Văn hóa cổ, đặc sắc người Lô Lô - hướng bảo tồn, phát huy (kỳ II)
Lượt xem: 220

Những năm gần đây, văn hóa dân tộc Lô Lô đen được biết đến nhiều từ một số người (trong và ngoài nước). Vì đam mê, họ đã dày công tìm hiểu và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng hiếm có ai mở kho báu văn hóa người Lô Lô đen cổ xưa. Vậy nên chưa có một công trình nghiên cứu, bảo tồn nào xứng tầm.

 
 

Những năm gần đây, văn hóa dân tộc Lô Lô đen được biết đến nhiều từ một số người (trong và ngoài nước). Vì đam mê, họ đã dày công tìm hiểu và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng hiếm có ai mở kho báu văn hóa người Lô Lô đen cổ xưa. Vậy nên chưa có một công trình nghiên cứu, bảo tồn nào xứng tầm.

Kỳ II: HƯỚNG ĐẾN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA CỔ LÔ LÔ

Phụ nữ Lô Lô thêu, khâu trang phục.

NHỮNG NGƯỜI “CHẠM” ĐẾN KHO BÁU VĂN HÓA DÂN TỘC LÔ LÔ

Nhiều người ở 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm cho rằng, ông Dương Tấn (nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm) và chị Quan Hồng Tiềm (nay là Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bảo Lạc) hiểu biết sâu về văn hóa người Lô Lô đen. Vì cả hai người có hơn 5 năm dày công tìm hiểu văn hóa cổ người Lô Lô đen.

Ông Dương Tấn bộc bạch: Năm 2009, từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm, tôi chuyển công tác sang làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Bảo Lạc, đành bỏ dở đề tài nghiên cứu văn hóa người Lô Lô đen sau gần 5 năm tìm hiểu. Tiếc lắm! Người Lô Lô đen chỉ còn duy nhất ở 2 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc gìn giữ nhiều giá trị văn hóa cổ xưa, huyền bí nên đã cuốn hút tôi và vợ tôi (cùng là cán bộ văn hóa) dự kiến làm đề tài khoa học. Trước đây, tôi chỉ biết Bảo tàng tỉnh có nhiều trống đồng cổ được tìm thấy tại 2 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, thuộc vùng có người Lô Lô sinh sống. Cho đến một hôm tình cờ đi công tác xã Đức Hạnh (Bảo Lâm), tôi gặp lễ làm “Ma khô” (người chết sau khi đã chôn cất, gia đình và cả làng mới làm lễ cúng) đem trống đồng cổ ra đánh vang vọng khắp núi rừng. Gia đình, họ tộc, bản làng múa theo nhịp trống âm vang và lời ca trầm bổng của thầy cúng. Một không gian văn hóa trống đồng nghìn năm xưa hiện hữu trước mắt tôi với những làn điệu dân ca, dân vũ huyền ảo. Từ đó, tôi đam mê tìm hiểu văn hóa người Lô Lô đen và chia sẻ với vợ, lên kế hoạch xây dựng đề tài khoa học. Cứ khi nào rời được công việc, tôi lại vượt dốc núi, băng rừng đến bản làng gặp các cụ già để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo… Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng bị cuốn hút, đam mê bởi giữa khó và huyền bí đan xen.

Khó, bởi xưa người Lô Lô có chữ viết rồi thất truyền trong lịch sử, giờ chỉ còn ngôn ngữ truyền khẩu. Những người già, thầy cúng còn biết và lưu giữ nhiều văn hóa cổ xưa, song họ lại không biết tiếng phổ thông như lớp trẻ để diễn giải cho mọi người hiểu. Huyền bí bởi nhiều điều chưa lý giải được từ ngưỡng vọng văn hóa tâm linh… Ví dụ như bài hát cúng là bài trường ca dài hàng nghìn câu, không có sách ghi chép mà thầy cúng vẫn nhớ, nội dung bài hát cúng là gì? Gìn giữ, đánh trống đồng sao cho vang vọng bằng nhiều nhịp phách khác nhau nói lên nội dung gì? Làm thế nào cất giấu và lưu giữ tập tục đánh trống đồng đã tồn tại hàng nghìn năm?

