Cao Bằng thời phong kiến độc lập: Trong các thế kỷ XV-XVIII
Lượt xem: 2214

1. Phong trào đấu tranh chống quân Minh xâm lược của nhân dân Cao Bằng

Từ nửa cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy vong. Năm 1400, nhà Hồ thành lập. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly chưa đạt kết quả mong muốn thì quân Minh ồ ạt tiến sang xâm lược. Quân Minh thì đông, đánh áp đảo, nhà Hồ thua trận, nước Đại Việt rơi vào tay nhà Minh, nhân dân chịu ách đô hộ hà khắc của giặc Minh. Ở Cao Bằng, nhà Minh đóng quân ở gò Đống Lân và thành Na Lữ (nay thuộc thành phố Cao Bằng), đặt các chức quan thái thú cai trị.

Dưới ách đô hộ của giặc Minh, đời sống của người dân Cao Bằng bị đói khổ cùng cực. Không cam tâm sống kiếp ngựa trâu, tháng 9/1407 (Đinh Hợi), Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái là những tù trưởng dân tộc Tày ở châu Quảng Nguyên đã chiêu mộ quân dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh. Tháng 02/1418 (Mậu Tuất), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa); Bế Khắc Thiệu đã vào Lam Sơn ứng nghĩa, nhưng ông được Lê Lợi cử trở về quê hương xây dựng lực lượng chống quân Minh và làm hậu thuẫn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Về đến Cao Bằng, ông đã kêu gọi nghĩa dũng tổ chức thành một đội quân hùng hậu, xây thành đắp lũy, triệu tập nghĩa quân bảo vệ dân, tổ chức các trận đánh quân Minh ngay trên địa bàn. Từ một đạo quân hoạt động đơn lẻ trên vùng rừng núi phía Bắc, đến năm 1424, nghĩa quân của Bế Khắc Thiệu đã có mối liên hệ với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành một bộ phận quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, mà đỉnh cao là khởi nghĩa Lam Sơn.

Nhiều lần Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đem quân ra đánh phá thành Na Lữ, căn cứ của giặc Minh, nhưng không phân thắng bại. Trận đánh lớn nhất là trận Nà Khuổi (chân núi Khắc Thiệu). Trong trận này, Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đã cho quân mai phục, đồng thời dùng mưu lừa địch ra khỏi thành. Quân Minh cậy thế đông quân, rời thành truy đánh nghĩa quân của Bế Khắc Thiệu. Sau khi giặc Minh lọt vào trận địa mai phục, nghĩa quân của Bế Khắc Thiệu từ bốn phía xông ra đánh một trận quyết chiến làm cho giặc Minh tan tác, giết chết 4.000 tên địch, bắn bị thương đô đốc Trình Dương khiến cho giặc Minh hoang mang tìm đường rút khỏi Cao Bằng. Cao Bằng được giải phóng. Bế Khắc Thiệu về lỵ sở xưng làm Châu mục.

Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi trọn vẹn. Đất nước sạch bóng quân xâm lược. Trong thắng lợi chung của toàn dân tộc, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã góp công sức to lớn, gắn với tên tuổi và sự nghiệp của hai vị tướng, hai vị anh hùng của quê hương Cao Bằng là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Cuộc khởi nghĩa của hai ông đã góp phần cùng cả nước đánh đuổi giặc Minh giành lại nền độc lập cho dân tộc.

2. Sự kiện thành lập trấn Cao Bằng (1499) thời Lê sơ

Địa danh Cao Bằng được ghi chép trong sử sách từ rất sớm. Sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn năm 1435 đã ghi: “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định; đông bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng; tây nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có 1 lộ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên giậu thứ tư về phương Bắc vậy”.

Năm 1428, sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Lê, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt. Vua Lê Thái Tổ chia lại nước làm 5 đạo gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây (từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá). Trong đó, Bắc đạo gồm có các lộ Bắc Giang, Lạng Giang, trấn Thái Nguyên. Các châu của Cao Bằng vẫn thuộc trấn Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Thừa tuyên Thái Nguyên.

Miền đất Cao Bằng đương thời được gọi là phủ Bắc Bình trực thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên.

Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), phủ Bắc Bình đổi tên thành phủ Cao Bằng (Bình) vẫn trực thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên.

