Cao Bằng thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng: Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996-2000)
Lượt xem: 546

10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là những năm 1991-1995, bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, tiến bộ rõ rệt. Những thành quả đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ lãnh đạo toàn quân và toàn dân vững bước trên chặng đường 5 năm 1996-2000, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và giành những thắng lợi mới.

Từ ngày 24 đến ngày 27/4/1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996-2000 được triệu tập. Đại hội đề ra nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm 1996-2000 là: “Chủ động tích cực khai thác các điều kiện thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; cải thiện đời sống nhân dân, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao một bước trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội”1. Đại hội tiếp tục bầu đồng chí Nông Hồng Thái làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Phát huy những thành tựu to lớn, quan trọng sau 10 năm đổi mới, từ ngày 28/6/1996 đến ngày 01/7/1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đề ra những nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là: “tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” .

Ngay sau Đại hội, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã tạo thêm niềm tin tưởng, đồng thuận trong toàn dân hăng hái, phấn khởi bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Ngày 06/11/1996, Quốc hội khóa IX, Kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc tách và thành lập lại các tỉnh, trong đó, tỉnh Bắc Thái tách thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể (tỉnh Cao Bằng) chuyển về tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Cao Bằng gồm có 11 đơn vị cấp huyện, đó là các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thông Nông, Bảo Lạc, Thạch An, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Trà Lĩnh, Hạ Lang và thị xã Cao Bằng.

Bước vào thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996-2000, Cao Bằng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, do tác động trực tiếp của thiên tai, hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, nhất là vùng cao. Hơn thế, phía bên kia biên giới còn gây ra các vụ lấn chiếm, đời sống nhân dân biên giới gặp nhiều khó khăn. Quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn phấn đấu không ngừng và giành được những thành tích đáng kể trên mọi lĩnh vực.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xác định mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường đầu tư cho thuỷ lợi và giống mới, đẩy nhanh đưa tiến bộ khoa học vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo ra các vùng chuyên canh, thâm canh lúa, ngô... Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tập trung chỉ đạo các mô hình trình diễn theo hướng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến cáo nông dân bón phân NPK để nâng cao năng suất cây trồng.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Phong trào sản xuất theo mô hình kinh tế VACR phát triển mạnh ở vùng thấp, vùng có trình độ dân trí cao, có kinh nghiệm sản xuất. Năm 1999, cả tỉnh có trên 1.000 mô hình kinh tế gia đình, trang trại và đã có 60 mô hình, mỗi năm cho thu lợi từ 15 triệu đồng trở lên. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh đa dạng, phong phú các loại cây, con có hiệu quả ở hộ gia đình và liên kết nhiều hộ, điển hình ở các huyện Hoà An, Trà Lĩnh, thị xã Cao Bằng... Tỉnh uỷ chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh mở hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất giỏi nhằm trao đổi nhân ra diện rộng, phổ biến đưa các loại giống mới (lúa, ngô, thuốc lá, đỗ tương) và một số vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Toàn tỉnh đã có 200 máy cày bừa loại từ 15 mã lực trở lên, một số máy gặt tuốt cơ giới và nửa cơ giới. Nhờ đó, trong 5 năm 1996-2000, tổng sản lượng lương thực quy thóc hằng năm đều đạt khá; cụ thể: năm 1996 đạt 147.000 tấn; năm 1997 đạt 165.018 tấn; năm 1998 đạt 159.673 tấn; năm 1999 đạt 169.638 tấn. Bình quân lương thực đầu người năm 1998 đạt 305 kg/người/năm, đạt mức mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Chăn nuôi cơ bản giữ được tốc độ phát triển, song chủ yếu vẫn ở khu vực nông thôn và từng bước được mở rộng từ gia đình đến tập thể. Nhiều hộ gia đình chú trọng phát triển sản phẩm chăn nuôi thành hàng hoá, đặc biệt là trâu, bò, dê, lợn và gia cầm phát triển tốt. Năm 1996, tổng đàn trâu có 145.000 con, đàn bò có 110.000 con, đàn lợn có 275.000 con, đàn gia cầm có 1.891.500 con. Ngoài ra, nhân dân còn đẩy mạnh chăn nuôi ngựa, dê (ở các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Hạ Lang, Thông Nông); nuôi hươu sao (ở các huyện Hòa An, Thạch An và thị xã Cao Bằng); nuôi ong ở hầu khắp các địa phương... Chăn nuôi phát triển giúp kinh tế hộ gia đình đi vào ổn định, tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng làm tăng thêm sản phẩm hàng hóa cho xã hội.

Trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp: Tỉnh tiếp tục thực hiện việc giao đất, giao rừng, trồng rừng, quản lý và khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng theo các chương trình dự án của Chính phủ như: Dự án 327-CP, PAM, Chương trình 5 triệu ha rừng... Tính đến hết năm 1999, toàn tỉnh giao được 280.609 ha đất lâm nghiệp, bằng 63% tổng diện tích lâm nghiệp của các lâm trường. Diện tích rừng được khoanh nuôi, bảo vệ là 190.000 ha, đạt 101,6% kế hoạch; độ che phủ rừng của tỉnh đạt 35,1%, nhiều khoảng đất trống, đồi trọc dần được phủ xanh.

Công tác định canh, định cư tập trung vào một số công trình hạng mục kết cấu hạ tầng nhằm ổn định đời sống nhân dân các dân tộc vùng cao, biên giới. Riêng trong hai năm 1997-1998, tỉnh đã ổn định chỗ ăn ở cho 2.730 hộ vùng cao biên giới. Đến năm 1999, tỉnh triển khai được 34 chương trình dự án định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới với mức đầu tư 9,3 tỷ đồng.

Công tác xoá đói, giảm nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chương trình 133 của Chính phủ, tỉnh tăng cường 212 cán bộ về 106 xã đặc biệt khó khăn; mở nhiều lớp tập huấn xóa đói, giảm nghèo cho cán bộ thôn, xã; tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các công trình kết cấu hạ tầng. Đến năm 1999, nhiều công trình về giao thông, thuỷ lợi, trường học được xây dựng và đưa vào phục vụ sản xuất, đời sống.

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm khai thác tài nguyên tại chỗ có hiệu quả. Tiếp tục củng cố, sắp xếp các doanh nghiệp hợp lý, bảo đảm sản xuất hiệu quả hơn. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 1996 đạt 65,549 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 1995. Công nghiệp địa phương bắt đầu có sự phát triển và tìm thấy chỗ đứng của mình trên địa bàn, trong cơ cấu kinh tế - xã hội. Sản phẩm công nghiệp địa phương sản xuất bắt đầu tham gia vào xuất khẩu (thiếc thỏi, quặng sắt, quặng mangan và mành trúc), đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 1998 đạt 2.151.710 USD. Đến năm 1999, tổng giá trị sản lượng công nghiệp đạt 147,5 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 1998.

Tiểu thủ công nghiệp cũng có sự phát triển vượt bậc, số lượng hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Đến hết năm 1997, tỉnh có 15 hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, đưa tổng số xã viên và lao động trong hợp tác xã của tỉnh lên 425 người với tổng số vốn là 8.903 triệu đồng, tổng doanh thu đạt 5.992 triệu đồng; nộp thuế cho Nhà nước 118,5 triệu đồng.

