Cao Bằng thời Pháp thuộc: Đảng bộ tỉnh Cao Bằng được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng (1930-1940)
Lượt xem: 1849

1. Đảng bộ tỉnh Cao Bằng được thành lập, lãnh đạo nhân dân đấu tranh (1930-1935)

Cuối năm 1929, nhờ hoạt động tích cực và có kết quả dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận ở nước ngoài của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Hải ngoại Long Châu có nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước ra dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động giữa hai vùng biên giới. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/02/1930), Chi bộ Hải ngoại Long Châu chính thức trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1932, căn cứ yêu cầu của cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ đạo thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Bí thư Đảng bộ.

Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu năm 1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu đã cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An gồm 3 đồng chí: Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như), Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao), Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi) do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ Đảng làm nhiệm vụ như Ban Tỉnh uỷ lâm thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cũng tại cuộc họp thành lập chi bộ, các đồng chí đã đề ra hai nhiệm vụ hàng đầu là: tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc và ở thị xã; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống bắt phu vào ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng đã đánh dấu bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng, tạo nền móng vững chắc cho phong trào cách mạng và sự phát triển thành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng sau này. Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước, giành độc lập dân tộc của nhân dân các dân tộc Cao Bằng và nhân dân cả nước được đặt dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập ngày 01/4/1930 là một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại vùng miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc. Cũng từ Cao Bằng, thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh đã được Đảng điều về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, góp phần vào việc thành lập tổ chức đảng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữa lúc thực dân Pháp và toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa bước vào cuộc tổng khủng hoảng (1929-1933), thực dân Pháp càng ra sức áp bức, bóc lột nhân dân dưới mọi hình thức, tăng cường bắt lính chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm giành giật thị trường, vơ vét tài nguyên của các nước phụ thuộc và thuộc địa. Nền kinh tế Việt Nam vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, nay thêm sa sút, đẩy cuộc sống của nhân dân lao động đến chỗ cùng cực, công nhân thất nghiệp ngày càng đông, nông dân bị bần cùng nghèo đói. Do đó, mâu thuẫn giữa nhân dân với bọn đế quốc, thực dân Pháp thêm sâu sắc. Trước tình hình đó, Đảng đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn trong quần chúng.

Ở Cao Bằng, từ năm 1930 đến năm 1935, các cơ sở đảng tiếp tục được củng cố” và phát triển, nhiều chi bộ đảng mới được thành lập như: ngày 20/6/1930 thành lập Chi bộ xã Phúc Tăng (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An); ngày 10/10/1930 thành lập Chi bộ xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng); ngày 21/10/1930 thành lập Chi bộ mỏ thiếc Tĩnh Túc; ngày 20/6/1931 thành lập Chi bộ tại hang Phja Nọi (nay thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng); tháng 7/1931 thành lập Chi bộ Gia Cung, xã Ngọc Sinh, châu Hòa An (nay là phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng); ngày 08/3/1932 thành lập Chi bộ Cốc Coóc, xã Lạc Giao, châu Quảng Uyên (nay là xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa); ngày 03/02/1933 thành lập Chi bộ Phạc Sliến, xã Tung Cao (nay là xã Vân Trình, huyện Thạch An); ngày 15/11/1935 thành lập Chi bộ liên xã Gia Bằng - Kỳ Chỉ (nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình)... Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ thị của Chi bộ Hải ngoại Long Châu, Ban Tỉnh uỷ Cao Bằng đã lần lượt chọn cử nhiều thanh niên yêu nước ra nước ngoài học tập, dự các lớp huấn luyện của Đảng tại Long Châu.

Như vậy, từ một chi bộ đầu tiên được thành lập ngày 01/4/1930, đến năm 1935, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 châu (Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và mỏ thiếc Tĩnh Túc với số đảng viên trên 70 đồng chí. Sự phát triển đó đã tạo điều kiện, cơ sở vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy, tháng 7/1933, Ban Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; các ban Châu uỷ lần lượt được thành lập ở Hòa An (năm 1933), Hà Quảng (năm 1935).

