Cao Bằng thời Pháp thuộc: Thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng và phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh trước khi có Đảng (1886-1930)
Lượt xem: 1738

1. Thực dân Pháp tấn công Cao Bằng và cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Cao Bằng (1886-1895)

Cuối thế kỷ XIX, triều đình phong kiến nhà Nguyễn suy tàn, các nước tư bản phương Tây muốn mở rộng thuộc địa sang các nước Đông Nam Á, mục tiêu của chúng là tìm kiếm thị trường, nhằm mục đích khai thác tài nguyên và bóc lột sức lao động của các nước thuộc địa. Việt Nam nằm trong vùng có vị trí chiến lược của khu vực Đông Nam Á, giàu tài nguyên khoáng sản, trở thành mục tiêu tiến công xâm lược của các nước tư bản.

Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Vua quan nhà Nguyễn chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng Pháp. Năm 1884, nhà Nguyễn đã ký kết Hiệp định Patơnốt ngày 06/6/1884 dâng nước ta cho thực dân Pháp.

Đứng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta khắp Bắc, Trung, Nam đã nổi dậy hưởng ứng chống thực dân Pháp.

Cuối tháng 10/1886, thực dân Pháp từ Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) đánh chiếm huyện Thạch An, địa bàn nằm về phía đông nam, cửa ngõ của tỉnh, án ngữ trên trục quốc lộ số 4 Lạng Sơn - Cao Bằng. Nhân dân các dân tộc huyện Thạch An là những người đầu tiên đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược Cao Bằng. Sau khi đánh chiếm được Thạch An, thực dân Pháp đánh chiếm thành Cao Bằng, từ đó đánh chiếm các huyện trong tỉnh: tháng 10/1886, quân Pháp đánh chiếm phố Nước Hai (huyện Hòa An); tháng 01/1887, quân Pháp đánh chiếm tổng Trà Lĩnh (nay thuộc huyện Trùng Khánh); tháng 7/1887, thực dân Pháp đánh chiếm tổng Phục Hòa (nay thuộc huyện Quảng Hòa); tháng 10/1887, chúng đánh chiếm huyện Trùng Khánh... Thực dân Pháp đánh chiếm đến đâu, chúng xây dựng các đồn bốt chốt giữ, nhất là các địa bàn xung yếu để tránh những trận bao vây tập kích bất ngờ của các lực lượng ở địa phương như: các đồn Mỏ Sắt, Nước Hai, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Trùng Khánh Phủ...

Dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng địa phương, nhân dân các dân tộc Cao Bằng liên tục tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại Thạch An, nhân dân các xã phía đông nam đã lấy vùng Dẻ Vàng (nay thuộc xã Đức Long) làm căn cứ chống thực dân Pháp, kéo dài trên 10 năm (1886-1907), gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và của.

Tại Nguyên Bình, từ khi thực dân Pháp đánh chiếm, nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng liên tục chặn đánh, bao vây đồn bốt của địch, tiêu biểu là trận phục kích quân Pháp do tên quan ba Lơmoan chỉ huy tại Tà Sa trên đường hành quân từ tỉnh lỵ vào Nguyên Bình (tháng 11/1886).

Tại tổng Thông Nông (huyện Hà Quảng), dưới sự chỉ huy của Pa Deng - nữ dân tộc Mông đã chặn bước tiến của quân Pháp tại đèo Mã Quỷnh trên đường chúng hành quân đánh chiếm Thông Nông, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong binh lính Pháp.

