Cao Bằng thời phong kiến độc lập: Trong nửa đầu thế kỷ XIX
15/11/2023
Lượt xem: 1874
1. Tổ chức hành chính Cao Bằng thời Nguyễn
Năm 1802, vương triều Nguyễn được thiết lập và cơ bản thống nhất đất nước từ Bắc đến Nam. Bộ máy hành chính địa phương ở phía Bắc đầu triều Nguyễn và suốt thời Gia Long (1802-1820) gần như giữ nguyên theo cách thức tổ chức cũ của chính quyền Lê - Trịnh. Cao Bằng là một trong 11 trấn thuộc Bắc thành và được xếp vào ngoại trấn. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đến đầu thế kỷ XIX, là một bộ địa danh hành chính đời Gia Long, trấn Cao Bằng gồm 4 châu (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang), 27 tổng, 233 xã, thôn, phường, phố, trại, động. Xứ này có 7 họ người Mán, 6 khu lũng của người Nùng nội trại và ngoại trại gồm 79 trại, động, phố.
Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương, đổi trấn làm tỉnh, đặt hai ty bố chính và án sát thuộc tuần phủ Lạng - Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng). Tỉnh Cao Bằng có 01 phủ là Trùng Khánh; 04 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm. Năm 1834, đổi các châu Thạch Lâm, Thượng Lang, Quảng Uyên, Hạ Lang thuộc Cao Bằng làm huyện; đặt tri huyện và giáo chức. Năm 1835, lập thêm phủ Hòa An; chia huyện Thạch Lâm thành hai huyện Thạch Lâm và Thạch An, thuộc phủ Hòa An; bỏ chế độ thổ quan, đặt chế độ lưu quan. Năm 1851, triều đình lại bỏ phủ Hòa An; tỉnh Cao Bằng chỉ còn một phủ Trùng Khánh và 5 huyện: Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.
2. Kinh tế Cao Bằng thời Nguyễn
2.1. Tình hình khai mỏ
Việc khai mỏ ở Cao Bằng được tiến hành trở lại bắt đầu từ năm 1829. Nhà Nguyễn cho tổ chức khai mỏ vàng ở Vĩnh Giang mỗi năm thu thuế vàng 3 lạng. Tiếp đó, năm 1830, cho khai mỏ sắt Quảng Hoà, mỗi năm thu thuế sắt 1.000 cân. Đến năm 1831, triều đình định lệ thuế các mỏ sắt, các hộ làm sắt ở Cao Bằng mỗi người mỗi năm nộp sắt sống 50 cân nay đổi nộp 24 cân sắt chín. Năm 1832, nhà Nguyễn tiếp tục cho khai thác mỏ vàng Vĩnh Giang, thuế nộp mỗi năm là 6 lạng vàng.
Việc khai thác mỏ vàng ở Cao Bằng chủ yếu theo lối lĩnh trưng. Người lĩnh trưng có thể là người dân địa phương hoặc quan lại địa phương trực tiếp đứng ra chiêu mộ phu khoáng, cũng có khi là người Hoa xin lĩnh trưng. Trách nhiệm của người lĩnh trưng là hằng năm phải nộp thuế theo mức Nhà nước quy định.
Nhìn chung, việc khai mỏ ở Cao Bằng thời Nguyễn phát triển cầm chừng. Mặc dù ý thức rất rõ giá trị của nguồn lợi tự nhiên này và nhà Nguyễn đã chủ động đứng ra tổ chức hoặc cho người trưng cai khai thác nhưng hiệu quả đem lại không đáng kể.