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã xuất bản tờ báo Cờ Đỏ (Cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, tiền thân của báo Cao Bằng ngày nay) tại hang Tốc Rù (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An) và in các loại truyền đơn, khẩu hiệu... bí mật lưu truyền cả trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 1931, đầu năm 1932, những tổ chức Cộng sản đoàn đầu tiên ở các châu Hòa An, Hà Quả ng ra đời. Cũng trong năm 1931, “Công hội đỏ” - một tổ chức rộng rãi của giai cấp công nhân được thành lập tại khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Năm 1933, ở châu Hòa An xuất hiện tổ chức “Nông hội đỏ” với mục đích vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống bắt phu, đòi giảm thuế; sau đó phát triển sang các châu Hà Quảng, Nguyên Bình.

Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhanh chóng nhận thức rõ vai trò đấu tranh vũ trang và đã đề ra các biện pháp nhằm xây dựng lực lượng. Vì vậy, năm 1931, Đảng bộ đã cử bốn đồng chí đi học quân sự ở nước ngoài và năm 1932, thành lập tổ chế tạo mìn, lựu đạn ở vùng núi Lam Sơn (thuộc châu Hòa An) nhưng hoạt động còn hạn chế, vì thiếu nguyên vật liệu.

Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phong trào cách mạng từng bước tiến lên. Trong những năm 1932-1934, tại thị xã Cao Bằng, Nước Hai (châu lỵ Hòa An) và mỏ thiếc Tĩnh Túc, các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ đỏ đã được tổ chức nhiều lần. Đầu năm 1933, dưới sự lãnh đạo của Châu uỷ Hòa An, ở các tổng Tượng Yên, Nhượng Bạn, Hà Đàm, Tĩnh Oa đã nổ ra cuộc đấu tranh của 300 dân phu đi làm con đường từ thị xã lên Nước Hai đòi không được bắt phu ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo.

Châu uỷ Hòa An vận động quần chúng viết đơn kiện Thống sứ Bắc Kỳ. Kết quả là Sở Thanh tra lao động Bắc Kỳ phải tuyên bố không bắt phu trong ngày mùa, đi phu được trả tiền, gạo.

Tại mỏ thiếc Tĩnh Túc, ngày 01/5/1933, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, cờ đỏ búa liềm được treo trên cột điện, truyền đơn được rải khắp khu mỏ. Công nhân rất phấn khởi, tin tưởng, còn kẻ địch thì lo sợ hoảng hốt, chúng đem lính từ thị xã đến khủng bố, truy lùng các chiến sĩ cộng sản, nhưng đã thất bại.

Tháng 3/1934, nổ ra cuộc đấu tranh quyết liệt của hơn 100 dân phu Hòa An đang làm con đường ở đoạn Nặm Vạng, đòi được cấp tiền công. Kết quả là, địch phải trả công mỗi người 0,2 đồng (hai hào) một ngày.

Tháng 6/1935, hơn 200 dân phu đang làm con đường Hòa An - Hà Quảng đã nổi lên đấu tranh chống đánh đập, đòi được cấp tiền và gạo. Địch không giải quyết, dân phu tiếp tục đấu tranh và bỏ về không chịu đi phu.

