Cao Bằng thời phong kiến độc lập: Trong các thế kỷ XI-XIV
Lượt xem: 6010

1. Tổ chức hành chính Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Năm 1009, nhà Lý được thành lập. Thời kỳ này, đơn vị hành chính ở miền núi gọi là châu hay đạo. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, khi đó Cao Bằng là phủ Bắc Bình thuộc đạo Thái Nguyên, gồm 4 châu: châu Thái Nguyên (sau này đổi tên thành châu Thạch Lâm, nay là các huyện Hoà An, Thạch An, Nguyên Bình, Hà Quảng), châu Quảng Nguyên (nay là huyện Quảng Hòa), châu Thượng Lang (nay là huyện Trùng Khánh) và châu Hạ Lang (nay là huyện Hạ Lang). Một số tài liệu khác cũng nhắc đến rất nhiều tên châu, động thuộc Cao Bằng trong thời Lý như: châu Thảng Do, châu Bình, châu Bà, châu Thạch Tê, châu Thông Nông, châu Định Biên, châu Bình Lâm, châu Môn, châu Lộng Thạch, động Lôi Hỏa, động An, động Vũ Kiến. Đa số các châu đều do các thủ lĩnh hay tù trưởng cai trị.

Thời Trần, Nhà nước tổ chức chính quyền ba cấp: phủ lộ, huyện châu, hương xã. Năm 1242, nhà Trần đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ. Vào thế kỷ XIV, nhà Trần còn đặt các phủ: Lâm Bình, Thái Nguyên, Lạng Giang (theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục). Trong đó, phủ Thái Nguyên gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên ngày nay.

Như vậy, ở các thế kỷ XI-XIV, Cao Bằng chưa phải là một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, mà chỉ là một phần của trấn Thái Nguyên.

2. Chính sách của các triều đại phong kiến Lý - Trần đối với vùng đất Cao Bằng

Các triều đại Lý, Trần đều có chính sách đoàn kết với các dân tộc thiểu số, áp dụng khá hiệu quả chính sách kimi (ràng buộc lỏng lẻo) các tù trưởng miền núi và khi cần thiết cũng phải dùng lực lượng quân sự để trấn áp, bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Bên cạnh chính sách nhu viễn (mềm mỏng với vùng ở xa) rất hiệu quả, nhà Lý, Trần còn cho các con đi trấn trị phiên trấn, hoặc gả công chúa cho các tù trưởng, thủ lĩnh vùng biên viễn, dùng quan hệ thân tộc và hôn nhân để lôi kéo, thu phục các tù trưởng, thủ lĩnh theo triều đình, giúp triều đình, trước hết là quản lý dân tộc mình, sau đó phối hợp với thủ lĩnh các dân tộc khác bảo vệ vùng đất biên cương khỏi sự xâm lấn của phong kiến phương Bắc.

Trong các thế kỷ XI-XIV, các châu ở Cao Bằng là vùng đất xa trung tâm, xu hướng thoát ly khỏi sự quản lý của chính quyền Trung ương bộc lộ rất rõ nét. Để quản lý tốt những địa bàn xa kinh đô, đặc biệt là các địa phương vùng cao phía Bắc, nhà Lý, Trần thực hiện chủ trương vừa đối xử mềm dẻo vừa có những biện pháp cứng rắn khi các tù trưởng địa phương có ý đồ cát cứ hay chống đối lại triều đình. Công việc quản lý các châu vẫn do các thổ tù miền núi đảm nhiệm “hằng năm cống sản vật địa phương” cho triều đình.

Những lúc có ngoại xâm, nhà nước khuyến khích, huy động các tù trưởng miền núi tham gia kháng chiến bảo vệ độc lập Tổ quốc. Bên cạnh đó, triều đình phong kiến cũng rất nghiêm khắc đối với những tù trưởng có hành động phản loạn hoặc muốn tách ra khỏi cộng đồng như: cuộc nổi dậy của Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Thảng Do (năm 1038); cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao (1041-1053); cuộc nổi dậy của Thân Lợi (1140-1141)... Có thể nói, nhờ chính sách cương quyết của nhà Lý, Trần mà sự phân tán, cát cứ của các tù trưởng vùng biên giới phía Bắc được ngăn chặn, biên cương được giữ vững.

