Củng cố hậu phương vững mạnh, ra sức chi viện cho cách mạng Miền Nam giành thắng lợi (1973-1975)
Lượt xem: 475

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Theo Hiệp định, Chính phủ Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; rút hết quân đội Mỹ và quân đội các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: miền Bắc trở lại hoà bình, tiếp tục công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố hậu phương, tích cực chi viện cho tiền tuyến; miền Nam tiếp tục sự nghiệp “đánh cho Ngụy nhào”, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng về khôi phục, phát triển kinh tế miền Bắc trong ba năm 1973-1975, tháng 4/1973, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng họp bàn nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng trong ba năm 1973-1975. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: Trong những năm tới, tỉnh Cao Bằng sẽ “phát huy mọi khả năng lao động của nhân dân các dân tộc và đặc điểm tài nguyên của từng vùng trong tỉnh, quyết tạo cho được sự biến đổi rõ rệt về ba thế mạnh trong nông nghiệp là: cây công nghiệp, chăn nuôi và nghề rừng. Phấn đấu hoàn thành công tác định canh, định cư ở vùng cao, đưa phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh tiến lên trình độ khá và tiên tiến. Đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, một số ngành kinh tế và văn hóa khác. Tích cực cải thiện một bước rõ rệt đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ và nhân dân các dân tộc, nhất là về ăn, mặc, ở, sức khoẻ và học tập. Hết sức đề cao cảnh giác tăng cường lực lượng vũ trang, đảm bảo trật tự an ninh biên giới và nội địa,... Đảm bảo đầy đủ mọi yêu cầu chi viện cho miền Nam ruột thịt và nghĩa vụ đối với công cuộc hoà bình xây dựng đất nước”1. Để đạt được những mục tiêu trên, Hội nghị đề ra những biện pháp cụ thể cho từng ngành nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp...

Nông nghiệp: Tiếp tục thực hiện mô hình tập thể hóa. Năm 1973-1974, tỉnh chọn huyện Hoà An làm điểm thử nghiệm mô hình này. Kết quả là sau hai vụ sản xuất, được sự giúp đỡ của 113 cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, các hợp tác xã như: Trưng Nhị, Nam Phong, Ngọc Quyến, Hồng Long, Thanh Xuân, Phượng Tiên, Cao Thượng, Kim Đồng... đã đưa năng suất lúa từ 32 tạ/ha lên 35 tạ/ha, tiêu biểu nhất là hợp tác xã Phượng Tiên, Ngọc Quyến. Năm 1975, sản lượng lương thực của hai hợp tác xã này tăng hơn so với năm 1972 từ 62 tấn đến 63 tấn. Bên cạnh đó, mô hình hợp tác ở cấp huyện cũng rất thành công trong việc chăn nuôi. Các hợp tác xã như: Trưng Nhị, Ngọc Quyến từ chỗ chăn nuôi bị thua lỗ, nhờ thay đổi cách làm ăn, cải tiến cách quản lý, đã chăn nuôi thành công và có lãi. Đàn trâu của hợp tác xã Phượng Tiên hằng năm có từ 25 đến 30 con, bảo đảm đủ sức kéo cho hợp tác xã. Trong quan hệ sản xuất nông nghiệp, với những giải pháp đồng bộ, kiên quyết của các cấp uỷ, phong trào hợp tác hóa dần dần được củng cố, khôi phục. Từ tháng 9 - 11/1973, đã nâng tỷ lệ hợp tác xã từ 67% lên 85,5% trong toàn tỉnh.

Các cây công nghiệp ngắn ngày (thuốc lá, đỗ tương,...) hằng năm trồng đạt và vượt chỉ tiêu. Cây công nghiệp lâu năm như: cây trẩu năm 1973 trồng được 1.251 ha, cây ăn quả trồng 1.480 ha, cây hạt dẻ trồng được 1.000 ha. Trồng rừng năm 1973 đạt 2.060 ha, năm 1974 đạt 2.037 ha, năm 1975 đạt 2.620 ha.

Công nghiệp: Trên cơ sở quy hoạch, cơ cấu công nghiệp địa phương hợp lý, công tác chỉ đạo đầu tư tập trung sản xuất đối với các lĩnh vực mũi nhọn then chốt được xác định rõ ràng. Năm 1973, đã xây dựng và hoàn thành một số nhà máy mới, bao gồm: Nhà máy điện điêzen 1.080 kW tại thị xã Cao Bằng, Nhà máy giấy Kim Đồng 300 tấn/năm, Nhà máy xi măng Nguyên Bình 3.000 tấn/năm, Nhà máy đường Phục Hòa công suất tăng gấp 2 lần so với năm 1972. Xuất khẩu nguyên liệu chủ yếu là cây trúc tăng 40%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương năm 1973 đạt 12.739.000 đồng, tăng so với năm 1972 là 18%.

Về xây dựng cơ bản, năm 1973, tập trung đầu tư vào các khu sản xuất, đã xây dựng được 107 công trình lớn, nhỏ; trong đó, có 33 công trình mới, 74 công trình chuyển tiếp với tổng số vốn đầu tư 10.979.700 đồng.