Tại các huyện Hòa An, Hà Quảng và tổng Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, quân của Triệu Phúc Sinh xây dựng căn cứ ở vùng Tổng Cọt, Lục Khu (Hà Quảng) liên tục đánh quân Pháp nhiều năm liền (1886-1889). Quân của Triệu Phúc Sinh tổ chức các trận đánh phục kích, tập kích, bao vây đồn bốt của địch trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các huyện Hòa An, Hà Quảng và tổng Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh... Tiêu biểu là các trận đánh quân Pháp tại Mỏ Sắt (nay thuộc xã Dân Chủ, huyện Hòa An) tháng 10/1890, bắn chết tên quan hai Catteno (Cattainhé), đánh chìm nhiều thuyền tiếp tế của Pháp trên sông Bằng, buộc quân Pháp phải đồn trú không dám lùng sục cướp bóc của cải của nhân dân. Các đội quân thuộc căn cứ của các huyện miền đông: Quảng Uyên, Phục Hòa (nay là huyện Quảng Hòa), Hạ Lang phối hợp với quân của Triệu Phúc Sinh tại căn cứ Tổng Cọt đã đẩy lùi quân Pháp về thị xã. Năm 1888, lực lượng nghĩa quân của Triệu Phúc Sinh và các châu miền đông kéo quân xuống phía tây nam chiếm vùng Án Lại, Canh Biện (xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An) xây đồn, đắp lũy lập lại căn cứ chống thực dân Pháp. Cuối năm 1889, sau khi đánh chiếm, bình định được tỉnh lỵ Cao Bằng và huyện Hòa An, thực dân Pháp tập trung lực lượng tổ chức đánh chiếm san bằng đồn lũy Canh Biện, Án Lại, đẩy lui nghĩa quân về vùng Lục Khu, ra sức khủng bố, đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Tại Trùng Khánh, ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân chiếm đóng (tháng 10/1887), được nhân dân địa phương ủng hộ, nghĩa quân do Bá hộ Lê Bá Tài chỉ huy đã liên tục chặn đánh quân Pháp. Tiêu biểu là trận đánh bao vây phủ Trùng Khánh, bắn chết tên quan ba Makhônô, bắn bị thương tên quan hai Guyđơmê và nhiều binh lính; các trận truy kích địch trên đường đi Pò Tấu và truy kích địch từ Trùng Khánh sang Hạ Lang giết tên quan tư Đavi.

Tại Hạ Lang, nghĩa quân của Mã Quốc Anh được nhân dân ủng hộ lập căn cứ tại xã An Lạc, Kim Loan đã nhiều lần tổ chức phục kích quân Pháp ở Thông Than (xã Cai Bộ, nay thuộc huyện Quảng Hòa) và trên đỉnh Khau Mòn (xã An Lạc). Do đó, buộc quân Pháp phải rút ra Quảng Uyên, lên Trùng Khánh tiến sang Bằng Ca, Hạ Lang, quân Pháp phải lao đao 3 năm mới bình định được Hạ Lang.

Cũng trong thời gian này, bên cạnh các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của các hào trưởng địa phương, tại Cao Bằng - một tỉnh miền núi xa xôi, phương tiện đi lại và thông tin gặp nhiều khó khăn, đã nổi lên hoạt động của Phụ chính đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết - thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Tại thành Cao Bằng đã xuất hiện tờ Cáo thị kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào “Cần vương” phò vua đánh giặc cứu nước. Cáo thị có đoạn viết: “... Trước đà phụng thượng dụ trong kế lược quốc gia gặp nhiều nạn, nay thần người đều giận. Phàm ai có lòng căm thù giặc vô luận quan quân sĩ thứ hoặc tới thành Cam Lộ hộ giá, hoặc ở địa phương để có thể giết sạch quân thù, tôn phù quốc thổ đều được tùy tâm mà làm”. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, Lãnh binh Lương Tuấn Tú (Tiễu phủ sứ Cao Bằng - Lạng Sơn) đã lập căn cứ ở Nghi Bố (Mỏ Sắt, xã Dân Chủ, huyện Hòa An), cùng đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy nghĩa quân đánh thành Cao Bằng và tổ chức nhiều trận đánh thực dân Pháp xâm lược Cao Bằng, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Những năm 1891-1892, Cao Bằng trở thành vùng rất nguy hiểm đối với thực dân Pháp. Riêng trong tháng 10/1893, dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng địa phương, lực lượng nghĩa quân đã tập kích, bao vây quân địch 21 trận lớn nhỏ, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Pháp đã phải thú nhận: “Tiểu khu Cao Bằng là hình ảnh rõ rệt nhất của tình hình mà đạo quân chiếm đóng mắc phải từ ngày xâm chiếm ít quân quá, nhiều giặc dã quá”.