          3. Sự kiện Nùng Trí Cao ở Cao Bằng (thế kỷ XI)     

Thế kỷ thứ XI, thời vua Lý Thái Tông, có Nùng Trí Cao, người dân tộc Tày, là con trai của Nùng Tồn Phúc - thủ lĩnh châu Thảng Do. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc bất bình với sự sách nhiễu cống phú của chính quyền, đã tổ chức quân đội, xây dựng thành trì, lập nước Trường Sinh; sau đó bị vua Lý Thái Tông trấn áp nên thất bại. Năm 1041, Nùng Trí Cao bị vua Lý bắt sống, được triều đình nhà Lý cho học hành tại kinh đô Thăng Long cùng tôn thất nhà Lý. Nùng Trí Cao được nhà Lý phong làm châu mục Quảng Nguyên và giao cho cai quản thêm bốn động (Lôi Hoả, Bình, An, Bà) và châu Tư Lang (huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng ngày nay). Năm 1043, Nùng Trí Cao được nhà Lý phong chức Thái bảo, cấp ấn Đô tướng.

Khi quân Tống xâm phạm vùng biên, Nùng Trí Cao tập hợp lực lượng nổi dậy ở động Vật Ác, chiếm cả châu An Đức (Quảng Tây, Trung Quốc) làm căn cứ địa, xây dựng nước Nam Thiên, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy, phát động chiến tranh chống Tống. Năm 1050, Nùng Trí Cao bắt sống chỉ huy sứ Ung Châu là Kỳ Bân, đem quân đánh phá Quảng Đông, Quảng Tây làm quân Tống chống cự không nổi.

Sau khi chiếm châu An Đức, Nùng Trí Cao dựa vào địa hình rừng núi, lập căn cứ chiêu nạp quân sĩ, tích trữ lương thực, hoạch định hướng tiến công sang đất Tống. Năm 1052, khi lực lượng trở nên hùng hậu, Nùng Trí Cao đem quân tiến đánh thành Ung Châu và Quảng Châu (đất Tống). Quân sĩ Nùng Trí Cao lúc đó có 5.000 người. Mục tiêu tiến công đầu tiên của Nùng Trí Cao là trại Hoành Sơn (một trung tâm giao dịch buôn bán lớn gần biên giới), thừa thắng, quân của Nùng Trí Cao tiến công thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay), giết tri châu Trần Cung và đô giám Quảng Tây Trương Lập. Để nhanh chóng tập hợp quần chúng, quân Nùng Trí Cao phá nhà tù, ra lệnh đại xá, mở các kho lương thực phát cho dân; nhờ đó, lực lượng Nùng Trí Cao ngày càng phát triển và lan rộng khiến cho quân Tống ở vùng Lưỡng Quảng hoang mang lo sợ và chống cự yếu ớt, nhanh chóng quy hàng. Cuộc tiến công thắng lợi, Nùng Trí Cao lập nước Đại Nam, xưng là Nhân Huệ hoàng đế và đổi niên hiệu là Khải Lịch. Thanh thế của quân Nùng Trí Cao ngày càng lớn, chỉ trong vòng hai tuần đã tiến đến chiếm thành Quảng Châu. Nhà Tống lo sợ cuống cuồng nhiều lần đem quân tấn công nhưng đều thất bại, mỗi ngày một thêm mất đất, mất dân.

Năm 1053, vua Tống cử Tống Địch Thanh làm Tuyên phủ sứ đánh Nùng Trí Cao. Khi bị quân nhà Tống truy đuổi, mặc dù quân của Nùng Trí Cao được sự tiếp viện của triều đình nhà Lý nhưng không cứu vãn nổi tình thế. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao đã hoàn toàn bị dập tắt. Vua Lý thương xót cho lập đền thờ ông ở động Tượng Cần (đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng), truy phong Khâu Sầm Đại Vương (vua lớn của núi Khâu Sầm).

Cuộc nổi dậy chống Tống của Nùng Trí Cao được ghi dấu ấn đậm nét trong những trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc và ông cũng là người đại diện cho ý chí và sức mạnh của nhân dân Cao Bằng trong việc bảo vệ và giữ vững biên cương của Tổ quốc ở thế kỷ XI. Ông được nhân dân các tộc người Tày - Nùng tôn kính và thờ phụng. Từ một nhân vật lịch sử, Nùng Trí Cao đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một vị thần sáng tạo, một anh hùng huyền thoại trong đời sống tâm linh của đồng bào tộc người Tày - Nùng.

4. Kinh tế - xã hội Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Dưới thời Lý, cư dân Cao Bằng vẫn còn sống rải rác thành các bộ lạc. Mỗi bộ lạc do một tù trưởng đứng đầu. Họ sống ven các thung lũng (động) và khá thành thạo với nghề nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng đất trũng và lúa nương ở lưng đồi. Việc trồng lúa nương lưng đồi phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, quá trình chăm bón ít được chú ý, tuy nhiên trong điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi nên sản lượng lúa thu hoạch vẫn đạt năng suất khá cao. Ngoài trồng trọt, săn bắn cũng được sử dụng như một nghề để kiếm sống của dân cư Cao Bằng thời bấy giờ.

