Cao Bằng cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (1976-1980)
Lượt xem: 555

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự kiện trọng đại đó đã tạo nên bước ngoặt to lớn, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam: cả nước thống nhất, cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, Kỳ họp thứ hai quyết nghị bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tháng 4/1976, tỉnh Cao Lạng nhanh chóng sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và kiện toàn các cơ quan lãnh đạo để tạo ra sự thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tỉnh uỷ Cao Lạng được đặt tại thị xã Cao Bằng (tỉnh lỵ của Cao Bằng cũ). Sau khi sáp nhập, tỉnh Cao Lạng có thuận lợi và những khó khăn nhất định song Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục.

Ngày 20/12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đề ra đường lối cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; đề ra Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày 31/3 đến ngày 08/4/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng khóa I được tiến hành tại thị xã Cao Bằng. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng bộ là: “Tập trung chỉ đạo việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cho các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa đóng vai trò chủ đạo, điều chỉnh quy mô hợp tác xã phù hợp với điều kiện miền núi, biên giới, phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ; trước hết là phải xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất”.

Đại hội đã đề ra kế hoạch 5 năm 1976-1980, chia Cao Bằng thành bốn vùng kinh tế, định ra phương hướng, nhiệm vụ sản xuất và cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch, phân vùng kinh tế, căn cứ vào đặc điểm của từng vùng, tỉnh có kế hoạch đầu tư thích hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Vùng I chủ yếu trồng thuốc lá và lúa gồm 27 xã thuộc huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Vùng II chủ yếu trồng lúa, ngô, đỗ tương và chăn nuôi bò, vịt đàn gồm 61 xã thuộc các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh. Vùng III chủ yếu trồng lúa, ngô, cao lương, đỗ tương, dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò gồm 40 xã thuộc Bảo Lạc, một phần của huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Thông Nông, Hòa An. Vùng IV trồng lúa, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc gồm 81 xã của huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An.

Đại hội đã bầu đồng chí Hoàng Trường Minh tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Cao Lạng. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ I, đối với tỉnh Cao Bằng được coi là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.

Sau Đại hội, tỉnh Cao Lạng tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ I. Do yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI, Kỳ họp thứ tư đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh là tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn. Tỉnh Cao Bằng được tái lập và sáp nhập thêm hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái, hai huyện này nằm trong vùng IV của tỉnh. Lúc này, tỉnh Cao Bằng có 12 đơn vị hành chính là: các huyện Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Chợ Rã, Ngân Sơn, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hoà, Trà Lĩnh, Trùng Khánh và thị xã Cao Bằng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tiếp tục thực hiện các mục tiêu, kế hoạch kinh tế, xã hội do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ I đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong những năm 1976-1980, nhân dân Cao Lạng và sau đó là Cao Bằng đã thực hiện và đạt được các thành tích trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh.

Về nông nghiệp: Toàn tỉnh tập trung làm các công trình thuỷ nông: trạm bơm điện Hoà An, hồ Bản Viết, mương Nà Khá, mương Keng Mạ, trạm bơm Chi Choi, Quang Thành, Nà Rài, hồ Nà Tấu, công trình hồ Cốc Hón... Tập trung làm bể nước ăn vùng cao cùng các công trình thuỷ lợi nhỏ. Những năm 1976-1980, tỉnh đã tập trung vốn đầu tư cho thuỷ lợi là 12.000.000 đồng, trang bị 115 máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phong trào làm phân bón ruộng, chọn giống mới có năng suất cao đã được đưa vào sản xuất. Năm 1976, diện tích trồng lúa đạt 61.209 ha, diện tích trồng ngô 40.535 ha, trồng màu 882 ha; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 102.824 tấn. Năm 1977, do được chăm bón tốt nên tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 161.189 tấn. Năm 1978, toàn tỉnh cấy được 1.764 ha, đạt 99,58% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 120.134 tấn. Năm 1979, Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn do chiến sự biên giới xảy ra, nhân dân phải đi sơ tán, cày cấy không kịp thời vụ nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân cả nước nên sản lượng lương thực quy thóc vẫn đạt 99.273 tấn, cơ bản khắc phục tình trạng đói kém sau chiến tranh. Năm 1980, tổng sản lượng lương thực quy thóc cả năm đạt 110.672 tấn, tăng 7,7% so với năm 1976 và 11,5% so với năm 1979.