Theo Bản đồ Hồng Đức năm 1490 thì phủ Cao Bằng thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên gồm có 4 châu: châu Thượng Lang 29 xã; châu Hạ Lang 29 xã; châu Thạch Lâm có 92 xã, 4 thôn, 8 trang và châu Quảng Uyên 22 xã, 14 trang.

Dưới triều Lê Hiến Tông (1498-1504), nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của miền đất Cao Bằng đối với việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia Đại Việt ở dải biên cương phía Bắc, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên đặt thành trấn Cao Bằng. Từ thời điểm này, Cao Bằng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương. Theo Phương Đình địa chí và Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu: “Năm Cảnh Thống thứ 2 mới đặt riêng làm trấn Cao Bằng”; khi mới thành lập, Cao Bằng gồm 1 phủ, 4 châu: phủ Cao Bình, châu Thái Nguyên (Thạch Lâm), châu Lộng Nguyên, châu Thượng Lang, châu Hạ Lang. Trấn lỵ đặt tại Hòa An.

Như vậy từ năm 1499, Cao Bằng được tách khỏi Thái Nguyên thành lập một trấn riêng. Từ khi tách ra, Cao Bằng có bộ máy riêng để quản lý lãnh thổ, bộ máy đó chịu sự quản lý điều hành của chính quyền nhà nước Trung ương (triều đình - nhà vua), bình đẳng với các trấn khác. Bộ máy của trấn Cao Bằng khá hoàn chỉnh gồm 3 ty: Đô tổng binh sứ ty (Đô ty), Thừa chính sứ ty (Thừa ty), Hiến sát sứ ty (Hiến ty). Đây cũng là bộ máy tổ chức ở mỗi đạo thừa tuyên lúc đó. Việc tổ chức trọn vẹn ba ty: Đô ty, Thừa ty, Hiến ty ở trấn Cao Bằng với chức năng của từng ty chứng tỏ và khẳng định bộ máy quyền lực của nhà nước đã phát triển, quyền lực đó được tăng cường ở các địa phương. Việc thành lập trấn Cao Bằng năm 1499 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, trấn Cao Bằng xuất hiện. Đó là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Cao Bằng, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đủ điều kiện và cần thiết trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Sau này, năm 1499 được công nhận là năm thành lập tỉnh Cao Bằng.

3. Nhà Mạc ở Cao Bằng (1592-1677)

3.1. Tổ chức hành chính Cao Bằng thời Mạc

Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Mạc. Một số cựu thần nhà Lê đã tập hợp lực lượng ở vùng Thanh Hóa (gọi là Nam triều) để chống lại nhà Mạc (gọi là Bắc triều). Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều bùng nổ, kéo dài suốt nửa thế kỷ. Đến năm 1592, quân nhà Lê từ Thanh Hóa tiến ra Bắc chiếm lại được Thăng Long, triều Mạc sụp đổ. Tôn thất nhà Mạc chạy về các địa phương tiếp tục chống lại nhà Lê. Mạc Kính Cung (cháu nội của vua Mạc Hiến Tông) chạy lên Cao Bằng cố thủ, được tôn làm vua, đóng đô tại Cao Bằng.

Nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, quản lý cả các vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, chọn thành Na Lữ (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng ngày nay). Nhà Mạc ở Cao Bằng 85 năm (1592 -1677) trải qua ba đời vua gồm Mạc Kính Cung (1593-1625), Mạc Kính Khoan (1625-1638), Mạc Kính Vũ (1638¬1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại.

Trong 85 năm ở Cao Bằng, nhà Mạc tiếp tục thi hành các chính sách cai trị về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại để củng cố, bảo toàn lực lượng chống lại chính quyền Lê - Trịnh và để có thể cát cứ ở vùng biên ải trong thời gian khá dài.