2.2. Hoạt động buôn bán
Cao Bằng là địa phương có đường biên giới chung với Trung Quốc, do đó mối quan hệ trao đổi buôn bán diễn ra khá thường xuyên. Thực trạng của quá trình giao thương giữa hai bên trong thời Nguyễn có thể nhìn nhận khái quát qua sự bố trí các cửa ải, tuần ty và mức độ đánh thuế của Nhà nước ở những nơi quan ải này. Năm 1812, vua Gia Long đã cho định điều lệ về cửa quan và bến đò cho Bắc Thành và Thanh Nghệ, trong đó Cao Bằng có 14 cửa quan chính và 3 cửa quan xép. Năm 1824, vua Minh Mạng cho đặt các sở tuần nhánh để thu thuế tại các sở cửa quan, bến tuần, bến đò, phố chợ ở các hạt Bắc Thành và Thanh Nghệ. Tỉnh Cao Bằng có các tuần Bác Khê, tuần Nham Liêu, tuần Củng Xương, tuần Tuế Ổ, hai chi tuần Bác Tọa, Bác Nẫm... dời tuần Bác Vọng ở Cao Bằng đến xã Nội Chiêm, gọi là tuần Nội Chiêm... Các tuần này thường được giao cho người lĩnh trưng đứng ra thu thuế khách buôn qua lại và hằng năm nộp thuế cho triều đình theo mức quy định.
Năm 1841, nhà Nguyễn cho đặt 3 cửa ải Trung Thảng, Nà Lạn và Lệnh Cấm ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1844, triều Nguyễn ban hành định lệ thu thuế quan tân1 cho tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó tỉnh Cao Bằng có 5 sở quan tân, lệ nộp toàn bằng bạc gồm: cửa Nà Thống, cửa Lương Mã, cửa Nà Lạn, cửa Trung Thảng và cửa Lệnh Cấm. Trong 7 năm (1838-1844), tổng số thuế quan mà nhà Nguyễn thu được ở Cao Bằng là 19.151 lạng bạc, thấp hơn nhiều so với số thuế thu được của các địa phương khác trong cả nước .
Ngay từ đầu thời Nguyễn, Nhà nước đã giao ngay cho tỉnh Cao Bằng phát hành, quản lý “Giao tử” và cho đặt Giao tử vụ ở Cao Bằng do nhân viên tỉnh thành trông giữ. Sự kiện này không chỉ minh chứng cho việc triều đình nhà Nguyễn tin tưởng đối với các quan lại địa phương ở Cao Bằng mà còn cho thấy ở nửa đầu thế kỷ XIX, Cao Bằng đã có hoạt động buôn bán rất sầm uất. Việc nhà Nguyễn thi hành một hình thức sơ khai của tín phiếu ngân hàng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ ở nửa đầu thế kỷ XIX tại Cao Bằng càng chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đến hoạt động thương nghiệp. Đó cũng là những dấu hiệu biểu hiện sự phát triển của kinh tế Cao Bằng.
3. Chính sách giáo dục của nhà Nguyễn đối với Cao Bằng
Đầu triều Nguyễn, do điều kiện địa lí xa xôi cách trở, trong các khoa thi Hương không có sự tham gia của các sĩ tử Cao Bằng.
Thời Minh Mạng (1820-1841), cùng với quá trình xếp đặt lại các đơn vị hành chính, đổi châu thành huyện thì ở các huyện Thạch Lâm, Quảng Uyên và Thượng Lang mới được đặt chức Huấn đạo; đến năm 1834, châu Hạ Lang được đổi thành huyện, thì chức danh trên mới được đặt tại huyện này. Năm 1838, vua Minh Mạng xuống dụ sai các tỉnh biên giới từ Tuyên Quang cho đến Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng đều cử người dân tuấn tú trong hạt, đặt chức Giáo thụ để dạy bảo người dân địa phương học tập viết văn tự.
