Cao Bằng: Thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa (1955-1960)
Lượt xem: 475

1. Tiến hành khôi phục kinh tế (1955-1957)

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ vào ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Từ đây, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Miền Bắc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tuy mỗi miền có chiến lược cách mạng khác nhau, nhưng hai chiến lược trên có mối quan hệ khăng khít với nhau. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, miề n Nam là tiề n tuyế n lớn của miền Bắ c xã hội chủ nghĩa.

Cũng như các tỉnh trên toàn miền Bắc, Cao Bằng gặp nhiều khó khăn, thử thách, đời sống nhân dân thiếu thốn trăm bề. Để khắc phục khó khăn trong những năm đầu sau giải phóng, Tỉnh uỷ chỉ đạo: “Khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp là vấn đề then chốt, là cơ sở của việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm lương thực cho nhân dân, phồn thịnh về kinh tế, mở rộng giao lưu hàng hóa”; phải “cứu đói như cứu hỏa”, phải tổ chức nhân dân “tự cứu mình là chính”. Tỉnh uỷ phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực chống đói và phòng đói bằng cách trồng các loại cây ngắn ngày, cây có năng suất cao, khai khẩn đất hoang để đủ diện tích cấy trồng, tập trung trồng lúa và ngô là chính. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm đã trở thành cao trào sôi nổi khắp cả tỉnh. Vụ mùa năm 1954, mới chỉ có ba huyện cấy giống lúa Nam Ninh (giống lúa có năng suất cao), nhưng đến vụ xuân năm 1956 đã có 9/10 huyện và thị xã cấy giống lúa này, với diện tích tăng gấp 15 lần so với năm 1954. Do vậy, sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 1957, sản lượng lương thực của tỉnh đạt 71.351 tấn, đời sống nhân dân cơ bản được ổn định.

Nhờ từng bước giải quyết được vấn đề lương thực, chăn nuôi cũng từng bước phát triển. Tỉnh uỷ chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, phổ biến khoa học về chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuyên truyền, vận động nhân dân chú ý che chắn chuồng, cho trâu bò uống nước ấm, ăn cỏ tươi trong mùa đông. Để khai thác thế mạnh của miền núi, Nhà nước giúp Cao Bằng thành lập Trại chăn nuôi bò Phja Đén (huyện Nguyên Bình) và Trại chăn nuôi lợn tập thể xã Bế Triều (huyện Hòa An). Trại chăn nuôi bò Phja Đén được Viện khảo cứu Bộ Nông - Lâm nghiệp giúp 105 con bò và 200 con dê. Do vậy, tổng đàn trâu, bò hằng năm đều tăng. Đến năm 1957, toàn tỉnh có 55.070 con trâu, 59.562 con bò, 1.642 con ngựa, tăng trên 10.000 con các loại so với năm 1955.

Tháng 8/1956, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng như tạo cơ chế mới để nhân dân miền Bắc thực hiện khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Cao Bằng nằm trong Khu tự trị nên có điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, từng bước thực hiện công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1955 đến năm 1957, Tỉnh uỷ tăng cường lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: trước năm 1955, công nghiệp địa phương chưa được đầu tư phát triển, chỉ có nhà máy điện điêzen với công suất thấp và xưởng in Việt Lập. Về tiểu thủ công nghiệp, nghề rèn đúc truyền thống dân tộc tiếp tục được khôi phục và phát triển. Cao Bằng đã sản xuất được 168.341 nông cụ, dụng cụ gia đình, trong đó, có 6.632 lưỡi cày. Các nghề dệt vải, dệt thổ cẩm, chiếu cói, đồ gốm lần lượt được phục hồi theo nghề truyền thống của các dân tộc tại nhiều địa phương, hầu hết các gia đình đều có khung dệt vải thủ công để tự dệt vải mặc trong gia đình hoặc đem bán để trao đổi hàng hóa trong vùng. Chiếu cói được dệt ở huyện Quảng Uyên với sản lượng mỗi năm đạt tới trên 20.000 tấm. Các loại vật liệu như gạch, ngói, vôi được sản xuất ở khắp các vùng trong tỉnh phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa và các công trình thuỷ lợi.

