh về kinh tế và quốc phòng; tích cực giúp đỡ cách mạng Lào; tăng cường công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngoại giao, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới2.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 và 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Cao Bằng đã chuyển nhiệm vụ chiến lược đưa mọi hoạt động của tỉnh tập trung vào khắc phục khó khăn, xây dựng tỉnh thành một tỉnh hậu phương vững về kinh tế, mạnh về quốc phòng, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Thời kỳ này, tỉnh Cao Bằng có nhiều sự thay đổi về các đơn vị hành chính cấp huyện: Ngày 07/4/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 67-CP về việc chia huyện Hà Quảng thành hai huyện: huyện Hà Quảng và huyện Thông Nông. Ngày 08/3/1967, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 27/NĐ-CP hợp nhất huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hòa thành một huyện mới, lấy tên là huyện Quảng Hòa. Năm 1969, giải thể huyện Hạ Lang, nhập vào hai huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh theo Quyết định số 176/CP ngày 15/9/1969 của Hội đồng Chính phủ. Trong bối cảnh tình hình mới, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã chỉ đạo chuyển nhiệm vụ chiến lược, đặt mọi hoạt động của tỉnh vào hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, lãnh đạo quân và dân khẩn trương chuẩn bị mọi mặt vừa chống chiến tranh phá hoại vừa tích cực sản xuất, làm tròn nghĩa vụ hậu phương. Trong ba năm đầu chuyển từ thời bình sang thời chiến (1965-1968), nhân dân Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nông nghiệp: Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng quyết tâm khắc phục thiên tai, xây dựng hợp tác xã ngày càng vững mạnh. Năm 1966, toàn tỉnh có 358 hợp tác xã bậc thấp và 33 hợp tác xã bậc cao với 43.724 hộ vào hợp tác xã. Năm 1967, có tới 1.147 hợp tác xã bậc cao, số hợp tác xã bậc thấp giảm. Để phát triển nông nghiệp, tỉnh đã tập trung vào làm thuỷ lợi và phân bón như: làm thêm và sửa lại 3.163 mương, phai, 05 trạm bơm dầu, 05 trạm bơm điện, hoàn thành 08 hồ chứa nước tưới ruộng; phát động phong trào làm vôi, làm hố xí hai ngăn, chuồng lợn hai bậc, hố ủ phân... tập trung phân bón ruộng, do vậy, tổng sản lượng lương thực quy thóc hằng năm đều tăng, năm cao nhất đạt 90.110 tấn. Chăn nuôi cũng phát triển, đến hết năm 1968, toàn tỉnh có 79 cơ sở chăn nuôi bò, 21 cơ sở chăn nuôi dê, 114 cơ sở chăn nuôi lợn, một số trại thả cá giống và trại nuôi ong. Giá trị tổng sản lượng chăn nuôi có khá hơn, bảo đảm nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu.

Công nghiệp và thủ công nghiệp: tỉnh chủ trương trang bị cơ khí nhỏ cho nông, lâm nghiệp, nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ đời sống nhân dân. Kết quả, năm 1966, giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương đạt 7.428.000 đồng; năm 1967 đạt 8.580.000 đồng; năm 1968 vẫn được duy trì như năm 1967, riêng công nghiệp phục vụ giao thông vận tải tăng gấp 3 lần, xây dựng cơ bản tăng gấp hai lần, phục vụ đời sống nhân dân tăng 11%... Nhiều cơ sở công nghiệp mới như thuỷ điện, cơ khí được thành lập, tạo ra những khả năng mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chiến đấu và phục vụ đời sống nhân dân. Nổi bật là: công trình Nhà máy thuỷ điện Suối Củn với công suất 832 kW (ngày 19/5/1965); năm 1967, khánh thành Khu công nghiệp Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hòa An); khai thác lại mỏ than Nà Cáp bằng phương pháp hầm lò; cải tạo lại Nhà máy đường Phục Hòa; năm 1968, khánh thành Xí nghiệp sản xuất giấy làng Đền (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An); Công ty điện lực Cao Bằng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp điện và Xí nghiệp xây lắp điện; Nhà máy thuỷ điện Bản Hoàng (Hà Quảng)... Nhiều cơ sở công nghiệp hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất: Xí nghiệp phốt phát Lam Sơn sản xuất vượt 4,8 lần; Xí nghiệp nước chấm vượt kế hoạch 3,5 lần... Công nghiệp khai thác phát triển mạnh, nhất là Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Trong bốn năm 1965-1968, khai thác được 1.375.395 tấn thiếc thỏi, trong đó, năm cao nhất là năm 1965 đạt 436.290 tấn và năm thấp nhất là năm 1968 đạt 192.539 tấn. Thủ công nghiệp cũng đạt 86,6% kế hoạch năm.