Để tiếp tục đối phó với phong trào kháng chiến ở Cao Bằng ngày càng tăng, ngay trong năm 1893, thực dân Pháp đã điều lên Cao Bằng 4 đoàn quân, dưới sự chỉ huy của tên quan năm Valiê nhằm phối hợp với quân đồn trú ở những nơi mà chúng đã chiếm được như thành Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Thạch An... nhằm dập tắt phong trào nổi dậy của nhân dân địa phương. Mặc dù đây là một cuộc chiến đấu không cân sức, nhưng với tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân, nên mãi đến năm 1895, sau 10 năm đánh chiếm, thực dân Pháp mới đặt được ách thống trị của chúng tại Cao Bằng. Các lực lượng kháng chiến ở Cao Bằng tạm thời lùi về cơ sở, chờ thời cơ.

2. Ách thống trị của thực dân Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân Cao Bằng (1896-1930)

2.1. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp

Sau khi đánh chiếm, bình định được Cao Bằng, thực dân Pháp tiến hành xếp đặt bộ máy cai trị, tổ chức lại các đơn vị hành chính, khai thác tài nguyên, bóc lột sức lao động của nhân dân nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của nhân dân. Với dã tâm ấy, chúng thiết lập đạo quan binh, đứng đầu là một quan năm người Pháp, điều khiển cả bộ máy hành chính và quân sự. Lúc này, Cao Bằng cùng với Lạng Sơn và Hà Giang tạo thành Đạo quan binh 2, thủ phủ đặt tại Lạng Sơn. Từ tháng 8/1896, sau cuộc phân chia lại các đạo quan binh, Cao Bằng trở thành một khu quan binh thuộc Đạo quan binh 2, đóng thủ phủ tại tỉnh lỵ Cao Bằng.

Bên cạnh chính quyền quân sự, để làm chỗ dựa cho sự thống trị, chính quyền thực dân vẫn tiếp tục duy trì về mặt hình thức và củng cố’" một bộ máy chính quyền của người bản xứ. Các đơn vị hành chính bản xứ ở Đạo quan binh 2 Cao Bằng bao gồm: xã, rông, châu, phủ và tỉnh. Mặc dù vẫn tồn tại một hệ thống cai trị của người bản xứ, song trên thực tế"" toàn bộ quyền hành của các đạo quan binh nói chung và Cao Bằng nói riêng vẫn do giới quân sự thực dân thao túng.

Đồng thời, chúng tăng cường lực lượng vũ trang cùng bộ máy khủng bố, đàn áp với đủ các loại lính: lê dương, khố đỏ, khố xanh, cảnh sát, mật thám, chỉ điểm... Trong thời kỳ phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh, chúng lập thêm lực lượng cảnh sát gọi là lính cúp phăng, tăng số lượng các loại lính nói trên, tăng cường xây dựng pháo đài, hệ thống đồn bốt ở thị xã, thị trấn, trục đường giao thông quan trọng và các thôn, xã tập trung đông dân để dễ bề kiểm soát và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.

Ở các phủ, châu, chúng đặt ra các đại lý, do một quan hai hoặc quan ba chỉ huy quân sự và các công việc hành chính, với một lực lượng gồm một đại đội hoặc một, hai trung đội lính. Mỗi đồn bốt ở dọc biên giới cũng có một đơn vị, do một sĩ quan Pháp chỉ huy, nhằm mục đích áp bức, bóc lột và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và ngăn chặn sự liên hệ của phong trào cách mạng nước ta với cách mạng thế giới.

