Cao Bằng thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng: Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990)
Lượt xem: 484

Từ ngày 22 đến ngày 27/10/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XII được triệu tập. Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ 1986-1990 là: “Ổn định tình hình kinh tế - xã hội, mà quan trọng nhất là ổn định phát triển sản xuất, ổn định thị trường và giá cả, tài chính và tiền tệ, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân lao động”. Đồng chí Vương Văn Quýnh (Dương Tường), Uỷ viên Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, chỉ ra những yếu kém, sai lầm và vạch ra đường lối đổi mới, đề ra ba chương trình kinh tế lớn là: sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã tập trung tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, dấy lên phong trào thi đua sản xuất sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực và bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong nông nghiệp, tỉnh cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống giúp các hợp tác xã gieo trồng ruộng cao sản, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, bước đầu đưa các loại giống mới vào thực nghiệm. Do biết áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực quy thóc tăng lên rõ rệt: năm 1986 là 148.281 tấn, đạt 84,7% kế hoạch; hai năm 1989-1990, trung bình đạt 150.000 tấn/năm. Ngành chăn nuôi vẫn giữ được ổn định, duy trì tốt. Tổng đàn gia súc phát triển năm sau tăng hơn năm trước từ 3-7%, cơ bản đáp ứng đủ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Nếu năm 1986, đàn trâu có 108.821 con, đàn bò có 75.260 con, đàn lợn có 208.915 con thì đến năm 1990, toàn tỉnh có 161.860 con trâu, 98.711 con bò và 575.545 con lợn.

Về lâm nghiệp, bước đầu được xác định là đi đúng hướng, với đặc điểm một tỉnh miền núi, đất rừng chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên. Ngoài các cây lấy gỗ quý được khoanh nuôi bảo vệ, hằng năm, tỉnh còn được Nhà nước đầu tư để triển khai các dự án trồng rừng, tăng diện tích che phủ rừng, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Năm 1989, quy hoạch giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình được 20.750 ha; trồng được 150 ha trẩu, 80 ha trúc.

Công tác định canh định cư cũng được quan tâm thường xuyên, tập trung vào nhiệm vụ ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào vùng cao. Ngay trong năm 1987, tỉnh đầu tư 487 triệu đồng để xây mới các khu tái định cư cho 5.360 hộ gia đình với 39.970 nhân khẩu, ổn định chỗ ăn ở để bà con yên tâm sản xuất.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã có những bước chuyển biến mới từ cơ chế bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh. Các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bước đầu thực hiện quyền chủ động sản xuất kinh doanh của cơ sở, phát huy tính năng động, sáng tạo hơn, hướng vào phục vụ ba chương trình kinh tế lớn là sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Một số đơn vị công nghiệp hoạt động tốt như: Nhà máy Cơ khí, Nhà máy Giấy, Xí nghiệp 212-01. Năm 1986, kế hoạch sản xuất thực hiện là 201.671.000 đồng, đạt 94,58% kế hoạch, bằng 120% so với năm 1985. Bước đầu tỉnh đã có một số mặt hàng xuất khẩu như: dầu thực vật, sản phẩm trúc, tre xuất khẩu, thiếc thỏi... Giai đoạn 1986-1990, bình quân xuất khẩu đạt 830.000 USD/năm. Từ năm 1988 đến năm 1990, một số xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp do thiết bị lạc hậu chưa được thay thế nên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Do đó, tỉnh chủ trương sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã làm ăn thua lỗ, đầu tư không hiệu quả1. Tổng giá trị sản lượng bị suy giảm: năm 1988 đạt 187.120.000 đồng, năm 1989 là 164.000.000 đồng, năm 1990 mới đạt 75.000.000 đồng.

Ngành giao thông vận tải có nhiều cố gắng đáp ứng nhu cầu vận chuyển vật tư hàng hoá và đi lại của nhân dân; phục vụ các chương trình kinh tế tập trung trọng điểm, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Riêng trong hai năm 1988-1989, ngành giao thông - vận tải đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như nâng cấp, mở rộng đường nội thị, hoàn thành cầu Bằng Giang (năm 1988), cầu Tài Hồ Sìn (năm 1988) và cầu Nặm Pạng (năm 1989). Đến năm 1990, toàn tỉnh có 135 xã có đường ôtô đến trung tâm xã với tổng chiều dài khoảng hơn 1.000 km. Về phương tiện vận tải, đến năm 1988, Công ty vận tải tỉnh đã có 125 xe ôtô tải, 8 xe ca vận chuyển hành khách liên tỉnh, nội tỉnh. Tính trung bình mỗi năm vận chuyển được 44.858 tấn hàng hóa và 346.159 hành khách.

