Cao Bằng thời Pháp thuốc: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1941-1945)
Lượt xem: 803

1. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (từ năm 1941 đến trước khi Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945)

Tháng 6/1940, Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. Nhận thấy thời cơ giành độc lập đã đến, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẩn trương chuẩn bị về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng và chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thế tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Đầu tháng 01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí cán bộ Trung ương Đảng lên đường về nước. Trước khi vượt biên giới về nước, Người dừng chân tại hai địa điểm Nặm Quang và Ngàm Tảy (Tịnh Tây, Trung Quốc) để mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho 40 cán bộ Cao Bằng. Lớp huấn luyện chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sự giảng dạy trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp nên 40 cán bộ Cao Bằng đã nhanh chóng nắm vững chủ trương, đường lối cách mạng trong điều kiện lịch sử mới và cách thức gây dựng, phát triển phong trào Việt Minh.

Sáng ngày 28/01/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng 05 đồng chí (Đặng Văn Cáp, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, Đào Thế An) vượt qua mốc 108 ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về đến Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với sự có mặt và hoạt động của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những người đồng chí hướng, miền rừng núi Pác Bó, Cao Bằng hẻo lánh, xa xôi trở thành cái nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Từ đây, những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thành công. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc.

Ngay từ khi trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa của cách mạng cả nước. Người liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện Việt Minh; bắt tay vào chỉ đạo thực hiện thí điểm Chương trình Mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc tại 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh nhanh chóng thâm nhập và phát triển mạnh trong các thôn, xóm của tỉnh Cao Bằng. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4/1941), các tổ chức cứu quốc trong 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã thu hút trên 2.000 đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông tham gia. Các châu này trở thành các châu hoàn toàn Việt Minh. Không chỉ có những người trưởng thành tham gia các tổ chức cứu quốc, các em nhỏ, với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được thành lập do Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng) làm đội trưởng. Đội có mục đích tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác cho các cuộc họp của Đảng.

Phong trào Việt Minh tại các vùng thí điểm ngày càng lan rộng và lớn mạnh. Để rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào trong giai đoạn mới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Vũ Anh chủ trì hội nghị cán bộ tại Goọc Mu (châu Hà Quảng) (tháng 4/1941), gồm các đại biểu của 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Hội nghị khẳng định thắng lợi của việc xây dựng thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng đã cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho công tác xây dựng phong trào quần chúng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần bổ sung hoàn chỉnh nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trên cơ sở của các kinh nghiệm này, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Khuổi Nặm, Pác Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng được nêu ra từ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11/1939); ra nghị quyết thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (viết tắt là Việt Minh), bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc như: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Học sinh cứu quốc đoàn, Nhi đồng cứu quốc... Mặt trận Việt Minh có nhiệm vụ đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước trong xã hội Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, địa vị xã hội ở cả nông thôn và thành thị trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa. Thực tế lịch sử cho thấy, Mặt trận Việt Minh thực sự là con đường đúng đắn nhất của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Cũng nhằm mục đích động viên mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh cách mạng ngày càng trở nên quyết liệt, cuối năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, in tại Pác Bó. Số báo đầu tiên ra ngày 01/8/1941. Từ đó, tờ báo được phát hành mỗi tháng 3 kỳ, mỗi kỳ 400 số. Năm 1942, tờ báo này được chuyển về vùng núi Lam Sơn (châu Hoà An).

Ngoài tờ báo Việt Nam độc lập, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn biên soạn thêm một số quyển sách như: Con đường giải phóng, Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Địa dư Cao Bằng...; một số sách nói về kinh nghiệm đánh du kích... nhằm mục đích giáo dục các hội viên của các tổ chức cứu quốc và quảng đại quần chúng về tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Để Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh dễ dàng thấm sâu vào quần chúng, đầu năm 1941, Chương trình, Điều lệ Việt Minh đã được biên soạn dưới dạng văn vần, dài tới 120 câu, gọi là Việt Minh ngũ tự kinh. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (tháng 5/1942), Đảng bộ Cao Bằng quyết định lấy Việt Minh ngũ tự kinh làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp học văn hóa. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Cao Bằng đã in và phát hành nhiều sách của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, của đồng chí Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí cán bộ tiền bối cách mạng. Các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực, với nhiều thể loại cả về chính trị, về công tác chính trị trong quân đội, về lịch sử, sách giới thiệu kinh nghiệm nước ngoài, sách dịch thuật... Trong đó, có cuốn sách đã được in đi, in lại nhiều lần ở Cao Bằng. Những hoạt động phục vụ cách mạng đó làm cho Cao Bằng trở thành “một trung tâm xuất bản sách cách mạng, góp phần rất quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và quần chúng cách mạng. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1941 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khoảng 24 đến 25 cuốn sách đã được in và phát hành ở Cao Bằng, chiếm 60% trong tổng số khoảng 40 cuốn sách cách mạng in trên cả nước, bao gồm sách của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, của các Tỉnh uỷ và Tỉnh bộ Việt Minh”.

Đồng thời, để vạch trần tội ác của phát xít Nhật - Pháp và tay sai phản động đối với nhân dân Đông Dương nói chung, đối với quần chúng các dân tộc Cao Bằng nói riêng và để động viên mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Việt Minh, tháng 8/1942, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức các cuộc triển lãm lưu động về tội ác của thực dân và tay sai tại các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Cuộc triển lãm đã thu hút đông đảo quần chúng tới xem, khơi thêm ngọn lửa căm hờn của quần chúng đối với đế quốc, thực dân và tay sai phản động; đồng thời, nâng cao lòng nhiệt tình, hăng hái tham gia cách mạng của quần chúng, khiến họ gia nhập vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh ngày thêm đông.

Theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã triển khai công tác chấn chỉnh Đảng. Các ban châu uỷ mới được thành lập ở các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Cùng lúc đó, Trung ương Đảng đã chỉ định Ban Tỉnh uỷ lâm thời Cao Bằng do đồng chí Lê Tòng làm Bí thư để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đến đầu tháng 5/1942, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất được triệu tập bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Bí thư. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển.

Từ cuộc thí điểm Việt Minh thành công, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng đã phát triển mạnh mẽ và trưởng thành một cách nhanh chóng. Đồng bào các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao đều nô nức tham gia các Hội cứu quốc. Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các xã của ba châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, không chỉ ở vùng thấp mà cả ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ít người (Mông, Dao). Trên cơ sở phong trào Việt Minh phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 22 và 23/11/1942, Tỉnh uỷ Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất tại thành Nhà Mạc, vùng núi Lam Sơn (châu Hòa An) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám về phát triển phong trào Việt Minh, xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng. Đại hội quyết định đẩy mạnh phong trào Việt Minh phát triển trên khắp toàn tỉnh; bầu ra Ban Chấp hành tỉnh của từng đoàn thể cứu quốc1 và bầu ra Ban Việt Minh chính thức của tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thạc làm Chủ nhiệm.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Việt Minh toàn tỉnh, các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Minh cho các cơ sở xã vùng thấp cũng như vùng cao. Tham dự các lớp huấn luyện còn có cán bộ các châu Thạch An, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Trấn Biên, Phục Hòa tham gia. Nhờ đó, cuối năm 1942 đầu năm 1943, đã xuất hiện nhiều xã, tổng “Việt Minh hoàn toàn” và ở vùng cao xuất hiện các lũng “Việt Minh hoàn toàn”, nghĩa là hầu hết nhân dân trong xã không kể nam hay nữ, già hay trẻ, lương hay giáo, người Tày, Nùng hay Mông, Dao (chỉ trừ một số ít tay sai phản động) đều tham gia các Hội cứu quốc. Tại các xã, tổng “Việt Minh hoàn toàn”, Ban Chủ nhiệm Việt Minh đại diện cho nhân dân, quản lý, điều hành mọi hoạt động tại xã, tổng, được coi như một chính quyền sơ khai làm chủ ở địa phương - như một mô hình nhà nước tương lai. Cuối năm 1942, các Ban Việt Minh châu lần lượt được thành lập ở Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình.