Ông Dương Tấn chia sẻ thêm: Trong thời gian ngắn khó có thể tìm hiểu về văn hóa vật thể và phi vật thể của người Lô Lô đen. Chưa kể đến đi lại lên núi đến bản làng Lô Lô là một kỳ tích, ngôn ngữ bất đồng, chờ đến hết mùa làm nương rẫy mới gặp được bà con. Vì vậy, tuy dành gần 5 năm lặn lội đến bản làng, tham gia nhiều nghi lễ cùng bà con nhưng cũng mới chỉ “chạm” đến thôi chứ chưa có đủ điều kiện để hoàn chỉnh đề tài khoa học xứng tầm…

Kế tiếp ông Dương Tấn là chị Quan Hồng Tiềm khi đó là cán bộ cùng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm, đang học Đại học Văn hóa. Chị Tiềm tâm sự: Nếu bỏ dở tư liệu của ông Tấn đã dày công tìm hiểu thì tiếc lắm. Tôi muốn làm được điều gì đó gìn giữ văn hóa đặc sắc của người Lô Lô. Vào cuộc nhiều gian nan, có khi cả tuần mới tìm hiểu được một vài bài dân ca, dân vũ. Để chứng kiến nghi lễ làm “Ma khô” phải chờ đến “chát lòng” vì “may cho người sống, rủi cho người mất”. Bản Lô Lô Cà Mèng, xã Đức Hạnh chưa có điện, khi có lễ làm “Ma khô” phải chở máy phát điện từ huyện vào xã, rồi nhờ bà con khiêng hàng 10 km đến bản để phục vụ cho nghi lễ và quay phim tư liệu… Năm 2010, tôi hoàn thành khóa luận giữ gìn văn hóa người Lô Lô đen trong kỳ thi tốt nghiệp. Sau đó, tôi chuyển công tác về Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bảo Lạc nên khóa luận chưa được nâng tầm trong công tác bảo tồn thực tiễn. Tuy vậy, có điều an ủi tôi, khóa luận được nhiều anh, chị công tác bên báo chí biết và đã đến gặp tôi để tìm hiểu, chia sẻ, lấy tư liệu tuyên truyền văn hóa đặc sắc của người Lô Lô đen trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục người Pháp, Federic Michalak chụp ảnh với bà con Lô Lô ở Khuổi Khon,xã Kim Cúc năm 2011. Ảnh Nicolas Vidal

Một người nữa “chạm” đến văn hóa người Lô Lô đen, là ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục người Pháp, Federic Michalak. Tôi chưa gặp, chỉ nghe ông Hải kể: Tháng 6/2011, ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục người Pháp, Federic Michalak từ một đất nước xa xôi, khác xa nhau về mọi điều kiện sống, bất đồng ngôn ngữ, nhưng sự quyến rũ cảnh núi non hùng vĩ và cuộc sống giàu bản sắc, đã làm cho Federic Michalak có tình yêu đặc biệt với cuộc sống cổ xưa người Lô Lô ở Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo lạc). Federic Michalak đã đến Kim Cúc và hòa mình với bản làng để sống, anh đi cày, bừa, chặt tre, vầu be bờ ruộng, bắt lợn…, làm mọi việc như người đàn ông Lô Lô để tận hưởng cuộc sống giàu bản sắc và hiểu bà con hơn. Gần 1 tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, clip do anh thủ vai chính - như bộ phim ngắn hoàn thành, công chiếu đêm 1/11/2011 trên truyền hình Pháp. Sau chuyến đi của Federic Michalak đến Khuổi Khon - đại diện cho văn hóa cổ xưa người Lô Lô đen Bảo Lạc, Bảo Lâm, văn hóa Lô Lô được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Tuor du lịch cộng đồng Khuổi Khon được hình thành để du khách đến đỉnh núi cheo leo hùng vĩ khám phá văn hóa người Lô Lô…

CẦN CÓ HƯỚNG GÌN GIỮ VĂN HÓA CỔ LÔ LÔ

Đến nay, cánh cửa kho báu văn hóa cổ xưa người Lô Lô đã hé mở. Nhưng ông Tấn và chị Tiềm đều cho rằng: Văn hóa người Lô Lô đen mới chỉ dừng lại ở khóa luận tốt nghiệp đại học chưa nâng tầm như đề tài khoa học cấp Nhà nước để bảo tồn và phát huy. Vẫn còn nhiều nét văn hóa độc đáo, giàu giá trị bản sắc chưa được tìm hiểu hết. Bên cạnh đó, ông Tấn quan ngại về giữ trống đồng cổ chưa được chặt chẽ. Thời kỳ ông  Tấn còn công tác Phòng Văn hóa - Thông tin Bảo Lâm đã tham gia mấy vụ bắt, giữ kẻ xấu đem trống đồng cổ vượt biên giới sang Trung Quốc. Kẻ xấu còn đúc trống đồng mới theo nguyên mẫu cũ rồi đem lên bán, đổi lấy trống đồng cũ với bà con Lô Lô để đem đi Trung Quốc bán. Số lượng trống đồng các bản Lô Lô giảm dần vì kẻ xấu bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đem trống đồng cổ của bà con đi. Việc truyền dạy đánh trống đồng cho thế hệ sau cũng khó thực hiện. Nếu có sự tham gia cơ quan chức năng và bà con để bảo tồn trống đồng cổ tại bản Lô Lô sẽ tốt hơn.