Sang thời Thiệu Trị (1841-1847), nhằm khích lệ, động viên các sĩ tử theo nghiệp học, triều Nguyễn cho phép tuyển cử các cống sinh ở Cao Bằng, Thái Nguyên... với những ưu đãi đặc biệt. Năm 1843, vua Thiệu Trị cho phép bốn tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang tuyển cử cống sinh đều chưa đến hạn tuổi (lệ cống sinh định tuổi, không cứ là học trò hay là tú tài, tuổi từ 40 trở lên mới được sung cử). Các sĩ tử ở Cao Bằng nếu được sung vào học ở Quốc tử giám cũng được ưu tiên hơn rất nhiều về điều kiện ăn ở, lương bổng so với sĩ tử các địa phương khác. Đến năm 1847, vua Thiệu Trị mới bắt đầu cho đặt chức Giáo thụ, Huấn đạo các phủ huyện ở những tỉnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Thời Tự Đức (1847-1883), năm 1855, nhà Nguyễn mới bắt đầu đặt ngạch học sinh ở các tỉnh về miền biên giới (Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Quảng Yên), chọn người học trò nào tư chất tốt mà ham học, mỗi tỉnh lấy 3-4 người, hoặc 5-6 người, bổ làm hạng học sinh, chước trừ cho việc đi lính, tạp dịch. Việc khảo học và cấp cho lương ăn học cũng giống như học sinh các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Tiếp đó, tháng 9/1856, vua Tự Đức sai tỉnh thần Cao Bằng cho dựng nhà học phủ Trùng Khánh nhằm động viên khích lệ và cổ suý học phong của một địa phương vùng cao.
Mặc dù nhà Nguyễn có những chính sách khuyến học rất tích cực đối với các địa phương vùng xa nhưng cũng không đem lại kết quả nào đáng kể.
4. Phong trào nổi dậy và các cuộc đấu tranh ở miền biên giới Cao Bằng thời Nguyễn
Chính sách ức hiếp, đục khoét của quan quân nhà Nguyễn, nhất là đối với những vùng biên viễn như là Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã khiến cho lòng dân bất bình, oán hận. Bất bình với chính sách dân tộc của nhà Nguyễn (bãi bỏ chế độ thế tập các tù trưởng miền núi thay bằng chế độ cử các quan lại miền xuôi lên trực tiếp cai quản vùng biên giới, từ năm 1829), Nông Văn Vân xuất thân dòng dõi thổ ti châu Bảo Lạc (thuộc tỉnh Tuyên Quang, nay là huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đã phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình.
Cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân bùng nổ năm 1833. Ngay từ buổi đầu, Nông Văn Vân đã được rất nhiều thổ ti, thổ mục tham gia hưởng ứng như Ma Sĩ Vinh, Ma Doãn Cao ở Bảo Lạc, Nguyễn Thế Nga, Ma Trọng Đại, Ma Trường An ở Vị Xuyên (nay thuộc tỉnh Hà Giang), Lưu Trọng Chương, Hoàng Trinh Tuyên ở Lục Yên (nay thuộc tỉnh Yên Bái), Nguyễn Quảng Khải, Ma Đức Thái, Ma Doãn Dưỡng ở châu Đại Man.
Nông Văn Vân tự xưng là “Tiết chế thượng tướng quân”, chọn Vân Trung, Ngọc Mạo (châu Bảo Lạc) là căn cứ chính để tập hợp lực lượng nổi dậy khởi nghĩa. Lợi dụng địa hình núi non hiểm trở, nghĩa quân thường xuyên phục kích gây nhiều tổn thất cho các đạo quân của triều đình vốn không quen thuỷ thổ và địa bàn. Từ Bảo Lạc, quân nổi dậy tiến công chiếm đồn Ninh Biên, Bố chính Phạm Phổ thua trận phải tự tử. Thừa thắng, quân nổi dậy mở rộng địa bàn tiến đánh xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên. Cả một dải biên giới Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn chấn động. Lực lượng nghĩa quân khá đông, trong các trận đánh lớn như trận đánh đồn Ninh Biên, đồn Na Cù (tỉnh Bắc Kạn) có tới 3.000 quân tham gia; trận đánh vào thành Cao Bằng đã huy động tới 6.000 quân;...
