Truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân Cao Bằng trong thời kỳ phong kiến
Lượt xem: 6368

Là tỉnh biên giới, địa đầu của Tổ quốc, trong thời đại phong kiến, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã có tinh thần yêu nước, thượng võ, xuất hiện nhiều bậc anh hùng hào kiệt, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Là tỉnh biên giới, địa đầu của Tổ quốc, trong thời đại phong kiến, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã có tinh thần yêu nước, thượng võ, xuất hiện nhiều bậc anh hùng hào kiệt, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Thời kỳ Hùng - Thục, vua Hùng thứ 18 có Thục Phán làm vua nước Nam Cương, đóng đô ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố ngày nay). Tần Thủy Hoàng ở phương Bắc sai Đỗ Thư đem 50 vạn quân, chia làm 5 mũi tấn công nước ta. Một mũi tấn công đem 300 chiến thuyền nhỏ vượt sông Bằng đánh lên Cao Bằng. Năm 2014 trước Công Nguyên, quân Thục Phán chặn đánh quân Tần ở Hát Giả (cách thành phố Cao Bằng ngày nay 8 km), phục kích hai bên bờ sông đánh đắm nhiều thuyền giặc, giết trên 300 quân, buộc chúng phải rút về nước tìm cách giảng hòa với An Dương Vương - Thục Phán đóng đô ở Cổ Loa.

Thời kỳ nhà Lý (1040 - 1053) có Nùng Trí Cao, xã Vĩnh Quang (Thành phố ngày nay) chống quân xâm lược nhà Tống. Nùng Trí Cao được vua nhà Lý phong hàm Thái Bảo, đánh đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi, thừa thắng đánh chiếm 10 châu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Trung Quốc. Vua nhà Tống giao cho 5 hổ tướng do Tống Địch Thanh chỉ huy giữ được thành Quảng Châu 42 ngày không hạ được thành phải rút lui. Bị quân nhà Tống truy đuổi, đã xảy ra trận huyết chiến ở Phục Hòa, Nùng Trí Cao chạy thoát. Hiện nay ở Cao Bằng có Đền Kỳ Sầm đại vương thờ Nùng Trí Cao ở xã Vĩnh Quang và nhiều nơi khác trong tỉnh. Mẹ Nùng Trí Cao là A Nùng được thờ ở Nà Cạn, phường Sông Bằng (Thành phố). Bà có công tiếp tế binh lương cho Nùng Trí Cao đánh giặc.

Thời nhà Lý có ông Dương Tự Minh, quê ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được vua Lý cử lên Cao Bằng dẹp loạn ngoại xâm do tên Trần Hữu Lượng chỉ huy, nhân dân vùng biên giới bị cướp bóc chạy về sâu trong hậu cứ. Dương Tự Minh dẹp tan giặc và khuyến khích nhân dân hồi cư về giáp biên giới để giữ vững lãnh thổ. Ở Cao Bằng có đền thờ Dương Tự Minh ở làng Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố) gọi là Điềm Viên Minh thờ Quan triều (Dương Tự Minh) và vợ là công chúa Hồng Liên.

den%20an%20bien%20tuong%20quan

Đền thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục - người dân tộc Tày ở làng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là huyện Trùng Khánh), một tướng giỏi có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, giữ vững biên cương phía Bắc dưới triều Lý.

Ở Thượng Lang (Trùng Khánh) có đền thờ Hoàng Pháp ở Lũng Đính, xã Đình Phong. Hoàng Pháp tức Hoàng Lục, quê xã Đình Phong là tù trưởng, nhà giàu, mua sắm vũ khí và tập hợp nhân dân thành đạo binh hùng hậu đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi. Hoàng Pháp được vua Lý sắc phong An Biên tướng quân năm Long Thái Bình Thụy (Giáp Ngọ).