Phong trào Việt Minh không còn bó hẹp trong phạm vi ba châu thí điểm mà đã lan rộng ra khắp các châu trong tỉnh như: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trấn Biên, Bảo Lạc... Tháng 4/1943, Đội vũ trang được thành lập ở Lũng Thàn, xã Bình Lãng, châu Nguyên Bình (nay là xã Bình Lãng, huyện Hà Quảng), gồm 30 đội viên người Mông, sau đó được thành lập tại Tắp Ná. Từ tháng 5/1943, các tổng Việt Minh Hoàng Diệu, Trọng Con, Tranh Đấu, Tri Phương, Lê Lợi, Hy Sinh, Văn Định lần lượt được thành lập. Tháng 9/1943, Khu Việt Minh Thiện Thuật được thành lập do đồng chí Dương Kim Đao (người Mông) làm Chủ nhiệm. Tiếp đó đến tháng 11/1943, khu Việt Minh Quang Trung được thành lập do đồng chí Lý Văn Thượng (người Dao) làm Chủ nhiệm.

Nhìn chung, trong thời kỳ này, ở Cao Bằng, phong trào Việt Minh phát triển một cách đồng loạt và vững chắc trong phạm vi toàn tỉnh, từ vùng thấp tới vùng cao, bao trùm đủ các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao. Từ Cao Bằng, phong trào Việt Minh bắt đầu lan tỏa rộng khắp, ăn sâu, bám rễ sang các vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, giữa năm 1943, Hội nghị đại biểu của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn được triệu tập tại thành Nhà Mạc (xã Hồng Việt, châu Hòa An, tỉnh Cao Bằng) để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả phong trào Việt Minh ở cả ba tỉnh. Hội nghị đi đến kết luận cho rằng phong trào ở cả ba tỉnh đều đã phát triển nhanh chóng và vững chắc, căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đang được hình thành, đòi hỏi phải tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, Hội nghị nhất trí cử ra Ban Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng; quyết định thành lập Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng gồm 8 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí. Sau một thời gian, quyết định thành lập Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Khoảng cuối năm 1943, đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) được cử giữ chức Bí thư Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và Chủ nhiệm Ban Việt Minh liên tỉnh.

Đào tạo cán bộ , phong trào “Nam tiến”

Từ lớp huấn luyện cho 40 cán bộ Cao Bằng tại Tịnh Tây (Trung Quốc), khi trở về nước, tại Pác Bó và làm việc với Tỉnh uỷ Cao Bằng tại Lam Sơn (châu Hòa An), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nhằm vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài, cả cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942, đã đào tạo được trên 300 cán bộ Việt Minh. Số cán bộ này được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cán bộ Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Tháng 02/1943, tại Lũng Hoài (xã Hồng Việt, châu Hòa An) diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và đại biểu Cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào, chủ động chuẩn bị đón thời cơ mới. Theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị bàn việc mở rộng phong trào “Nam tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang.

Vào mùa hè năm 1943, cuộc “Nam tiến” được thực hiện

Tuyến thứ nhất (goi là Nam tiến) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Kim Mã (một địa điểm thuộc châu Nguyên Bình) vượt qua châu Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) nhằm thẳng hướng Nam mà tiến và đã gặp cánh quân của Cứu quốc quân Bắc Sơn vào tháng 11/1943 tại xã Nghĩa Tá (châu Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), tuyến này chia ra các đội tỏa đi các địa phương.

Tuyến thứ hai (gọi là Đông tiến) nhằm hướng Đông Nam tiến qua châu Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) để chắp nối với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và thông suốt đến Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Đội vừa gây dựng cơ sở ở các vùng đi qua, vừa có những hoạt động quân sự phối hợp như trừng trị bọn tay sai phản động có nhiều nợ máu, đánh đồn Bản Trại, phá kho muối chia cho nhân dân.

Tuyến thứ ba (gọi là Tây tiến) từ Cao Bằng sang Hà Giang, Tuyên Quang do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách đã nhanh chóng vượt qua châu Bảo Lạc sang Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).

Phong trào xung phong Nam tiến phát triển rầm rộ trên địa bàn Cao Bằng. Hàng trăm cán bộ, nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình, tự sắm sửa vũ khí tham gia vào các đội Nam tiến. Các lớp học cấp tốc được mở tại nhiều nơi, đào tạo hàng trăm cán bộ đáp ứng yêu cầu cho riêng tuyến đường Nam tiến. Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến, mỗi đội được phân công một địa phương hoạt động. Đây là một thắng lợi rất lớn trong việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng theo sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kết quả của phong trào Nam tiến đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai; sau đó, từ cơ sở cách mạng ở Chợ Chu (Thái Nguyên) đã thiết lập được đường dây liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc được gắn liền với phong trào cả nước.

Phong trào học văn hóa, xóa nạn mù chữ

Một nét nổi bật của công cuộc xây dựng căn cứ địa Cao Bằng là cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, phong trào học văn hóa, xóa nạn mù chữ cũng được đẩy mạnh. Mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhiệm vụ cách mạng cấp bách, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu của đồng bào các dân tộc thấp, song do sự nỗ lực hoạt động của các đồng chí cán bộ, đảng viên cả Trung ương và địa phương, phong trào học tập văn hóa ở Cao Bằng từ năm 1941 đến năm 1943 diễn ra sôi nổi, mạnh nhất là các vùng Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Ở các xã “Việt Minh hoàn toàn” như: Trường Hà, Nà Sác, Đào Ngạn đã mở các lớp học. Ở Ngàm Giảo (xã Nà Sác, châu Hà Quảng) có đến 100 học viên tham gia học tập, được phân thành nhiều nhóm, dạy và học theo buổi (chủ yếu vào buổi trưa và buổi tối). Nội dung học tập không chỉ là học chữ, học toán... mà còn học thơ ca cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng và Chương trình, Điều lệ, chính sách của Mặt trận Việt Minh. Tại Pác Bó, trong năm 1941, đã mở 6 lớp huấn luyện với trên 120 học viên; trong năm 1943, mở được 11 lớp, đào tạo được hơn 200 học viên.