Về chăn nuôi: Đàn gia súc không ngừng được phát triển, giảm hẳn số lượng gia súc bị chết dịch do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; song chủ yếu là chăn nuôi gia đình, chăn nuôi tập thể chưa phát triển mạnh. Năm 1976, đàn trâu có 206.151 con, bò có 73.326 con, lợn có 225.751 con. Năm 1979, do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới, đàn gia súc bị giảm nhiều, ảnh hưởng tới sức kéo và thực phẩm của tỉnh. Song nhờ có sự lãnh đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của đồng bào cả nước nên Cao Bằng đã phục hồi được đàn gia súc, gia cầm. Năm 1980, tổng đàn trâu còn có 89.350 con, bò có 57.529 con, lợn có 174.006 con. Cùng với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nuôi thả cá đã trở thành phong trào rộng khắp cả tỉnh, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được nhân rộng ở nhiều nơi, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm cho nhân dân.

Các cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, đỗ tương hằng năm đều tăng cả diện tích và sản lượng. Năm 1976, trồng 3.034 ha thuốc lá, tổng sản lượng đạt 1.517 tấn; năm 1977, trồng 2.955 ha, tổng sản lượng đạt 1.752 tấn. Năm 1978, do tình hình biên giới căng thẳng, tăng gia sản xuất có phần giảm sút, nhất là các huyện biên giới. Năm 1979, xung đột biên giới nổ ra, tình hình sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 1980, tỉnh đã đi vào ổn định, tập trung vào hai cây công nghiệp ngắn ngày mũi nhọn của tỉnh; kết quả, thuốc lá trồng được 1.958 ha, thu được 953 tấn; đỗ tương trồng được 4.160 ha, thu được 2.002 tấn.

Phong trào xây dựng hợp tác xã tiếp tục được triển khai, củng cố và mở rộng các nông trường, trạm, trại và các hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1978, tổng số nông dân vào hợp tác xã là 58.550 hộ, trong đó vùng cao là 13.243 hộ, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 1.617 hợp tác xã.

Lâm nghiệp: Trong 5 năm 1976-1980, tỉnh đã đầu tư 14,2 triệu đồng vào lâm nghiệp, chiếm 21,2% tổng số vốn đầu tư cho các ngành sản xuất vật chất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các ngành. Năm 1977, toàn tỉnh trồng được 6.312 ha rừng; khai thác được 18.700 m3 gỗ tròn, 18.000 m3 củi; đưa vào khoanh nuôi 5.680 ha rừng đầu nguồn, 2.425 ha rừng trọng điểm, phát quang được 34 km đường ngăn lửa. Năm 1978-1979, do chiến tranh tàn phá, cây bị chặt để phục vụ chiến đấu và khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng. Hơn thế, nạn đốt phá rừng chưa được ngăn chặn (những năm 1976-1980 có tới 112 vụ cháy rừng làm thiệt hại 269 ha rừng). Đến năm 1980, diện tích đất có rừng là 187.890 ha, độ che phủ xuống dưới 28%.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các xí nghiệp đã cải tiến quản lý sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến kỹ thuật; một số hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được củng cố, thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần phát triển kinh tế địa phương, việc cải tạo, xây dựng quan hệ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã được chú ý đẩy mạnh. Do vậy, giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1978 đạt 141% kế hoạch, cao nhất so với trước; trong đó, giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng lên theo từng năm: năm 1977 là 4.550.000 đồng, năm 1978 đạt 5.450.000 đồng (tính theo giá cố định năm 1959). Năm 1979, công nghiệp Cao Bằng bị tàn phá nặng nề, trên 95% cơ sở vật chất, kỹ thuật bị phá hoại hoàn toàn. Kết thúc chiến sự, tỉnh tập trung khắc phục lại cơ sở vật chất bị tàn phá, trước hết, tập trung vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản tới 25.743.000 đồng, vượt kế hoạch 22%. Một số công trình tiêu biểu giai đoạn này như: Nhà máy Thủy điện Thoong Gót (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh), đường dây 35 kV Trùng Khánh - Quảng Hòa - thị xã, Nhà máy thủy điện Nà Tẩu (huyện Quảng Hòa)...

Lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng được củng cố, mạng lưới giao thông không ngừng được mở rộng, nâng cấp, nhiều tuyến đường từ huyện đi các xã được hoàn thành như đường Canh Tân - Minh Khai, Thông Nông - Bó Gai, Trùng Khánh - Bằng Ca, Trùng Khánh - Trà Lĩnh... Ngoài ra, năm 1976, Cao Bằng còn cử một đơn vị đi làm cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các tuyến đường giao thông nông thôn được phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, phục vụ đời sống nhân dân. Sau chiến sự biên giới tháng 02/1979, ngành giao thông - vận tải bị thiệt hại nặng nề, với tổng giá trị thiệt hại lên tới 200 triệu đồng. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Trung ương và các tỉnh bạn, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, thuận lợi, bảo đảm vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.