Tháng 12/1075, Lý Thường Kiệt đem quân phá tan kho binh lương nhà Tống ở Ung Châu (Nam Ninh) để chuẩn bị xâm lược nước ta. Vua Tống giao cho Quách Quỳ chỉ huy 30 vạn quân xâm lược. Ngày 11/8/1075, ở tuyến Quảng Nguyên (Cao Bằng), Quách Quỳ vấp phải đội thổ binh của tướng Lưu Kỷ, quê ở châu Quảng Nguyên. Song do địch quá đông, chúng chiếm được Quảng Nguyên rồi tiến về xuôi.

Năm Thần Tông (1074), nhà Tống cử tướng Thẩm Khôi và Lưu Di đánh Đại Việt. Lý Thường Kiệt đem 5 vạn quân bẻ gẫy hướng tiến công của địch. Tháng 10/1075, Nùng Tôn Đản chỉ huy 6 vạn quân thổ binh người Cao Bằng - Lạng Sơn. Tháng 10/1076, quân Tôn Đản vây hãm thành Ung Châu buộc tướng nhà Tống là Tô Giản phải đầu hàng. Tháng 2/1077, Lý Thường Kiệt đánh tan quân Quách Quỳ ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Nùng Tôn Đản, quê xã Kim Pha nay thuộc phường Sông Bằng (Thành phố), được vua nhà Lý phong Điện tiền Nguyên suy Phục quốc Thái úy, Lang Trung tướng quân, Đô quân thống lĩnh ngự tiền sử thành Thăng Long.

Thời nhà Trần, Trần Hưng Đạo đại vương 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông (1270 - 1293). Quân Nguyên Mông xâm lược Cao Bằng lần thứ 2, có thủ lĩnh Hoàng Thắng Hứa, quê Thượng Lang (Trùng Khánh) tổ chức quân giữ vững biên ải, mở rộng địa bàn đánh sang Quảng Tây. Trong trận thứ 3, quân Nguyên Mông bị đánh bại, thái tử Thoát Hoan con vua Hốt Tất Liệt cùng phó tướng là A Nhai chạy trốn về nước qua châu Tú Lang (Hạ Lang) thì bị tù trưởng Hoàng Nghệ chặn đánh, phó tướng A Nhai bị bắt còn Thoát Hoan trốn thoát chạy về nước. Hoàng Nghệ được phong Thiên vương đại thần, được khắc vào bia đá và thờ ở chùa Sùng Phúc (Hạ Lang).

Thời Lê Lợi (1418 - 1427), vua Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, phân cho Bế Khắc Thiệu ở Cao Bằng giữ vững biên ải. Tù trưởng Bế Khắc Thiệu cùng Nông Đắc Thái chiêu mộ quân chống quân xâm lược nhà Minh. Trận cuối cùng quân Bế Khắc Thiệu giết trên 4 nghìn quân giặc, bắn bị thương đô đốc Trịnh Dương, tướng Cao Ái Vân bị ta bắt sống.

thanh%20na

Thành Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An) - một căn cứ quân sự lớn, trung tâm chính trị của nhà Mạc.


Thời Lê - Mạc (nhà Mạc chạy lên Cao Bằng từ năm 1592 - 1677). Trải qua 85 năm, nhờ có chính sách ngoại giao lúc cương, lúc nhu, lại tăng cường xây dựng quân đội, bảo vệ biên cương nên 85 năm giữ vững biên cương không mất một tấc đất nào.

Thời Lê - Mạc có ông Nguyễn Đình Bá, quê thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên làm tri châu Hạ Lang, ông có công giữ ải biên cương, giúp dân khai đất khẩn hoang nên được dân tôn sùng làm thần hoàng làng và được thờ ở chùa Sùng Phúc. Sau ông được thăng chức Đốc đồng tỉnh Cao Bằng. Triều đình nhà Lê cho xây đền thờ ông là đền Thanh Trung, hiện thuộc tổ 16, phường Sông Hiến (Thành phố).