Thực dân Pháp còn tiếp sức cho bộ máy thống trị phong kiến trước đây để làm tay sai cho chúng. Ở tỉnh, bên cạnh Công sứ Pháp, có Tuần phủ; ở phủ, châu, chúng đặt ra Tri phủ, Tri châu, có các Thừa phán, Lục sự giúp việc; ở tổng, có các Chánh, Phó tổng; ở xã có Lý trưởng, Phó lý. Riêng ở châu Bảo Lạc, chúng vẫn duy trì chế độ thổ ty, với đầy đủ tính chất và bản chất của chế độ phong kiến sơ kỳ. Còn ở các vùng dân tộc Mông, Dao..., thực dân Pháp tổ chức hệ thống cai trị. Trong vùng người Mông có các Quản chiểu, Phó Quản chiểu; ở vùng người Dao có Chánh, Phó Mán, các dân tộc vùng cao, vốn đã chịu nhiều cơ cực nay lại thêm một tầng áp bức, bóc lột. Đây là một thủ đoạn nham hiểm nhằm chia rẽ, gây hằn thù giữa các dân tộc, dựa vào dân tộc này áp bức dân tộc kia, dùng dân tộc này trị dân tộc khác. Thâm độc hơn nữa, chúng còn kích động, gây xung đột giữa các dân tộc. Ở tỉnh lỵ Cao Bằng, chúng lập ra bộ máy hành chính riêng cho người Việt và người Hoa; người Việt có Trưởng phố, người Hoa có Bang trưởng. Trong kinh doanh, buôn bán, chúng nhen nhóm sự cạnh tranh, kình địch, chèn ép đi tới chỗ gây xích mích giữa người Việt và người Hoa. Về các phương diện sinh hoạt xã hội, chúng thường ưu tiên người Hoa để gây nỗi bất bình, phẫn uất, căm tức trong cộng đồng người Việt.

Ở nông thôn, chúng thi hành chính sách chia rẽ, đề cao dân tộc này, hạ thấp dân tộc kia. Tại nhiều địa phương, chúng thường đưa người Tày vào các chức vụ chủ chốt ở châu, rông, xã, mặc dù người Nùng ở đây có dân số không kém người Tày, khiến cho người Nùng có tâm lý bị miệt thị, dẫn đến nhiều mâu thuẫn khiến họ phải luôn luôn ở vào tư thế đối phó với người Tày, gây rắc rối trong quan hệ xã hội, làm tổn hại tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong việc thực hiện âm mưu gây chia rẽ, hằn thù giữa các dân tộc, giữa các địa phương, thực dân Pháp thường cử chức dịch tỉnh này đến cai trị tỉnh kia, lính của địa phương này sang đồn trú, trấn áp ở địa phương khác, gây ra những cuộc xô xát, đụng độ.

Để áp bức nhân dân ta, chúng không từ bất cứ một thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, bằng cách thưởng tiền bạc, chức vụ cho những ai đã giúp chúng đàn áp cách mạng, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng. Chúng độc quyền về muối và làm giải thưởng để chống phá cách mạng.

Trong khi đó, chúng khuyến khích, thậm chí trang bị vũ khí cho các nhóm phỉ để cướp của, giết người, đốt phá làng mạc, gây mất trật tự trị an xã hội, làm cho đồng bào ta lúc nào cũng sống trong cảnh nơm nớp, lo âu.

Về phương diện sản xuất kinh doanh, thực dân Pháp vẫn duy trì ở Cao Bằng cũng như trong cả nước nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, mang tính tự cung, tự cấp. Các tiến bộ khoa học không được áp dụng. Tuy chúng lập ra vài trại nhỏ để chăn nuôi ngựa ở Nước Hai (châu Hòa An), Phja Đén (châu Nguyên Bình), Phja Khoang (châu Trùng Khánh), những cơ sở này kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, nhưng chủ yếu nhằm mục đích quân sự. Chúng ra sức bóc lột lao động, vơ vét của cải, cướp bóc ruộng đất để lập đồn điền, xí nghiệp, lập nhà thờ, làm cho đời sống nhân dân thêm cơ cực, bần cùng. Thực dân Pháp đặt ra nhiều thứ thuế, như thuế ruộng, thuế đất, thuế môn bài, thuế nhà, thuế chợ, thuế đò, thuế lâm sản..., bất công nhất là thuế thân đánh vào tất cả đàn ông, tuổi từ 18 trở lên. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), thuế thân được chia ra làm hai hạng: hạng 4,5 đồng đối với nội tịch đinh và 0,5 đồng đối với ngoại tịch đinh. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chúng nhất loạt thu mỗi suất đinh là 2,5 đồng. Đến năm 1939, do nhu cầu chi phí chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới mới, chúng đã nâng mức thuế thân lên, thu bốn mức dựa vào số ruộng đất ở trong tay mỗi suất đinh: loại 1 đồng, 2,5 đồng, 5 đồng và 7 đồng. Những người khó khăn không nộp được thuế thì bị giam giữ, đánh đập hoặc bị cầm cố, nhiều gia đình phải bán ruộng đất, trâu bò, thậm chí có người phải bán cả con để có tiền nộp thuế.