Ngày 01/01/1943, tại Bản Hoong (xã Trường Hà, châu Hà Quảng) đã tổ chức Đại hội học sinh, thu hút hơn 1.000 học viên từ các nơi trong tỉnh đến dự. Đại hội đã tổ chức thi văn hóa, chính trị, quân sự, thể thao; nhiều phần thưởng được trao cho các thí sinh đạt thành tích cao trong các môn thi. Cơ quan báo Việt Nam độc lập đã gửi tặng Đại hội một lá cờ đỏ thêu 4 chữ vàng “Gieo mầm văn hóa”. Đại hội học sinh là một biểu hiện cụ thể cho sự phát triển của phong trào văn hóa của căn cứ địa Cao Bằng, đồng thời là một biểu hiện sinh động cho tinh thần, khí thế cách mạng đang dâng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Từng bước xây dựng lực lượng vũ trang - Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời

Xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng được xác định là một trong những vấn đề tất yếu, then chốt chuẩn bị cho việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ khi chuẩn bị về nước hoạt động đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Ngay khi về Pác Bó, trong khi trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra nhiệm vụ gấp rút tổ chức lực lượng vũ trang, bắt đầu từ việc xây dựng các đội tự vệ, tìm kiếm vũ khí. Người chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Cao Bằng phải nhanh chóng “chọn những người tốt nhất để tổ chức thành đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, Việt Minh phát triển đến đâu là ở đó phải xây dựng tự vệ chiến đấu, các đội Nam tiến phát triển đến đâu thì xây dựng, củng cố tự vệ và tự vệ chiến đấu đến đó nhằm bảo vệ nhân dân ở các thôn, xóm, bản làng chống kẻ địch khủng bố.

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang. Từ tháng 6/1941 đến tháng 10/1944, Cao Bằng đã chọn cử 68 cán bộ và hội viên cứu quốc tích cực ở châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình theo học các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc). Đây là những hạt nhân quan trọng đầu tiên của lực lượng vũ trang ở Cao Bằng, cũng như của căn cứ địa cách mạng Cao - Bắc - Lạng và toàn Khu giải phóng Việt Bắc trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Tháng 11/1941, tại Pác Bó, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập đội du kích tập trung đầu tiên1 (còn gọi là Đội du kích Pác Bó). Đội được trang bị 2 súng thập, 2 súng lục, 1 súng bát, 2 súng trường, với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, võ trang tuyên truyền trong quần chúng, giúp việc huấn luyện tự vệ chiến đấu.

Công tác đào tạo cán bộ quân sự tại chỗ cũng được xúc tiến khẩn trương. Từ cuối năm 1941, các lớp huấn luyện quân sự cho các cấp từ xã, châu, tổng đến tỉnh đã được gấp rút tổ chức. Lớp huấn luyện quân sự đầu tiên được tổ chức vào cuối năm 1941 tại Pác Bó do các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm phụ trách. Lớp chia làm ba khóa, đào tạo được trên 100 học viên. Sau đó, nhiều lớp huấn luyện quy mô, thường được gọi là các lớp quân chính, được mở liên tiếp ở Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng. Nội dung huấn luyện bao gồm những tư tưởng chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật chiến đấu, những kiến thức cơ bản trong việc sử dụng vũ khí. Các học viên sau khi đào tạo, được phân công về mở các lớp huấn luyện cho các châu, xã trong toàn tỉnh, đóng góp một phần to lớn trong việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ở Cao Bằng.

Từ cuối năm 1942, theo đà phát triển của Việt Minh, phong trào luyện tập quân sự trở nên sôi nổi trong toàn tỉnh. Đầu năm 1943, các xã thuộc châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đều có các đội tự vệ thường và đội tự vệ chiến đấu. Tháng 8/1943, Châu uỷ Hà Quảng đã tổ chức một cuộc diễn tập quân sự tại Sĩ Điếng (xã Nà Sác), với hơn 100 tự vệ tham gia. Một cuộc diễn tập với quy mô lớn hơn, có tới 1.000 tự vệ tham gia, đã được tổ chức tại Hòa An vào cuối năm 1943. Tháng 3/1944, châu Hà Quảng thành lập một trung đội vũ trang thoát ly với gần 50 đội viên, do đồng chí Dương Đại Lâm làm Đội trưởng. Châu Hòa An cũng thành lập được một trung đội do đồng chí Nguyễn Thế Đỗ làm Trung đội trưởng. Khu Thiện Thuật của đồng bào Mông có một trung đội do đồng chí Cao Lý làm Trung đội trưởng. Lần lượt ở các xã Tam Kim, Hưng Đạo, Hoa Thám, Minh Tâm (châu Nguyên Bình)... cũng đã thành lập được tiểu đội vũ trang. Các đơn vị này đã tổ chức những trận đánh phục kích bọn lính đi lùng sục, ngăn chặn các cuộc khủng bố của địch, diệt trừ những tên phản động có nhiều nợ máu, bảo vệ cơ sở cách mạng và tài sản của nhân dân.

Việc phát triển các đơn vị vũ trang trong toàn tỉnh đặt ra yêu cầu ngày càng lớn về vũ khí để trang bị cho các đơn vị. Thực hiện chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về sửa soạn tổng khởi nghĩa, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã chỉ đạo thành lập “xưởng sản xuất vũ khí” tại vùng núi Lam Sơn (châu Hòa An) gọi là “Lò rèn lô cốt đỏ”.

Xưởng đã sản xuất được một số bộc phá, lựu đạn thô, chữa súng, rèn dao, kiếm, mác để trang bị cho lực lượng vũ trang của tỉnh. Đồng thời, các cơ sở đảng, các đoàn thể cứu quốc còn động viên lực lượng tự vệ du kích tích cực đánh địch, lấy súng địch bắn địch và phát động phong trào góp tiền mua sắm vũ khí. Nhiều người đã bán cả ruộng, vườn, quần áo, tư trang để mua vũ khí tham gia tự vệ. Phong trào tự sắm sửa vũ khí, hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang là một biểu hiện cụ thể của tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, tạo điều kiện cho Đảng bộ xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, chuẩn bị vùng lên phát động nhân dân giành chính quyền khi thời cơ đến. Chính sự ra đời của lực lượng vũ trang Cao Bằng bao gồm các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, các đội du kích tập trung ở các châu, tổng trong giai đoạn này đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào tháng 12/1944, mở đầu trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuối tháng 10/1944, sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về đến xã “đỏ” Nà Sác (châu Hà Quảng). Tại đây, Người nghe báo cáo về chủ trương khởi nghĩa do Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng vạch ra. Người đã chỉ thị cho hoãn lại chủ trương khởi nghĩa, thay vào đó là thành lập một đội quân giải phóng.

Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đúng 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể trong khu rừng Slam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tham dự buổi lễ có đại diện Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và đông đảo đại biểu nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.

Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp - người được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tuyên bố thành lập Đội và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Đội đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự, thể hiện lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỷ luật cao của một quân đội cách mạng. Lúc mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm có 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của đội, có 25 người là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (trong đó có đồng chí Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch).

Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Đây là đơn vị vũ trang chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh hiện nay. Từ đó, ngày 22/12/1944 trở thành một ngày hội, ngày kỷ niệm lịch sử rất vẻ vang của quân và dân ta.

