Củng cố hậu phương cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1951-1954)
Lượt xem: 1389

1. Xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương căn cứ địa kháng chiến

Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắ t tay ngay vào khắc phục khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh và tiến hành phục hồi kinh tế, cải thiện dân sinh, trước mắt là quyết tâm diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, củng cố cơ sở đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng, xây dựng Cao Bằng thành căn cứ kháng chiến vững chắc, góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi,

Từ ngày 10 đến ngày 24/9/1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ III được tổ chức tại căn cứ Lam Sơn (huyện Hoà An). Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của tỉnh là: “Ra sức xây dựng hậu phương về mọi mặt, kịp thời phục vụ các chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng”. Tại Đại hội, đồng chí Dương Công Hoạt tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Đào Duy Tùng làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Để giải quyết khó khăn về kinh tế, trước mắt chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, trồng thêm lúa, ngô, khoai, sắn, cấy lúa hai vụ (vụ chiêm và vụ mùa), tập trung khai khẩn đất hoang đưa vào trồng, cấy, quyết không để đất bỏ hoang; tổ chức đào mương lấy nước tưới ruộng, chọn giống có năng suất cao, làm cho nền kinh tế được phục hồi nhanh chóng, góp phần ổn định đời sống nhân dân, phục vụ cho kháng chiến toàn quốc. Năm 1952, tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Cao Bằng cũng đã nộp thuế được 58% kế hoạch, thuế công thương được 1.004.222.487 đồng.

Cao Bằng tích cực sửa chữa lại đường giao thông - những đoạn đường, những cầu, cống mà ta phá từ những ngày đầu kháng chiến để cản bước tiến của giặc. Từ năm 1951 đến tháng 3/1952, ta sửa được 214 km đường, 286 m cầu, 10 bến phà, 10 phà (trọng tải 10 tấn) với 340.401 công. Năm 1951, địa phương làm được 121.421 thanh tà vẹt cho Nhà nước với 662.047 ngày công. Công trường Phục Hòa sau chiến dịch làm tà vẹt đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ đơn vị thi đua khá nhất.

Hưởng ứng phong trào mua công trái kháng chiến của Trung ương năm 1951, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã mua công trái kháng chiến bằng 1.300 tấn thóc, 88.180.140 đồng, góp phần giải quyết khó khăn trong tỉnh.

Công tác văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục có những chuyển biến mới. Các huyện đều có các trường phổ thông cấp I để cho con em đến tuổi đều được đi học. Nạn mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi. Nhân dân các dân tộc có nơi khám chữa bệnh (ở tỉnh có phòng khám bệnh, các huyện đều có phòng y tế và hộ sinh). Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo và bổ sung, góp phần bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Về quân sự, Cao Bằng đã giải phóng từ ngày 03/10/1950 nhưng thực dân Pháp vẫn liên tục cho máy bay oanh tạc. Riêng năm 1951, địch ném bom giết hại 427 người, bị thương 237 người, sập ba cầu, 112 nhà, 60.050 thanh tà vẹt bị cháy. Ngày 28/4/1951, quân ta đã bắn rơi chiếc máy bay chở tên Háctơman, Tư lệnh không quân Pháp trực tiếp lên kiểm tra khu đông bắc, buộc chúng phải ngừng ném bom Cao Bằng. Lợi dụng thời cơ này, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng tích cực vận chuyển hàng hoá, vũ khí ra tiền tuyến.

Đồng thời, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với quân và dân tỉnh Hà Giang chặn đánh biệt kích và bọn thổ phỉ ở Mèo Vạc (huyện Hà Giang). Ngày 21/9/1953, bộ đội chủ lực phối hợp với dân quân du kích tổ chức đánh phỉ ở Lục Khu làm một số tan rã, số ngoan cố chạy sang Trung Quốc bị Quân giải phóng Trung Quốc bắt.

Những thắng lợi trên chứng tỏ quân và dân Cao Bằng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, xứng đáng là hậu phương vững chắc, kịp thời góp sức mình trong các chiến dịch, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Dốc sức chi viện cho tiền tuyến đánh thắng địch trong Đông Xuân 1953-1954

Sau khi bị thất bại ở Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp lập ra kế hoạch mới - kế hoạch Nava. Với kế hoạch này, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ muốn chuyển bại thành thắng. Nhân dân cả nước nói chung, Cao Bằng nói riêng tập trung xây dựng mọi mặt góp phần đánh thắng quân thù. Nhiệm vụ đầu tiên là công tác xây dựng Đảng, đến năm 1954, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 152 chi bộ cơ quan, xí nghiệp, xã với 5.137 đảng viên.