Ngoài những hình thức bóc lột trên, người nông dân lao động còn phải chịu phu phen, tạp dịch để làm đường sá, cầu cống, xây pháo đài, đồn bốt... cho thực dân Pháp. Hằng năm, mỗi người dân lao động thường bị bắt phu tới ba, bốn lần, mỗi lần kéo dài từ 15 đến 20 ngày, hoặc hơn nữa. Tàn ác hơn, thực dân Pháp và tay sai còn biến các đợt bắt phu thành công cụ vơ vét tiền, của của nhân dân, bắt chẹt người lao động lương thiện, bằng cách nhằm vào những ngày mùa mà bắt phu. Muốn được miễn phí vào những dịp ấy, nông dân phải lấy tiền, của để đút lót. Đi phu nặng nhọc, đã không được trả tiền công, mà nông dân phải tự túc tiền gạo, thực phẩm, dụng cụ; thương tật, ốm đau không được chăm sóc, nên nhiều trường hợp tử vong vì ốm đau, vì tai nạn lao động trong khi làm phu.

Về công nghiệp, cũng như các địa phương khác trong cả nước, ở Cao Bằng không được chú ý phát triển, chỉ có một số cơ sở công nghiệp khai khoáng với kỹ thuật thô sơ lạc hậu, chưa vượt ra khỏi trình độ thủ công. Tháng 12/1901, Công ty tư bản vàng Phja Oắc được thành lập, nhưng diện tích khai thác mới chỉ 160 ha. Tháng 6/1902, Công ty Đuvêgiê chiếm 450 ha trung tâm thung lũng Tĩnh Túc khai thác thiếc và vàng. Tháng 9/1906, Công ty thiếc thượng du Bắc Kỳ chiếm vùng núi phía nam Phja Oắc khai thác quặng bôxít. Tháng 10/1904, Công ty thiếc Cao Bằng được thành lập, khai thác trên diện tích 2.500 ha thung lũng Tĩnh Túc.

Thực dân Pháp đầu tư vốn vào khai thác ở Cao Bằng ngày càng tăng, đến năm 1911, tăng lên đến 10 triệu phrăng, đầu tư vào việc khai thác thiếc, vonfram và vàng. Ngoài ra, tại thị xã Cao Bằng cũng chỉ có vài cơ sở công nghiệp nhỏ, như nhà máy điện, nhà máy nước, vài công xưởng nhỏ... với số’" vốn đầu tư không đáng kể.

2.2. Những chuyển biến về văn hóa - xã hội

Về văn hóa, thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, dìm nhân dân ta trong vòng tối tăm, ngu muội để dễ bề thống trị, áp bức, bóc lột. Bởi vậy, việc mở mang trường sở đã không được chú ý, thậm chí chúng còn tìm đủ cách hạn chế. Cả tỉnh Cao Bằng chỉ có trường tiểu học có đến lớp bốn (ở thị xã, châu Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hòa An), số châu còn lại có từ lớp một đến lớp hai. Hậu quả của chính sách này là hơn 97% dân số của tỉnh Cao Bằng bị mù chữ. Nữ giới và nhân dân các dân tộc thiểu số vùng cao 100% mù chữ. Thực dân Pháp còn khuyến khích những tập tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội như: rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, trai gái, trộm cắp, cướp giật...; khuyến khích mê tín dị đoan, khuếch trương tín ngưỡng, tôn giáo, kích động tâm lý sùng đạo... nhằm làm cho nhân dân ta chìm đắm trong vòng ngu muội, lãng quên con đường đấu tranh cách mạng.

