Cao Bằng: Khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia (1981-1985)
Lượt xem: 508

Sau chiến tranh biên giới, tình hình an ninh chính trị ở Cao Bằng nói riêng, các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung vẫn luôn trong tình trạng mất ổn định. Trong hai năm 1981-1982, phía bên kia biên giới, bọn phản động ráo riết tiến hành các hoạt động phá hoại, tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Chúng tăng cường đào hầm hào, xây công sự suốt dọc biên giới, tiến hành những đợt diễn tập bộ binh, không quân, xâm phạm vùng trời các huyện dọc biên giới.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, quân và dân Cao Bằng quyết tâm xây dựng được phòng tuyến vững mạnh về mọi mặt, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế, quốc phòng, an ninh chính trị, văn hóa, xã hội, kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch. Đảng bộ đã tập trung vào việc củng cố các xã biên giới, các địa bàn xung yếu, xây dựng thêm các cơ sở, các tổ an ninh nhân dân, phát hiện và bắt các đối tượng làm tay sai cho địch, giáo dục cải tạo các đối tượng có lỗi lầm.

Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 44-HĐBT, ngày 01/9/1981 về việc thành lập huyện Hạ Lang và đặt thị trấn Tĩnh Túc trực thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Theo đó, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng được tái lập trên cơ sở tách 05 xã của huyện Trùng Khánh và 08 xã của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được tiến hành trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (1981-1985) và báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Từ ngày 25 đến ngày 29/01/1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XI được triệu tập. Đồng chí Vương Văn Quýnh (tức Dương Tường) tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 1983-1985 và nhấn mạnh phải “tạo cho được một sự chuyển biến rõ rệt về kinh tế và đời sống; chủ động về an ninh, quốc phòng; vươn tới bảo đảm được ba mặt cân đối lớn: cân đối lương thực và thực phẩm, cân đối tiền và hàng, cân đối ngân sách”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số tiến bộ nổi bật. Các cây trồng chủ yếu đều tăng khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong 5 năm, bình quân hằng năm, diện tích gieo cấy lương thực tăng 4%, năng suất tăng 4-5%, sản lượng tăng 6,25%, đã đưa mức tổng sản lượng lương thực quy thóc từ trên 110.000 tấn năm 1981 lên 150.000 tấn năm 1985, thuốc lá từ 160 tấn năm 1981 lên 312 tấn năm 1985 và đỗ tương từ 2.928 tấn năm 1981 lên 4.700 tấn năm 1985, hiệu quả đầu tư thâm canh theo vùng tiến bộ rõ rệt.

Ngành chăn nuôi cũng được Đảng bộ quan tâm và tập trung chỉ đạo chặt chẽ, phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 1981-1985, bình quân đàn trâu tăng 3,6%/năm, đàn bò tăng 4%/năm, đàn lợn tăng 5,9%/năm. Việc thực nghiệm kỹ thuật lai tạo và nhân giống đối với lợn và trâu bò bước đầu có kết quả. Năm 1985, tỉnh phát động phong trào chăn nuôi lợn trong cán bộ, công nhân, viên chức và hỗ trợ về ngân sách trong việc phòng, chống dịch bệnh nên tổng đàn gia súc đều tăng: trâu có 105.134 con, tăng 4,2%; bò có 67.697 con, tăng 4%; lợn trên hai tháng tuổi có 217.267 con, tăng 2,4% so với năm 1984; đàn gia cầm có 1.166.700 con. Tỷ lệ đàn lợn lai tăng từ 1% năm 1981 lên khoảng 7-10% năm 19851. Đây là năm đầu tiên tỉnh đã tự cân đối được nhu cầu về thực phẩm .

Về lâm nghiệp, năm 1981, tỉnh Cao Bằng đã trồng được 4.085 ha rừng, đến năm 1985 trồng được 8.386 ha. Phong trào trồng rừng không chỉ bó gọn trong nông thôn mà đã lan ra các đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học; nhiều nơi đã phủ xanh đất trống, đồi trọc như: xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà), xã Thành Công (huyện  Nguyên Bình), xã Cao Thượng (huyện Ba Bể1)... Tỉnh đã có trên 200 hợp tác xã có phong trào trồng trẩu, bước đầu đưa trồng rừng vào kinh doanh bằng cách trồng thêm cây ăn quả như cam, quýt, mận, đào, lê, mít, hạt dẻ...; hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh cây lương thực và thực phẩm trên 4 vùng kinh tế đã được xác định.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được củng cố, từng bước ổn định sản xuất và đời sống công nhân trong các xí nghiệp quốc doanh và xã viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ về phát triển công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Cao Bằng đã khắc phục được những khó khăn do chiến tranh gây ra, vươn lên sản xuất có hiệu quả, sản lượng công nghiệp mỗi năm một tăng: năm 1981, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 11.880.000 đồng thì đến năm 1985 đã đạt 176.500.000 đồng2 (tính theo giá cố định năm 1982). Ngành công nghiệp đã mở rộng mạng lưới sản xuất và sửa chữa nông cụ cầm tay phục vụ nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Nhiều cơ sở sản xuất đã sản xuất ra nhiều mặt hàng mới tăng cả về số lượng và chất lượng, các chủng loại mặt hàng không những đủ tiêu dùng trong tỉnh mà còn xuất đi các nơi khác.

