Từ Nhà nước sơ khai đến Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Lượt xem: 324

“Phải xây dựng được những nhân tố bảo đảm thắng lợi cho cách mạng” Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã có 4 sáng lập lớn. Cụ thể, Người đã sáng lập Đảng; sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất

“Phải xây dựng được những nhân tố bảo đảm thắng lợi cho cách mạng” Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã có 4 sáng lập lớn. Cụ thể, Người đã sáng lập Đảng; sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất; sáng lập lực lượng vũ trang; sáng lập chính quyền nhân dân. Cao Bằng có vinh dự lớn là nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Vinh dự càng lớn hơn vì chính trên mảnh đất này, Bác đã thực hiện 3 sáng lập về sau, để từ Cao Bằng lan tỏa ra toàn quốc.

IMG%20-%200512

Lán Khuổi Nặm (Pác Bó) - nơi Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (từ ngày 10 - 19/5/1941), ra Nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Mặt trận Việt Minh.

TỪ NƠI RA ĐỜI NHÀ NƯỚC TƯƠNG LAI

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó (Hà Quảng) trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

 

Trên cơ sở kết quả thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng thắng lợi, theo sáng kiến của Người, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 - 19/5/1941), tại Pác Bó, Hà Quảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh… và mở rộng xây dựng Măt trận Việt Minh ra cả nước. Hội nghị cũng quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và nhiều vấn đề quan trọng khác. Sự chuyển hướng đó đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam.  

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị, phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng, các xã, các tổng Việt Minh “hoàn toàn” xuất hiện; 3 châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình trở thành 3 châu Việt Minh “hoàn toàn”. Sau đó phong trào Việt Minh phát triển mạnh sang các huyện miền Đông của tỉnh và Ngân Sơn (Bắc Kạn). Tháng 11/1942, Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất đã bầu ra Ban Việt Minh chính thức của tỉnh. Như vậy, hệ thống tổ chức Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng đã được xây dựng thành một hệ thống khá hoàn chỉnh, thông suốt từ xã, tổng, đến châu, tỉnh.

Tại các châu Việt Minh “hoàn toàn” đã xuất hiện hình ảnh - mô hình của một chính quyền mới, Ban Việt Minh xã đã đảm nhiệm chức năng của chính quyền cách mạng. Những hoạt động đó chính là sự quá độ của một chính quyền cách mạng trong tương lai đầy hứa hẹn, nó càng chứng tỏ uy thế áp đảo của phong trào Việt Minh và sự áp đảo đó ngày càng rộng lớn. Đây chính là mô hình nhà nước tương lai của một nước Việt Nam mới được ra đời ngay từ những ngày cách mạng còn trong bí mật. Như giáo sư Đặng Xuân Kỳ đã khẳng định: “Cao Bằng còn là nơi thử nghiệm đầu tiên về việc thành lập chính quyền cách mạng dưới hình thức sơ khai ban đầu, đó là những “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn”, một hình thức chính quyền mới, khác hẳn chính quyền của giai cấp phong kiến địa chủ cũng như của chế độ thực dân đã có trên đất nước ta”.

KHU GIẢI PHÓNG RA ĐỜI

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, phong trào Việt Minh tại Cao Bằng phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn, nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh. Từ Cao Bằng, phong trào Việt Minh bắt đầu tỏa rộng, ăn sâu, bám rễ sang khắp các tỉnh Việt Bắc rồi lan dần về xuôi. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước (từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 8/1945), Mặt trận Việt Minh thể hiện đầy đủ vai trò chính trị, tập hợp mọi lực lượng nhân dân tiến hành đấu tranh dưới nhiều hình thức, đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa, lập chính quyền cách mạng vững chắc ở nhiều địa phương, vùng, miền, làm tiền đề cho việc lập chính quyền cách mạng cả nước trong Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về việc tổ chức các Ủy ban dân tộc giải phóng, coi đó là “hình thức tiền chính phủ, trong đó, nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng”. Phong trào cách mạng trong cả nước dâng cao, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận thắng lợi đã giải phóng được nhiều vùng, nhất là ở Việt Bắc. Chấp hành Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, thống nhất chính quyền cách mạng, chấn chỉnh lực lượng quân sự toàn khu, lập Ủy ban lâm thời Khu giải phóng, ra báo Nước Nam mới. Đây thực sự là căn cứ địa vững chắc về mọi mặt để làm bàn đạp tiến lên giải phóng toàn quốc. Với Mười chính sách lớn được thực hiện ở Khu giải phóng như: Đánh đuổi phát xít Nhật và bè lũ tay sai, tịch thu tài sản của bọn cướp nước và bán nước chia cho dân nghèo, thực hiện tổng tuyển cử và các quyền tự do, dân chủ khác, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp, chống nạn mù chữ, huấn luyện chính trị, quân sự cho nhân dân… Khu giải phóng thực sự là hình ảnh của “nước Việt Nam mới”, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này.

ĐẾN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Đến giữa tháng 8/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần đã cuồn cuộn dâng lên từ Bắc chí Nam, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi, quyết định chuyển thời kỳ tiền khởi nghĩa sang tổng khởi nghĩa trong toàn quốc và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào đã thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương gồm 15 ủy viên do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban dân tộc giải phóng là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trước khi thành lập một chính phủ chính thức, có nhiệm vụ thay mặt Quốc dân giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước. Nghị quyết của Quốc dân Ðại hội nhấn mạnh mục tiêu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập". Có thể nói, Quốc dân đại hội Tân Trào là một tầm nhìn chiến lược với nhãn quan chính trị sắc bén của Hồ Chí Minh, chuẩn bị những tiền đề vững chắc khi cách mạng thắng lợi để tránh bị động trong xây dựng chính thể dân chủ nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, cả dân tộc muôn người như một vùng lên giành chính quyền về tay mình. Không khí tổng khởi nghĩa diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, Thừa Thiên Huế giành được chính quyền, vua Bảo Đại đọc lời thoái vị và nộp ấn kiếm cho cách mạng. Ngày 25/8, nhân dân Sài Gòn - Gia Định giành được chính quyền… Chỉ trong vòng 2 tuần từ (14 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ trong cả nuớc.

Ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam, với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà độc lập, tự do ra đời! Ngày 2/9/1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam và được xác lập là ngày Quốc khánh của Việt Nam.

70 mùa thu Tháng Tám đã đi qua, cả dân tộc vẫn còn khắc sâu lời tiên tri - dự báo của Bác Hồ ngay từ khi mới về nước, ở Cao Bằng - Bác đã viết: “Năm 1945, Việt Nam độc lập”, hiện thực đó đã được 70 năm.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1