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm Quý Tỵ (1833), Nông Văn Vân đem quân vây hãm tỉnh thành Cao Bằng trong hơn 1 tháng. Trong thành cạn lương thực, thuốc súng cũng hết, quân cứu viện của nhà Nguyễn do Tạ Quang Cự chỉ huy thì đang bị chặn đánh ở Lạng Sơn nên không ứng cứu kịp thời. Thế cùng, lực kiệt, Bố chính Cao Bằng là Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc và Lãnh binh Phạm Văn Lưu đành phải tự vẫn. Nông Văn Vân chiếm được tỉnh thành, chiến lợi phẩm thu được là 4 khẩu súng thần công và 42 cỗ pháo rồi rút lui.
Thanh thế của cuộc nổi dậy khiến cho vua Minh Mạng rất lo sợ. Nhà Nguyễn điều động nhiều tướng giỏi như Tạ Quang Cự, Phạm Văn Đức chỉ huy quân chủ lực của triều đình phối hợp với các cơ đội ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn... ra sức đàn áp nhưng không có kết quả.
Đầu năm 1834, vua Minh Mạng treo thưởng cho người nào bắt chém được Nông Văn Vân thì thưởng 500 lạng bạc và cho làm quan hàm ngũ phẩm và sau đó mức thưởng tăng lên là 1.000 lạng bạc và cho làm quan hàm tứ phẩm.
Tháng 6 năm Giáp Ngọ (1834), Nông Văn Vân chỉ huy khoảng 6.000 quân vây hãm và chiếm tỉnh thành Cao Bằng lần thứ hai. Quân nổi dậy chiếm giữ thành trong gần hai tháng (từ 16/6 đến 11/8/1834).
Tháng 10/1834, ba cánh quân của nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Phổ, Hồ Hựu... từ Sơn Tây, Lạng Sơn, Thái Nguyên tiến lên Cao Bằng. Trước thế mạnh của quan quân triều đình, Nông Văn Vân phải rút về Bảo Lạc, xây dựng căn cứ mới ở Na Tình, lại bị quan quân tiến đánh, nghĩa quân chạy vào rừng, cuộc nổi dậy bị thất bại.
Cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân diễn ra không dài (khoảng 3 năm) nhưng làm cho nhà Nguyễn phải đối phó rất vất vả. Cao Bằng là một trong những địa phương chứng kiến những sự kiện lớn liên quan đến cuộc nổi dậy và dân chúng các dân tộc Cao Bằng cũng đã tham gia vào đội quân nổi dậy với một lực lượng không nhỏ. Điều này đã được chính sử nhà Nguyễn thừa nhận.
Bên cạnh cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, thời gian này, giặc phương Bắc thường xuyên tràn sang cướp phá nhân dân. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới nổi dậy phản kháng, nổi bật như cuộc nổi dậy của ông Nông Thống Lệnh ở tổng Trà Lĩnh (châu Trùng Khánh); tham gia cuộc chiến đấu do Quản đốc Trần Duy Trân chỉ huy chống giặc Tam Thập Lục với 3.000 quân tràn vào tổng Trà Lĩnh rồi tiến về châu Quảng Uyên, tổng Phục Hòa (châu Thạch An); cuộc chiến đấu do Thang Trường Hợp chỉ huy lãnh đạo nhân dân địa phương chống nhiều toán phỉ nhà Thanh xâm phạm biên giới tại huyện Trùng Khánh, được vua Tự Đức ban thưởng, sắc phong hàm Cửu phẩm...
Sau này, liên tục từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, dọc miền biên giới phía Bắc thường bị một số nhóm giặc cướp tràn sang cướp phá. Địa bàn hoạt động của chúng chủ yếu là Cao Bằng, gây cho nhân dân trong vùng nhiều hậu quả nặng nề. Chiến sự đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân Cao Bằng và sự phát triển kinh tế địa phương trong những thập kỷ sau đó.
Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng
15/11/2023
Cao Bằng thời phong kiến độc lập: Trong nửa đầu thế kỷ XIX
1. Tổ chức hành chính Cao Bằng thời Nguyễn
Năm 1802, vương triều Nguyễn được thiết lập và cơ bản thống nhất đất nước từ Bắc đến Nam. Bộ máy hành chính địa phương ở phía Bắc đầu triều Nguyễn và suốt thời Gia Long (1802-1820) gần như giữ nguyên theo cách thức tổ chức cũ của chính quyền Lê - Trịnh. Cao Bằng là một trong 11 trấn thuộc Bắc thành và được xếp vào ngoại trấn. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đến đầu thế kỷ XIX, là một bộ địa danh hành chính đời Gia Long, trấn Cao Bằng gồm 4 châu (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang), 27 tổng, 233 xã, thôn, phường, phố, trại, động. Xứ này có 7 họ người Mán, 6 khu lũng của người Nùng nội trại và ngoại trại gồm 79 trại, động, phố.
Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương, đổi trấn làm tỉnh, đặt hai ty bố chính và án sát thuộc tuần phủ Lạng - Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng). Tỉnh Cao Bằng có 01 phủ là Trùng Khánh; 04 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm. Năm 1834, đổi các châu Thạch Lâm, Thượng Lang, Quảng Uyên, Hạ Lang thuộc Cao Bằng làm huyện; đặt tri huyện và giáo chức. Năm 1835, lập thêm phủ Hòa An; chia huyện Thạch Lâm thành hai huyện Thạch Lâm và Thạch An, thuộc phủ Hòa An; bỏ chế độ thổ quan, đặt chế độ lưu quan. Năm 1851, triều đình lại bỏ phủ Hòa An; tỉnh Cao Bằng chỉ còn một phủ Trùng Khánh và 5 huyện: Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.
2. Kinh tế Cao Bằng thời Nguyễn
2.1. Tình hình khai mỏ
Việc khai mỏ ở Cao Bằng được tiến hành trở lại bắt đầu từ năm 1829. Nhà Nguyễn cho tổ chức khai mỏ vàng ở Vĩnh Giang mỗi năm thu thuế vàng 3 lạng. Tiếp đó, năm 1830, cho khai mỏ sắt Quảng Hoà, mỗi năm thu thuế sắt 1.000 cân. Đến năm 1831, triều đình định lệ thuế các mỏ sắt, các hộ làm sắt ở Cao Bằng mỗi người mỗi năm nộp sắt sống 50 cân nay đổi nộp 24 cân sắt chín. Năm 1832, nhà Nguyễn tiếp tục cho khai thác mỏ vàng Vĩnh Giang, thuế nộp mỗi năm là 6 lạng vàng.
Việc khai thác mỏ vàng ở Cao Bằng chủ yếu theo lối lĩnh trưng. Người lĩnh trưng có thể là người dân địa phương hoặc quan lại địa phương trực tiếp đứng ra chiêu mộ phu khoáng, cũng có khi là người Hoa xin lĩnh trưng. Trách nhiệm của người lĩnh trưng là hằng năm phải nộp thuế theo mức Nhà nước quy định.
Nhìn chung, việc khai mỏ ở Cao Bằng thời Nguyễn phát triển cầm chừng. Mặc dù ý thức rất rõ giá trị của nguồn lợi tự nhiên này và nhà Nguyễn đã chủ động đứng ra tổ chức hoặc cho người trưng cai khai thác nhưng hiệu quả đem lại không đáng kể.