Cũng như lĩnh vực văn hóa, công tác vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng không được chú ý, vì thực dân Pháp có ý định làm suy giảm thể lực nhân dân ta. Do đó, bệnh tật ngày càng lan tràn, nhân dân không được phòng bệnh, chữa bệnh, tuổi thọ của người lao động ngày càng thấp. Cả tỉnh Cao Bằng chỉ có một bệnh viện, với số lượng giường bệnh rất hạn chế; đồng thời chỉ có một, hai y sĩ và vài y tá, hộ lý phục vụ. Thuốc thang thiếu thốn, tại một số châu chỉ có phòng phát thuốc với một dược tá phục vụ. Những cơ sở y tế này chỉ để phục vụ công chức cai trị và binh lính.

Về xã hội, chế độ thực dân phong kiến, với các chính sách thống trị, áp bức, bóc lột đã làm cho các quan hệ xã hội phức tạp, đẩy nhân dân lao động vào bước đường cùng cực, nghèo đói, xã hội phân hóa sâu sắc. Các quan hệ tư bản chủ nghĩa đã nảy sinh và lớn dần lên, nhưng chiếm vị trí chủ đạo vẫn là các quan hệ phong kiến.

Nhìn chung, trong phạm vi toàn tỉnh, nông dân chiếm tới 90% dân số. Sự phân hóa trong nông dân thành các tầng lớp ngày càng rõ rệt, bao gồm: cố nông, bần nông, trung nông. Giai cấp nông dân bị đế quốc, phong kiến tước đoạt ruộng đất, bị bần cùng, họ sẵn sàng đi theo con đường cách mạng để sớm thoát khỏi cuộc sống khổ cực.

Giai cấp địa chủ phân hóa thành đại, trung, tiểu địa chủ, họ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cư dân, nhưng có thế lực về kinh tế và địa vị xã hội. Đại địa chủ trở thành kẻ làm tay sai đắc lực cho thực dân, đế quốc, họ là kẻ thù của dân tộc, là đối tượng cần đánh đổ cùng với thực dân Pháp trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ. Còn một bộ phận không nhỏ trung, tiểu địa chủ tham gia phong trào chống thực dân Pháp và phản động tay sai.

Giai cấp công nhân ít về số lượng, thường tập trung trong các khu mỏ và thị xã. Bên cạnh đó, số công nhân nông nghiệp cũng không đáng kể (chỉ ở các trại chăn nuôi nhỏ), lúc đông nhất cũng chỉ có vài nghìn công nhân. Tuy vậy, do chính sách khai thác vơ vét tài nguyên, bóc lột lao động của đế quốc, thực dân, giai cấp công nhân ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng. Tuy số lượng ít, nhưng công nhân ở Cao Bằng lại tập trung, đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất; thêm nữa, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, có cuộc sống cơ cực nhất, họ là những người vô sản, nên kiên quyết đấu tranh để giải phóng khỏi ách nô lệ.

Giai cấp tư sản phân hóa thành tư sản mại bản là chủ mỏ, chủ trại chăn nuôi người Pháp; tư sản dân tộc là chủ các xưởng sửa chữa, kinh doanh nghề vận tải, chủ các xưởng gạch, ngói, gỗ, những người thầu thực phẩm cho các trại lính, kinh doanh thương nghiệp... với một số vốn ít ỏi. Họ cũng bị chèn ép, sưu thuế nặng. Trong những điều kiện nhất định, khi phong trào quần chúng phát triển mạnh, có thể lôi kéo họ vào mặt trận chống đế quốc và phong kiến.

Giai cấp tiểu tư sản và dân nghèo thành thị chiếm tỷ lệ đáng kể trong cư dân tỉnh Cao Bằng. Cuộc sống của họ bấp bênh, đói no thất thường, cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề, nên sẵn sàng tiến bước vào con đường cách mạng.

Có thể thấy việc phân hóa giai cấp ở Cao Bằng nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản: một là, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với đế quốc thực dân xâm lược; hai là, mâu thuẫn giữa nông dân lao động với giai cấp địa chủ phong kiến ở vùng thấp, nông dân vùng cao (châu Bảo Lạc) với chế độ thổ ty. Như vậy, mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam nói chung và của Cao Bằng nói riêng là tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước ta, đánh đổ’ giai cấp địa chủ phong kiến, giành độc lập.