Hệ thống giao thông vận tải được bảo đảm thông suốt, công tác bảo dưỡng được duy trì thường xuyên. Các tuyến đường mới được mở rộng và xây dựng thêm cầu, cống các loại, bảo đảm thông đường vận chuyển hàng hoá, hành khách được an toàn, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, phục vụ lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Tỉnh còn quan tâm nâng cấp, sửa chữa các phương tiện vận tải, bảo đảm nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân. Năm 1983, lượng hàng hóa vận chuyển đạt 112,8% kế hoạch, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 104% kế hoạch. Năm 1985, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giảm giá cước vận chuyển 30%, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi hơn.

Ngành bưu điện tỉnh đã tập trung sức củng cố và phát triển từng bước vững chắc về mạng lưới thông tin liên lạc giữa tỉnh với các huyện và Trung ương. Từ năm 1981, ngành bưu điện đã sửa chữa, khôi phục, phát triển hơn 60 km đường dây, lắp đặt mới 15 tổng đài các loại và 176 máy lẻ phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đến năm 1984, ngành đã cải tạo toàn bộ đường dây hữu tuyến của 4 huyện miền đông, hoàn thành đường dây liên lạc từ tỉnh vào huyện Trùng Khánh, xây dựng 100 km đường dây từ 6 huyện đi vào các vùng xung yếu biên giới. Được sự giúp đỡ của Tổng cục Bưu điện, Bưu điện tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành đường dây tải ba từ Cao Bằng về Hà Nội và các tỉnh bạn; xây dựng mới ở các huyện 11 công trình với 81 km đường dây kiên cố, 272 km dây đôi. Năm 1985, ngành đã kiên cố hoá đường dây Nguyên Bình - Tĩnh Túc, nâng 20 km đơn tuyến lên song tuyến. Trong năm, ngành nhận 2.300.000 tiếng điện báo, 115.000.000 đơn vị điện thoại đường dài, cả tỉnh có 114 đường thư hoạt động liên lạc đến tận xã. Sau chiến tranh biên giới, đường thư đi các huyện bảo đảm mỗi ngày một chuyến, riêng Bảo Lạc và Chợ Rã hai ngày một chuyến.

Thương nghiệp quốc doanh tiếp tục được phát triển, hợp tác xã mua bán được củng cố đến các xã, phường, thị trấn. Tỉnh cố gắng bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ vật tư, hàng hóa thiết yếu như muối, dầu thắp, vải... cho sản xuất và đời sống, nhất là cho vùng biên giới, vùng cao hẻo lánh. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa dần dần chiếm lĩnh thị trường, bước đầu xác định vai trò chủ đạo trong cải tạo thị trường tự do nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đến năm 1985, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chiếm tỷ trọng 72,24% trên tổng mức bán lẻ toàn tỉnh. Số người kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ tư nhân năm 1981 là 1.077 người, đến năm 1985 tăng lên 1.964 người.

Trong 5 năm 1981-1985, sự nghiệp văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những bước tiến rõ rệt, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Hoạt động văn hoá - thông tin có bước phát triển. Các hình thức nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân được quan tâm, kể cả vùng biên giới, vùng cao. Năm 1981, toàn tỉnh có 16 đội chiếu phim, 7/13 huyện, thị có đội thông tin lưu động, có 7 thư viện, 39.000 bản sách, 8/13 huyện, thị có đội văn nghệ quần chúng, 7/13 huyện, thị có điểm nếp sống văn hoá. Năm 1983, cả tỉnh đã có 143 đội văn nghệ thể thao hoạt động tại tất cả các huyện, thị, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 1985, tỉnh đã có thêm phòng tuyến văn hoá biên giới với 85 đội thông tin lưu động tuyên truyền với nội dung phong phú được nhân dân và chiến sĩ vùng biên giới hoan nghênh. Trong năm, tỉnh đã cử một đội văn nghệ đi dự hội diễn văn nghệ và tham gia phục vụ Đại hội Thể dục - thể thao toàn quốc và hoàn thành việc xây dựng bộ phim Non nước Cao Bằng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phong trào rèn luyện sức khỏe được quan tâm trong cộng đồng dân cư.