Ở các châu miền Đông như: Quảng Uyên, Phục Hòa (nay là huyện Quảng Hòa), Thạch An... tuy chưa có phong trào thật mạnh mẽ, nhưng đã bắt đầu có những hoạt động; các cơ sở quần chúng đã bí mật giúp Đảng đưa đường cán bộ ra nước ngoài và đón cán bộ về nước để chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhờ đó, các đồng chí lãnh đạo của Đảng vượt biên giới trở về căn cứ, về xuôi được an toàn. Các trạm ở ba châu Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An đã bảo đảm giao thông liên lạc giữa Ban Tỉnh uỷ Cao Bằng với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 7/1933, đồng chí Lê Hồng Phong, khi đó là phái viên của Quốc tế Cộng sản, hoạt động tại Trung Quốc và đồng chí Hoàng Đình Giong về làm việc với Tỉnh uỷ Cao Bằng tại Ngườm Slưa (xã Hoàng Tung, châu Hoà An), quyết định xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo củng cố các đường dây liên lạc với nước ngoài được xây dựng từ trước. Đó là các đường liên lạc bí mật từ trung tâm Hòa An ra nước ngoài gồm: đường thuỷ từ trung tâm Hòa An xuống Phục Hòa rồi đi xuống Tà Lùng sang Thuỷ Khẩu - đi Long Châu, Trung Quốc; đường bộ từ Lam Sơn (xã Hồng Việt, châu Hòa An), qua xã Ngọc Động (châu Quảng Uyên) xuống Nà Seo (châu Phục Hòa) sang Thuỷ Khẩu rồi đi Long Châu (Trung Quốc); một đường bí mật khác từ châu lỵ Hòa An đến xã Trưng Vương, vượt Mã Phục vào Cốc Coóc (xã Chí Thảo, châu Quảng Uyên) xuống Gia Tuế, sau đó đi Phục Hòa rồi sang Long Châu (Trung Quốc). Sau khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của châu Thạch An được thành lập tại Phạc Sliến, xã Vân Trình, thì có thêm đường liên lạc bí mật từ trung tâm Hòa An đi xuống Vân Trình sau đó vào Đức Long, sang Trung Quốc.

Sự kiện hai đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Đình Giong về Cao Bằng đóng góp cho Tỉnh uỷ trong công tác như tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh. Năm 1934, đồng chí Hoàng Văn Nọn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng được Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ định là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva (Liên Xô) và đọc bản tham luận về vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng. Đồng chí Hoàng Đình Giong được cử dẫn đầu Đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ đi dự Đại hội Đảng lần thứ I (tháng 3/1935) tại Ma Cao (Trung Quốc) và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Đại hội này, đồng chí Bùi Bảo Vân được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Như vậy, trong thời kỳ vận động cách mạng những năm 1930-1935, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã phát triển khá vững vàng. Quán triệt đường lối, phương châm hoạt động cách mạng của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức, phát động quần chúng đấu tranh từ hình thức thấp như làm đơn lấy chữ ký cử đại biểu lên châu, phủ, tỉnh đòi quyền lợi kinh tế trước mắt đến xuống đường biểu tình; từng bước đề ra chủ trương, biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phù hợp với tình hình đặc điểm địa phương và các dân tộc Cao Bằng. Đảng bộ đã thu hút được đông đảo quần chúng các dân tộc trong tỉnh tham gia cách mạng; uy tín của Đảng ngày càng ăn sâu vào trong quần chúng và trở thành niềm tin của các dân tộc toàn tỉnh.

2. Cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1936-1940)

Đầu năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng khóa I, phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử về Cao Bằng cùng đồng chí Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) - Bí thư Tỉnh uỷ, triệu tập một cuộc họp Tỉnh uỷ mở rộng ở đền Vua Lê (xã Hoàng Tung, châu Hòa An) có đại biểu các châu tới dự. Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Đình Giong đã phổ biến Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng và những chủ trương của Đảng trong tình hình mới. Sau cuộc họp, đặc biệt được sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã khắc phục những khó khăn, thử thách, đưa phong trào cách mạng Cao Bằng tiếp tục phát triển.

Do ảnh hưởng ngày càng mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những thủ đoạn bóc lột, ăn chặn của giới chủ, đời sống của đội ngũ công nhân Cao Bằng ngày càng lâm vào cảnh cùng cực. Trước tình hình đó, Chi bộ Kim Sơn - mỏ thiếc Tĩnh Túc chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh buộc bọn chủ mỏ phải cải thiện một phần đời sống công nhân, trước mắt là tổ chức đình công toàn mỏ vào đúng 5 giờ 30 phút sáng ngày 01/12/1936 để đưa yêu sách lên chủ mỏ. Trước tình hình đấu tranh kiên quyết của công nhân, chủ mỏ đã phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách. Tuy nhiên, do những nhượng bộ này chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của những người đình công, Ban lãnh đạo quyết định tiếp tục cuộc đình công.