2.3. Phong trào đấu tranh của nhân dân Cao Bằng

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên cả nước nói chung và ở Cao Bằng nói riêng, liên tiếp nổ ra các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập. Nhưng do chưa tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, chưa có một phương thức thật sự cách mạng, giai cấp công nhân chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng nên các phong trào đấu tranh không thực hiện được mục tiêu và nguyện vọng là giải phóng dân tộc.

Năm 1905, Phù Nhị - một thủ lĩnh dân tộc Dao chỉ huy nghĩa quân tổ chức bao vây quân đội Pháp tại châu lỵ Nguyên Bình khi chúng đang trên đường hành quân từ tỉnh lỵ vào Nguyên Bình. Năm 1915, quân Việt Nam Quang phục Hội của Phan Bội Châu cũng tấn công vào đồn Tà Lùng.

Nét nổi bật của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ở Cao Bằng vào đầu thế kỷ XX là sự góp mặt của đội ngũ những người thợ mỏ, đang trong quá trình hình thành như một giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để nhất - giai cấp công nhân. Từ những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cùng với quá trình thăm dò, khảo sát và khai thác mỏ của thực dân Pháp, đội ngũ thợ mỏ ở Cao Bằng cũng từng bước được hình thành. Từ nhiều miền quê khác nhau, từ bỏ ruộng đồng, trốn tránh phu phen, tạp dịch, trở thành những người làm thuê ăn lương, cùng khổ nhất trong những người cùng khổ, biện pháp duy nhất của người thợ mỏ để thoát khỏi cảnh cùng khổ là vùng dậy đấu tranh giành lại những gì đã bị bọn chủ mỏ và tay sai của chúng tước đoạt. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, phong trào đấu tranh của các thợ mỏ ở vùng mỏ Phja Oắc diễn ra lẻ tẻ và mang tính tự phát.

Mùa hè năm 1914, 10 thợ mỏ đều là những thanh niên khai thác hầm lò Phja Oắc nổi lên vây đánh bọn cai Tây gian ác, tên chủ mỏ Baul phải đưa lính đến đàn áp. Để phản đối thái độ tàn bạo của chủ mỏ, thợ mỏ Phja Oắc đã tiến hành bãi công trong 2 ngày.

Năm 1917, cách đối xử nghiệt ngã của chủ mỏ, công việc khai thác nặng nhọc trong khi tiền lương thường xuyên bị bớt xén đã gây sự uất ức trong đội ngũ thợ mỏ. Thợ mỏ Phja Oắc và thợ Công ty vàng, thiếc vùng thung lũng Tĩnh Túc đồng loạt bãi công, đòi tăng lương, cải thiện đời sống buộc bọn chủ mỏ phải nhượng bộ một phần yêu sách. Sau khi cuộc đình công giải tán, bọn chủ mỏ tiến hành khủng bố, chúng bắt một số thợ để tra khảo và giam giữ trong 6 tháng. Hầu hết số thợ bị địch bắt giam khi ra tù đều tàn phế do bị tra tấn dã man.

Do không có tổ chức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khu mỏ nên các cuộc đấu tranh của thợ mỏ trong những năm 1914, 1917 đều không đem đến những kết quả mong muốn. Cuộc đấu tranh của thợ mỏ ở Cao Bằng trong thời gian này mới chỉ là sự phản kháng tự phát của họ đối với việc bọn chủ mỏ không thực hiện đúng giao kèo, không thi hành những điều đã cam kết, hứa hẹn khi tuyển mộ (như đấu tranh đòi lán ở, chăn chiếu, dụng cụ sinh hoạt...). Tuy nhiên, đây là những tín hiệu đầu tiên báo hiệu cho sự ra đời và từng bước trưởng thành của một giai cấp mới, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, có sứ mệnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mở ra một kỷ nguyên mới trong quá trình phát triển của xã hội loài người, như một luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng của Việt Nam, có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, mở ra một con đường đấu tranh cách mạng mới, làm cho các phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, đặc biệt là của giai cấp công nhân, vốn đã sôi nổi nay lại càng trở nên rộng lớn và mạnh mẽ, nhất là trong những năm 1927-1928.