Ngành thương nghiệp cũng được tỉnh đặc biệt chú ý. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, việc vận chuyển không được đều, việc bảo đảm các nhu cầu thiết yếu như muối, lương thực, dầu hỏa, thuốc chữa bệnh... cho nhân dân gặp khó khăn. Để giải quyết tình trạng trên, ngành thương nghiệp đã áp dụng nhiều phương thức mới, gọn nhẹ, phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Do vậy, trong ba năm đầu chuyển từ thời bình sang thời chiến, ngành thương nghiệp vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm được nguồn hàng xuất khẩu. Năm 1966, tổng giá trị thu mua của ngành đạt 1.500.000 đồng, trong đó giá trị hàng xuất khẩu chiếm 1.131.000 đồng. Tổng thu mua lương thực năm thấp nhất (năm 1967) cũng đạt 7.520 tấn, năm cao nhất là 8.528 tấn (kể cả thóc thuế); thu mua thuốc lá hằng năm đạt trung bình 500 tấn, đỗ tương đạt gần 700 tấn. Về thu mua gia súc: trâu hơi đạt trung bình 102%, trâu cày đạt 153%, bò cày đạt 108%, đưa tổng giá trị hàng thu mua cả năm đạt 64,4% kế hoạch.

Ngành tài chính, ngân hàng, tín dụng: thu ngân sách, thu quốc doanh tăng trung bình 6,8%/năm; năm 1967-1968, các loại thu khác tăng gấp bốn lần so với năm 1966, thu tiền mặt tăng 33,4%. Riêng năm 1968, tổng thu ngân sách đạt 102,6% kế hoạch, tổng chi đạt 102% kế hoạch. Năm 1968, công tác tín dụng cũng đạt kế hoạch cao; thu tiền mặt tăng 33,4%, quỹ tín dụng tiết kiệm tăng gấp 5 lần. Doanh số cho vay dài hạn tăng gấp 8 lần và hợp tác xã tín dụng được mở rộng ở 73% số xã để giúp nông dân vay ngắn hạn phục vụ sản xuất tăng gần 7 lần so với năm 1965.

Giao thông vận tải: trong ba năm 1966-1968, đế quốc Mỹ bắn sập cầu Bằng Giang và cầu sông Hiến (thị xã Cao Bằng) gây ách tắc giao thông. Quân và dân Cao Bằng đã khắc phục khó khăn, vận chuyển an toàn 87.845 tấn hàng ra mặt trận và chở hàng phục vụ đời sống nhân dân. Vận chuyển hành khách đạt 82.086 người, và vận chuyển hoàn thành tốt chiến dịch V70 chuyển hàng từ nước ngoài về nước.

Giáo dục: trong ba năm 1966-1968, ở vùng thấp, các hợp tác xã đã có lớp mẫu giáo, vỡ lòng. Học sinh đi học ngày càng đông. Cứ chín người dân có một người đi học bổ túc văn hoá. Toàn tỉnh có 1.586 lớp với 12.245 học sinh.

Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng phát triển rầm rộ. Toàn tỉnh có 154 đội văn nghệ, hoạt động từ cấp xã đến cấp tỉnh, các nông, lâm trường, xí nghiệp cũng có đội văn nghệ. Trong dịp hội diễn công - nông - binh toàn tỉnh, đã có 32 đội văn nghệ cơ sở tham gia. Đặc biệt, về công tác văn hóa quần chúng, năm 1968, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị đại biểu đồng bào dân tộc Dao Đỏ để vận động, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn hóa mới và tổng kết công tác văn hóa hai năm chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, Ty Thông tin Cao Bằng cũng được thành lập, bảo đảm đưa điện ảnh, văn nghệ, báo chí xuống tận cơ sở bằng cách phân tán các tổ nhỏ đi tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng tới nhân dân, kể cả những nơi xa xôi, hẻo lánh. Mạng lưới bưu điện, điện báo được củng cố và tăng cường, bảo đảm liên lạc thông suốt giữa các huyện, các nơi sơ tán... Những nơi đã có hệ thống truyền thanh như huyện Quảng Hòa, Thạch An, Bảo Lạc vẫn bảo đảm hoạt động đều. Năm 1967, tỉnh đã xây dựng thêm trạm truyền thanh Trùng Khánh và khu vực sơ tán của tỉnh ở Hòa An.