3.2. Chính sách cai trị của nhà Mạc tại Cao Bằng

Vương triều Mạc ở Cao Bằng duy trì một nhà nước phong kiến có kỷ cương, có sách lược đối nội, đối ngoại kịp thời, linh hoạt, có cách ứng xử nhu cương tùy lúc nhằm duy trì đế nghiệp lâu dài, bền vững ở Cao Bằng, khi có thời cơ sẽ lấy lại Thăng Long, thu phục cả nước. Vì vậy, mọi mặt đời sống xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Về chính trị - quân sự, suốt thời Mạc, nhà nước quản lý “lỏng lẻo” các đơn vị phủ, huyện, châu, phần lớn giữ nguyên như thời trước. Những đơn vị này vẫn do các thổ ty có thế lực cai quản. Nhà Mạc chiếm cứ vùng Cao Bằng, xưng vương hiệu, xây dựng lực lượng để đối phó với chính quyền Lê - Trịnh. Đồng thời cho tu bổ, sửa chữa các thành Na Lữ, Phục Hoà, Phúc Tăng, Kỳ Chỉ, Gia Bằng, Trà Lĩnh... để phục vụ các yêu cầu về chính trị, quân sự; trừng trị nghiêm minh những quan lại tham nhũng, ức hiếp nhân dân.

Về kinh tế, nhà Mạc đã thi hành những chính sách kinh tế tích cực nhằm khuyến khích phát triển sản xuất.

Nhà Mạc cùng dân địa phương khai phá những cánh đồng lúa ở các châu Thượng Lang (nay là huyện Trùng Khánh), Thạch Lâm (nay là huyện Hoà An), Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa); không chỉ trồng các loại cây lương thực ở vùng đồng mà còn khai hoang, mở rộng diện tích canh tác ở vùng cao, vùng sình lầy ven sông. Thời kỳ này cũng bắt đầu kiến tạo các mương, phai, làm guồng nước (gọn nặm) đưa nước từ sông, suối lên để vừa canh tác, vừa lợi dụng sức nước giã gạo, ép mía... Đặc biệt là phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông vải.

Nhà Mạc còn phát triển trung tâm rèn nông cụ và vũ khí ở Phúc Sen, các nghề nấu đường phên, sản xuất đồ gốm, làm gạch ngói cũng được phát triển mạnh (hiện nay còn dấu tích 22 lò gạch ở Pác Tò, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa)... thu hút thợ giỏi từ Trung Quốc, từ miền xuôi lên, chuyên sản xuất dao, kiếm, vũ khí cho quân đội, đúc lưỡi cày, dao, búa sắc bén. Sản xuất giấy bản để có giấy tự túc cho học sinh học, giấy để làm pháo đùng. Phát triển nghề đan chiếu cói, chiếu nan, nón, mẹt, mở mang nghề dệt vải chàm, tự túc vải may quần áo, dệt thổ cẩm hoa văn đẹp.

Để mở rộng giao lưu, nhà Mạc đã mở mang đường sá nối liền Cao Bằng với Lạng Sơn, Bắc Kạn, mở rộng đường mòn cho xe ngựa đi lại, xây cầu cống để nhân dân giao lưu hàng hóa và phục vụ việc vận chuyển vũ khí, lương thực cho các đồn binh. Triều đình cũng cho xây dựng nhiều chợ họp theo phiên, 5 ngày 1 phiên trao đổi hàng hóa, để buôn bán ở địa phương và đẩy mạnh giao thương qua biên giới, mở rộng giao lưu buôn bán với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới... Kinh tế Cao Bằng phát triển đã tạo cơ sở hậu cần cho nhà Mạc có đủ thực lực để trụ vững và cầm cự với nhà Lê trong suốt 85 năm.