Ngành bưu điện tỉnh Cao Bằng đã có 18 đường thư với tổng chiều dài là 1.472 km, trong đó đường thư huyện, xã là 562 km. Có 8/10 huyện, thị có đường thư mỗi ngày một chuyến. Đường dây hữu tuyến được củng cố và phát triển, phát triển thêm 737 máy điện thoại, đưa tổng chiều dài đường thuê bao lên 351 km. Về hệ thống vô tuyến, ngoài đường thông tin thường xuyên Cao Bằng - Hà Nội, Bưu điện tỉnh còn thiết lập tuyến liên lạc với huyện Bảo Lạc để thăm dò tài nguyên và dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn. Sau xung đột biên giới tháng 02/1979, thông tin liên lạc của tỉnh đã được khẩn trương khôi phục, bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Năm 1980, ngành bưu điện Cao Bằng xây dựng thêm 33 km đường dây biên giới và đưa vào hoạt động 373 máy điện thoại. Bưu phẩm có cước đạt 105%, điện báo đi có cước đạt 100% kế hoạch, điện thoại đường dài đạt 85%, tổng doanh thu đạt 112% kế hoạch.

Trong điều kiện hàng hoá khan hiếm, công tác thương nghiệp, lưu thông phân phối đã cố gắng thực hiện đúng định mức, đúng đối tượng và nhu cầu thiết yếu; song, chưa đáp ứng được tiêu dùng, nhất là lương thực, thực phẩm. Năm 1977, việc thu mua đạt thấp: giá trị thu mua nông sản, thực phẩm mới đạt 44,5% kế hoạch. Tổng thu ngân sách cả năm đạt 97,7%, tổng chi đạt 88,43%. Năm 1978, ngành thương nghiệp của tỉnh đã có nhiều cố gắng sơ tán cất giấu hàng hoá, phục vụ kịp thời cho nhu cầu chiến đấu của bộ đội, công an và dân quân, tự vệ, phục vụ đời sống nhân dân ở nơi sơ tán. Trong tình thế khẩn trương, ngành thương nghiệp đã dùng 24 xe ôtô của trạm vận tải chuyển 1.000 tấn hàng hoá và thiết bị ra kho khu vực Bản Tấn (xã Bình Dương, huyện Hoà An). Các kho ở từng huyện cũng vận chuyển về nơi an toàn; trong đó có một số địa phương thực hiện vượt mức tỉnh giao như: Quảng Hoà vượt 12%, Hà Quảng 546 tấn, Thạch An 220 tấn... Năm 1980, tổng giá trị hàng hoá các loại tăng gấp 9 lần năm 1979.

Về văn hoá - xã hội: Trải qua quá trình thay đổi địa giới hành chính và chiến tranh, lĩnh vực văn hoá - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát triển về mọi mặt. Mọi hoạt động văn hoá - thông tin đều nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị số’ 214-CT/TW, ngày 15/01/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội, tỉnh đã triển khai rộng rãi tới nhân dân về quy ước nếp sống mới, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, cải tạo những người làm nghề phi pháp. Việc cải tiến các nghi thức trong đám cưới, đám tang và hoạt động lễ hội... bước đầu có nhiều chuyển biến tốt.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, từ 207 đội văn nghệ (năm 1976) tăng lên 230 đội văn nghệ (năm 1977) hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đài Phát thanh của tỉnh đi vào hoạt động, thường xuyên phát bằng các thứ tiếng: Tày, Nùng, Kinh, Mông và Dao. Hệ thống truyền thanh tăng nhanh, số loa truyền thanh của tỉnh đạt 14.971 loa, tuyên truyền sâu vào tận vùng sâu, vùng xa, những nơi xa xôi, hẻo lánh để kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về giáo dục, mặc dù tỉnh Cao Lạng có số trường lớp đông, địa bàn rừng núi phức tạp, khó khăn, song công tác giáo dục của tỉnh Cao Lạng vẫn phát triển, bảo đảm chất lượng dạy và học. Khi sáp nhập tỉnh Cao Lạng, các trường học vẫn được giữ nguyên không xáo trộn; riêng Trường Sư phạm cấp II của Cao Bằng và Lạng Sơn được sáp nhập thành Trường Sư phạm cấp II Cao Lạng. Đến tháng 12/1978, do việc tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, các trường phổ thông vẫn được giữ nguyên, riêng Trường Sư phạm cấp II lại tách thành hai trường trực thuộc hai tỉnh. Năm 1978, toàn tỉnh có 426 trường, với 3.750 lớp, 115.941 học sinh, 4.412 giáo viên (cả ba cấp). Năm 1979, do xung đột biên giới xảy ra, cả tỉnh còn 79 trường, song số học sinh và giáo viên vẫn tăng. Năm 1980, số giáo viên cả tỉnh có 5.236 người.