Thời nhà Lê và nhà Tây Sơn, vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Vua Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê bị quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ từ kinh thành Phú Xuân (Huế) đánh đuổi quân nhà Thanh ra khỏi bờ cõi. Vua Lê Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh qua đường Cao Bằng - Thủy Khẩu, Long Châu. Quân Tây Sơn lên Cao Bằng trấn giữ biên ải, dấu tích quân Tây Sơn đưa voi lên Giảng Gà, xã Đình Phong (Trùng Khánh). Voi to không qua được ải vì có tảng đá to án ngữ lại bị quân nhà Thanh chặn đánh. Quân Tây Sơn bị chết tại trận một số quân, chỉ huy. Nhân dân lập miếu thờ gọi là miếu quan Tây. Sau này nhiều người cho quan Tây là quân Pháp, đây là phủ quan Tây Sơn.

Thời nhà Nguyễn - Gia Long, giặc phương Bắc tràn sang cướp phá nhân dân. Ở châu Trà Lĩnh có ông Nông Thống Lệnh, người làng Pò Khao, thị trấn Hùng Quốc, có sức khỏe phi thường và võ nghệ cao cường. Giặc phương Bắc sang đánh phá Trà Lĩnh, Nông Thống Lệnh huy động trai tráng trong làng phục kích đánh giặc. Ông được nhân dân tôn sùng là Đại tướng quân, được dựng miếu thờ ở làng Pò Khao. Em gái ông là Nông Thị Vưu có công tiếp tế lương thực cho anh trai đánh giặc lại có công trị thủy sông Tả Lệnh bị ngập úng trong 3 năm, được lập đền thờ ở làng Nà Ý, Bản Pát, xã Cao Chương. Ngày 7/8/2013, Bảo tàng tỉnh đã phát hiện bia ghi công đức của ông, được thờ ông ở một trong ba gian thờ ở miếu Quan Đế. Bia được dựng năm Tự Đức thứ 30, tháng 12/1877. Năm 1874 ông được nhà Nguyễn phong chức Quản đốc 2 của Vệ thản binh.

Thời nhà Nguyễn có giặc Tam Thập Lục với 3.000 quân tràn vào Trà Lĩnh rồi tiến về Quảng Uyên - Phục Hòa cướp phá nhân dân, triều đình xuất Quản đốc Trần Duy Trân vào chống giặc. Đến Cách Linh (Phục Hòa), 2 bên giao chiến. Tướng Trần Duy Trân tử trận, được lập đền thờ ở Cách Linh gọi là miếu Quan Trần. Bảo tàng tỉnh phát hiện ghi công đức của ông. Trận này có con voi tham chiến bị giặc đánh bị thương nặng, voi được đưa về Mục Mã (Thành phố) và chết, vua nhà Nguyễn cho lập miếu thờ voi có công đánh giặc, gọi là miếu voi Kim, ở chân tháp truyền hình Cao Bằng ngày nay. Dân vẫn gọi là vực voi bên bờ sông Hiến.

Có 2 sự kiện ta dùng tài ngoại giao buộc địch phải rút quân về nước, nối lại bang giao 2 nước. Đại thần Hồ Tông Thốc được triều đình nhà Lê cử lên Bảo Lạc dẹp giặc xâm lược. Ông có tài ngoại giao, dùng lý lẽ phải trái buộc địch phải rút quân vô điều kiện về nước. Ông đi sứ sang Trung Quốc được vua nhà Thanh kính nể, phục tài đối đáp của ông. Thời Mạc (1592 - 1677), 85 năm biên cương được giữ vững. Nhà Mạc khôn khéo đối xử với nhà Minh, nhà Thanh, cương nhu tùy lúc, tổ chức mở chợ lưu thông hàng hóa với Trung Quốc ở các cửa khẩu, song vẫn tăng cường phòng thủ biên giới, xây dựng quân đội hùng mạnh.

Phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta thời đại phong kiến, đến thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Cao Bằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh giải phóng dân tộc, sản sinh ra nhiều nhân tài trong cuộc kháng chiến trường kỳ để có ngày 3/10/1950 giải phóng Cao Bằng và ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, nhân dân ta yêu chuộng hòa bình đã kiến thiết đất nước mạnh giàu, song vẫn phải đề cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch muốn thôn tính nước ta, phải nắm chắc tay súng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1