Cuộc đình công kéo dài đến ngày thứ 4, chính quyền và chủ mỏ một mặt tìm cách dụ dỗ, mua chuộc công nhân đi làm; mặt khác tiến hành bắt bớ, khủng bố. Tuy vậy, tổ chức đấu tranh của công nhân vẫn chặt chẽ, hoạt động của Chi bộ vẫn bảo đảm được giữ bí mật, địch không dò ra được đầu não của cuộc đấu tranh. Tin tức về cuộc đình công của công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc vang dội khắp nơi, buộc chủ mỏ chấp nhận nhượng bộ thêm một bước: tăng lương 15%; áp dụng ngày làm việc 9 tiếng.

Sau khi nhận định những nhượng bộ của chủ mỏ đã đáp ứng được những yêu sách cơ bản của người đình công, Ban lãnh đạo quyết định dừng đình công. Cuộc đình công đầu tháng 12/1936 của công nhân Tĩnh Túc là cuộc đình công công khai đầu tiên của công nhân Cao Bằng bước đầu giành được thắng lợi đáng kể. Điều này khiến công nhân càng tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh.

Cùng với khu mỏ, tại khắp các địa phương của Cao Bằng, quán triệt chủ trương của Trung ương và của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng phong trào “Đại hội Đông Dương” và dự thảo bản “Dân nguyện” đòi thực hiện các yêu cầu về tự do, dân chủ chủ yếu như: các quyền tự do về ngôn luận, hội họp, tổ chức và đi lại; trả tự do các tù chính trị, thực hiện luật lao động ngày làm 8 giờ và định lương tối thiểu, bỏ thuế thân và giảm các thứ thuế khác; bắt buộc học tiếng Việt tại các trường; nam nữ bình đẳng.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, cao trào dân chủ 1936-1939 ngày càng phát triển mạnh, có quy mô lớn hơn và tính chất đoàn kết, quan hệ chặt chẽ.

Mở đầu cho thời kỳ đấu tranh công khai, hợp pháp là cuộc biểu tình vào tháng 8/1936 của hơn 500 đồng bào các dân tộc, kéo từ các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Uyên về thị xã Cao Bằng đòi chính quyền địch thừa nhận Cao Bằng là một đơn vị được cử đại biểu tham gia phong trào Đại hội Đông Dương, đòi các quyền tự do, dân chủ, đòi cải thiện đời sống. Tiếp đó, tháng 10/1936, 200 phu châu Quảng Uyên làm con đường Lũng Đính (xã Đình Phong, châu Trùng Khánh) dưới sự lãnh đạo của Chi bộ liên châu Quảng Uyên - Phục Hòa (chi bộ miền Đông) đấu tranh đòi cấp tiền, gạo, bọn thống trị không giải quyết, tất cả phu làm đường đồng loạt bỏ về.

Đầu năm 1937, biết tin Gôđa, đại diện Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp, sang điều tra tình hình Đông Dương và sẽ lên Cao Bằng. Tỉnh uỷ Cao Bằng tổ chức cuộc họp mở rộng tại núi Slam Kha (châu Hòa An) gồm đại biểu các cơ sở đảng, các châu và chỉ đạo các cơ sở đảng vạch kế hoạch vận động quần chúng, cử đại biểu tham gia cuộc biểu dương lực lượng do Tỉnh uỷ tổ chức.

Thi hành chỉ thị đó, các châu Quảng Uyên, Hà Quảng, Nguyên Bình... đều cử đại biểu ra tỉnh tham dự cuộc biểu tình đưa bản “Dân nguyện”. Nhưng trên đường đi, các đoàn đại biểu bị mật thám, binh lính ngăn cản, lừa gạt, khủng bố nên họ đều phải quay về. Chi bộ Đảng châu Thạch An chẳng những cử đại biểu ở các cơ sở Phạc Sliến (Vân Trình), Bản Lủng (Thái Cường), Hạ Pha (Đức Xuân) tham gia cuộc biểu tình lớn do Tỉnh uỷ tổ chức, mà còn tổ chức biểu tình tại địa phương đưa bản “Dân nguyện” cho đại diện Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp tại Bản Lủng, một địa điểm trên con đường từ Đông Khê lên Cao Bằng vào ngày 21/02/1937. Đó là thắng lợi bước đầu của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng.