Cùng lúc đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một nhà yêu nước vĩ đại, sau nhiều năm ở nước ngoài bôn ba tìm đường cứu nước, đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, Người tìm thấy chân lý cách mạng và con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đi theo con đường cách mạng vô sản và trực tiếp vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tổ chức yêu nước lấy tên là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), bao gồm những thanh niên yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và tổ chức các lớp huấn luyện cho họ.

Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có tác động mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng trong nước, thu hút những trí thức cách mạng. Nhiều thanh niên yêu nước lần lượt tìm đường sang Quảng Châu gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong tổ chức này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử các thanh niên ưu tú làm hạt nhân, sau khi dự các khóa huấn luyện, được Người phân công về nước hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mới, nổi bật là phong trào vô sản hóa. Nhiều cán bộ đi vào nhà máy, hầm mỏ hoạt động, làm chuyển biến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, đẩy tính chất đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh tự giác.

Hòa nhịp cùng với phong trào yêu nước của cả nước, ở Cao Bằng đã xuất hiện các tổ’ chức yêu nước (Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế) thu hút nhiều thanh niên yêu nước, tiến bộ thuộc các dân tộc trong tỉnh, trong số đó tiêu biểu là đồng chí Hoàng Đình Giong, một thanh niên dân tộc Tày, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm giác ngộ cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong bắt đầu từ những năm 1925-1926, khi còn đang theo học tại trường Bách Nghệ Hà Nội, là lúc phong trào yêu nước đang sôi động. Bị đuổi ra khỏi trường vì tham gia hoạt động cách mạng và có ảnh hưởng to lớn trong tầng lớp thanh niên, Hoàng Đình Giong trở lại quê hương. Tại đây, Hoàng Đình Giong vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động cách mạng. Nhờ đó, ngay từ đầu năm 1927, đã xuất hiện nhiều cơ sở của Hội đánh Tây ở các rông Tượng Yên, Nhượng Bạn, Hà Đàm (thuộc châu Hòa An). Sau đó, tổ’ chức yêu nước này còn phát triển lên Hà Quảng, lan sang Quảng Uyên và các châu khác trong tỉnh, đặc biệt là các khu vực đầu mối giao thông quan trọng và đông dân.

Năm 1927, trước sự khủng bố, truy lùng gắt gao của bọn đế quốc và tay sai, Hoàng Đình Giong đã bí mật ra nước ngoài. Nơi đặt chân và hoạt động đầu tiên là Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Hoàng Đình Giong đã gặp gỡ Hoàng Văn Thụ và bắt liên lạc được với các đồng chí trong Ban lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngày 19/6/1928, Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại cơ sở Long Châu và đã chung sức xây dựng cơ sở cách mạng tại đó, tập hợp và mở các lớp huấn luyện truyền bá tư tưởng của tổ chức cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, đào tạo cán bộ cho hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Từ đó, nhiều thanh niên yêu nước các dân tộc Cao Bằng đã tìm đường đến và xây dựng cơ sở cách mạng tại Long Châu. Cuối năm 1928, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như); năm 1929, kết nạp thêm Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) và cử về Cao Bằng để tuyên truyền, vận động tổ chức các cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, nhân ngày tết truyền thống là rằm tháng 7 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 19/8/1929), tại chùa Đống Lân, xã Hưng Đạo, châu Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Bằng), các đồng chí Hoàng Văn Nọn và Lê Đoàn Chu đã thay mặt Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức lễ kết nạp các đồng chí Nông Văn Đô, Hoàng Văn Khoa (Bình Dương), Lưu Xương (Sơn), Nguyễn Khánh Phù (Bá Nhân), Nghiêm, Cát vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tuyên bố thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Một thời gian sau, các cơ sở của Hội cũng được thành lập tại châu Hòa An, Hà Quảng, mỏ thiếc Tĩnh Túc. Đây là cơ sở để giai cấp công nhân, nông dân tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin chuẩn bị thành lập Đảng của mình - Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân đấu tranh.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1