Giao thông vận tải: bảo đảm lưu thông hàng hoá trong toàn tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho tiền tuyến miền Nam, tiêu biểu là chiến dịch V72 đưa hàng hoá chiến lược của Trung ương từ Trung Quốc qua Cao Bằng. Năm 1973, Đại đội thanh niên xung phong V72 đổi tên thành Tổng đội thanh niên xung phong V72. Mạng lưới giao thông không ngừng mở rộng, nâng cấp, những chỗ hỏng thường xuyên được tu sửa bảo đảm giao thông thông suốt trong nội tỉnh và Trung ương. Cầu Sông Hiến và cầu Bằng Giang được khôi phục lại.

Giáo dục: Trường, lớp và cơ sở vật chất phục vụ việc học của học sinh được đầu tư, đầy đủ hơn. Đến năm học 1974-1975, tỉnh mở trường bổ túc văn hóa cấp II, III tại thị xã Cao Bằng để nâng cao trình độ văn hoá cho cán bộ, công chức. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng: năm học 1973-1974, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cấp I đạt 89%, cấp II đạt 85%, cấp III đạt 50,4%. Năm học 1974-1975, tổng số học sinh thi vào đại học là 587 em, trúng tuyển 17 em; 585 học sinh thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trúng tuyển 72 em.

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về công tác giáo dục - đào tạo và sự cố gắng của đội ngũ giáo viên và toàn thể nhân dân, sau một thời gian, nhân dân các dân tộc đã có trình độ học vấn nhất định. Năm 1975, tỉnh hoàn thành về cơ bản việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, nhân dân. Mỗi huyện có 1 trường phổ thông cấp III, tỷ lệ này gần ngang bằng như miền xuôi. Bên cạnh đó còn có các trường, lớp bổ túc văn hoá, mẫu giáo, vỡ lòng ở các thôn, bản, xí nghiệp, nông trường... Như vậy, có thể khẳng định rằng, chính sự phát triển giáo dục là một nhân tố làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội miền núi, là điều kiện hết sức quan trọng để Cao Bằng tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, xây dựng kinh tế phát triển, dần tiến kịp với miền xuôi.

Y tế: Năm 1974, trong toàn tỉnh đã có 1.680 giường bệnh, đến năm 1975, tăng lên 1.900 giường bệnh và 170 trạm xá xã, 95% dân số của tỉnh được tiêm phòng. Các bệnh dịch như bệnh cúm, tả, lỵ ở một số vùng đã kịp thời bị dập tắt khi mới phát sinh; có 12 vạn lượt người được khám chữa bệnh, tăng hơn những năm trước 13,5%. Cùng với đó, mạng lưới đông y cơ sở cũng phát triển rộng rãi. Nhìn chung, đến năm 1975, mạng lưới y tế đã phát triển đến tận các xã biên giới, vùng cao và được trang bị tốt hơn để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Quân sự - an ninh, quốc phòng: Mặc dù đế quốc Mỹ tuyên bố tạm thời ngừng ném bom, nhưng Đảng và nhân dân ta luôn đề cao cảnh giác, đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh biên giới và nội địa, đủ sức chi viện cho miền Nam. Các đợt tuyển quân cả hai đợt trong một năm bình quân đạt 105% kế hoạch. Về lực lượng dân quân, tự vệ, riêng năm 1973 đã củng cố được 156/187 cơ sở dân quân xã, 110/125 cơ sở tự vệ cơ quan, xí nghiệp. Toàn tỉnh có 26.428 dân quân, tự vệ luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo sâu sát. Năm 1973, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 110 đảng viên mới; tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức tốt cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp (cấp huyện và cấp xã), với 98,7% số cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu, trong đó có 55/176 xã đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.

Từ ngày 17 đến ngày 21/12/1974, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ VIII được tiến hành trọng thể tại thị xã Cao Bằng, xác định mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ là: “Đảm bảo đủ ăn, đủ chi cần thiết trong tỉnh, đóng góp lớn hơn với nghĩa vụ Nhà nước và làm đầy đủ mọi yêu cầu chi viện đối với miền Nam ruột thịt”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí; đồng chí Vũ Ngọc Linh tiếp tục được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng đất nước 1955-1975, Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đóng góp sức người, sức của, góp công dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lực lượng vũ trang Cao Bằng vinh dự được tặng thưởng 01 Huân chương Quân công hạng Nhất, 01 Huân chương Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm 1965-1975, đã có 26.862 người con của Cao Bằng nhập ngũ, trong đó có 1.494 thương binh và 5.548 liệt sĩ; có 10 đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, sáng tạo và vinh dự được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1. Có thể nói, mỗi thắng lợi của quân và dân ta giành được trên chiến trường miền Nam đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Trong thắng lợi chung của cả nước, Cao Bằng tự hào đã góp phần xứng đáng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 30/4/1975, Chiế n dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử vĩ đại, tạo ra bước ngoặt căn bản, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho cách mạng nước ta. Hòa chung không khí hân hoan của ngày hội toàn thắng của nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng phấn khởi, tin tưởng bước vào thời kỳ mới, thời kỳ cả nước vừa khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa tiến hành khẩn trương công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1