2.2. Hoạt động buôn bán
Cao Bằng là địa phương có đường biên giới chung với Trung Quốc, do đó mối quan hệ trao đổi buôn bán diễn ra khá thường xuyên. Thực trạng của quá trình giao thương giữa hai bên trong thời Nguyễn có thể nhìn nhận khái quát qua sự bố trí các cửa ải, tuần ty và mức độ đánh thuế của Nhà nước ở những nơi quan ải này. Năm 1812, vua Gia Long đã cho định điều lệ về cửa quan và bến đò cho Bắc Thành và Thanh Nghệ, trong đó Cao Bằng có 14 cửa quan chính và 3 cửa quan xép. Năm 1824, vua Minh Mạng cho đặt các sở tuần nhánh để thu thuế tại các sở cửa quan, bến tuần, bến đò, phố chợ ở các hạt Bắc Thành và Thanh Nghệ. Tỉnh Cao Bằng có các tuần Bác Khê, tuần Nham Liêu, tuần Củng Xương, tuần Tuế Ổ, hai chi tuần Bác Tọa, Bác Nẫm... dời tuần Bác Vọng ở Cao Bằng đến xã Nội Chiêm, gọi là tuần Nội Chiêm... Các tuần này thường được giao cho người lĩnh trưng đứng ra thu thuế khách buôn qua lại và hằng năm nộp thuế cho triều đình theo mức quy định.
Năm 1841, nhà Nguyễn cho đặt 3 cửa ải Trung Thảng, Nà Lạn và Lệnh Cấm ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1844, triều Nguyễn ban hành định lệ thu thuế quan tân1 cho tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó tỉnh Cao Bằng có 5 sở quan tân, lệ nộp toàn bằng bạc gồm: cửa Nà Thống, cửa Lương Mã, cửa Nà Lạn, cửa Trung Thảng và cửa Lệnh Cấm. Trong 7 năm (1838-1844), tổng số thuế quan mà nhà Nguyễn thu được ở Cao Bằng là 19.151 lạng bạc, thấp hơn nhiều so với số thuế thu được của các địa phương khác trong cả nước .
Ngay từ đầu thời Nguyễn, Nhà nước đã giao ngay cho tỉnh Cao Bằng phát hành, quản lý “Giao tử” và cho đặt Giao tử vụ ở Cao Bằng do nhân viên tỉnh thành trông giữ. Sự kiện này không chỉ minh chứng cho việc triều đình nhà Nguyễn tin tưởng đối với các quan lại địa phương ở Cao Bằng mà còn cho thấy ở nửa đầu thế kỷ XIX, Cao Bằng đã có hoạt động buôn bán rất sầm uất. Việc nhà Nguyễn thi hành một hình thức sơ khai của tín phiếu ngân hàng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ ở nửa đầu thế kỷ XIX tại Cao Bằng càng chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đến hoạt động thương nghiệp. Đó cũng là những dấu hiệu biểu hiện sự phát triển của kinh tế Cao Bằng.
3. Chính sách giáo dục của nhà Nguyễn đối với Cao Bằng
Đầu triều Nguyễn, do điều kiện địa lí xa xôi cách trở, trong các khoa thi Hương không có sự tham gia của các sĩ tử Cao Bằng.
Thời Minh Mạng (1820-1841), cùng với quá trình xếp đặt lại các đơn vị hành chính, đổi châu thành huyện thì ở các huyện Thạch Lâm, Quảng Uyên và Thượng Lang mới được đặt chức Huấn đạo; đến năm 1834, châu Hạ Lang được đổi thành huyện, thì chức danh trên mới được đặt tại huyện này. Năm 1838, vua Minh Mạng xuống dụ sai các tỉnh biên giới từ Tuyên Quang cho đến Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng đều cử người dân tuấn tú trong hạt, đặt chức Giáo thụ để dạy bảo người dân địa phương học tập viết văn tự.