Các ngành giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, thương mại du lịch... có sự đầu tư nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Với phương châm “giao thông đi trước một bước”, giai đoạn 1996-2000, Cao Bằng tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng, mở rộng mạng lưới đường giao thông từ cấp tỉnh đến các huyện, xã kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh. Toàn ngành đã hoàn thành cơ bản việc xây mới, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường chính là: quốc lộ 3, đường 203, đường Nặm Thoong - Thông Nông, rải nhựa đường Hoà An - Trùng Khánh, Hoà An - Thông Nông, hoàn thành tuyến đường từ thị xã đi cửa khẩu Tà Lùng, tạo điều kiện giao lưu buôn bán với Trung Quốc; xây dựng tuyến đường 206 (Quảng Hòa - Trùng Khánh - Bằng Ca) tạo điều kiện cho việc đầu tư xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh). Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã đầu tư 1,69 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Đến cuối năm 1999, toàn tỉnh có thêm 12 xã có đường giao thông đến trung tâm xã; nhiều công trình cầu, đường cũng được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: cầu Mỏ Sắt, cầu Hoằng Ngà, bãi đỗ xe cửa khẩu Tà Lùng... Việc vận tải hành khách và hàng hóa từng bước thuận lợi hơn, năm 1997, cả tỉnh có 700 xe ôtô đăng ký kinh doanh.

Giai đoạn 1996-2000, ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh nội địa, thu mua hàng nông sản đến hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch. Thương mại quốc doanh tiếp tục được mở rộng, có 11 doanh nghiệp trực thuộc với 45 cửa hàng, điểm bán hàng và hơn 60 điểm đại lý mua bán. Mạng lưới chợ vùng sâu, vùng cao cũng được xây dựng. Đến năm 1999, toàn tỉnh có 42 xã biên giới xây dựng được chợ và các trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao lưu buôn bán hàng hóa giữa vùng thấp với vùng cao và giữa vùng cao với nhau, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa, thông tin có nhiều cố gắng trong công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chú trọng đưa văn hóa, thông tin về cơ sở, nhất là các hoạt động đưa văn hóa, văn nghệ đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tổ chức các đội chiếu phim lưu động, xây dựng tủ sách xã và thư viện tuyến huyện... Việc khôi phục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống tốt đẹp của quê hương được duy trì. Phong trào văn hóa - văn nghệ được khơi dậy trong cộng đồng dân cư đem lại hiệu quả thiết thực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Phong trào thể dục, thể thao trong tỉnh có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao thể chất sức khỏe của cộng đồng, kể cả thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Cũng trong giai đoạn này, ngày 28/01/2000, nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/01/1941 - 28/01/2000), tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thị xã Cao Bằng, thực hiện được ước nguyện bấy lâu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp, sắp xếp lại một số trường, lớp, kể cả phổ thông và dân tộc nội trú. Năm học 1996-1997 có 148.746 học sinh thì năm học 1999-2000 lên đến 149.825 học sinh. Mạng lưới trường lớp không ngừng mở rộng, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến học. Năm học 1996-1997, tỉnh có 3.687 lớp tiểu học, 759 lớp cấp II, 166 lớp cấp III; đến năm học 1999-2000 tăng lên đạt 3.734 lớp tiểu học, 954 lớp cấp II và 248 lớp cấp III. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, số học sinh giỏi và học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng hơn những năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ rệt, đời sống của đội ngũ giáo viên được cải thiện hơn trước.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ luôn được quan tâm, nhất là ở các huyện vùng cao có tỷ lệ người dân mù chữ cao. Khắp các địa phương trong tỉnh đều có chuyển biến tích cực cả về xây dựng trường sở, huy động học sinh đến trường và phổ cập giáo dục tiểu học - xoá mù chữ. Năm 1996, toàn tỉnh có 105 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Đến cuối năm 1999, toàn tỉnh có 165/189 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 98%. Cũng trong năm 1999, thị xã Cao Bằng trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục chuyên nghiệp cũng có nhiều tiến bộ. Các trường sư phạm, y tế, dạy nghề, tại chức có nhiều cố gắng trong việc đào tạo lực lượng, tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được Đảng bộ, chính quyền và toàn dân quan tâm. Mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn lại. Năm 1999, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có cơ sở và cán bộ y tế, trong đó có 148 xã, phường có nhà trạm (77 trạm y tế được trang bị dụng cụ y tế đồng bộ). Đến năm 2000, mạng lưới y tế phủ khắp từ tỉ nh đến các huyện, xã, phường, thị trấn, với 214 cơ sở, 1.454 giường bệnh; tổng biên chế toàn ngành là 1.800 người, trong đó có nhiều người có trình độ bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2. Tỷ suất sinh tự nhiên giảm 0,8%; năm 1998, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,94%. Các chương trình y tế được duy trì thường xuyên, thực hiện có hiệu quả ở hầu khắp các huyện, thị xã. Các hoạt động vì trẻ thơ được nhiều địa phương quan tâm và đem lại hiệu quả thiết thực như chương trình chống suy dinh dưỡng, tổ chức vui chơi, ngày lễ, phẫu thuật nụ cười, quyên góp tình thương...