Ngành thương nghiệp: trong những năm sau hòa bình đã thu mua các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm thổ sản, tài nguyên của núi rừng nhằm điều hòa hàng hóa theo yêu cầu thị trường trong tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường mậu dịch tiểu ngạch đã được Nhà nước hai nước quy định. Hoạt động mậu dịch quốc doanh chủ yếu ở thị xã và các thị trấn, huyện lỵ. Ngoài các cửa hàng quốc doanh còn có các tổ mua bán lưu động của thương nghiệp quốc doanh phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Giao thông vận tải: Do điều kiện kinh tế ngày càng phát triển và được sự giúp đỡ của Trung ương, ngoài việc tu bổ các trục đường chính, gồm quốc lộ số 3 và các tuyến đường nội tỉnh nối thị xã với các huyện và ra các cửa khẩu trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, Cao Bằng đã khôi phục được 94 km đường dân sinh; khai thông các tuyến đường Quảng Uyên - Hạ Lang, Mã Phục - Trấn Biên, Đông Khê - Phục Hòa, Nguyên Bình - Bảo Lạc, từng bước khai thông mạng lưới giao thông tiểu ngạch phục vụ cho sự giao lưu hàng hóa, kích thích kinh tế phát triển. Đặc biệt là trục đường số 4 Cao Bằng - Lạng Sơn đã được khai thông, làm cho việc trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền núi được thuận lợi hơn.

Về văn hóa - xã hội: Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Cao Bằng có điều kiện tốt hơn để phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội. Năm 1955, toàn tỉnh đã có 33/124 xã, thị trấn có trường phổ thông cấp II với tổng số 10.210 học sinh. Năm 1956, Cao Bằng thành lập Trường cấp III đầu tiên của tỉnh tại thị xã Cao Bằng với 58 học sinh từ các huyện, thị xã đến học. Đầu năm 1956, toàn tỉnh có 24.039 học sinh theo học các lớp bình dân học vụ; tỉnh hướng tới phổ cập trình độ cấp I cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Trường Văn hóa miền núi của tỉnh đã đào tạo trình độ văn hóa cấp I cho 303 học viên, trong đó có 212 cán bộ xã, 91 học viên được đào tạo thành giáo viên bổ túc văn hóa cấp I cho các huyện, xã vùng cao.

Cao Bằng đã xây dựng được Thư viện tỉnh, với 128.306 cuốn sách các loại; cấp thẻ cho 16.425 độc giả thường xuyên đến đọc sách, nghiên cứu và mượn sách về đọc; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được 17 nghệ nhân là người các dân tộc trong tỉnh. Các đội văn nghệ nghiệp dư ở các thôn, bản quan tâm khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng, dàn dựng các chương trình, tiết mục văn nghệ với nhiều nội dung phản ánh đời sống lao động sản xuất, học tập và chiến đấu của nhân dân. Các đội đèn chiếu, chiếu bóng đến tận trung tâm các xã, các xóm phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và sự bình đẳng về hưởng thụ văn hóa giữa các dân tộc.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nhiều tiến bộ rõ rệt. Toàn tỉnh thành lập được 145 ban phòng bệnh, 67 tủ thuốc cấp xã và 1.558 tủ thuốc xóm, khu phố; 2.273 tổ phòng bệnh, 1.135 tổ cứu thương ở các xóm, bản. Tỉnh đào tạo được 55 nữ hộ sinh; mở các lớp bồi dưỡng vệ sinh viên với 11.400 người tham gia. Ngành y tế thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh làng bản, ăn chín uống sôi, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, tỉnh Cao Bằng đã ngăn chặn, kịp thời dập tắt nhiều dịch bệnh thông thường xảy ra.

Công tác quốc phòng - an ninh được tiếp tục tăng cường nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trấn áp kịp thời bọn phỉ và phản động. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo xây dựng bộ đội địa phương và dân quân, du kích ngày càng vững mạnh, thật sự là công cụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn an ninh địa phương. Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 23/01/1957 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: “Đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, chú ý giáo dục và chấn chỉnh biên chế mới về lực lượng vũ trang ở địa phương”. Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết, hệ thống cơ quan quân sự từ tỉnh xuống đến các huyện, thị xã được củng cố. Bộ đội địa phương được biên chế thành 5 đại đội làm nòng cốt phối hợp với dân quân, du kích, tự vệ giữ gìn an ninh ở địa phương.

2. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa

Trải qua 3 nă m khôi phục kinh tế (1955-1957), đời sống các tầng lớp nhân dân Cao Bằng đã từng bước được ổn định. Nhân dân Cao Bằng tiếp tục bước vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Năm 1958, năm đầu tiên của kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ngày 15/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cao Bằng, Người đã đi thăm một số cơ sở sản xuất của tỉnh, trong đó có Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Đây là niềm động viên lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1958), Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân Cao Bằng là: Ra sức củng cố những thành tích về các mặt nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hoá - giáo dục đã đạt được trong ba năm khôi phục kinh tế.