Công tác y tế không ngừng được phát triển và có nhiều tiến bộ rõ rệt, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao. Đặc biệt năm 1979, hoạt động y tế có nhiều thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Sau chiến sự, ngành y tế đã nhanh chóng giải quyết hậu quả chiến tranh, làm vệ sinh môi trường, đề phòng các dịch bệnh xảy ra. Các bệnh viện, trạm y tế được khôi phục với khoảng 1.000 giường bệnh, sẵn sàng phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bảo đảm sức khoẻ chiến đấu và sản xuất. Năm 1980, đội ngũ y, bác sĩ đã được củng cố về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Công tác quân sự: Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh đã chú trọng phát triển lực lượng quân đội và dân quân tự vệ phù hợp với giai đoạn cách mạng mới. Ngoài việc sẵn sàng chiến đấu, năm 1976, tỉnh đã có ba đơn vị bộ đội tham gia xây dựng kinh tế; trong đó, Trung đoàn 567 làm kinh tế giỏi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa.

Từ năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn ra phức tạp hơn, tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng thủ biên giới và nội địa, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang. Ở các xã biên giới, mỗi xã thành lập từ 1 trung đội đến 1 đại đội cơ động được trang bị vũ khí và huấn luyện kỹ thuật. Các cơ quan, xí nghiệp đều xây dựng lực lượng tự vệ bảo vệ cơ quan. Vùng biên giới, dân quân du kích phối hợp với bộ đội tuần tra canh gác biên giới, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Ngày 17/02/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc vô cớ tấn công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Ở Cao Bằng, chúng tiến đánh theo 4 hướng: Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Thạch An; sau đó, đánh chiếm Nguyên Bình, Hà Quảng rồi tiến vào thị xã Cao Bằng. Đảng bộ, quân và dân Cao Bằng nêu cao quyết tâm bằng mọi giá phải bám trụ kiên cường, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay khi phát hiện xe tăng, bộ binh địch vượt biên giới sang ta, quân và dân toàn tỉnh đã liên tiếp giáng trả, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần buộc địch phải rút lui về bên kia biên giới vào ngày 16/3/1979. Sau một tháng giằng co oanh liệt, cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi. Trên mặt trận Cao Bằng, quân và dân ta đã đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn địch, bắn cháy và phá huỷ 134 xe tăng, xe bọc thép và 23 xe quân sự, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, bắt sống nhiều tù binh.

Trong chiến sự đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, lập công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, toàn tỉnh có 4 tập thể gồm Đồn Biên phòng 179 Tà Lùng; Đồn Biên phòng 167 Sóc Giang (nay là Đồn Biên phòng Sóc Hà); Trạm Kiểm soát cửa khẩu thuộc Đồn Biên phòng 171 Trà Lĩnh (nay là Đồn Biên phòng 171 Hùng Quốc); Đảng bộ và nhân dân xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) và 3 đồng chí Hoàng Văn Khoáy, Hoàng Văn Quản, Trương Hữu Dem vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quân và dân Cao Bằng một lần nữa lập nên những chiến công oanh liệt, làm rạng rỡ thêm truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng anh hùng.

Cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra tháng 02/1979 đã để lại cho tỉnh Cao Bằng những tổn thất rất to lớn: 80% số xã, 70% nhà cửa bị huỷ hoại; 1.500 người bị chết, trong đó có 70 cán bộ, công nhân viên; 450 người bị bắt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá nặng nề. Ngay sau chiến tranh kết thúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc Cao Bằng đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nhất là vùng biên giới; đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

Công tác xây dựng Đảng và đoàn thể luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm. Năm 1977, các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã tiến hành xong đại hội. Sau khi hợp nhất tỉnh, toàn tỉnh có 2.690 chi bộ đảng cơ sở, với 35.038 đảng viên. Năm 1979, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng trải qua một đợt thử thách lớn, vừa mới tách tỉnh đang trong quá trình ổn định tổ chức thì chiến sự biên giới xảy ra. Cao Bằng phải xây dựng lại từ đống đổ nát sau chiến tranh. Các tổ chức cơ sở đảng cũng được củng cố, xây dựng. Năm 1980, toàn Đảng bộ tỉnh có 644 chi, đảng bộ cơ sở, với 19.251 đảng viên. Tháng 8/1980, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ X được triệu tập. Đại hội đã bầu đồng chí Vương Văn Quýnh (tức Dương Tường) làm Bí thư. Các đoàn thể quần chúng được chú ý phát triển, thi đua lao động sản xuất và có nhiều đóng góp trong xây dựng, bảo vệ đất nước.

Như vậy, trong thời kỳ 1976-1980, đứng trước nhiều khó khăn, thử thách do quá trình tách, nhập đơn vị hành chính, lại phải chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến sự biên giới tháng 02/1979, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng vẫn quyết tâm vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần cùng cả nước từng bước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, quân và dân Cao Bằng tiếp tục quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu to lớn hơn trong thời kỳ tiếp theo.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1