Lĩnh vực bưu chính - viễn thông luôn giữ được tốc độ phát triển, thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời. Năm 1997, mạng lưới thông tin đến tất cả các huyện, thị xã và một số khu vực được số hóa, tự động hóa, với 3.600 máy thuê bao điện thoại. Đến năm 1999, toàn tỉnh có 5.500 thuê bao, mật độ đạt 1,26 máy/100 người dân; có 90 xã được lắp điện thoại, đạt tỷ lệ trên 47%; có 9/11 huyện, thị và 76 xã, thị trấn có báo đọc trong ngày. Xây dựng được 9 điểm bưu điện văn hoá xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mạng lưới phát thanh - truyền hình có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ số dân được nghe đài phát thanh đạt 60%, được xem truyền hình đạt 30% trong tổng dân số toàn tỉnh.

Công tác quốc phòng - an ninh so với những năm trước đây không có những biến động lớn. Do ta chủ động, tích cực xây dựng phương án tác chiến, đề cao tinh thần cảnh giác, nên đã bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, an ninh chính trị được tăng cường. Lực lượng vũ trang của tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giành thế chủ động trong mọi tình huống; luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công tác huấn luyện lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ đều được triển khai thực hiện tốt. Công tác tuyển quân hằng năm bảo đảm đúng kế hoạch. Đồng thời, các đơn vị bộ đội và dân quân tự vệ đã tham gia tích cực cùng địa phương nơi địa bàn đóng quân phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia; tiến hành rà phá mìn dọc biên giới để mở rộng diện tích trồng trọt, ổn định đời sống nhân dân vùng biên. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa kết hợp với giáo dục tuyên truyền các vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và thực hiện tốt. Công tác bảo vệ an ninh nội bộ được đẩy mạnh, tạo sự ổn định, làm trong sạch địa bàn, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.

Về công tác xây dựng Đảng, với quan điểm xây dựng Đảng ngày càng vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, đồng thời để nâng cao nhận thức, đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tỉnh uỷ thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và cấp uỷ đảng địa phương được tổ chức triển khai học tập thống nhất tới chi bộ đảng cơ sở, đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường củng cố, kiện toàn các chi bộ, đảng bộ cơ sở và củng cố hệ thống chính trị; số chi bộ, đảng bộ được củng cố, kiện toàn ngày một tăng. Kết thúc năm 1997, toàn Đảng bộ tỉnh có 522 chi bộ, đảng bộ cơ sở; trong tổng số 347/404 tổ chức cơ sở đảng được phân loại thì số cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tăng gần 9%, số tổ chức yếu kém là 1,64%, chất lượng đảng viên hằng năm được nâng lên. Công tác phát triển Đảng có nhiều cố gắng, được các cơ sở đảng quan tâm. Riêng trong hai năm 1997-1998, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 2.500 đảng viên mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp có nhiều tiến bộ. Công tác kiểm tra đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng được tăng cường, góp phần củng cố lại các cơ sở đảng yếu kém, giáo dục cán bộ, đảng viên, làm cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, với phương châm “hướng về cơ sở”, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Do vậy, đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2001-2005.

Nhìn lại 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá (1996-2000), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đảng bộ và hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, chính quyền được nâng cao. Mặc dù có những chuyển biến tiến bộ, song, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với khu vực và cả nước còn chậm, tiềm lực chưa đủ mạnh để bứt phá, vươn lên. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng biên giới, vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, những thành tựu này sẽ tạo thế và lực mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững bước tiến vào thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1