Ông Tấn cho rằng, không chỉ công tác gìn giữ trống đồng đang đứng trước nguy cơ mai một mà một số nét văn hóa khác cũng vậy. Thực tế chúng tôi đến Khuổi Khon, ông Hải tuy gần 60 tuổi, làm cán bộ Nhà nước lâu năm thuộc diện nhiều chữ nhưng không biết nhiều ngôn ngữ người Lô Lô. Ông Hải phàn nàn: Trong bản chỉ có người già, thầy cúng là hiểu biết nhiều tiếng Lô Lô cổ. Bọn trẻ lớn lên đi học nói tiếng phổ thông nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, không học bài hát dân ca, hát nghi lễ, lễ hội vì không có người truyền dạy nên tiếp thu văn hóa bên ngoài nhiều hơn. Kế tiếp truyền thống văn hóa đang bị đứt quãng giữa bậc cao niên và lớp thanh niên.

Hiện nay, Khuổi Khon hơn các bản Lô Lô khác huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm là đã mở du lịch cộng đồng nhưng chưa hình thành một bản làng quy củ, sạch đẹp và môi trường cảnh quan với nét văn hóa riêng. Dọc đường vào bản ngổn ngang chuồng trâu, bò trước cửa nhà, gầm sàn vẫn để gia súc, gia cầm, chưa hợp vệ sinh. Nhiều nhà nếp sống bừa bãi, luộm thuộm, chưa biết trình bày không gian kiến trúc sinh hoạt gia đình thẩm mỹ, gọn gàng, sạch để làm nổi bật không gian sống mang nét văn hóa riêng người Lô Lô. Trong bản chưa có nhà nào làm một sản phẩm đặc trưng gì của người Lô Lô như: ẩm thực (thịt lợn treo, cháo ngô, gạo nương, bánh dầy...),  đồ thủ công may thêu khăn, túi, áo chàm bằng sợi bông… Ngoại trừ nhà ông  Hải (nguyên là nhà mà ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục người Pháp, Federic Michalak đã đến ở) trở thành địa điểm đón khách nước ngoài đến thăm keo kiểu homestay là thu dọn đồ đạc trong nhà trật tự, hợp vệ sinh (làm nhà vệ sinh, phòng tắm riêng cho khách) để khách ngủ. Gia đình ông Hải chỉ thu tiền ngủ khách qua đêm 50.000 đồng/người; vợ thêu túi, khăn để bán nếu khách mua. Ngoài ra, khách không ăn uống, sử dụng, mua bán loại hình dịch vụ nào của bản. Vì thế, Khuổi Khon hình thành du lịch cộng đồng nhưng quá sơ sài. Hằng tháng chỉ có 30 - 40 khách đến thăm, ngủ rồi về ngay, không có loại hình văn hóa, dịch vụ nào lưu giữ khách. Theo như bà Leonal, du khách Pháp nhận xét: Khuổi Khon đẹp bởi núi non hùng vĩ, nhưng vào bản thì đơn điệu quá, không có loại hình dịch vụ nào mang nét văn hóa đặc trưng người Lô Lô. Tình trạng này kéo dài thì Khuổi Khon cũng không còn hấp dẫn nữa.

Ông Nông Toàn Thắng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc cho biết: Người Lô Lô đen còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, cổ xưa. Trong quá trình triển khai công tác văn hóa, chúng tôi quan tâm, tuyên truyền vận động bà con Lô Lô gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Tuy nhiên, để xây dựng riêng một đề tài khoa học cấp Nhà nước phục vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Lô Lô đen lại vượt quá khả năng cấp huyện. Tôi mong muốn đề nghị cấp trên, cơ quan chức năng quan tâm, xây dựng chương trình riêng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc gắn với phát triển du lịch. Để trong tương lai Khuổi Khon - đại diện cho văn hóa người Lô Lô trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, thắng cảnh của Bảo Lạc, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Bà Hà Thị Quyết, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, Bảo tàng tỉnh có 15 cái trống đồng cổ, trong đó có 11 cái trống đồng người Lô Lô tìm thấy ở Bảo Lâm, Bảo Lạc, thuộc niên đại Đông Sơn cách đây gần 2.000 năm; được xem là văn hóa vật thể có giá trị rất lớn, chứng minh cho người cổ sớm sinh sống có nền văn minh đồ đồng tại Cao Bằng. Mới đây, Giáo sư Bùi Quang Thanh, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đến Bảo Lạc, Bảo Lâm tìm hiểu văn hóa người Lô Lô để xây dựng đề tài khoa học cấp Nhà nước. Hy vọng thời gian tới có nhiều khởi sắc hơn về bảo tồn và phát huy văn hóa người Lô Lô đen tại Cao Bằng.

 

Theo VOV.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1