Cao Bằng cũng là một địa bàn rất giàu khoáng sản, nổi tiếng nhất là sắt, vàng và bạc ở Nguyên Bình, Thạch An ngày nay... Vì vậy, thủ công nghiệp có nhiều điều kiện để phát triển. Ngay từ sớm, người Nùng đã có nghề rèn phát triển cao, đặc biệt là nhóm Nùng An ở châu Quảng Nguyên (nay thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa). Từ thời xa xưa, họ đã biết rèn đủ các loại nông cụ, dụng cụ gia đình, các đồ săn bắn đến các loại vũ khí thô sơ... phục vụ quân đội. Nổi bật trong thủ công nghiệp của Cao Bằng là nghề khai thác mỏ, đặc biệt là khai thác vàng. Ngay từ thời Lý, nghề khai thác mỏ ở Cao Bằng đã xuất hiện.

Thương nghiệp Cao Bằng trong giai đoạn này đã khá phát triển, đặc biệt là thương mại vùng biên. Nhà Tống cũng như nhà Lý sợ người ngoài giả mạo vào buôn bán để do thám, cho nên lúc bình thường, tuy cho đi lại thông thương, nhưng chỉ được tụ họp tại một nơi nhất định, gọi là bác dịch trường. Địa điểm giao thương quan trọng nhất của hai nước lúc bấy giờ thuộc trại Vĩnh Bình, ngoài ra còn một bác dịch trường quan trọng khác ở trại Hoành Sơn, với nhiều mặt hàng được buôn bán, trao đổi như: vàng, bạc, đồng, chu sa, diêm tiêu...

Kinh tế Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế đó vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế tự nhiên. Nhân dân Cao Bằng đã biết khai thác một cách khá hiệu quả những nguồn lợi do tự nhiên ban tặng.

5. Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Cao Bằng là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương của Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu dựng nước, Cao Bằng đã là bức “phên giậu” vững chắc của cả nước, luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ vùng biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Nhân dân Cao Bằng có những đóng góp to lớn góp phần đánh bại mưu đồ xâm lược nước ta của các thế lực ngoại xâm.

Trong suốt bốn thế kỷ (XI-XIV), quốc gia Đại Việt từng trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống giặc ngoại xâm phương Bắc (nhà Tống và nhà Mông - Nguyên). Dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Lý và nhà Trần, được sự đồng thuận, ủng hộ đóng góp sức người, sức của “muôn nhà như một” của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng, các cuộc kháng chiến đều giành thắng lợi vẻ vang, giữ vững được nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

          5.1. Cao Bằng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI)

Cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân và dân Đại Việt vào năm 981 dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã buộc nhà Tống phải công nhận nền độc lập, tự chủ của Đại Cồ Việt.

Tuy nhiên, nhà Tống vẫn nuôi ý đồ bành trướng xuống phương Nam. Đến năm 1075, vua Lý Thánh Tông chết, chớp lấy cơ hội này, nhà Tống xúc tiến xâm lược Đại Việt lần thứ hai.

Trước tình thế nguy ngập, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dùng chiến thuật “tiên phát chế nhân” quyết tâm tấn công trước để phá tan âm mưu của nhà Tống. Cao Bằng là một trong ba đường tiến quân trong kế hoạch của Lý Thường Kiệt, đó là đi từ Quảng Nguyên, theo bờ Tả Giang, rồi qua trại Thái Bình. Lý Thường Kiệt đã nghiên cứu kỹ địa hình và các đường giao thông vùng đông bắc để bày thế trận lợi hại nhằm đánh kiềm chế, tiêu hao rồi chặn đứng các mũi tiến công của bộ binh địch. Các đường tiến công của địch đều phải đi qua các vùng dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày - Nùng. Lý Thường Kiệt giao cho đội quân của các dân tộc thiểu số do các tù trưởng của họ chỉ huy, lợi dụng địa hình đón đánh các mũi tiến công của địch.

Tháng 9/1075, quân ta tấn công sang đất Tống. Trong trận tập kích này, Lý Thường Kiệt đã huy động hơn 10 vạn quân thuỷ và quân bộ. Thuỷ quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy. Trên bộ, lực lượng chủ yếu là quân lính các tộc thiểu số do các tù trưởng Tôn Đản, Lưu Kỉ, Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Phụ trách chung là Tôn Đản - một thủ lĩnh các dân tộc thiểu số thuộc châu Quảng Nguyên. Tháng Giêng năm 1076, Tôn Đản kéo quân đến ngoại thành Ung Châu. Ngay sau đó, đại quân Lý Thường Kiệt cũng đến nơi. Sau 42 ngày đêm vây thành, quân ta hạ được Ung Châu.