Về kinh tế: chủ yếu là ngành nông nghiệp, ta tập trung đẩy mạnh sản xuất, tăng cường cấy lúa Nam Ninh, lúa Lục mào, trồng ngô xuân. Năm 1953-1954, ta thu hoạch cao nên thuế nông nghiệp đạt 109% so với mức Liên khu Việt Bắc giao, thuế công thương đạt 150%. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển khá hơn, chỉ tính 6 tháng đầu năm 1954, toàn tỉnh xuất khẩu được 70.788.764 đồng. Thương nghiệp ổn định về giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng: muối, vải, gạo, dầu thắp.

Giao thông vận tải: Cao Bằng luôn bảo đảm 267 km đường xe chính thông suốt; có đội thanh niên xung phong với gần 1.000 đội viên, 255 tổ ứng cứu với 3.565 người, kịp thời sửa chữa những nơi đường bị hư hỏng. Toàn tỉnh huy động dân công và 228 xe đạp, 120 xe ngựa vận chuyển 1.200 tấn thóc về Bắc Kạn phục vụ cho Đông Xuân 1953-1954.

Về văn hoá, giáo dục: toàn tỉnh có 164 lớp bổ túc văn hoá với 3.771 người học. Có 320 lớp cấp I với 11.117 học sinh, 18 lớp cấp II với 837 học sinh. Đội ngũ y tế được đào tạo gấp rút, năm 1954, đào tạo được 45 y tá và nữ hộ sinh, nói chung các huyện đã có y tá và phòng phát thuốc.

Lực lượng vũ trang được củng cố và phát triển. Năm 1954, tỉnh đã bổ sung cho quân chủ lực 844 cán bộ, chiến sĩ. Ban chỉ huy các xã đội được kiện toàn. Năm 1954, dân quân, du kích toàn tỉnh lên đến 5.668 người, trong đó có 451 người là đảng viên, sẵn sàng đánh địch khi chúng xâm phạm lãnh thổ Cao Bằng và chi viện cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Bước sang năm 1954, chiến trường càng diễn ra ác liệt hơn. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, phá tan Kế hoạch Nava của thực dân Pháp. Điện Biên Phủ cách xa hậu phương nên việc tiếp tế, vận chuyển hậu cần của ta gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Cao Bằng đã dồn hết sức mình chi viện cho chiến trường. Toàn tỉnh đã huy động đợt đầu tiên 1.034 người đi dân công phục vụ cho chiến dịch dài ngày (trong số này có 24 nữ, có cả đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở vùng cao hăng hái xuống núi ra mặt trận). Trong năm 1954, toàn tỉnh đã huy động 35.456 người với 873.902 ngày công để sửa chữa đường, phà phục vụ cho kế hoạch quân sự.

Việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm của tỉnh Cao Bằng cho mặt trận cũng có nhiều cố gắng. Gần 2.000 tấn lương thực (trong đó có cả gạo, ngô) đã được chuyển ra mặt trận bằng các phương tiện thô sơ, góp phần bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng giặc. Hàng chục vạn ngày công đã được huy động đến các công trường làm gỗ, làm đường, bảo vệ kho tàng, bảo đảm giao thông thông suốt từ Thuỷ Khẩu (biên giới Việt Nam - Trung Quốc) về xuôi và các vùng trong tỉnh, nối liền hậu phương với mặt trận Trung du, Tây Bắc và các mặt trận khác trong cả nước. Hàng vạn thanh tà vẹt được đưa vào xây dựng tuyến đường sắt Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) - Lạng Sơn (Việt Nam) dài 500 km, 800 cầu cống được sửa chữa phục vụ cho chiến dịch.

Trên chiến trường, các chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng thuộc các đơn vị chủ lực phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng anh hùng, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc, tiêu biểu là các đồng chí Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, Phùng Văn Khầu, Triệu Văn Báo, Lộc Văn Trọng... đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sự chi viện về sức người, sức của của quân và dân Cao Bằng đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, qua đó góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn, làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1