Về văn hóa - xã hội, để bảo đảm sự tồn tại của mình, bên cạnh những chính sách để phát triển kinh tế, quân sự nhằm củng cố lực lượng đối phó với chính quyền Lê - Trịnh, các hoạt động văn hóa - xã hội cũng có những bước phát triển. Thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng vừa thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc ở phía Bắc di chuyển xuống, ở miền xuôi lên cùng các dân tộc sở tại đồng tình ủng hộ các chính sách của nhà Mạc, tạo ra sự phát triển mới về mọi mặt. Sự giao lưu đó đã thúc đẩy nền văn hoá phát triển lên một bước mới: Nho giáo được truyền bá mạnh hơn, tiếng Kinh được sử dụng rộng rãi, chữ Nôm cũng được sử dụng trong trường học, được phiên âm theo tiếng Tày, nên trong thời kỳ này chữ Nôm Tày phát triển và được hoàn thiện. Người Tày dùng chữ viết để phát triển văn hóa của dân tộc mình. Song, quan trọng hơn cả là dành cho các hoàng thân, quan lại, binh lính học để nắm được ngôn ngữ Tày bản địa nhằm chung sống hòa hợp lâu dài. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hoá Cao Bằng với sự hình thành nên hai dòng then: then nữ múa hát với cây đàn tính ba dây ở châu Thạch Lâm (nay là huyện Hoà An) và then giàng (toàn nam, hát với cây đàn tính hai dây) ở miền Đông, vẫn được lưu truyền và phát triển đến ngày nay. Nền văn hoá giao thoa xuôi ngược mà nhà Mạc truyền bá và gây dựng tại Cao Bằng là nền tảng quan trọng để hình thành nên những giá trị văn hoá phi vật thể với sự xuất hiện nhiều danh nhân văn hoá nổi tiếng và nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu hơn cả là ông Bế Văn Phụng quê ở làng Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay thuộc thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) đỗ Tiến sĩ kỳ thi Hội khóa II (1598), được vua phong chức quan Tư thiên quản nhạc với tác phẩm tiêu biểu nhất là tập Tam nguyên luận viết bằng chữ Hán, cuốn Giáo nam, giáo nữ; ông Nông Văn Noọng (tức Nông Quỳnh Văn), người xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay thuộc xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh) được người đương thời gọi là Quỳnh Văn, tục gọi là “vua ca đáng”, nghĩa là thơ văn đẹp mà hát hay. Tuy không dự thi nhưng nhân dân tôn ông là bậc “trạng”, là tổ sư giàng với tác phẩm tiêu biểu là Tứ quý hồng nhan, Lượn Ba Chu...

Có thể khẳng định rằng, nền tảng văn hóa hát then - đàn tính Cao Bằng được hình thành từ thời nhà Mạc. Ngoài ra, nhà Mạc cũng truyền bá lên Cao Bằng nhiều nghi lễ mang ảnh hưởng văn hóa người Kinh đậm nét như các nghi lễ tang ma, tế lễ. Đó là giá trị văn hóa to lớn mà trong hơn 80 năm tồn tại nhà Mạc đã ghi đậm nét dấu ấn của một vương triều phong kiến tại một vùng đất biên viễn xa xôi.

Về giáo dục, khi rút lên Cao Bằng, nhà Mạc vẫn tổ chức thi cử để thu hút người hiền tài. Vua Mạc Kính Cung mở trường Quốc học ở Bản Thảnh (nay thuộc Cao Bình, thành phố Cao Bằng). Nhà Mạc quy định cứ 3 năm tổ chức thi hương, thi hội, thi đình một lần. Trường Quốc học Bản Thảnh đã đào tạo được nhiều nhân tài, các môn sinh ra trường được trọng dụng, bổ sung vào các cấp chính quyền nhà Mạc, một số môn sinh tỏa ra các vùng nông thôn dạy học chữ Hán, chữ Nôm; nhờ đó, nhân dân nhiều người biết chữ, lại phát triển chữ Nôm Tày được dùng rộng rãi trong sổ sách và sáng tác thơ Nôm Tày. Trong kỳ thi Hội năm 1607, người đỗ đầu là Nguyễn Thị Duệ giả trai đi thi. Đây là nữ Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Cách trân trọng nhân tài của nhà Mạc được Nguyễn Bá Trác thế kỷ XIX, tác giả cuốn sách Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu nhắc tới trong bài “Mạc thị sùng Nho” - Họ Mạc sùng đạo Nho, Lễ phi Nguyễn Thị, người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương... Khi triều đình mở yến tiệc mừng các vị tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ này dáng hình như con gái, mắt sáng, môi đỏ như son, ngón tay búp măng xinh đẹp. Vua Mạc bèn cho người tìm hiểu và được biết tân tiến sĩ đích thực là gái, tên là Nguyễn Thị Duệ quê ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Mạc Kính Cung đã không phạt tội giả trai để thi cử mà còn rất quý trọng gương hiếu học của vị nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Mạc Kính Cung mời bà vào cung dạy học cho các phi tần và sau đó cưới làm vợ, đặt tên là Tinh Phi, tức Sao Sa, hiệu là Diệu Huyền, nhân dân địa phương thường gọi là Chúa Sao, Bà chúa Sao Sa hoặc Ngọc Toàn hoàng hậu.