Cuối năm 1076, quân Tống tiến vào nước ta với mục tiêu đầu tiên là tấn công phá vỡ phòng tuyến ở châu Quảng Nguyên vì “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ”. Như vậy, trận đánh ở châu Quảng Nguyên là trận đột phá có tính chất quyết định tới sự thắng bại của cuộc chiến. Trên đường tiến quân vào đất Quảng Nguyên, quân Tống đã bị quân Đại Việt đánh trả quyết liệt và rơi vào tình thế nguy ngập. Thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Lưu Kỉ đã chỉ huy quân chiến đấu quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất và làm chậm bước tiến quân của chúng. Trong các trận đánh chống Tống, ở Cao Bằng có đội quân của Hoàng Giáp (tức Hoàng Lục) ở xã Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay thuộc huyện Trùng Khánh). Ông là một tù trưởng vùng đất tương đối giàu có ở sát biên giới. Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, ông đã tự mua sắm vũ khí và tập hợp nhân dân thành đạo binh hùng hậu đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi, góp phần giữ vững biên cương phía Bắc của Tổ quốc nên được vua Lý phong là An Biên tướng quân Hoàng Lục Đại vương.

Như vậy, nhân dân Cao Bằng đã góp phần quan trọng (sức người, sức của) vào đại thắng của Thái úy Lý Thường Kiệt trên đất Tống, bảo vệ vững chắc biên cương, góp phần đánh đổ âm mưu xâm lược của nhà Tống, tạm thời hoà hoãn để triều đình và nhân dân có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài .

5.2. Cao Bằng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai (1285)

Tuy địa bàn Cao Bằng không nằm trên đường tấn công chính của quân Mông - Nguyên xuống Đại Việt, nhưng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285), nhân dân Cao Bằng đã góp nhiều công sức, đặc biệt nổi bật là vai trò lãnh đạo, liên kết nhân dân các khê động của Hoàng Thắng Hứa - thủ lĩnh châu Thượng Lang. Ông đã trực tiếp lãnh đạo quân sĩ đánh địch ngay tại biên giới, góp phần ngăn bước tiến quân của chúng. Đặc biệt, từ năm 1291 trở đi, nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đã phát triển mạnh mẽ, cả về lực lượng (hàng vạn người) lẫn địa bàn hoạt động (gồm vùng Quảng Tây, nay là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và miền Bắc của Việt Nam). Nghĩa quân của Hoàng Thắng Hứa nhiều lần tấn công và chiếm đóng Ung Châu, khiến cho quan quân nhà Nguyên ở đây không thể chế ngự được. Trước tình hình đó, Hốt Tất Liệt phải cử Lưu Quốc Kiệt đem quân đi chống giữ. Tuy nhiên, Lưu Quốc Kiệt cũng không ổn định được tình hình, bởi mỗi khi yếu thế, Hoàng Thắng Hứa lại cho quân rút về châu Thượng Tư hoặc các căn cứ khác bên Đại Việt. Quân Mông - Nguyên không dám vượt sang truy kích. Khi quân Mông - Nguyên rút đi, Hoàng Thắng Hứa lại cho quân sang đánh chiếm Quảng Tây. Cứ như vậy, nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đã gây rất nhiều khó khăn cho quân Mông - Nguyên. Nhận thấy dùng quân sự khó có thể dập tắt được cuộc khởi nghĩa của Hoàng Thắng Hứa, năm 1292, Hốt Tất Liệt đã dùng chính sách ngoại giao, bằng cách cử sứ thần Trương Lập Đạo sang Đại Việt để đưa chiếu thư. Ngoài việc dụ dỗ và dọa dẫm vua Trần vào chầu, một mục đích quan trọng hơn của nhà Nguyên lúc này, là yêu cầu triều đình nhà Trần ngăn chặn không cho nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đánh sang đất Nguyên. Mọi yêu cầu của nhà Nguyên đều bị vua Trần từ chối, viện cớ là không biết và không can dự vào việc ngoài biên. Sau chiến tranh với Đại Việt, thế và lực của nhà Nguyên đã sa sút nghiêm trọng, tạo điều kiện cho phong trào khởi nghĩa của Hoàng Thắng Hứa tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh trong 30 năm nữa (tức năm 1323) mới chấm dứt .