Sự kiện Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại tỉnh Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã khẳng định tinh thần yêu nước mãnh liệt và cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tổ chức đánh tiêu diệt gọn đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, châu Nguyên Bình), bắt toàn bộ sĩ quan và binh lính địch, thu toàn bộ vũ khí. Sáng ngày 26/12/1944, Đội tiếp tục tiêu diệt gọn đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám, châu Nguyên Bình). Hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đầu ra quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ đạo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, mở ra truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tiếp đó, vào đêm mùng 04, rạng sáng ngày 05/02/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tấn công đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, châu Bảo Lạc). Trận đánh diễn ra ác liệt từ 11 giờ đêm mùng 04 đến 3 giờ sáng ngày 05/02/1945. Quân ta đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu 5 khẩu súng và một số đạn dược khác. Đồng chí tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, châu Hà Quảng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thời kỳ phong trào cách mạng cả nước, đặc biệt là phong trào cách mạng ở Cao Bằng đang phát triển mạnh mẽ thì Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ác liệt, quân Đồng minh giành thắng lợi trên nhiều mặt trận. Lúc đó, nhiều tù chính trị Việt Nam bị biệt giam ở Mađagaxca (châu Phi) đang đấu tranh chống chiến tranh. Trước sự đấu tranh thống nhất và kiên quyết, thực dân Anh phải đồng ý cho các tù chính trị về nước hoạt động chống phát xít, để thu thập tin tức và làm hạt nhân phát triển phong trào chiến tranh du kích chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của quân Đồng minh đánh lại phát xít Nhật ở Việt Nam. Để tranh thủ các lực lượng, quân Anh đã chọn 7 tù chính trị, trong đó có đồng chí Hoàng Đình Giong và Dương Công Hoạt được đưa đến Ấn Độ huấn luyện.

Tháng 10/1943, quân Anh chỉ cho đồng chí Hoàng Đình Giong từ Ấn Độ về Việt Nam. Sau khi bí mật liên lạc, gặp đồng chí Lã, Bí thư Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và đồng chí Vũ Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng (đại diện Trung ương bên cạnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) chỉ đạo phong trào tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng ở cơ quan Liên Tỉnh uỷ đặt tại vùng núi Lam Sơn, đồng chí Hoàng Đình Giong báo cáo với Trung ương Đảng về chủ trương lợi dụng Đồng minh để trở về nước hoạt động. Sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch, đồng chí Hoàng Đình Giong lại lên đường làm nhiệm vụ. “Khi ông (Hoàng Đình Giong) chuẩn bị trở lại Ấn Độ, cũng là lúc Bác Hồ bị Tưởng Giới Thạch bắt, nên đại diện Trung ương Đảng ta giao nhiệm vụ cho Hoàng Đình Giong đưa yêu sách nhờ Đảng Cộng sản Ấn Độ gây dư luận để làm áp lực, buộc quân Tưởng thả Bác”. Sau khi trở lại Ấn Độ, đồng chí Hoàng Đình Giong và các đồng chí được quân Anh tiếp tục huấn luyện và đến tháng 10/1944, đồng chí Hoàng Đình Giong được chúng đưa về nước bằng máy bay.

Như vậy là nhờ sự đấu tranh khéo léo và cương quyết, dựa vào phương tiện của người Anh, đồng chí Hoàng Đình Giong và các chiến sĩ cách mạng đã trở về nước an toàn, mang theo về cho cách mạng phương tiện thông tin, vũ khí, thuốc chữa bệnh..., chỉ có vài lần liên lạc với trung tâm chỉ huy của quân Anh ở Cancútta để họ thả hàng tiếp tế theo kế hoạch. Sau đó, tất cả đều nhanh chóng cùng toàn Đảng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa khi thời cơ đến và hoà nhập vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cơ quan tình báo Anh cho rằng, “họ đã thả hổ về rừng”.

Cuối năm 1944, phong trào cách mạng càng phát triển mạnh mẽ, việc tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế, nhất là lực lượng Đồng minh do Mỹ phụ trách đang ở Côn Minh (Trung Quốc), là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng điều kiện cần và đủ để thực hiện chủ trương đó là một vấn đề lớn. Đúng thời điểm đó (tháng 11/1944), Mặt trận Việt Minh cứu thoát Trung úy phi công Sao (Shaw) sau khi nhảy dù xuống Cao Bằng do máy bay bị hỏng và đang bị quân Nhật lẫn quân Pháp truy lùng ráo riết. Việc quân, dân Cao Bằng cứu được phi công Mỹ là một trong những điều kiện để đầu năm 1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh lên đường đi Côn Minh thực hiện sứ mệnh của mình với “quà tặng” đặc biệt với Mỹ là Trung úy phi công Sao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến đầu tháng 3/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thiết lập được quan hệ với Mỹ và được Mỹ trợ giúp ngay sau cuộc gặp.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, thành lập Mặt trận Việt Minh đã tạo bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Cao Bằng vốn có phong trào phát triển liên tục và khá vững mạnh, trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng chuẩn bị, đón thời cơ, cùng đồng bào cả nước tiến lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công.

2. Phong trào cách mạng ở Cao Bằng từ ngày 09/3/1945 đến trước ngày giành chính quyền

Đầu năm 1945, trong lúc khí thế cách mạng của nhân dân ta đang sôi sục trong cả nước thì một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng nổ ra. Tối ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp nhanh chóng đầu hàng. Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ khác.

Với việc hất cẳng Pháp ở Đông Dương, phát xít Nhật trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta. Trước bối cảnh lịch sử mới, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, họp tại Từ Sơn (Bắc Ninh) từ ngày 09 đến ngày 12/3/1945, đã ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị trở thành hiệu lệnh cho phong trào khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và nhanh chóng được chuyển đến các nơi trong toàn quốc.

Tại Cao Bằng, từ đêm 11/3/1945, một bộ phận quân Nhật ở Vườn Cam (thị xã Cao Bằng) đã bí mật tiêu diệt tên lính gác ở đầu cầu sông Hiến rồi tiến vào đánh chiếm Nguyên Bình và khu mỏ Tĩnh Túc. Ngày 13/3/1945, chúng cho một bộ phận quay ra, phối hợp với cánh quân từ Lạng Sơn lên đánh chiếm thị xã Cao Bằng. Sau khi chiếm được thị xã, chúng lần lượt mở rộng đánh chiếm các châu Hòa An, Phục Hòa, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hạ Lang, Trấn Biên. Đến đầu tháng 4/1945, quân Nhật đã chiếm được một số vùng trọng yếu của tỉnh nhưng chúng không nắm được dân, không giữ được đất, chỉ đóng đồn ở thị xã, thị trấn để làm chỗ dựa lùng sục cướp bóc tài sản của nhân dân.