Y tế: toàn tỉnh có 19 cơ sở bệnh viện; 158 bệnh xá, trạm xá với 529 giường bệnh; 8 cơ sở chuyên khoa để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Về quân sự: Cao Bằng làm tốt công tác chống chiến tranh phá hoại, xây dựng lực lượng địa phương trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, nhất là công tác tuyển quân, huấn luyện bổ sung cho bộ đội chủ lực và phòng thủ chiến đấu. Từ năm 1966, tỉnh đã tổ chức đào hầm hào giao thông tránh máy bay địch, bố trí trận địa bắn máy bay khi địch liều lĩnh xâm phạm vùng trời Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng trung bình một năm động viên trên 6.000 người gia nhập quân đội, đi tham gia chiến đấu ở các chiến trường.

Công tác phát triển Đảng cũng được chú ý đúng mức. Năm 1966, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.599 đảng viên, trong đó có 1.229 đồng chí là đảng viên nông thôn. Các huyện: Hà Quảng, Phục Hòa, Quảng Uyên, Hòa An, Trùng Khánh, Thạch An và Đảng uỷ Công an đã kết nạp được nhiều đảng viên. Riêng huyện Hà Quảng, kết nạp được 278 đồng chí, vượt chỉ tiêu 98%; huyện

Phục Hòa kết nạp được 113 đồng chí, vượt chỉ tiêu 88%. Tính chung, trong 3 năm 1966-1968, tỉnh Cao Bằng đã kết nạp thêm được 2.700 đảng viên mới, tăng gấp 2 lần so với 3 năm trước chiến tranh.

Trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, ngày 01/11/1968, Chính phủ Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, trên bầu trời Cao Bằng cũng thưa dần máy bay trinh thám. Đề phòng mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, nhân dân Cao Bằng thường xuyên nâng cao cảnh giác, vừa tích cực củng cố, xây dựng kinh tế, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi Tổ quốc cần.

2. Cao Bằng trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1969-1972)

Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, bước sang năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam, ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn bán đảo Đông Dương. Ở miền Bắc, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động trinh sát đường không, tiếp tục đánh phá miền Bắc, đồng thời xúc tiến các hoạt động ngoại giao nhằm bao vây, cô lập cách mạng Việt Nam. Những hoạt động của đế quốc Mỹ làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta căng thẳng và phức tạp hơn trước.

Trong bối cảnh ấy, từ ngày 31/01/1969 đến ngày 09/02/1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII được tiến hành. Đại hội đã thảo luận và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng bộ thời kỳ này là: “Quán triệt sâu sắc đường lối chính trị và quyết tâm chiến lược của Đảng, nắm vững đặc điểm vị trí của tỉnh mình, tăng cường mạnh mẽ tính chiến đấu cách mạng, ra sức phát huy cao độ mọi khả năng tiềm tàng của mình để xây dựng kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc, làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam, đồng bào Gia Lai ruột thịt và chuẩn bị điều kiện xây dựng với quy mô lớn khi chiến tranh kết thúc”.

Trong khí thế tưng bừng, phấn khởi trước thắng lợi của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ VII như tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, học tập và công tác, quyết thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước.

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang hăng hái khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua đời (ngày 02/9/1969). Cùng với cả nước và bạn bè khắp năm châu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tỏ rõ niềm thương tiếc vô hạn đối với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, công tác, xây dựng kinh tế - xã hội và sẵn sàng chiến đấu.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp: Mặc dù hạn hán kéo dài gây nhiều thiệt hại, Tỉnh uỷ đã kịp thời chỉ đạo huy động lực lượng ra sức khắc phục thiên tai; đồng thời, đẩy mạnh phong trào làm thuỷ lợi, phát huy hết công suất của các trạm bơm nhằm tập trung đến mức cao nhất nước tưới cho đồng ruộng. Nhờ đó, nông nghiệp đã vượt qua được nạn hạn hán, sản lượng lương thực vẫn được bảo đảm, mặc dù có giảm hơn so với năm trước. Năm 1969, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp đạt 43.024 nghìn đồng, giảm khoảng 7,2% so với năm 1968 (trong đó, trồng trọt đạt 21.247 nghìn đồng, chăn nuôi đạt 8.756 nghìn đồng, lâm nghiệp đạt 466 nghìn đồng và sản xuất vật chất đạt 12.555 nghìn đồng). Năm 1970, Cao Bằng được mùa cả hai vụ, sản lượng lương thực (kể cả màu) quy thóc đạt 108.408 tấn, tăng hơn năm 1969 là 29.390 tấn, đạt 135% kế hoạch. Năm 1972, tổng sản lượng quy thóc đạt 92.120 tấn; quy hoạch xong tổng thể vùng lúa, vùng thuốc lá tập trung ở 18 xã thuộc hai huyện Hòa An và Hà Quảng.