Với vị trí là miền đất phên giậu của quốc gia Đại Việt, trong các thế kỷ XI-XIV, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống quân Mông - Nguyên giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Cao Bằng thời phong kiến độc lập: Trong các thế kỷ XI-XIV

1. Tổ chức hành chính Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Năm 1009, nhà Lý được thành lập. Thời kỳ này, đơn vị hành chính ở miền núi gọi là châu hay đạo. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, khi đó Cao Bằng là phủ Bắc Bình thuộc đạo Thái Nguyên, gồm 4 châu: châu Thái Nguyên (sau này đổi tên thành châu Thạch Lâm, nay là các huyện Hoà An, Thạch An, Nguyên Bình, Hà Quảng), châu Quảng Nguyên (nay là huyện Quảng Hòa), châu Thượng Lang (nay là huyện Trùng Khánh) và châu Hạ Lang (nay là huyện Hạ Lang). Một số tài liệu khác cũng nhắc đến rất nhiều tên châu, động thuộc Cao Bằng trong thời Lý như: châu Thảng Do, châu Bình, châu Bà, châu Thạch Tê, châu Thông Nông, châu Định Biên, châu Bình Lâm, châu Môn, châu Lộng Thạch, động Lôi Hỏa, động An, động Vũ Kiến. Đa số các châu đều do các thủ lĩnh hay tù trưởng cai trị.

Thời Trần, Nhà nước tổ chức chính quyền ba cấp: phủ lộ, huyện châu, hương xã. Năm 1242, nhà Trần đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ. Vào thế kỷ XIV, nhà Trần còn đặt các phủ: Lâm Bình, Thái Nguyên, Lạng Giang (theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục). Trong đó, phủ Thái Nguyên gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên ngày nay.

Như vậy, ở các thế kỷ XI-XIV, Cao Bằng chưa phải là một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, mà chỉ là một phần của trấn Thái Nguyên.

2. Chính sách của các triều đại phong kiến Lý - Trần đối với vùng đất Cao Bằng

Các triều đại Lý, Trần đều có chính sách đoàn kết với các dân tộc thiểu số, áp dụng khá hiệu quả chính sách kimi (ràng buộc lỏng lẻo) các tù trưởng miền núi và khi cần thiết cũng phải dùng lực lượng quân sự để trấn áp, bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Bên cạnh chính sách nhu viễn (mềm mỏng với vùng ở xa) rất hiệu quả, nhà Lý, Trần còn cho các con đi trấn trị phiên trấn, hoặc gả công chúa cho các tù trưởng, thủ lĩnh vùng biên viễn, dùng quan hệ thân tộc và hôn nhân để lôi kéo, thu phục các tù trưởng, thủ lĩnh theo triều đình, giúp triều đình, trước hết là quản lý dân tộc mình, sau đó phối hợp với thủ lĩnh các dân tộc khác bảo vệ vùng đất biên cương khỏi sự xâm lấn của phong kiến phương Bắc.

Trong các thế kỷ XI-XIV, các châu ở Cao Bằng là vùng đất xa trung tâm, xu hướng thoát ly khỏi sự quản lý của chính quyền Trung ương bộc lộ rất rõ nét. Để quản lý tốt những địa bàn xa kinh đô, đặc biệt là các địa phương vùng cao phía Bắc, nhà Lý, Trần thực hiện chủ trương vừa đối xử mềm dẻo vừa có những biện pháp cứng rắn khi các tù trưởng địa phương có ý đồ cát cứ hay chống đối lại triều đình. Công việc quản lý các châu vẫn do các thổ tù miền núi đảm nhiệm “hằng năm cống sản vật địa phương” cho triều đình.

Những lúc có ngoại xâm, nhà nước khuyến khích, huy động các tù trưởng miền núi tham gia kháng chiến bảo vệ độc lập Tổ quốc. Bên cạnh đó, triều đình phong kiến cũng rất nghiêm khắc đối với những tù trưởng có hành động phản loạn hoặc muốn tách ra khỏi cộng đồng như: cuộc nổi dậy của Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Thảng Do (năm 1038); cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao (1041-1053); cuộc nổi dậy của Thân Lợi (1140-1141)... Có thể nói, nhờ chính sách cương quyết của nhà Lý, Trần mà sự phân tán, cát cứ của các tù trưởng vùng biên giới phía Bắc được ngăn chặn, biên cương được giữ vững.