Sau khi đánh chiếm được thị xã và những vị trí trọng yếu, phát xít Nhật củng cố chỗ đứng chân của chúng. Ở thị xã, Nhật sử dụng tên Bố chánh làm Tỉnh trưởng, lập ra cái gọi là “Tỉnh chính phủ” làm chỗ dựa chính trị. Về quân sự, chúng thành lập các đơn vị bảo an, lập ra Sở Liêm phóng và Đội cảnh sát. Chúng khuyến khích, trợ lực cho việc lập Đảng Đại Việt, bên cạnh đó còn có “Thanh niên bảo an đoàn” có nhiệm vụ cứu thương, cứu hỏa, cứu nạn, bảo đảm giao thông và làm cái loa tuyên truyền cho thuyết “Đại Đông Á”. Ở một số châu như Trấn Biên, Phục Hòa..., bọn Nhật cũng lập chính quyền bù nhìn tay sai.

Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình trong cả nước, cũng như ở các địa phương trong tỉnh, quán triệt Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, giữa tháng 3/1945, Ban Thường vụ Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng triệu tập Hội nghị tại khu căn cứ Lam Sơn (châu Hòa An) để quán triệt những tinh thần của chỉ thị. Hội nghị đã ra Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng:

- Nhân lúc này, lập tức đánh đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở vùng nông thôn, tùy điều kiện cụ thể ở từng nơi mà thành lập chính quyền cách mạng ở cấp xã, cấp châu và cấp tỉnh, kiên quyết bảo vệ chính quyền của ta vừa giành được từ tay đế quốc Pháp.

- Phân công cán bộ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân về các địa phương cùng các đội vũ trang sở tại tổ chức lực lượng trực tiếp đánh Nhật.

- Không tập kích vào quân đội Pháp khi chúng tháo chạy, mà kêu gọi họ cùng ta đánh Nhật, hoặc ở mức độ thấp hơn, trao vũ khí cho ta để đánh phát xít.

- Tiến hành bao vây kinh tế địch, thực hiện triệt để “vườn không nhà trống”, phá hoại đường sá, cầu cống, cắt đứt liên lạc của địch.

Thực hiện Nghị quyết của Liên Tỉnh uỷ, các địa phương ở Cao Bằng đã tiến hành bao vây kinh tế địch, thực hiện “vườn không nhà trống”, “không một hạt thóc cho Nhật” một cách triệt để. Nông dân cất giấu lương thực, thực phẩm, không bán lương thực, thực phẩm ở chợ. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội Nhật và tay sai ở các thị trấn, thị xã đều hết sức khốn đốn vì thiếu lương thực, thực phẩm. Về chính trị, ta chủ trương phá âm mưu lập chính phủ bù nhìn, những tổ chức tay sai phản động như “Đảng Đại Việt”, “Thanh niên bảo an đoàn”... của phát xít Nhật bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vạch trần những luận điệu mị dân của chúng, từng bước lôi kéo các công chức trong bộ máy chính quyền địch ngả về phía cách mạng. Về quân sự, ta vừa đánh vừa dụ hàng; đánh ở những nơi chúng ngoan cố, vừa đánh vừa thuyết phục Pháp cùng ta đánh Nhật, lực lượng vũ trang Cao Bằng đã phối hợp với các lực lượng khác liên tục tiến công các đồn Pháp, bao vây các tàn binh Pháp tháo chạy để dụ hàng và thu súng. Ở châu Hà Quảng, ta thu được hơn 800 khẩu súng các loại; ở châu Bảo Lạc, ta thu được hơn 700 súng các loại, 32 lừa, ngựa... Riêng súng, ta thu được trên 4.000 khẩu và nhiều quân trang, quân dụng khác. Với số vũ khí này, các lực lượng vũ trang của ta được trang bị thêm, đủ sức đánh Nhật và giữ vững chính quyền cách mạng vừa giành được, đồng thời có điều kiện chi viện cho các tỉnh khác, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, các Châu uỷ và Ban Việt Minh châu đã lãnh đạo lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân tỉnh Cao Bằng nhất loạt nổi dậy giành chính quyền từ xã, châu đến tỉnh.

Tại châu Hà Quảng, đêm 11/3/1945, lực lượng cách mạng bao vây châu lỵ, vận động bọn lính dõng, buộc chúng phải đầu hàng, ta thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Sáng hôm sau, đại đội vũ trang của quần chúng cách mạng tiến hành bao vây đồn Sóc Giang. Vừa bao vây, vừa kêu gọi, cuối cùng địch phải hạ vũ khí đầu hàng. Ngày 13/3/1945, tại châu lỵ Hà Quảng, diễn ra cuộc míttinh có hơn 2.000 người, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, lập ra Uỷ ban nhân dân lâm thời của cách mạng.

Tại châu Hòa An, sau khi quân Pháp tháo chạy và quân Nhật chiếm châu lỵ, hệ thống chính quyền cũ từ châu đến xã đều tan rã. Lực lượng vũ trang của quần chúng cách mạng liên tiếp nổi dậy tiến đánh các đồn còn lại, chiếm các kho thóc của địch ở Nước Hai, Cao Bình, Mỏ Sắt..., tước vũ khí của bọn Pháp và lính dõng, tổ chức các cuộc míttinh quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời các xã. Ngày 14/6/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu được thành lập tại Khuổi Áng, xã Hào Lịch (nay thuộc xã Hoàng Tung).

Tại châu Nguyên Bình, từ sau ngày 09/3/1945, ta đã phá hầu hết bộ máy chính quyền địch (trừ hai xã Hoành Mô và Thể Dục) lập ra Uỷ ban nhân dân lâm thời các xã. Ban Việt Minh châu đảm nhiệm chức năng chính quyền trong lúc uỷ ban nhân dân chưa được thành lập, giải quyết mọi công việc của xã hội, tổ chức và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ vững mạnh để kháng Nhật, cứu nước.

Tại châu Quảng Uyên, dưới sự hướng dẫn của Ban Việt Minh châu, nhiều cán bộ về các xã tiến hành xóa bỏ chính quyền địch và thành lập chính quyền cách mạng. Điển hình là các cuộc khởi nghĩa diễn ra đầu tiên ở tổng Lực Nông (ngày 15/3/1945) và tổng Lạc Giao (ngày 16/3/1945), tổng cộng có 12 xã giành được chính quyền về tay cách mạng. Tổng Ngưỡng Đồng gồm 6 xã và tổng Bình Lăng gồm 5 xã đã lần lượt nổi lên phá tan chính quyền địch.

Quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của các đoàn thể Việt Minh kéo đến bao vây phá các kho thóc của địch, một phần chia cho dân nghèo, một phần cho lực lượng vũ trang sử dụng. Đồng thời, đi thu các bằng sắc, dấu đồng, sổ sách đinh điền của bọn tổng lý, nhanh chóng đi thu súng của bọn lính dõng và binh lính Pháp bại trận. Đến tháng 5/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu được thành lập, lãnh đạo phong trào kháng Nhật cứu nước.

Tại châu Trùng Khánh, lực lượng vũ trang quần chúng cách mạng đã phối hợp với Đội giải phóng quân do Tỉnh uỷ cử vào, tiến hành tước vũ khí của bọn lính Pháp, tiễu phỉ và diệt trừ bọn tay sai phản động địa phương. Ngay từ khi Nhật đảo chính Pháp, ở 16/23 xã có Ban Việt Minh xã, đã tổ chức các cuộc míttinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch, lập ra chính quyền cách mạng. Cuối tháng 7/1945, Ban Việt Minh châu Trùng Khánh được thành lập lãnh đạo nhân dân kháng Nhật cứu nước.