Sang thời Thiệu Trị (1841-1847), nhằm khích lệ, động viên các sĩ tử theo nghiệp học, triều Nguyễn cho phép tuyển cử các cống sinh ở Cao Bằng, Thái Nguyên... với những ưu đãi đặc biệt. Năm 1843, vua Thiệu Trị cho phép bốn tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang tuyển cử cống sinh đều chưa đến hạn tuổi (lệ cống sinh định tuổi, không cứ là học trò hay là tú tài, tuổi từ 40 trở lên mới được sung cử). Các sĩ tử ở Cao Bằng nếu được sung vào học ở Quốc tử giám cũng được ưu tiên hơn rất nhiều về điều kiện ăn ở, lương bổng so với sĩ tử các địa phương khác. Đến năm 1847, vua Thiệu Trị mới bắt đầu cho đặt chức Giáo thụ, Huấn đạo các phủ huyện ở những tỉnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Thời Tự Đức (1847-1883), năm 1855, nhà Nguyễn mới bắt đầu đặt ngạch học sinh ở các tỉnh về miền biên giới (Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Quảng Yên), chọn người học trò nào tư chất tốt mà ham học, mỗi tỉnh lấy 3-4 người, hoặc 5-6 người, bổ làm hạng học sinh, chước trừ cho việc đi lính, tạp dịch. Việc khảo học và cấp cho lương ăn học cũng giống như học sinh các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Tiếp đó, tháng 9/1856, vua Tự Đức sai tỉnh thần Cao Bằng cho dựng nhà học phủ Trùng Khánh nhằm động viên khích lệ và cổ suý học phong của một địa phương vùng cao.
Mặc dù nhà Nguyễn có những chính sách khuyến học rất tích cực đối với các địa phương vùng xa nhưng cũng không đem lại kết quả nào đáng kể.
4. Phong trào nổi dậy và các cuộc đấu tranh ở miền biên giới Cao Bằng thời Nguyễn
Chính sách ức hiếp, đục khoét của quan quân nhà Nguyễn, nhất là đối với những vùng biên viễn như là Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã khiến cho lòng dân bất bình, oán hận. Bất bình với chính sách dân tộc của nhà Nguyễn (bãi bỏ chế độ thế tập các tù trưởng miền núi thay bằng chế độ cử các quan lại miền xuôi lên trực tiếp cai quản vùng biên giới, từ năm 1829), Nông Văn Vân xuất thân dòng dõi thổ ti châu Bảo Lạc (thuộc tỉnh Tuyên Quang, nay là huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đã phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình.
Cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân bùng nổ năm 1833. Ngay từ buổi đầu, Nông Văn Vân đã được rất nhiều thổ ti, thổ mục tham gia hưởng ứng như Ma Sĩ Vinh, Ma Doãn Cao ở Bảo Lạc, Nguyễn Thế Nga, Ma Trọng Đại, Ma Trường An ở Vị Xuyên (nay thuộc tỉnh Hà Giang), Lưu Trọng Chương, Hoàng Trinh Tuyên ở Lục Yên (nay thuộc tỉnh Yên Bái), Nguyễn Quảng Khải, Ma Đức Thái, Ma Doãn Dưỡng ở châu Đại Man.
Nông Văn Vân tự xưng là “Tiết chế thượng tướng quân”, chọn Vân Trung, Ngọc Mạo (châu Bảo Lạc) là căn cứ chính để tập hợp lực lượng nổi dậy khởi nghĩa. Lợi dụng địa hình núi non hiểm trở, nghĩa quân thường xuyên phục kích gây nhiều tổn thất cho các đạo quân của triều đình vốn không quen thuỷ thổ và địa bàn. Từ Bảo Lạc, quân nổi dậy tiến công chiếm đồn Ninh Biên, Bố chính Phạm Phổ thua trận phải tự tử. Thừa thắng, quân nổi dậy mở rộng địa bàn tiến đánh xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên. Cả một dải biên giới Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn chấn động. Lực lượng nghĩa quân khá đông, trong các trận đánh lớn như trận đánh đồn Ninh Biên, đồn Na Cù (tỉnh Bắc Kạn) có tới 3.000 quân tham gia; trận đánh vào thành Cao Bằng đã huy động tới 6.000 quân;...