          3. Sự kiện Nùng Trí Cao ở Cao Bằng (thế kỷ XI)     

Thế kỷ thứ XI, thời vua Lý Thái Tông, có Nùng Trí Cao, người dân tộc Tày, là con trai của Nùng Tồn Phúc - thủ lĩnh châu Thảng Do. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc bất bình với sự sách nhiễu cống phú của chính quyền, đã tổ chức quân đội, xây dựng thành trì, lập nước Trường Sinh; sau đó bị vua Lý Thái Tông trấn áp nên thất bại. Năm 1041, Nùng Trí Cao bị vua Lý bắt sống, được triều đình nhà Lý cho học hành tại kinh đô Thăng Long cùng tôn thất nhà Lý. Nùng Trí Cao được nhà Lý phong làm châu mục Quảng Nguyên và giao cho cai quản thêm bốn động (Lôi Hoả, Bình, An, Bà) và châu Tư Lang (huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng ngày nay). Năm 1043, Nùng Trí Cao được nhà Lý phong chức Thái bảo, cấp ấn Đô tướng.

Khi quân Tống xâm phạm vùng biên, Nùng Trí Cao tập hợp lực lượng nổi dậy ở động Vật Ác, chiếm cả châu An Đức (Quảng Tây, Trung Quốc) làm căn cứ địa, xây dựng nước Nam Thiên, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy, phát động chiến tranh chống Tống. Năm 1050, Nùng Trí Cao bắt sống chỉ huy sứ Ung Châu là Kỳ Bân, đem quân đánh phá Quảng Đông, Quảng Tây làm quân Tống chống cự không nổi.

Sau khi chiếm châu An Đức, Nùng Trí Cao dựa vào địa hình rừng núi, lập căn cứ chiêu nạp quân sĩ, tích trữ lương thực, hoạch định hướng tiến công sang đất Tống. Năm 1052, khi lực lượng trở nên hùng hậu, Nùng Trí Cao đem quân tiến đánh thành Ung Châu và Quảng Châu (đất Tống). Quân sĩ Nùng Trí Cao lúc đó có 5.000 người. Mục tiêu tiến công đầu tiên của Nùng Trí Cao là trại Hoành Sơn (một trung tâm giao dịch buôn bán lớn gần biên giới), thừa thắng, quân của Nùng Trí Cao tiến công thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay), giết tri châu Trần Cung và đô giám Quảng Tây Trương Lập. Để nhanh chóng tập hợp quần chúng, quân Nùng Trí Cao phá nhà tù, ra lệnh đại xá, mở các kho lương thực phát cho dân; nhờ đó, lực lượng Nùng Trí Cao ngày càng phát triển và lan rộng khiến cho quân Tống ở vùng Lưỡng Quảng hoang mang lo sợ và chống cự yếu ớt, nhanh chóng quy hàng. Cuộc tiến công thắng lợi, Nùng Trí Cao lập nước Đại Nam, xưng là Nhân Huệ hoàng đế và đổi niên hiệu là Khải Lịch. Thanh thế của quân Nùng Trí Cao ngày càng lớn, chỉ trong vòng hai tuần đã tiến đến chiếm thành Quảng Châu. Nhà Tống lo sợ cuống cuồng nhiều lần đem quân tấn công nhưng đều thất bại, mỗi ngày một thêm mất đất, mất dân.

Năm 1053, vua Tống cử Tống Địch Thanh làm Tuyên phủ sứ đánh Nùng Trí Cao. Khi bị quân nhà Tống truy đuổi, mặc dù quân của Nùng Trí Cao được sự tiếp viện của triều đình nhà Lý nhưng không cứu vãn nổi tình thế. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao đã hoàn toàn bị dập tắt. Vua Lý thương xót cho lập đền thờ ông ở động Tượng Cần (đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng), truy phong Khâu Sầm Đại Vương (vua lớn của núi Khâu Sầm).

Cuộc nổi dậy chống Tống của Nùng Trí Cao được ghi dấu ấn đậm nét trong những trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc và ông cũng là người đại diện cho ý chí và sức mạnh của nhân dân Cao Bằng trong việc bảo vệ và giữ vững biên cương của Tổ quốc ở thế kỷ XI. Ông được nhân dân các tộc người Tày - Nùng tôn kính và thờ phụng. Từ một nhân vật lịch sử, Nùng Trí Cao đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một vị thần sáng tạo, một anh hùng huyền thoại trong đời sống tâm linh của đồng bào tộc người Tày - Nùng.

4. Kinh tế - xã hội Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Dưới thời Lý, cư dân Cao Bằng vẫn còn sống rải rác thành các bộ lạc. Mỗi bộ lạc do một tù trưởng đứng đầu. Họ sống ven các thung lũng (động) và khá thành thạo với nghề nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng đất trũng và lúa nương ở lưng đồi. Việc trồng lúa nương lưng đồi phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, quá trình chăm bón ít được chú ý, tuy nhiên trong điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi nên sản lượng lúa thu hoạch vẫn đạt năng suất khá cao. Ngoài trồng trọt, săn bắn cũng được sử dụng như một nghề để kiếm sống của dân cư Cao Bằng thời bấy giờ.