Trải qua ba đời vua, nhà Mạc đã cố gắng xây dựng chính quyền tự trị, xây dựng cho Cao Bằng một diện mạo mới với tư cách là đô thành của nước nhỏ. Nhà Mạc đã chấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, cắt đặt mọi việc như lúc còn ở kinh đô Thăng Long, chăm lo thu phục lòng dân, mở trường quốc học, mở khoa thi, thu dụng nhân tài, khuyến khích phát triển nghề nông, các nghề thủ công, mở mang đường sá, đặt nhiều chợ cho thương mại phát triển. Đối với dân, giảm nhẹ sưu thuế, bớt các hình phạt hà khắc, xử tội nặng các quan chức tham ô, nhũng nhiễu, ức hiếp dân. Tổ chức hội hè, vua quan bách tính cùng chung vui, đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng ấm no hơn, văn minh hơn do có sự lan tỏa và giao thoa của văn hóa cung đình, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với văn hóa bản địa Cao Bằng.

Trong 85 năm đóng đô tại Cao Bằng, nhà Mạc hiện diện như một vương triều phong kiến Đại Việt đầu tiên đóng đô ở một vùng dân tộc thiểu số rộng lớn tại miền Đông Bắc Bắc Bộ, đã biết cách hoà nhập với người địa phương, đoàn kết các dân tộc miền núi. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước, mở mang bờ cõi của nước ta.

4. Cao Bằng trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII

4.1. Tình hình chính trị - xã hội

Năm 1677, sau khi nhà Mạc bị đánh bại, nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của Cao Bằng, chính quyền Lê - Trịnh đã nâng Cao Bằng trở thành một trọng trấn. Trong Đại Việt địa dư toàn biên ghi rõ: Đến năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) nhà Mạc mất, nhà Lê lại đặt làm trấn Cao Bằng. Đặt trọng trấn để cai trị, trấn này có 1 phủ, 3 châu. Chuyển lỵ trấn về Cao Bằng. Lúc này, trấn Cao Bằng gồm 1 phủ Cao Bằng và 4 châu: Thạch Lâm (92 xã), Quảng Uyên (22 xã), Thượng Lang (29 xã) và Hạ Lang (29 xã). Chính quyền Lê - Trịnh tỏ ra quan tâm đặc biệt đến miền đất này, thi hành các biện pháp tích cực góp phần ổn định tình hình Cao Bằng như xếp đặt lại bộ máy hành chính địa phương, tuyển chọn những người có tài năng...

Có thể nói, từ cuối thế kỷ XVII đến khoảng ba thập kỷ đầu thế kỷ XVIII, tình hình chính trị - xã hội ở Cao Bằng khá ổn định. Tuy nhiên, tình hình ổn định ấy không kéo dài được lâu. Vào những năm cuối của thập kỷ 30 (thế kỷ XVIII), phong trào nông dân bùng nổ mạnh mẽ ở Đàng Ngoài gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị - xã hội, an ninh trật tự ở Cao Bằng. Từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, tình hình chính trị - xã hội ở Cao Bằng ngày càng phức tạp buộc chúa Trịnh phải đặt thêm vệ binh, mỗi châu đặt 1 vệ binh, mỗi vệ hai hiệu... nhưng vẫn không duy trì được trật tự như trước.

Từ nửa cuối thế kỷ XVIII, trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động, một số vùng đất ở biên giới phía Bắc nước ta đã bị nhà Thanh xâm lấn và vĩnh viễn không đòi lại được (như 6 châu ở phủ An Tây - Hưng Hóa bị nhà Thanh chiếm năm 1780), nhưng riêng trên địa bàn Cao Bằng không hề bị xâm phạm. Điều này khẳng định tính bền vững, thuỷ chung của đất và người Cao Bằng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy gian khó.

4.2. Tình hình kinh tế

Năm 1677, chính quyền Lê - Trịnh bước vào công cuộc cai trị Cao Bằng. Nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát các địa phương từ cấp xã, thôn đến cấp trấn trên một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và tình hình sở hữu ruộng đất, năm 1694, chính quyền Lê - Trịnh ra lệnh cho các quan châu, quan huyện làm sổ địa giới của các xã. Đây là một công việc hết sức quan trọng giúp Nhà nước kiểm soát số đinh, số điền; trên cơ sở đó, kiểm soát nguồn thu qua thuế đinh, thuế ruộng và các chế độ binh dịch, lao dịch.