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm Quý Tỵ (1833), Nông Văn Vân đem quân vây hãm tỉnh thành Cao Bằng trong hơn 1 tháng. Trong thành cạn lương thực, thuốc súng cũng hết, quân cứu viện của nhà Nguyễn do Tạ Quang Cự chỉ huy thì đang bị chặn đánh ở Lạng Sơn nên không ứng cứu kịp thời. Thế cùng, lực kiệt, Bố chính Cao Bằng là Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc và Lãnh binh Phạm Văn Lưu đành phải tự vẫn. Nông Văn Vân chiếm được tỉnh thành, chiến lợi phẩm thu được là 4 khẩu súng thần công và 42 cỗ pháo rồi rút lui.
Thanh thế của cuộc nổi dậy khiến cho vua Minh Mạng rất lo sợ. Nhà Nguyễn điều động nhiều tướng giỏi như Tạ Quang Cự, Phạm Văn Đức chỉ huy quân chủ lực của triều đình phối hợp với các cơ đội ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn... ra sức đàn áp nhưng không có kết quả.
Đầu năm 1834, vua Minh Mạng treo thưởng cho người nào bắt chém được Nông Văn Vân thì thưởng 500 lạng bạc và cho làm quan hàm ngũ phẩm và sau đó mức thưởng tăng lên là 1.000 lạng bạc và cho làm quan hàm tứ phẩm.
Tháng 6 năm Giáp Ngọ (1834), Nông Văn Vân chỉ huy khoảng 6.000 quân vây hãm và chiếm tỉnh thành Cao Bằng lần thứ hai. Quân nổi dậy chiếm giữ thành trong gần hai tháng (từ 16/6 đến 11/8/1834).
Tháng 10/1834, ba cánh quân của nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Phổ, Hồ Hựu... từ Sơn Tây, Lạng Sơn, Thái Nguyên tiến lên Cao Bằng. Trước thế mạnh của quan quân triều đình, Nông Văn Vân phải rút về Bảo Lạc, xây dựng căn cứ mới ở Na Tình, lại bị quan quân tiến đánh, nghĩa quân chạy vào rừng, cuộc nổi dậy bị thất bại.
Cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân diễn ra không dài (khoảng 3 năm) nhưng làm cho nhà Nguyễn phải đối phó rất vất vả. Cao Bằng là một trong những địa phương chứng kiến những sự kiện lớn liên quan đến cuộc nổi dậy và dân chúng các dân tộc Cao Bằng cũng đã tham gia vào đội quân nổi dậy với một lực lượng không nhỏ. Điều này đã được chính sử nhà Nguyễn thừa nhận.
Bên cạnh cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, thời gian này, giặc phương Bắc thường xuyên tràn sang cướp phá nhân dân. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới nổi dậy phản kháng, nổi bật như cuộc nổi dậy của ông Nông Thống Lệnh ở tổng Trà Lĩnh (châu Trùng Khánh); tham gia cuộc chiến đấu do Quản đốc Trần Duy Trân chỉ huy chống giặc Tam Thập Lục với 3.000 quân tràn vào tổng Trà Lĩnh rồi tiến về châu Quảng Uyên, tổng Phục Hòa (châu Thạch An); cuộc chiến đấu do Thang Trường Hợp chỉ huy lãnh đạo nhân dân địa phương chống nhiều toán phỉ nhà Thanh xâm phạm biên giới tại huyện Trùng Khánh, được vua Tự Đức ban thưởng, sắc phong hàm Cửu phẩm...
Sau này, liên tục từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, dọc miền biên giới phía Bắc thường bị một số nhóm giặc cướp tràn sang cướp phá. Địa bàn hoạt động của chúng chủ yếu là Cao Bằng, gây cho nhân dân trong vùng nhiều hậu quả nặng nề. Chiến sự đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân Cao Bằng và sự phát triển kinh tế địa phương trong những thập kỷ sau đó.
Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng
|