Chăn nuôi ngày càng phát triển, trung bình hằng năm tăng 1,8% so với năm trước. Cây công nghiệp ngắn ngày như: thuốc lá, đỗ tương, v.v. đều đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm.

Ngành lâm nghiệp có tiến bộ về mặt tu bổ, thiết kế trồng rừng và quy hoạch lâm trường. Phong trào tu bổ, bảo vệ và trồng rừng năm 1972 đã tăng hơn năm 1971 từ 20% đến 37%, song chuyển biến còn chậm do việc khảo sát quy hoạch chưa tốt và việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, khó khăn; rừng bị cháy và bị phá làm nương rẫy còn cao (năm 1972 tăng 23% so với năm 1971).

Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến. Năm 1970, tổng giá trị sản lượng tăng 5,7% so với năm 1969; trong đó: công nghiệp quốc doanh tăng 9,1%; thủ công nghiệp tăng 1,9%; điện tăng 40%; cơ khí tăng 87,9%; sản xuất vật liệu xây dựng tăng 50%. Năm 1971, giá trị tổng sản lượng đạt 10.383.000 đồng, tăng 9,3% so với năm 1970. Năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp tăng 1,08% so với kế hoạch; có 8/15 xí nghiệp đạt và vượt mức kế hoạch. Nhìn chung, trong ba năm (1970-1972), tổng giá trị sản lượng công nghiệp đều tăng, trung bình hằng năm tăng từ 5% đến 10% so với năm trước.

Ngành giao thông vận tải đã có nhiều tiến bộ mới. Trong hai năm 1969-1970, nhân dân Cao Bằng đã tích cực vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam. Khi cảng Hải Phòng và ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) bị đế quốc Mỹ phong tỏa, Cao Bằng là một trong những tỉnh chủ yếu tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa giúp nhân dân ta qua đường Trung Quốc. Kế hoạch vận chuyển hàng chia làm nhiều đợt, trong đó có 2 đợt trở thành chiến dịch lớn mang tên “Chiến dịch V72” trong 2 năm 1970-1971. Nhiều hàng hóa đã vượt cửa khẩu Tà Lùng chi viện cho tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được duy trì và ngày càng hoàn thiện. Đến năm 1970, ngành giao thông vận tải đã làm mới, mở rộng đường loại A 546 km, làm mới và mở rộng đường loại B 530 km, làm đường xương cá 513 km, sửa chữa 450 km đường, cải tạo 263 km mặt đường. Mạng lưới giao thông nông thôn được tu bổ, mở rộng và phát triển; gần 300 km đường tiểu ngạch và nhiều cầu, cống loại vừa và nhỏ đã được nhân dân tự lực cánh sinh xây dựng.

Ngành thương nghiệp và lưu thông phân phối cũng có nhiều tiến bộ, hàng hóa cơ bản bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân. Nhiều mặt hàng quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... đã được đưa về các hợp tác xã mua bán để cho nhân dân mua thuận tiện. Những hiện tượng tồn hàng tại các kho, bến bãi trong hai năm 1969-1970 cơ bản đã được khắc phục. Công tác thu mua và phân phối hàng hóa có tiến bộ rõ rệt, năm 1970, ngành đã thu mua được 8.171 tấn lương thực quy thóc, tổng giá trị thu mua đạt 4.708.000 đồng, trong đó trị giá hàng xuất khẩu đạt 600.000 đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 1966. Năm 1971, mua hàng xuất khẩu vượt 7,2% kế hoạch, tăng 55%; mua nông sản, thực phẩm tăng 27,2% so với năm 1970; thực hiện nghĩa vụ lương thực đạt 7.500 tấn. Năm 1972, tổng giá trị thu mua hàng nông sản, thực phẩm tăng 65% so với năm 1971; thực hiện nghĩa vụ lương thực đạt xấp xỉ 9.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 1969. Thu mua các loại trâu, bò, lợn, hạt có dầu, thuốc lá nhìn chung đều tăng từ 12% đến 43%, góp phần làm cho giá cả thị trường giảm đáng kể. Đời sống nhân dân, cán bộ, công nhân viên được ổn định hơn.