Công tác thương nghiệp đã có nhiều cố gắng. Ngành đã chủ động phân phối lưu thông, nắm nguồn hàng địa phương, tích cực thu mua và bán ra thị trường có hiệu quả. Các cơ sở mua bán tiếp tục được mở rộng từ tỉnh đến các địa phương với 600 điểm bán lẻ và dịch vụ. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh bước đầu đổi mới phương thức mua bán phù hợp với thị trường hơn.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra thường xuyên. Hầu hết các huyện trong tỉnh đã thành lập được đội chiếu bóng lưu động. Các trạm phát thanh, truyền thanh ở cơ sở nhất là các huyện, xã biên giới được quan tâm xây dựng. Các đội văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi, xây dựng nhiều tiết mục, chương trình biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, cổ vũ nhân dân lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Nhà trưng bày “Bác Hồ với Cao Bằng” và Nhà Bảo tàng Pác Bó đón hàng vạn du khách tham quan du lịch, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Sự nghiệp giáo dục đã có bước tiến bộ, nhất là việc cải cách giáo dục, củng cố giáo dục cấp I và lớp 1. Hệ thống trường học được sắp xếp lại và bước đầu thực hiện đa dạng hoá các hình thức giáo dục. Thời gian này, ngành giáo dục Cao Bằng phải đương đầu với không ít khó khăn do học sinh cấp I, II các xã vùng cao, biên giới bỏ học khá nhiều. Số lượng học sinh hằng năm giảm sút: Năm học 1986-1987, toàn tỉnh có 374 trường, với 111.343 học sinh; năm học 1990-1991 giảm xuống còn 83.822 học sinh, tính trung bình từ năm 1986 đến năm 1991, mỗi năm giảm hơn 5.500 học sinh. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã dành ngân sách giải quyết chế độ cho giáo viên vùng cao, các huyện trích kinh phí và huy động nhân dân đóng góp xây dựng trường, lớp, góp phần hạn chế khó khăn cho các trường học.

Công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì và từng bước nâng lên, trọng tâm là xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, chăm lo sức khoẻ ban đầu của nhân dân và nâng cao chất lượng phục vụ y tế ở các tuyến điều trị. Năm 1986, toàn tỉnh đã có 1.848 giường bệnh; năm 1987, Bệnh viện đa khoa tỉnh được xây dựng với đầy đủ các chuyên khoa, được trang bị phương tiện máy móc tương đối hiện đại. Đến năm 1989, toàn tỉnh có 205 trạm y tế xã, phường, 117 y sĩ và 278 hộ sinh dân lập. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai ở cả 13 huyện, thị; năm 1990 có 71% số trẻ em trong độ tuổi quy định được tiêm chủng.

Lĩnh vực thông tin liên lạc trong những năm đầu đổi mới chủ yếu tập trung xây dựng, mở rộng và nâng cao chất lượng thông tin. Đến năm 1990, toàn tỉnh đã có một bưu cục trung tâm, 12 bưu điện huyện, 19 chi nhánh, một đường thư liên tỉnh từ Cao Bằng đi Hà Nội dài 286 km, 10 đường thư nội tỉnh với chiều dài 718 km, 153 đường thư nội huyện với chiều dài 2.023 km, 87 đường thư xã với chiều dài 1.011 km.

Tình hình quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời của Đảng bộ tỉnh và các cấp uỷ địa phương, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị lực lượng vũ trang luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp hiệp đồng ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Từ năm 1987, các đơn vị trên tuyến 1 cơ bản được sắp xếp ổn định xong, hệ thống các đồn biên phòng được củng cố, tăng cường, bảo đảm yêu cầu mới trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng công an không ngừng được củng cố, ngành đã phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và tiến hành nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng luôn được các cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Việc sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ luôn bảo đảm sự đoàn kết. Công tác phát triển Đảng được quan tâm tiến hành thường xuyên; trong 5 năm 1986-1990, cả tỉnh kết nạp được 2.654 đảng viên mới. Bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể được củng cố, sắp xếp cho phù hợp với tình hình mới, tinh giản, gọn nhẹ hơn trước, giảm được 25% đầu mối cấp tỉnh, 50% đầu mối cấp huyện, thị xã; điều chỉnh, sắp xếp lại, đề bạt được 187 cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp.

Tóm lại, trong 5 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990), mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả bước đầu trên các lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội từng bước ổn định và đã có sự phát triển. Tỉnh đã vượt qua được những khó khăn về kinh tế - xã hội, giữ yên biên cương Tổ quốc. Đời sống của nhân dân dần được cải thiện. Dù đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chặng đường tiếp theo còn rất nhiều khó khăn nhưng đã tạo đà cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục tiến bước vững vàng trên con đường đổi mới.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1