Tại châu Bảo Lạc, nằm trên đường Tây tiến thuộc khu Việt Minh Thiện Thuật của dân tộc Mông, có phong trào Việt Minh phát triển từ những năm 1942-1943, giữa năm 1944, đã có Ban Việt Minh châu trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau Nhật đảo chính Pháp, chính quyền địch ở các xã lần lượt bị tan rã. Lực lượng vũ trang khu Thiện Thuật cùng với lực lượng cách mạng của quần chúng nổi dậy đánh chiếm đồn Bảo Lạc, Đồng Mu, chặn đánh và thuyết phục tàn quân địch. Ngày 04/7/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu được thành lập ở Đồng Mu, tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiễu phỉ, quét bọn phản động địa phương, củng cố xây dựng chính quyền cách mạng.

Tại châu Hạ Lang, từ năm 1942, đã có cơ sở Việt Minh phát triển ở một số vùng Bằng Ca, các xã Kim Loan, An Lạc... nhưng sau khi chính quyền Pháp bị sụp đổ cũng chưa thành lập chính quyền cách mạng vì bọn phỉ Lường Sắn Sình và bọn phản động địa phương chống phá cách mạng quyết liệt. Tháng 6/1945, khi lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang châu Trùng Khánh và tự vệ địa phương tiến công tiêu diệt bọn phản động, đánh đuổi bọn phỉ Lường Sắn Sình ra khỏi địa bàn quê hương, thì phong trào Việt Minh phát triển nhanh chóng, khí thế cách mạng ngày càng mạnh mẽ, các Ban Việt Minh và chính quyền cách mạng ở cơ sở thành lập, tạo đà cho việc thành lập uỷ ban nhân dân sau này.

Châu Thạch An là nơi có con đường Đông tiến đi qua nên phong trào Việt Minh phát triển sớm, Ban Việt Minh các xã ra đời sớm. Ngày 12/3/1945, khi Nhật đánh Pháp ở Đông Khê, hệ thống chính quyền thực dân Pháp nhanh chóng bị sụp đổ, Nhật chưa thành lập được chính quyền bù nhìn. Thời cơ có một không hai đã đến, Ban Việt Minh châu đã nhanh chóng lãnh đạo các đội vũ trang chiếm đồn, đồng thời tổ chức míttinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ của thực dân Pháp và tay sai phản động, thành lập chính quyền cách mạng châu.

Tại châu Phục Hòa, từ ngày 14/3/1945, khi quân Nhật từ Thuỷ Khẩu (Trung Quốc) vào đánh chiếm đồn Pháp ở Tà Lùng, rồi châu lỵ Phục Hòa, chính quyền địch hoàn toàn bị tan rã, chính quyền cách mạng ở một số xã, tổng được thành lập, trước hết là ở các xã Tiên Thành và Hồng Đại để điều hành mọi công việc của địa phương. Từ các xã ấy trở thành các trung tâm căn cứ cách mạng tỏa ra khắp toàn châu, làm bàn đạp cho cuộc kháng Nhật, diệt phỉ và diệt trừ phản động địa phương.

Thị xã Cao Bằng là nơi tập trung quân đội Nhật và bọn phản động tay sai, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, bị giặc Nhật kiểm soát gắt gao. Nhưng cơ sở Việt Minh vẫn bí mật tìm mọi cách hoạt động, các Ban Việt Minh xã, khu phố được thành lập lãnh đạo nhân dân chống Nhật và chính quyền bù nhìn. Truyền đơn được rải ở các khu phố, vận động thanh niên trốn phu, chống bắt lính, tìm cách lôi kéo một số công chức đang làm việc trong bộ máy địch về với cách mạng. Các đoàn thể cứu quốc ở các khối phố, các thôn, xóm ngoạ i thị và khu Nước Giáp hoạt động công khai. Quân Nhật khi mới đặt chân tới thị xã đã bị quân ta đánh ngay một trận phủ đầu và bước đầu ta thu được thắng lợi. Cơ sở Việt Minh khu Nước Giáp là cơ sở bí mật tập kết của quân ta chuẩn bị tiến công đánh Nhật.

Tại căn cứ địa của tỉ nh ở khu Lam Sơn (châu Hòa An), ngày 15/6/1945, đã tổ chức Đại hội đại biểu tại Dẻ Đoóng (xã Hồng Việt). Đại hội đã bầu ra Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh gồm 10 đồng chí do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Chủ tịch. Đông đảo quầ n chúng nhân dân đã mang theo cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, biểu ngữ tới dự lễ tuyên bố và chào mừng việc thành lập chính quyền cách mạng tỉnh. Sự thành công của Đại hội là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự thắng lợi của khởi nghĩa từng phần, là tiền đề thúc đẩy phong trào kháng Nhật, cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Tính đến cuối tháng 5/1945, trừ tỉnh lỵ và một số châu lỵ đang bị quân Nhật chiếm đóng, một số địa phương thuộc các châu biên giới đang bị bọn phản động, thổ phỉ khống chế, nhìn chung, vùng nông thôn Cao Bằng đã được giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập. Các ban Việt Minh xã, tổng, châu đều ra hoạt động công khai; mọi sắc thuế do thực dân Pháp đặt ra bị bãi bỏ.

Chính quyền lâm thời tỉnh Cao Bằng vừa mới ra đời đã phải gánh vác ngay trách nhiệm nặng nề là tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật cứu nước. Các cấp bộ đảng trong tỉnh đã phát động trong quần chúng nhân dân một phong trào kháng Nhật rộng rãi, triệt để; đồng thời chú ý xây dựng, phát triển lực lượng ngay tại những nơi bị địch chiếm đóng. Đối với vùng giải phóng, các cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo và quan tâm động viên nhân dân củng cố, phát triển lực lượng về mọi mặt. Ở một số xã thuộc châu Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Trấn Biên, Phục Hòa, Hạ Lang, việc xây dựng chính quyền cách mạng được tiến hành song song với quá trình tiễu trừ phỉ. Đây cũng là bước chuẩn bị, tập dượt cuối cùng để bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa nhằm quét sạch quân thù ra khỏi quê hương.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, ngày 02/5/1945, Hồng quân Liên Xô chiếm được Béclin, phát xít Đức bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước nhiệm vụ mới của lịch sử, Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đại bản doanh cách mạng Việt Nam từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung và gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho giành chính quyền cách mạng trên cả nước. Cuộc hành trình lịch sử này được Người chuẩn bị chu đáo ngay từ khi vừa đến Pác Bó vào tháng 01/1941, với chủ trương từ Cao Bằng, phong trào cách mạng phải phát triển xuống phía Nam, lan rộng ra toàn quốc.