Mục tiêu then chốt trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa là phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xác lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ áp bức, bóc lột và các tàn dư do chế độ thực dân, phong kiến để lại, tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Để đạt mục tiêu của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng ta chủ trương thay thế các hình thức sở hữu cá thể bằng hình thức sở hữu tập thể. Đi vào cải tạo các thành phần kinh tế cá thể theo từng bước từ tổ đổi công đồng thời tiến hành thí điểm hợp tác xã. Tính đến tháng 12/1958, toàn tỉnh Cao Bằng đã có 3.198 tổ đổi công với 23.370 hộ, chiếm gần 50% số hộ nông dân toàn tỉnh. Năm 1959, do chính sách tổ đổi công phù hợp với lòng dân, phù hợp với hoàn cảnh của các dân tộc Cao Bằng nên phong trào tổ đổi công phát triển rầm rộ. Tỉnh đã lấy xóm Pác Nà, xã Đức Long, huyện Hoà An xây dựng thí điểm hợp tác xã nông nghiệp; thí điểm thành công, tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, nhân rộng phong trào hợp tác xã ra toàn tỉnh. Năm 1960, có 1.219 hợp tác xã nông nghiệp với 42.248 hộ; trong đó vùng cao có 100 hợp tác xã với 3.065 hộ, đạt tỷ lệ 87,6% tổng số nông hộ trong toàn tỉnh.

Thợ thủ công và các hộ tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương tích cực hưởng ứng chính sách hợp tác hóa, tự nguyện tham gia hợp tác xã. Năm 1959, cả tỉnh có 862 hộ trên tổng số 1.269 hộ thủ công nghiệp toàn tỉnh tham gia hợp tác xã. Các tiểu thương đã có 2.083 cơ sở đã được tổ chức thành hợp tác xã thương nghiệp, bằng 57% số hộ tiểu thương toàn tỉnh. Có 294 người buôn bán nhỏ đã được sắp xếp ngành nghề khác. Sau ba năm cải tạo, cả tỉnh có 32 cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Năm 1960, cả tỉnh đã xây dựng được 10 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp gồm 23 tổ với 151 xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, 10 tổ cung tiêu gồm 50 người buôn bán.

Năm 1960, toàn tỉnh đã cải tạo được 100 hộ tiểu tư sản, thành lập 5 công tư hợp doanh may mặc tại các huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hòa An và thị xã Cao Bằng; Công tư hợp doanh đồng hồ tại thị xã Cao Bằng, Công tư hợp doanh xe chỉ tại thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An.

Đồng thời với công cuộc cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và tư sản dân tộc, Cao Bằng đã tiến hành thí điểm hợp tác hóa kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ tại 12 xã. Ngày 02/3/1960, Tỉnh uỷ Cao Bằng ban hành Chỉ thị số 57-CT/TU về việc vận động đổi công hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ đợt mùa Xuân năm 1960. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ chung của năm 1960 là: Hoàn thành căn bản cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ: vùng thấp đưa 15% số hộ nông dân lao động vào hợp tác xã bậc cao, 65% số hộ nông dân lao động vào hợp tác xã bậc thấp, 10% vào tổ đổi công, bình công chấm điểm.

Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền tích cực triển khai cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với việc hoàn thành cải cách dân chủ trên phạm vi toàn tỉnh. Cuộc vận động hợp tác hóa kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ đã kết thúc thắng lợi vào năm 1960: Toàn tỉnh đã quy 37 địa chủ và 115 phú nông. Số ruộng đất, trâu, bò trưng thu được và do địa chủ, phú nông hiến là 642 ha, 15 con trâu, 3 con bò. Tất cả đều được đem cấp cho nông dân.

Đi đôi với cuộc cải tạo các thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và tư bản tư doanh, Đảng bộ đã quan tâm chỉ đạo việc phát triển từng bước kinh tế quốc doanh. Đến tháng 3/1960, toàn tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được 21 xí nghiệp quốc doanh địa phương thuộc các ngành sửa chữa cơ khí, điện lực, chế biến bánh kẹo, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng...

Các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất khác trong hệ thống mậu dịch quốc doanh ở địa phương cũng ngày càng được củng cố, mở rộng, đã bước đầu giữ được vai trò chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh.