Hoạt động buôn bán trên địa bàn Cao Bằng có phần khởi sắc hơn dưới sự điều tiết của Nhà nước là chính. Nhân dân địa phương vẫn trao đổi với nhau theo sự chi phối của nền kinh tế tự cung tự cấp truyền thống. Là một tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, Cao Bằng trở thành nơi quy tụ nhiều thương khách các địa phương trong nước cũng như nước ngoài, đặc biệt khách buôn từ Trung Quốc đến buôn bán thu lợi.

Chính quyền Lê - Trịnh ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là chính sách khoan giảm hoặc miễn các loại thuế khoá cho người dân địa phương. Nhìn chung, đối với Cao Bằng, chính quyền Lê - Trịnh đã có nhiều chính sách xã hội rất thiết thực, nhằm ổn định về chính trị và cải thiện đời sống nhân dân “miền phên giậu”.

Một trong những hoạt động kinh tế đối với Cao Bằng được chính quyền Lê - Trịnh rất quan tâm đó là chú trọng phát triển nghề khai mỏ nhằm khai thác nguồn lợi tự nhiên của vùng đất này. Phương thức khai mỏ thường làm bằng thủ công, chủ yếu do người địa phương và người Hoa khai thác. Sản phẩm làm ra một phần nộp cho nhà nước dưới dạng thuế, phần còn lại bán trên thị trường.

4.3. Giáo dục khoa cử

Khi miền đất Cao Bằng đặt dưới sự quản lý của chính quyền Lê - Trịnh thì mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục đều tuân theo sự vận hành với những chính sách chung của triều đình. Thể lệ về giáo dục khoa cử cũng được chính quyền Lê - Trịnh ban bố thực hiện chung cho tất cả các địa phương ở Đàng Ngoài.

Đối với các phiên trấn ở xa, việc quy định về định ngày thi, đóng góp có nhẹ hơn so với các xứ khác nhưng việc trông coi, giám sát tại trường thi các xứ này khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ở Cao Bằng không có một người đỗ từ trung khoa trở lên. Trên thực tế, Cao Bằng là vùng đất rất xa xôi, cách trở đối với kinh đô Thăng Long, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, dân cư chủ yếu lại thuộc các dân tộc thiểu số nên việc học hành bị hạn chế rất nhiều so với các địa phương khác.

5. Cao Bằng thời Tây Sơn (1789-1802)

5.1. Hệ thống hành chính Cao Bằng thời Tây Sơn

Thời Tây Sơn, tổ chức các cấp hành chính ở Cao Bằng không có gì thay đổi so với thời Lê Trung Hưng. Trấn Cao Bằng khi ấy vẫn gồm 1 phủ Cao Bằng và 4 châu Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.

Năm 1789, sau khi đánh đuổi 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến hành chấn chỉnh lại hệ thống hành chính, thay đổi tên gọi. Để tránh tên húy của vua Quang Trung là Nguyễn Quang Bình, các vùng đất có tên là Bình đều phải đổi tên, từ đó trấn Cao Bình đổi thành Cao Bằng. Vào đầu triều Nguyễn đặt lại tên cũ là Cao Bình, nhưng do thói quen kiêng kỵ nên sử sách và người dân cho đến nay vẫn gọi là Cao Bằng.

Theo ghi chép của Bế Hựu Cung trong Cao Bằng thực lục thì Cao Bằng thời Tây Sơn có 1 phủ Cao Bằng, 4 châu với 27 tổng và 242 xã, thôn:

- Châu Thạch Lâm có 14 tổng: tổng Kim Pha (12 xã); tổng Nhượng Bạn (13 xã); tổng Tương An (13 xã); tổng Hòa Phố (10 xã); tổng Hà Đàm (10 xã); tổng Tĩnh Oa (10 xã); tổng Lại Sơn (9 xã); tổng Phù Đúng (11 xã); tổng Phục Hoà (10 xã); tổng Thông Nông (9 xã); tổng Hà Quảng (9 xã); tổng Thượng Pha (5 xã); tổng Triều Vũ (12 xã) và tổng Xuất Tính (10 xã).

- Châu Quảng Uyên có 5 tổng: tổng Ngưỡng Đồng (9 xã); tổng Lạc Giao (8 xã); tổng Võ Lãng (10 xã); tổng Cách Linh (9 xã) và tổng Lực Nông (6 xã).