Riêng Châu uỷ Hòa An, đã triệu tập cuộc họp bàn việc thảo bản “Dân nguyện” và vận động quần chúng tham gia đông đảo cuộc đấu tranh. Kết quả là đã vận động gần 2.000 người kéo đến tập trung tại km5 trên đường từ thị xã Cao Bằng đi Nguyên Bình. Sáng ngày 25/02/1937, Gôđa từ thị xã vào Tĩnh Túc, đoàn người đã đứng kín hai bên đường tại km5 đường đi Nguyên Bình. Do thiếu kinh nghiệm cản xe, hơn nữa bị mật thám, binh lính ngăn cản nên đại biểu của quần chúng không đưa được bản “Dân nguyện”. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo hội ý và có kế hoạch đón vào buổi chiều khi chúng từ Tĩnh Túc trở ra, với địa điểm km8, nhằm đánh lạc hướng của địch. Khoảng 16 giờ ngày 25/02/1937, ta đã đưa được bản “Dân nguyện” cho Gôđa. Cuộc biểu tình của 2.000 đồng bào châu Hòa An đã biến thành một cuộc míttinh lớn trong tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, tỏ rõ nguyện vọng của mình là tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Cuộc vận động đấu tranh lan rộng ra khắp toàn tỉnh. Châu uỷ Hà Quảng đã vận động và tập hợp được khá đông quần chúng kéo xuống Hòa An tham gia cuộc biểu dương lực lượng, góp phần tăng thêm sức mạnh đấu tranh. Bên cạnh đó, Chi bộ liên châu Quảng Uyên - Phục Hòa đã tập hợp được một đoàn đại biểu tham gia cuộc biểu dương lực lượng do Tỉnh uỷ tổ chức.

Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, nắm vững chủ trương hoạt động công khai của Đảng và tác dụng của báo chí tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống phát xít và bọn phản động ở thuộc địa, chống chiến tranh đế quốc, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều đại lý sách báo tiến bộ ở những khu vực đông dân, tại các đầu mối giao thông quan trọng như thị xã Cao Bằng, các thị trấn Nước Hai (châu Hòa An), Sóc Giang (châu Hà Quảng), Đông Khê (châu Thạch An), Quảng Uyên, Trùng Khánh... Các tờ báo được bán ở các đại lý như  Đời nay, Tiếng vang, Tin tức..., kể cả báo tiến bộ bằng tiếng Pháp như tờ Le Travail (Lao động)... Một trong những nội dung chủ yếu của các tờ báo này là vạch rõ những thủ đoạn áp bức, bóc lột rất thâm độc của đế quốc, phong kiến; nêu bật những nguyện vọng chính đáng của các dân tộc Đông Dương. Đồng thời, các đại lý trở thành những đầu mối liên lạc giữa các cơ sở đảng với nhau và giữa cơ sở đảng với Tỉnh uỷ, trở thành những trạm chuyển giao các tài liệu bí mật, những công văn, chỉ thị của Tỉnh uỷ đến các cơ sở đảng để kịp thời chỉ đạo, tổ chức quần chúng đấu tranh. Riêng Đảng bộ tỉnh Cao Bằng cũng đã xuất bản hai tờ báo: tờ Lao động và Chuông giải phóng. Hai tờ báo này tuy xuất bản không đều kỳ nhưng có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ, hướng dẫn quần chúng đấu tranh.

Ngoài ra, Tỉnh uỷ còn chủ trương đẩy mạnh phong trào xây dựng trong thôn, xóm các hội tương tế gọi là các “Hội bản”, “Hội làng”, “Phe giáp” chống tệ nạn xã hội cũ nhằm củng cố và phát triển tình thương yêu giai cấp giữa những người lao động; đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao, gây dựng phong trào học văn hóa được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng.