Sau 3 năm (1958-1960), công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế cá thể trên địa bàn của tỉnh căn bản đã được hoàn thành, xác lập được quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa dựa trên hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước. Các hình thức bóc lột về kinh tế đã bị xóa bỏ, về cơ bản chủ nghĩa tư bản hầu như không còn cơ sở và điều kiện kinh tế - xã hội để phát sinh và nảy nở, chủ nghĩa xã hội đã bước đầu giành được thắng lợi. Nhân dân lao động đã trở thành người chủ của xã hội.

Thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã có ý nghĩa toàn diện, sâu sắc đối với tỉnh Cao Bằng, tạo cơ sở để đạt được các chỉ tiêu của kế hoạch ba năm phát triển kinh tế (trên mọi lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải...), phát triển văn hóa, giáo dục và y tế, củng cố quốc phòng và an ninh, nhằm ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, trong ba năm 1958-1960, sản lượng thóc hằng năm tăng nhanh, năm 1958 đạt 50.000 tấn, năm 1959 đạt 67.157 tấn, năm 1960 đạt 68.610 tấn. “Sản lượng thóc năm 1960 tăng hơn năm 1957 là 42,8%, ngô tăng 6,2%, cây công nghiệp tăng 42,4% (riêng hoa màu chỉ bằng 91% năm 1957 do các vụ mùa bị hạn)”.

Về công tác thuỷ lợi, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng hai công trình thuỷ nông là mương Lý Vạn (huyện Hạ Lang), với tổng số vốn đầu tư là 18.746 đồng (khởi công vào cuối năm 1958, hoàn thành vào cuối năm 1959), tưới cho 50 ha ruộng; mương Phong Nậm (huyện Trùng Khánh), với số vốn đầu tư là 84.399 đồng (khởi công cuối năm 1958, hoàn thành đầu năm 1960), tưới cho 91 ha ruộng lúa.

Ngân hàng đã đầu tư 1.878.000 đồng cho phát triển nông nghiệp, chiếm 16% tổng số vốn cho vay.

Trong 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế (1958-1960), ngành chăn nuôi của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể: năm 1960 so với năm 1957, đàn trâu tăng 15,5%, đàn bò tăng 4%, đàn ngựa tăng 40,6%, đàn lợn tăng 65,8%.

Nghề rừng, một trong ba thế mạnh của miền núi, cũng có nhiều tiến bộ, số gỗ khai thác để xuất khẩu năm 1960 tăng 25% so với năm 1957; đi đôi với khai thác rừng, toàn tỉnh đã trồng được 696.000 cây trong ba năm 1958-1960.

Tổng sản lượng công nghiệp địa phương hằng năm đều tăng: năm 1958, đạt 2.830.677 đồng; năm 1959, đạt 3.419.588 đồng và năm 1960, đạt 5.543.257 đồng.

Ngành giao thông vận tải đã sửa chữa và khôi phục được 272 km đường cũ của địa phương và 456 km đường do Trung ương quản lý, làm mới và khai thông được 113 km, đặc biệt, việc khai thông tuyến đường Nguyên Bình - Bảo Lạc có tầm quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng. Các phương tiện vận tải được tăng cường. Năm 1958, năm đầu của kế hoạch ba năm (1958-1960), đã thành lập được quốc doanh vận tải có 11 xe ôtô vận tải. Đến năm 1960, quốc doanh vận tải đã tăng lên 28 xe ôtô vận tải và 7 xe ca chở khách... Khối lượng sản phẩm hàng hóa do quốc doanh vận tải chuyên chở đạt 472,8%, hành khách đạt 579,41%.

Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán trong 3 năm cải tạo, phát triển kinh tế đã góp phần ổn định lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, tăng thu nhập quốc dân. Trong 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957), cả tỉnh mới có 10 cửa hàng mậu dịch quốc doanh, đến năm 1960 đã có tới 32 cửa hàng mậu dịch quốc doanh, chuyên doanh. Năm 1958, toàn tỉnh có 2.088 hộ tiểu thương gồm 2.409 người; đến năm 1960, đã hoàn thành cải tạo số tiểu thương này và thành lập được các hợp tác xã mua bán.