- Châu Thượng Lang có 4 tổng: tổng Ỷ Cống (8 xã); tổng Dương Châu (6 xã); tổng Nga Ổ (10 xã) và tổng Lăng Yên (10 xã).

- Châu Hạ Lang có 4 tổng: tổng Vĩnh Thọ (7 xã); tổng Điều Lương (5 xã); tổng Hợp Cấm (6 xã) và tổng Kim Đằng (5 xã).

5.2. Kinh tế, văn hoá, xã hội Cao Bằng thời Tây Sơn

Là một trấn quan trọng ở miền biên giới phía Bắc, từ cuối triều Lê sơ trở đi, trên địa bàn Cao Bằng tình hình chính trị diễn biến khá phức tạp. Trải qua thời Mạc đến thời Tây Sơn, chiến sự thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Về kinh tế: trong giai đoạn này, kinh tế Cao Bằng vẫn mang tính tự cung, tự cấp. Đất Cao Bằng phần nhiều là núi đá, ruộng đồng chỗ cao, chỗ thấp. Một số vùng ở châu Thượng Lang, ruộng bờ bằng phẳng. Người dân lấy nghề trồng trọt là chính. Khi mùa gieo hạt đã xong, tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân tổ chức khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ núi rừng, sông, suối như đánh bắt cá, săn bắn thú rừng, khai thác lâm thổ sản... vừa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, vừa để trao đổi với các vùng miền khác.

Cao Bằng là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản quý hiếm và được khai thác từ những thế kỷ trước. Đó là các loại mỏ vàng ở Tĩnh Đà, Vĩnh Giang, Thượng Ba, Hạ Ba, Phú Nội; mỏ sắt Quảng Hoà, Đông Nam, Khải Hoà, Liên Hoà. Tuy nhiên, việc khai thác các mỏ này chưa được Nhà nước quản lý chặt chẽ mà chủ yếu vẫn do tư nhân đảm nhiệm (chủ yếu là người dân địa phương và người Hoa), nộp thuế hằng năm cho Nhà nước. Tuy nhiên, với nền kinh tế tự túc tự cấp, đời sống của người dân Cao Bằng trước kia phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên nên khá bấp bênh.

Để khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá trong nước, vua Quang Trung chủ trương mở rộng quan hệ ngoại thương, đặc biệt là mở rộng buôn bán với Trung Quốc. Trên vùng giáp giới với Trung Quốc ở Cao Bằng, nhà Thanh đã cho mở các cửa ải Bình Nhi, Thuỷ Khẩu, cho phép thương nhân sang buôn bán ở phố Mục Mã (Cao Bằng). Người dân địa phương đã quyên góp tiền để làm đường, xây cầu tạo điều kiện cho việc đi lại dễ dàng, thuận lợi. Sự tồn tại đến ngày nay của chiếc cầu ở thôn Cốc Khoác (nay thuộc thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh), cách đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 5 km về phía tây nam đã minh chứng cho điều đó. Nhờ những chính sách tích cực của triều đình, quan hệ thông thương giữa hai nước ở vùng biên giới được khôi phục và phát triển. Trên địa bàn Cao Bằng, đồng tiền Quang Trung thông bảo bắt đầu được lưu hành thay thế dần những đồng tiền thời Lê.

Tuy nhiên, một số chính sách và biện pháp nhằm phát triển kinh tế của triều đại Tây Sơn trên đất Cao Bằng chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn nên chưa tạo được sự chuyển biến đáng kể. Nền kinh tế tự nhiên vẫn chiếm vai trò chủ đạo ở Cao Bằng thời kỳ này.

Về văn hoá - xã hội: diện mạo văn hoá - xã hội Cao Bằng dưới triều Tây Sơn hầu như không có gì thay đổi với giai đoạn lịch sử trước đó. Những tập tục truyền thống và các cơ sở văn hoá được tạo dựng từ thời Lê - Mạc vẫn tồn tại một cách bền vững. Hệ thống chùa, đền, miếu - cơ sở sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cùng tập tục của người dân địa phương hầu như không có gì thay đổi. Đặc biệt, các nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì như cũ trong việc cúng bái, tế lễ hay hôn nhân, tang ma...

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1