Nhờ sự chấp hành nghiêm chỉnh, sáng tạo các chủ trương, đường lối, các chỉ thị của Trung ương Đảng và sự hoạt động tích cực của Đảng bộ, nên ở Cao Bằng đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Cuối năm 1936 đầu năm 1937, đồng bào các dân tộc tổng Thông Nông (châu Hà Quảng) đã ký đơn đòi giảm thuế thân và cử đoàn đại biểu về Hà Nội gặp Thống sứ Bắc Kỳ trao kiến nghị. Tuy kiến nghị của đồng bào không được giải quyết nhưng cuộc đấu tranh này đã thúc đẩy phong trào đấu tranh ở tổng Thông Nông phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Sang năm 1937, Chi bộ Đảng mỏ thiếc Tĩnh Túc đã chỉ đạo cuộc đấu tranh kéo dài 5 tháng (từ tháng 9/1937 đến tháng 01/1938), hàng loạt công nhân mỏ đã tổ chức nhiều đợt đình công, mỗi đợt kéo dài 5-6 ngày đòi cải thiện đời sống và điều kiện lao động buộc bọn chủ mỏ phải chấp nhận một phần những yêu sách của công nhân.

Ngày 01/5/1938, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, gần 400 đồng bào Mông, Dao thuộc các châu Hòa An, Nguyên Bình ký đơn đòi giảm thuế, chống bắt phu và cử đồng chí Dương Kim Đao làm đại diện về Bắc Bộ phủ (Hà Nội) gặp Thống sứ Bắc Kỳ để đấu tranh; hơn 200 đồng bào Mông, Dao kéo về thị xã đấu tranh đòi giảm thuế, chống bắt phu.

Tháng 7/1938, trên 500 nông dân châu Hòa An mang theo các biểu ngữ, khẩu hiệu (chống phụ thu lạm bổ và đòi giảm thuế), từ gò Đống Lân (Cao Bình) kéo lên phủ Hòa An phản kháng việc tăng thuế lên 38% và các khoản phụ thu lạm bổ. Tri phủ Hòa An không giải quyết, đoàn người đã quay trở lại, kéo về thị xã đấu tranh trực diện với tuần phủ. Trước sức mạnh và lý lẽ sắc bén của quần chúng, tuần phủ phải chấp nhận hoàn lại số tiền thuế đã lạm thu của nhân dân.

Một số địa phương như Thạch An, Quảng Uyên... tuy chưa đủ điều kiện tiến hành những cuộc huy động lớn để biểu dương lực lượng, nhưng các chi bộ đảng đã vận động quần chúng làm đơn lấy chữ ký đòi giảm thuế, đòi các quyền tự do, dân chủ.

Trong thời kỳ này, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng còn chú ý tới công tác binh vận. Châu uỷ Hà Quảng đã vận động, tổ chức được hơn 200 binh lính đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt và giải quyết các vấn đề quân nhu (đòi cung cấp nón, quần áo, xà cạp, tiền phụ cấp những ngày đi tuần tra canh gác). Bọn chỉ huy phải nhượng bộ. Nhưng cũng từ đấy, chúng tìm cách khủng bố những người mà chúng gọi là “những phần tử nguy hiểm” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng hoạt động của Đảng Cộng sản vào hàng ngũ binh lính.

Song song với hoạt động công khai, dưới các hình thức đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp, hoạt động bí mật được đẩy mạnh nhằm mở rộng và củng cố các cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh toàn diện hơn, rộng lớn và quyết liệt hơn trong phạm vi toàn tỉnh.

Trước hết, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã chú ý củng cố cơ sở đảng ở tổng Thông Nông, là nơi chi bộ đảng đã được thành lập từ cuối năm 1936, để đặt cơ quan Tỉnh uỷ. Tỉnh uỷ đã bầu ra Ban Chấp hành mới. Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ nước ngoài đến Thông Nông công tác. Tại đây, đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với Tỉnh uỷ Cao Bằng về công tác xây dựng Đảng, về kinh nghiệm, bài học lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng đấu tranh. Đồng thời, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mở một lớp huấn luyện ngắn ngày nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho phong trào cách mạng địa phương.

Công tác xây dựng Đảng được chú ý đẩy mạnh. Năm 1934, Chi bộ Cốc Coóc - Chi bộ Đảng liên châu miền Đông (chi bộ liên châu Quảng Uyên - Phục Hòa) đã đề ra chủ trương và đặt kế hoạch phát triển tổ chức đảng sang châu Trùng Khánh. Đến năm 1939, tại đây đã bắt đầu có cơ sở đảng nhưng sự hoạt động chỉ bắt đầu mạnh mẽ từ năm 19411.