Về giáo dục: Đến năm 1960, có 202 trường với tổng số 40.197 học sinh, kể cả vỡ lòng. Để nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cán bộ các huyện, thị và cán bộ cơ sở, Đảng bộ đã chủ trương mở thêm hệ thống trường phổ thông lao động tập trung của tỉnh và cử cán bộ đi học tại các trường của Khu và Trung ương. Trường phổ thông lao động của tỉnh có 110 học viên. Các trường phổ thông lao động của các huyện có 1.509 học viên. Trường Bổ túc văn hóa tại chức có 15.630 học viên. Các trường của Đoàn Thanh niên, trường của Hội Phụ nữ đã thu hút được 1.110 học viên.

Công tác văn hóa, nghệ thuật cũng phát triển nhanh chóng: Năm 1957, toàn tỉnh có 3 đội chiếu bóng và 2 đội đèn chiếu; đến năm 1960, tăng lên 5 đội chiếu bóng, 5 đội đèn chiếu, 7 đội văn nghệ nghiệp dư, 1 đội văn công của tỉnh. Thư viện tỉnh có trên 11.142 cuốn sách, có 4 phòng đọc, hằng năm phục vụ cho gần 28.000 lượt người đọc; xây dựng được 15 nhà văn hóa của các huyện, thị xã. Phong trào thể dục, thể thao phát triển sôi nổi: toàn tỉnh có 33 đội bóng đá (trong đó có 6 đội chân giày), 4 đội bóng rổ, 10 đội bóng chuyền, 400 cầu thủ bóng bàn. Phong trào luyện tập thân thể phát triển mạnh trong các trường phổ thông, các cơ quan, xí nghiệp.

Sự nghiệp y tế được Đảng bộ rất quan tâm. Năm 1958, thành lập Bệnh viện tỉnh và 2 bệnh xá ở Bảo Lạc và Quảng Uyên với tổng số 120 giường bệnh, 13 phòng khám bệnh và phát thuốc, 8 phòng hộ sinh. Ngoài Bệnh viện tỉnh, có thêm 3 bệnh xá, 90 trạm xá quốc lập (58 trạm xá vùng đồng bằng, 32 trạm xá vùng cao), 4 trạm xá dân lập; lập được 404 tủ thuốc chữa bệnh tại các thôn, xã, thị trấn. Ngành y tế tỉnh thành lập 4 đội y tế lưu động làm nhiệm vụ vận động phòng bệnh, chữa bệnh ở nông thôn và vùng rẻo cao, một đội chuyên làm các công tác chống lao. Hằng năm, chữa bệnh cho hàng vạn lượt người, bảo đảm sức khỏe của nhân dân.

Công tác quốc phòng - an ninh bước đầu thực hiện chuyển hướng xây dựng lực lượng vũ trang từng bước tiến lên chính quy và hiện đại, xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân. Vì vậy, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang mà Đảng bộ tập trung chỉ đạo là củng cố tổ chức dân quân tự vệ, chú trọng tăng cường công tác chính trị đối với dân quân tự vệ, tiếp tục làm công tác đăng ký quân nhân xuất ngũ, đôn đốc các cấp chấp hành tốt chính sách quân nhân. Tiểu đoàn 35 đảm nhiệm địa bàn tỉnh Cao Bằng được thành lập. Lực lượng dân quân, du kích được phát triển mạnh, từ 6.894 người năm 1958 phát triển lên tới 20.089 người năm 1960, chiếm tỷ lệ 7,3% dân số trong toàn tỉnh. Do đó, an ninh trên địa bàn tỉnh được giữ vững, sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa được bảo vệ vững chắc.

Công tác xây dựng Đảng: năm 1958, cả tỉnh có 5.646 đảng viên; năm 1959 có 5.798 đảng viên; năm 1960 có 6.224 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 112-CT/TW, ngày 23/10/1958 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc bầu cử các cấp uỷ địa phương từ huyện trở lên, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị toàn Đảng bộ tỉnh từ ngày 16 đến ngày 24/02/1959 để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 25 đồng chí, bầu đồng chí Hoàng Đức Tôn và đồng chí Hoàng Đạo Tú giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh uỷ; tháng 9/1959, đồng chí Đoàn Nguyên Nhật (Hồng Kỳ), Uỷ viên Ban Thường vụ Khu uỷ Việt Bắc, Giám đốc Sở Thương nghiệp Khu Việt Bắc được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Hội nghị toàn Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa là một Đại hội của Đảng bộ tỉnh (theo thứ tự số lần đại hội thì Hội nghị này là Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh).

Thắng lợi của 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế là cơ sở để Đảng, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng bước vào xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1