Sáng ngày 04/5/1945, trước lúc lên đường, Lãnh tụ Hồ Chí Minh tập hợp toàn đoàn công tác gồm trên 30 người (trong đó tiểu đội bảo vệ có 12 người1) tại Khuổi Nặm để huấn thị, phổ biến quán triệt những kỷ luật trong khi hành quân, các hiệu lệnh khi gặp địch, những phương án đối phó của đoàn. Hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào được chia thành hai chặng: chặng thứ nhất đi từ Pác Bó đến Lam Sơn (châu Hoà An) nghỉ lại vài ngày để Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm việc với cơ quan Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng về việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Chặng thứ hai, sáng ngày 09/5/1945, đoàn rời khu căn cứ Lam Sơn (châu Hoà An) tiếp tục hành trình đến bản Pác Phiêng (xã Hoàng Tung, châu Hoà An), Người dừng lại ít phút để nói chuyện, cảm ơn nhân dân đã ra tiễn đưa đoàn. Đoàn đi qua nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Kạn, rồi đến tỉnh Tuyên Quang. Vượt qua trên 400 km đường rừng trèo đèo, lội suối, gian nan, vất vả, gặp không ít hiểm nguy nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự che chở, đùm bọc của nhân dân các dân tộc Cao Bằng và các tỉnh trong khu Việt Bắc, chuyến đi mang ý nghĩa lịch sử của Lãnh tụ Hồ Chí Minh di chuyển đại bản doanh chỉ đạo cách mạng Việt Nam từ Pác Bó đến Tân Trào đã đạt được những kết quả như mong đợi. Sau gần 20 ngày hành quân đi bộ từ Cao Bằng, ngày 22/5/1945, cả đoàn tới Tân Trào, Tuyên Quang gấp rút chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội, góp phần quyết định đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi.

Trước sự phát triển nhanh chóng của lực lượng và phong trào cách mạng, do yêu cầu của việc xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị phải xây dựng Việt Bắc thành Khu Giải phóng. Chấp hành chỉ thị của Người, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị đại biểu 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái, chính thức thành lập Khu Giải phóng, đặt dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban chỉ huy lâm thời và được xây dựng vững chắc về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Khu Giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Khu Giải phóng vừa trải ra trên một vùng rộng lớn, vừa liên hoàn, với số dân khoảng 1 triệu người. Tân Trào trở thành Thủ đô của Khu Giải phóng Việt Bắc. Sự ra đời của Khu Giải phóng rộng lớn và liên hoàn, bao gồm một phần lớn tỉnh Cao Bằng, đánh dấu một bước tiến mới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, tạo ra những điều kiện đầy đủ để nhân dân ta tiến tới giành chính quyền.

3. Giành chính quyền ở các huyện và thị xã Cao Bằng

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt để tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thì thời cơ xuất hiện. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ở Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung, quân Nhật hoang mang tan rã từng mảng. Nắm lấy thời cơ có một không hai đó, toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đúng 11 giờ đêm ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh cho Giải phóng quân, các lực lượng vũ trang tự vệ, chính quyền các cấp và toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) ra lời hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên làm cuộc khởi nghĩa, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do. Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, đã khai mạc Quốc dân Đại hội thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa của Uỷ ban khởi nghĩa và hiệu triệu toàn dân thực hiện một cách có kết quả mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; định ra quốc kỳ, quốc ca và cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng, còn gọi là Chính phủ lâm thời, do Lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đồng bào cả nước, quân và dân trong tỉnh đã nhất tề nổi dậy, dưới sự chỉ huy của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh được cấp tốc thành lập do đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Văn Tư) làm Trưởng Ban. Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh đã ra lệnh cho giải phóng quân, lực lượng vũ trang ở các châu và các đội du kích, đội tự vệ, cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt Nhật ở các châu lỵ và thị xã, trên các trục đường giao thông, tiêu diệt quân phát xít, các đội bảo an do Nhật tổ chức, bọn tay sai phản động thân Nhật còn sót lại, cướp súng địch để trang bị cho các đơn vị Giải phóng quân của tỉnh và châu.

Ở châu Hà Quảng, trong 03 ngày 17 - 19/8/1945, quân ta bao vây chặt đồn Nhật tại Sóc Giang, cắm cờ đỏ sao vàng xung quanh đồn địch, vừa uy hiếp, vừa kêu gọi chúng đầu hàng. Tối ngày 20/8/1945, quân Nhật bí mật xuyên rừng về Đôn Chương, ta truy kích gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải tháo chạy xuống Hòa An. Tại đây, quân Nhật bị ta đánh tan ở Nặm Thoong, Nà Lóa (xã Đức Long, châu Hòa An) diệt thêm 20 tên, thu 1 súng cối, 2 súng tiểu liên, 2 súng trường. Sáng ngày 21/8/1945, ta làm chủ đồn và châu lỵ, chính quyền cách mạng được thành lập chính thức ra mắt nhân dân.

Tại châu Hòa An, lực lượng cách mạng đã bao vây chặt đồn Nước Hai, cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế của địch. Ta đã cắm cờ đỏ sao vàng trên các mỏm đồi xung quanh đồn Nước Hai uy hiếp tinh thần địch. Ngày 19/8/1945, ta chặn đánh một toán bảo an từ trong đồn nống ra mưu toan nối lại đường dây liên lạc, diệt một số tên, thu vũ khí. Bọn sống sót phải tháo chạy về đồn.

Ngày 20/8/1945, một đại đội quân Nhật bí mật rút lui về thị xã bị ta chặn đánh ở Bản Sẩy, diệt 12 tên, thu 5 súng. Các lực lượng cách mạng tiếp tục khép chặt vòng vây, tấn công địch liên tục, buộc chúng phải bí mật rút khỏi đồn Nước Hai vào đêm 21/8/1945. Ta mở đợt truy kích địch, chặn đánh chúng ở Tả Lạn, Lăng Phja, Án Lại diệt nhiều tên, thu vũ khí, quân trang, quân dụng khác. Sáng ngày 22/8/1945, lực lượng vũ trang của châu chiếm đồn Nước Hai và châu lỵ Hòa An. Uỷ ban nhân dân lâm thời ra mắt nhân dân, châu Hòa An hoàn toàn giải phóng.

Tại châu Nguyên Bình, quân Nhật ở đồn Nguyên Bình và Tĩnh Túc hoang mang cao độ, buộc phải tháo chạy qua đèo Lê A về Bắc Kạn. Quân ta truy kích, chặn đánh nhiều trận, diệt nhiều tên, trong đó có 4 tên tay sai đắc lực của chúng, thu một số vũ khí. Đêm 21/8/1945, số bảo an còn lại tại đồn Nguyên Bình buộc phải hạ vũ khí, ta thu được gần 100 khẩu súng các loại. Sáng ngày 22/8/1945, ta tổ chức một cuộc míttinh của quần chúng, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, trừng trị bọn tay sai bán nước.

Ở thị trấn Tĩnh Túc, chi bộ Mỏ thiếc đã phối hợp với quần chúng nhân dân chuẩn bị lực lượng giành chính quyền. Sáng ngày 21/8/1945, một bộ phận lực lượng vũ trang từ Nguyên Bình vào Tĩnh Túc chuẩn bị thành lập chính quyền cách mạng. Chiều ngày 21/8/1945, tại thị trấn, ta đã tổ chức một cuộc mít tinh. Uỷ ban nhân dân lâm thời thị trấn Tĩnh Túc ra mắt quần chúng và tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng.