Hệ thống phát thanh, truyền thanh của tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển đến tận các cơ sở nông lâm trường, hợp tác xã, trường học, xã biên giới... Năm 1981, số loa truyền thanh đã tăng 100%, tăng âm tăng 7,6% so với năm 1980. Năm 1984, tỉnh đã có 69 đội thông tin tuyên truyền cổ động, xây dựng được 167 trạm “tazo” ở thị xã, thị trấn, có 5.366 loa, 150 đài, trạm truyền thanh, trong đó có 58 đài, trạm ở biên giới.

Về giáo dục: Năm 1981, tỉnh đã phát động phong trào chiến dịch ánh sáng văn hoá ở huyện Bảo Lạc, thu hút hơn 7.000 người đi học lớp xoá mù chữ. Trong năm nhận 444 thầy cô giáo mới tốt nghiệp từ các trường sư phạm vào giảng dạy. Những năm tiếp theo, riêng huyện Bảo Lạc đã vận động được khoảng 15.000 học viên theo học và có tới 10.286 người thoát khỏi mù chữ. Với phương châm “Nhà nước và địa phương cùng làm”, các trường, lớp học được đầu tư xây dựng. Đến năm 1985, toàn tỉnh có 510 nhà trẻ và nhóm trẻ với 7.470 cháu, 374 trường phổ thông, 4.660 lớp, 5.640 giáo viên, 119.832 học sinh các cấp; tỷ lệ học sinh phổ thông so với dân số toàn tỉnh chiếm 22%. Một số trường bước đầu đã quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp, cả tỉnh có 341 sinh viên đại học và cao đẳng, hệ trung học có 1.098 học sinh, sơ cấp có 280 học sinh, 611 học sinh đi học công nhân kỹ thuật ở các trường Trung ương và địa phương.

Sự nghiệp y tế đã hướng về cơ sở, mạng lưới y tế tiếp tục được phát triển, số cơ sở khám chữa bệnh và số giường bệnh mỗi năm một tăng. Năm 1981, cả tỉnh có 246 cơ sở y tế điều trị từ tỉnh đến xã, với 1.730 giường bệnh. Ngoài ra, còn có 14 đội y tế lưu động, 11 đội vệ sinh phòng dịch và sốt rét, bình quân trong tỉnh có từ 10 đến 12 y, bác sĩ/một vạn dân. Năm 1984, cả tỉnh có 232 cơ sở khám, chữa bệnh, với 1.807 giường bệnh. Nhiều cơ sở đã kết hợp khá tốt y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc trong việc khám, chữa bệnh; tiến hành củng cố Hội Đông y tỉnh và các huyện, thị.

Về quốc phòng - an ninh: Trước tình hình an ninh biên giới diễn biến phức tạp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc các hoạt động của đối phương và kiên cường, bền bỉ bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, giữ yên lành cuộc sống cho nhân dân. Năm 1982, ta phát hiện và lập hồ sơ 300 tên có nghi vấn, chủ động phá 3 cơ sở ngầm, loại trừ được mầm mống bạo loạn. Tỉnh chú trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố, phát triển lực lượng dân quân tự vệ cả về số lượng và chất lượng, 42/42 xã biên giới trong tỉnh có trung đội dân quân, tăng tỷ lệ đảng viên trong dân quân lên 11,6%, đoàn viên 26,6%; đồng thời quan tâm chỉ đạo củng cố, xây dựng vành đai biên giới. Năm 1985, lực lượng vũ trang đã nêu cao cảnh giác, tổ chức chiến đấu đánh trả kịp thời, tổ chức vây bắt 40 tên, trong đó có 27 tên thám báo. Tuyến phòng thủ, phòng tuyến an ninh từ biên giới đến nội địa ngày càng được củng cố, thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân được phát triển rộng khắp.

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ quan tâm, coi trọng. Trong những năm 1981-1985, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tổ chức các cuộc sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên; mở cuộc vận động xây dựng nền nếp, giữ gìn kỷ luật của tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục phát thẻ đảng viên. Tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ của Tỉnh uỷ, các sở, ban, ngành; thành lập Đảng uỷ Các cơ quan dân chính đảng và một số tổ chức cơ sở đảng trong tổ chức kinh tế và các đơn vị hành chính. Năm 1983, toàn tỉnh có 665 tổ chức cơ sở đảng với 20.847 đảng viên. Đồng thời, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên tiếp tục cải tiến nội dung, phương thức hoạt động hiệu quả hơn.

Nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển của tỉnh trong 5 năm 1981-1985, mặc dù trong bối cảnh hết sức gay go, phức tạp, nhưng nhân dân các dân tộc Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết cùng nhau góp sức phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và Cao Bằng nói riêng. Những thành quả đó đã trở thành sức mạnh, động lực, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, vững vàng tiến bước trên chặng đường tới.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1