Cao Bằng cũng là một địa bàn rất giàu khoáng sản, nổi tiếng nhất là sắt, vàng và bạc ở Nguyên Bình, Thạch An ngày nay... Vì vậy, thủ công nghiệp có nhiều điều kiện để phát triển. Ngay từ sớm, người Nùng đã có nghề rèn phát triển cao, đặc biệt là nhóm Nùng An ở châu Quảng Nguyên (nay thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa). Từ thời xa xưa, họ đã biết rèn đủ các loại nông cụ, dụng cụ gia đình, các đồ săn bắn đến các loại vũ khí thô sơ... phục vụ quân đội. Nổi bật trong thủ công nghiệp của Cao Bằng là nghề khai thác mỏ, đặc biệt là khai thác vàng. Ngay từ thời Lý, nghề khai thác mỏ ở Cao Bằng đã xuất hiện.

Thương nghiệp Cao Bằng trong giai đoạn này đã khá phát triển, đặc biệt là thương mại vùng biên. Nhà Tống cũng như nhà Lý sợ người ngoài giả mạo vào buôn bán để do thám, cho nên lúc bình thường, tuy cho đi lại thông thương, nhưng chỉ được tụ họp tại một nơi nhất định, gọi là bác dịch trường. Địa điểm giao thương quan trọng nhất của hai nước lúc bấy giờ thuộc trại Vĩnh Bình, ngoài ra còn một bác dịch trường quan trọng khác ở trại Hoành Sơn, với nhiều mặt hàng được buôn bán, trao đổi như: vàng, bạc, đồng, chu sa, diêm tiêu...

Kinh tế Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế đó vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế tự nhiên. Nhân dân Cao Bằng đã biết khai thác một cách khá hiệu quả những nguồn lợi do tự nhiên ban tặng.

5. Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Cao Bằng trong các thế kỷ XI-XIV

Cao Bằng là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương của Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu dựng nước, Cao Bằng đã là bức “phên giậu” vững chắc của cả nước, luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ vùng biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Nhân dân Cao Bằng có những đóng góp to lớn góp phần đánh bại mưu đồ xâm lược nước ta của các thế lực ngoại xâm.

Trong suốt bốn thế kỷ (XI-XIV), quốc gia Đại Việt từng trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống giặc ngoại xâm phương Bắc (nhà Tống và nhà Mông - Nguyên). Dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Lý và nhà Trần, được sự đồng thuận, ủng hộ đóng góp sức người, sức của “muôn nhà như một” của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng, các cuộc kháng chiến đều giành thắng lợi vẻ vang, giữ vững được nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

          5.1. Cao Bằng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI)

Cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân và dân Đại Việt vào năm 981 dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã buộc nhà Tống phải công nhận nền độc lập, tự chủ của Đại Cồ Việt.

Tuy nhiên, nhà Tống vẫn nuôi ý đồ bành trướng xuống phương Nam. Đến năm 1075, vua Lý Thánh Tông chết, chớp lấy cơ hội này, nhà Tống xúc tiến xâm lược Đại Việt lần thứ hai.

Trước tình thế nguy ngập, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dùng chiến thuật “tiên phát chế nhân” quyết tâm tấn công trước để phá tan âm mưu của nhà Tống. Cao Bằng là một trong ba đường tiến quân trong kế hoạch của Lý Thường Kiệt, đó là đi từ Quảng Nguyên, theo bờ Tả Giang, rồi qua trại Thái Bình. Lý Thường Kiệt đã nghiên cứu kỹ địa hình và các đường giao thông vùng đông bắc để bày thế trận lợi hại nhằm đánh kiềm chế, tiêu hao rồi chặn đứng các mũi tiến công của bộ binh địch. Các đường tiến công của địch đều phải đi qua các vùng dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày - Nùng. Lý Thường Kiệt giao cho đội quân của các dân tộc thiểu số do các tù trưởng của họ chỉ huy, lợi dụng địa hình đón đánh các mũi tiến công của địch.

Tháng 9/1075, quân ta tấn công sang đất Tống. Trong trận tập kích này, Lý Thường Kiệt đã huy động hơn 10 vạn quân thuỷ và quân bộ. Thuỷ quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy. Trên bộ, lực lượng chủ yếu là quân lính các tộc thiểu số do các tù trưởng Tôn Đản, Lưu Kỉ, Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Phụ trách chung là Tôn Đản - một thủ lĩnh các dân tộc thiểu số thuộc châu Quảng Nguyên. Tháng Giêng năm 1076, Tôn Đản kéo quân đến ngoại thành Ung Châu. Ngay sau đó, đại quân Lý Thường Kiệt cũng đến nơi. Sau 42 ngày đêm vây thành, quân ta hạ được Ung Châu.