Những năm 1937-1939, Châu uỷ Hà Quảng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ đã cử nhiều cán bộ đến Lục Khu  để gây cơ sở cách mạng, vận động quần chúng thành lập các hội phòng phỉ, hội đánh Tây. Năm 1938, Chi bộ Đảng ở Lục Khu được thành lập. Đến năm 1939, trên dải đất biên giới từ Lục Khu, Pác Bó đến Nà Sác đã hình thành một vùng có cơ sở cách mạng tương đối vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi đặt chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc. Nhìn chung, trong thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939, hầu hết các châu trong tỉnh Cao Bằng có cơ sở đảng, có các chi bộ hoạt động.

Như vậy, có thể nói, trong những năm 30 thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của các tổ chức Đảng Cộng sản, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Cao Bằng có những bước tiến lớn cả về lượng và chất. Đây là kết quả của đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như các cơ sở của Đảng ở Cao Bằng trong công cuộc lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cũng chứng tỏ tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh cách mạng kiên quyết của nhân dân các dân tộc và đội ngũ công nhân Cao Bằng. Đây là những điều kiện thuận lợi để cuộc đấu tranh cách mạng ở Cao Bằng bước vào một thời kỳ mới.

Giữa lúc phong trào cách mạng của nước ta đang phát triển thuận lợi, thì Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Pháp, Chính phủ Mặt trận nhân dân bị sụp đổ, lực lượng cánh hữu lên cầm quyền, ban bố lệnh động viên sức người, sức của phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Ở Đông Dương, bọn phản động thuộc địa tăng cường khủng bố phong trào cách mạng, thẳng tay đàn áp nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản.

Đứng trước tình hình đó, Đảng quyết định rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn.

Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ sáu do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì, quyết định chuyển hướng chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận phản đế Đông Dương. Ngay từ đầu năm 1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã bí mật chỉ thị cho các đảng bộ địa phương phải củng cố và phát triển các cơ sở cách mạng ở nông thôn, phòng khi bất trắc sẽ rút vào hoạt động bí mật, vì chiến tranh thế giới sẽ nổ ra, bọn đế quốc, thực dân sẽ tăng cường khủng bố phong trào cách mạng.

Ở Cao Bằng, vào cuối năm 1939, đầu năm 1940, thực dân Pháp và tay sai ra sức khủng bố phong trào cách mạng của quần chúng, phá các cơ sở cách mạng ở châu Hòa An, Hà Quảng, Thạch An và các châu khác trong tỉnh. Tỉnh uỷ Cao Bằng quyết định nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật. Châu uỷ Hà Quảng tích cực củng cố vùng Lục Khu - Pác Bó - Nà Sác, tiếp tục lập ra các đội tự vệ vũ trang dưới danh nghĩa Hội phòng phỉ, Hội đánh Tây. Cuối năm 1940, địch càng khủng bố ác liệt hơn. Châu uỷ Hà Quảng và Hòa An quyết định rút vào hoạt động bí mật, đưa 40 cán bộ sang Trung Quốc để tránh sự truy nã của địch và tiếp tục hoạt động. Số cán bộ, đảng viên chưa bị lộ tiếp tục bám sát cơ sở hoạt động và tìm cách liên lạc với tổ chức đảng cấp trên nắm tình hình, định hướng hoạt động trong tình hình mới.

Như vậy, trong thời kỳ vận động cách mạng 1936-1940, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã vận dụng nhạy bén, sáng tạo đường lối chiến lược cách mạng của Đảng, tập hợp quần chúng nhân dân các dân tộc dưới ngọn cờ Mặt trận dân chủ Đông Dương, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống. Các phong trào đấu tranh đã thu hút đông đảo quần chúng các dân tộc trong tỉnh cả vùng thấp, vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, gồm đầy đủ các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao... tham gia, từng bước giác ngộ quần chúng các dân tộc trong tỉnh, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng bước vào những trận chiến đấu quyết liệt hơn trong thời kỳ mới.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1