Công tác quản lý tiền tệ, tín dụng cũng được tăng cường. Năm 1971, thu ngân sách địa phương vượt 4,6% kế hoạch, đặc biệt là thu từ các xí nghiệp kinh tế địa phương tăng 12,1%, thu từ hành chính sự nghiệp, kinh tế, văn hóa tăng 51%. Năm 1972, thu ngân sách đạt 9,9 triệu, vượt 6,3% kế hoạch, tăng 32,6% so với năm 1970, đây là một cố gắng lớn của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng trong việc ổn định thị trường và nâng cao đời sống nhân dân. Về tài chính ngân sách cũng có nhiều tiến bộ, thu chi tiền mặt được cân bằng; việc cho vay vốn bắt đầu phát huy tác dụng thiết thực và nói chung đều vượt kế hoạch năm; riêng về vốn kiến thiết kinh tế, xây dựng cơ bản được Trung ương trợ cấp vượt 22% kế hoạch. Việc bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh giảm 20% so với năm 1971.

Ngành giáo dục đã cố gắng trong việc ổn định trường lớp và nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, chú trọng giáo dục đạo đức, chính trị và tinh thần lao động. Hệ thống trường lớp được xây dựng mới và ngày càng khang trang hơn. Năm học 1970-1971, ngành giáo dục Cao Bằng được tiếp nhận số sinh viên đầu tiên người Cao Bằng đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc về công tác tại tỉnh. Số lượng học sinh đến trường tăng lên theo từng năm học. Năm 1972, số học sinh đi học là 60.275 em, tăng gấp hai lần so với năm 1965 (năm đầu của chiến tranh phá hoại). Tuy nhiên, chất lượng dạy và học chưa cao, tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp vẫn còn thấp, mới đạt 2,3%. Phong trào bổ túc văn hóa tiếp tục được duy trì và phát triển.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Công tác vệ sinh phòng bệnh được tăng cường, đã dập tắt kịp thời các ổ bệnh truyền nhiễm. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được mở rộng đến các vùng sâu, vùng cao, vùng hẻo lánh. Đến năm 1972, toàn tỉnh có 170 trạm y tế xã, tăng 9%; số y cụ trang bị cho các trạm xá tăng 27% so với năm 1971. Do đó, việc khám, chữa bệnh cho nhân dân cũng tăng lên 20%, số người điều trị khỏi bệnh tăng 10%. Cùng với hoạt động của các cơ sở y tế, mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh đông y cũng phát triển mạnh. Qua đó, chứng tỏ ngành y tế đã có những cố gắng nhằm đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, ngành y tế Cao Bằng đã cử 14 cán bộ y tế (chủ yếu là y sĩ, dược sĩ) vào miền Nam để tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên.

Công tác phát triển Đảng cũng được chú ý đúng mức. Chỉ tính riêng trong hai đợt kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh 19/5 và 02/9 năm 1970, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 306 đảng viên mới. Trong hai năm 1971-1972, kết nạp được thêm 272 đảng viên mới; song năm 1972 chỉ kết nạp được 72 đảng viên mới, chuyển Đảng chính thức được 182 đồng chí, còn 540 đảng viên dự bị vẫn chưa chuyển Đảng chính thức do quá thời gian quy định. Hơn thế, vẫn còn 10 huyện, thị và đảng uỷ trực thuộc không phát triển được đảng viên nào; cả Đảng bộ huyện Quảng Hòa mới kết nạp được 03 đảng viên trên 73.000 dân.

Về công tác an ninh - quốc phòng và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam: Phong trào bảo vệ trị an, xây dựng xã, khu phố vững mạnh được thực hiện tốt, toàn tỉnh có 127/178 xã có kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, trong đó 25 xã được xếp loại tốt. Phong trào bảo mật phòng gian, xây dựng đơn vị an toàn ở các cơ quan xí nghiệp, công, nông, lâm trường được củng cố, phát triển có chất lượng. Qua phân loại 65 đơn vị, có 75% được xếp loại khá và trung bình. Các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ được củng cố và tăng cường về chính trị, tư tưởng cũng như không ngừng nâng cao khả năng chiến đấu trong tình hình mới, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Công tác phòng không nhân dân được đẩy mạnh, rộng khắp, một số kho tàng, tài liệu được sơ tán; hầm hào trú ẩn, trận địa... ở các khu vực trọng điểm được tu sửa, nạo vét hoặc đào thêm.

Năm 1972, Cao Bằng tuyển một số lượng lớn thanh niên nhập ngũ so với các năm trước, các đợt tuyển quân đều hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao. Phong trào thi đua tòng quân được tổ chức sâu rộng, rầm rộ và đã thực sự trở thành ngày hội của nhân dân, được toàn dân hăng hái ủng hộ, thanh niên được nhập ngũ là vinh dự của bản thân và gia đình. Trong toàn tỉnh, đã có hơn 500 gia đình có từ 3 đến 6 con đi bộ đội. Trải qua 4 năm 1969-1972, có hàng ngàn người con các dân tộc Cao Bằng lên đường đi đánh đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1