Cuối năm 1076, quân Tống tiến vào nước ta với mục tiêu đầu tiên là tấn công phá vỡ phòng tuyến ở châu Quảng Nguyên vì “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ”. Như vậy, trận đánh ở châu Quảng Nguyên là trận đột phá có tính chất quyết định tới sự thắng bại của cuộc chiến. Trên đường tiến quân vào đất Quảng Nguyên, quân Tống đã bị quân Đại Việt đánh trả quyết liệt và rơi vào tình thế nguy ngập. Thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Lưu Kỉ đã chỉ huy quân chiến đấu quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất và làm chậm bước tiến quân của chúng. Trong các trận đánh chống Tống, ở Cao Bằng có đội quân của Hoàng Giáp (tức Hoàng Lục) ở xã Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay thuộc huyện Trùng Khánh). Ông là một tù trưởng vùng đất tương đối giàu có ở sát biên giới. Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, ông đã tự mua sắm vũ khí và tập hợp nhân dân thành đạo binh hùng hậu đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi, góp phần giữ vững biên cương phía Bắc của Tổ quốc nên được vua Lý phong là An Biên tướng quân Hoàng Lục Đại vương.

Như vậy, nhân dân Cao Bằng đã góp phần quan trọng (sức người, sức của) vào đại thắng của Thái úy Lý Thường Kiệt trên đất Tống, bảo vệ vững chắc biên cương, góp phần đánh đổ âm mưu xâm lược của nhà Tống, tạm thời hoà hoãn để triều đình và nhân dân có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài .

5.2. Cao Bằng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai (1285)

Tuy địa bàn Cao Bằng không nằm trên đường tấn công chính của quân Mông - Nguyên xuống Đại Việt, nhưng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285), nhân dân Cao Bằng đã góp nhiều công sức, đặc biệt nổi bật là vai trò lãnh đạo, liên kết nhân dân các khê động của Hoàng Thắng Hứa - thủ lĩnh châu Thượng Lang. Ông đã trực tiếp lãnh đạo quân sĩ đánh địch ngay tại biên giới, góp phần ngăn bước tiến quân của chúng. Đặc biệt, từ năm 1291 trở đi, nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đã phát triển mạnh mẽ, cả về lực lượng (hàng vạn người) lẫn địa bàn hoạt động (gồm vùng Quảng Tây, nay là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và miền Bắc của Việt Nam). Nghĩa quân của Hoàng Thắng Hứa nhiều lần tấn công và chiếm đóng Ung Châu, khiến cho quan quân nhà Nguyên ở đây không thể chế ngự được. Trước tình hình đó, Hốt Tất Liệt phải cử Lưu Quốc Kiệt đem quân đi chống giữ. Tuy nhiên, Lưu Quốc Kiệt cũng không ổn định được tình hình, bởi mỗi khi yếu thế, Hoàng Thắng Hứa lại cho quân rút về châu Thượng Tư hoặc các căn cứ khác bên Đại Việt. Quân Mông - Nguyên không dám vượt sang truy kích. Khi quân Mông - Nguyên rút đi, Hoàng Thắng Hứa lại cho quân sang đánh chiếm Quảng Tây. Cứ như vậy, nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đã gây rất nhiều khó khăn cho quân Mông - Nguyên. Nhận thấy dùng quân sự khó có thể dập tắt được cuộc khởi nghĩa của Hoàng Thắng Hứa, năm 1292, Hốt Tất Liệt đã dùng chính sách ngoại giao, bằng cách cử sứ thần Trương Lập Đạo sang Đại Việt để đưa chiếu thư. Ngoài việc dụ dỗ và dọa dẫm vua Trần vào chầu, một mục đích quan trọng hơn của nhà Nguyên lúc này, là yêu cầu triều đình nhà Trần ngăn chặn không cho nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa đánh sang đất Nguyên. Mọi yêu cầu của nhà Nguyên đều bị vua Trần từ chối, viện cớ là không biết và không can dự vào việc ngoài biên. Sau chiến tranh với Đại Việt, thế và lực của nhà Nguyên đã sa sút nghiêm trọng, tạo điều kiện cho phong trào khởi nghĩa của Hoàng Thắng Hứa tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh trong 30 năm nữa (tức năm 1323) mới chấm dứt .

Với vị trí là miền đất phên giậu của quốc gia Đại Việt, trong các thế kỷ XI-XIV, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống quân Mông - Nguyên giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1