Ở châu Trùng Khánh, trước sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng nhân dân, Nhật đã bí mật rút chạy khỏi Trùng Khánh từ đêm 18/8/1945. Các lực lượng vũ trang địa phương vào chiếm ngay châu lỵ và truy quét bọn tay sai phản động. Ngày 19/8/1945, Ban Việt Minh châu đã tổ chức mít tinh mừng ngày giải phóng quê hương. Ngày 26/8/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu được thành lập và ra mắt nhân dân, cùng toàn dân xây dựng chính quyền mới.

Ở châu Quảng Uyên, khi nghe quân Nhật ở Trùng Khánh đã bại trận, quân Nhật hoang mang, dao động cực độ. Ngày 19/8/1945, quân Nhật đóng quân ở đồn Quảng Uyên rút về thị xã, bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đánh, truy quét; một bộ phận xông vào chiếm châu lỵ, chiếm đồn địch, tên Phủ Ích cùng bọn lính bảo an phải đầu hàng, ta thu toàn bộ vũ khí. Sáng ngày 20/8/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu đã tổ chức cuộc mít tinh lớn của quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật.

Tại châu Thạch An, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu đã được thành lập từ đầu tháng 7/1945 tại Bản Lủng (xã Danh Sĩ). Ngày 26/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, có hơn 1.000 người đến dự ở châu lỵ, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn thân Nhật, Uỷ ban nhân dân lâm thời ra mắt quần chúng.

Tại các châu Trấn Biên, Hạ Lang, Phục Hòa, Bảo Lạc, một số thổ phỉ và bọn phản động địa phương ngoan cố chống phá cách mạng, giành giật đất đai để chiếm giữ. Các đội vũ trang của tỉnh đã được điều động đến phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiễu trừ, truy quét chúng. Cuối năm 1945, chúng bị đánh đuổi ra khỏi biên giới, Uỷ ban nhân dân lâm thời các châu được thành lập.

Tại thị xã Cao Bằng - nơi trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh, tình hình phức tạp hơn. Trong khi lực lượng vũ trang giải phóng của ta truy quét giặc Nhật, tiễu trừ bọn phỉ ở các châu trong tỉnh thì những tàn quân Nhật khắp nơi dồn về thị xã cùng bọn đóng sẵn ở đây tìm cách cố thủ. Cùng lúc này, hàng vạn quân Tưởng, với danh nghĩa “Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật”, tràn vào biên giới tiến nhanh về thị xã nhằm thực hiện âm mưu tiêu diệt cộng sản dựng lên chính quyền tay sai thân Tưởng. Ngày 20/8/1945, quân Tưởng tràn qua các cửa ải Bình Mãng (thuộc châu Hà Quảng), Pò Peo (thuộc châu Trùng Khánh) và Tà Lùng (thuộc châu Phục Hòa).

Trong ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa của tỉnh ra mệnh lệnh: “Phải chiếm được thị xã trước khi quân Đồng minh kéo vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, chính quyền cách mạng của tỉnh phải sớm giành chủ quyền ở thị xã để giao thiệp với quân Đồng minh với tư cách là chủ”. Lúc này không khí tổng khởi nghĩa sục sôi, quân giải phóng siết chặt vòng vây chuẩn bị tiến công sào huyệt cuối cùng của quân Nhật. Bọn Nhật và tay sai hoang mang cực độ. Rạng sáng ngày 21/8/1945, được sự hỗ trợ của nhân dân, một bộ phận quân giải phóng của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy vượt sông Hiến tiến vào thị xã (tại khu Nước Giáp). Sáng ngày 21/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho tên quan hai Nhật cùng những tên tay sai đang cố thủ ở pháo đài yêu cầu đầu hàng và giao nộp vũ khí. Trước sức mạnh như vũ bão của quân cách mạng, 12 giờ trưa ngày 21/8/1945, quân Nhật và bọn tay sai chấp nhận đầu hàng không điều kiện, buộc phải đồng ý giao nộp cho Việt Minh pháo đài và kho vũ khí của Pháp mà chúng chiếm được. Ngay đêm hôm đó, quân Nhật bí mật rút lui theo quốc lộ số 3 về Bắc Kạn.

Sáng ngày 22/8/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh và thị xã tổ chức cuộc tuần hành trên đường phố để biểu dương lực lượng cách mạng, sau đó họp mít tinh tại chùa Phố Cũ tuyên bố xóa bỏ chính quyền của Nhật và bọn tay sai, thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời thị xã. Nhân dân thị xã Cao Bằng nhiệt liệt chào đón chính quyền cách mạng và Uỷ ban nhân dân lâm thời của tỉnh, thị xã ra mắt toàn dân. Đồng thời, ta cử một đoàn đại biểu thay mặt Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh giao thiệp với quân Trung Hoa Dân quốc (còn gọi là quân Tưởng Giới Thạch) theo quy chế Đồng minh, nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nền độc lập tự do mà dân tộc ta vừa giành được.

Ngày 22/8/1945, một ngày lịch sử đáng ghi nhớ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, ngày mà Cao Bằng sạch bóng quân phát xít Nhật, ngày cách mạng toàn thắng.

Đồng thời với việc tiến đánh Nhật ở các vị trí còn lại, tiễu trừ phỉ, truy quét bọn phản động tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng, chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều đội giải phóng quân tiến về Nam chi viện cho các tỉnh bạn thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa. Đầu tháng 7/1945, một tiểu đoàn giải phóng quân của Cao Bằng đã lên đường theo hướng Đông tiến về Tân Trào, trung tâm của Khu Giải phóng, góp sức vào cuộc kháng Nhật, cứu nước và thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trên đường đi, đơn vị đã giành được những chiến công oanh liệt tại Lạng Sơn và một số tỉnh khác, góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám tại các địa phương này. Sau ngày 23/9/1945, khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, mưu toan xâm lược nước ta một lần nữa, một đội quân khác của Cao Bằng, do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy lại lên đường vào Nam sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ giáng trả lại mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp.

Trong thời kỳ vận động đấu tranh giải phóng dân tộc, với sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng về nước để xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng; triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám và những quyết định quan trọng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Cao Bằng, đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng. Bởi vì, trong quá trình hoạt động cách mạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã “xây dựng được những nhân tố để bảo đảm thắng lợi cho cách mạng, cụ thể, Người đã:

1. Sáng lập Đảng.

2. Sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất.

3. Sáng lập lực lượng vũ trang.

4. Sáng lập chính quyền nhân dân.

Cao Bằng có vinh dự lớn đó là nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc sau 30 năm. Vinh dự này càng lớn hơn vì tại miền đất Cao Bằng này, Bác đã thực hiện ba sáng lập về sau để từ Cao Bằng lan tỏa ra toàn quốc”... Chính vì vậy, Cao Bằng trở thành trung tâm cách mạng của Việt Bắc và toàn quốc, nên nó có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thực hiện linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã chớp thời cơ thuận lợi, vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng chính quyền mới, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1