Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhân cách người cộng sản cao đẹp
Lượt xem: 246

Đồng chí Nguyễn Văn Linh từ một người yêu nước trở thành một nhà cách mạng có uy tín, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trở thành cán bộ lãnh đạo tiêu biểu… trước hết và căn bản là ở tư cách đạo đức, những phẩm chất, nhân cách người cộng sản cao đẹp.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh từ một người yêu nước trở thành một nhà cách mạng có uy tín, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trở thành cán bộ lãnh đạo tiêu biểu… trước hết và căn bản là ở tư cách đạo đức, những phẩm chất, nhân cách người cộng sản cao đẹp.


 
        
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư, từ trái sang) thăm Hợp tác xã Cò Hài trong chuyến thăm, làm việc tại Sơn La, tháng 9/1987.      


 1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư đầu tiên thời kỳ đổi mới, có bản lĩnh và tầm nhìn sâu rộng, là một biểu tượng sáng, một kiểu mẫu đạo đức cách mạng tiêu biểu của người cộng sản Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng chí đã thể hiện đầy đủ phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu, không ngại hy sinh vì sự nghiệp cao cả: Giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước; luôn nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí sớm tham gia vào dòng thác đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có uy tín của Đảng. Chính những năm tháng lăn lộn hoạt động trong phong trào quần chúng đã hình thành ở đồng chí tác phong sâu sát quần chúng, thói quen và bản lĩnh vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Bất cứ ở đâu, làm bất cứ việc gì, đồng chí cũng sống chan hòa, gần gũi với nhân dân lao động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người để vận động, giác ngộ, xây dựng lực lượng và bảo vệ thành quả của cách mạng.

Trong đời thường, đồng chí rất giản dị, cởi mở, chân tình với bạn bè, đồng chí, với cán bộ, nhân viên giúp việc, cũng như với quần chúng nhân dân lao động. Trong công tác, đồng chí rất nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm nhìn thấy những dấu hiệu không lành mạnh trong xã hội, không ngừng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, cải tạo những kẻ thoái hóa biến chất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) và bảo vệ đội ngũ cán bộ của Đảng.

Trong hoạt động quốc tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn coi trọng đoàn kết, hợp tác anh em với các nước XHCN, đồng thời thực hiện chủ trương từng bước mở rộng quan hệ với công nhân, công đoàn các nước tư bản chủ nghĩa, nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của phong trào công nhân, công đoàn tất cả các nước trên thế giới đối với phong trào công nhân, công đoàn và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Gần 70 năm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, dù hoạt động ở đâu, làm bất cứ công việc gì, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân. Đồng chí để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở, đặc biệt quan tâm đến người lao động; tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt; rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân ta yêu mến, kính trọng.

Đạo đức cách mạng là đặc trưng nổi bật trong nhân cách và con người đồng chí Nguyễn Văn Linh, làm cho đồng chí tỏa rạng mãi mãi. Điều kiện lịch sử dân tộc, thời đại và các phẩm chất vốn có đã xác lập các tiền đề vững chắc để đồng chí học tập, làm việc, trưởng thành, để cuối cùng có một nhân cách đạo đức Nguyễn Văn Linh.

 2. Đồng chí Nguyễn Văn Linh không phải là một nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà đạo đức học. Đồng chí ít viết, nói về đạo đức cách mạng; chủ yếu đồng chí là con người hành động, hành động tiên phong, đồng thời là một kiểu mẫu thực hành đạo đức. Lý tưởng đạo đức, các nguyên lý đạo đức thống nhất trong khuôn mẫu hành vi, qua cách sống, sinh hoạt, ứng xử hằng ngày của đồng chí. Đạo đức của đồng chí nằm trong dòng chảy và quan niệm chung của nhân dân về một nền đạo đức tiến bộ. Ở đồng chí Nguyễn Văn Linh ít có các di sản lý luận, không có các trước tác văn chương nói về lý tưởng đạo đức cách mạng, nhưng lại có một nhân cách đạo đức Nguyễn Văn Linh. Nhân cách đó đã thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng một cách toàn vẹn, triệt để; đó là:

- Suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì thắng lợi của CNXH. Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lý tưởng đó được đồng chí theo đuổi, thực hiện trọn vẹn trong suốt cả đời người. Xuất thân từ hàng ngũ công chức nghèo, từ lúc còn trẻ, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc, chống đế quốc, phong kiến.

Khi bị bắt giam, tra tấn, hành hạ trong lao tù của thực dân Pháp với các cực hình hết sức dã man: Chế độ khổ sai, nhốt vào hầm xay lúa, nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, bị đánh đập tàn bạo, bỏ đói, bỏ khát…, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, không gì lay chuyển được. Trong nhà tù, đồng chí luôn nêu cao lòng yêu nước, chí khí quật cường của người công nhân, luôn luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp; luôn lạc quan và không bao giờ xao lãng công tác cách mạng, chịu khó học tập lý luận... Mục đích của đồng chí là làm tất cả mọi việc có lợi cho Đảng, cho cách mạng để giải phóng dân tộc.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ở những cương vị quan trọng trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Công đoàn…, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và MTTQ lãnh đạo nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng: Đánh thắng thực dân Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), đấu tranh thống nhất nước nhà, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đi đến cùng con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Lòng trung thành, tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển; ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của đồng chí mãi mãi là một giá trị đạo đức trường tồn, nêu gương sáng cho các thế hệ cách mạng và các thế hệ lãnh đạo sau này.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất đạo đức hết sức nổi bật ở đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đồng chí yêu lao động, lao động chân tay và lao động trí óc, lao động trở thành một nhu cầu sống, niềm hạnh phúc của ông. Những việc tự làm được, đồng chí không bao giờ muốn phiền hà người khác, ngay cả khi ở vị trí quyền lực Nhà nước cao nhất. Trong lao động, ông tổ chức, sắp đặt công việc khoa học, hợp lý, yêu cầu mọi người phải tuân theo kỷ luật lao động và chế độ công tác.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: Tiết kiệm trong tiêu dùng hằng ngày, trong sinh hoạt gia đình, trong công tác; tiết kiệm tiền của, tài sản của nhân dân làm ra, được nhân dân cung cấp, giao cho quản lý; tiết kiệm của cải của đất nước.

Đồng chí là một con người liêm khiết, trong sạch, sống ngay thẳng, chân thành; ghét sự xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa; chỉ biết ham học, ham làm, ham tiến bộ, vì ích nước, lợi dân. Đồng chí không tham quyền, cố vị, thật sự chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Đồng chí ghét thói đặc quyền đặc lợi; không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân.

- Nhân ái, khoan dung, độ lượng. Đây là phẩm chất làm người cao thượng của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Thương người, dung thứ là những đức tính bẩm sinh của đồng chí, đã bộc lộ rõ nét ngay từ thuở nhỏ. Tính thương người được mở rộng, nâng dần lên cùng với nhận thức và bề dày hoạt động thực tiễn: Thương những người ruột thịt trong gia đình; bà con hàng xóm, thương bạn học, thầy-cô giáo; thương người thợ cùng làm, cùng cảnh ngộ; thương đồng bào bị bóc lột, đàn áp; thương các dân tộc, quần chúng nô lệ trên thế giới bị đọa đày... Từ tình thương đồng bào, đồng chí đã vươn đến tình thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý: Thương người-tin người-giải phóng con người-phát huy sức mạnh của con người.

Hồ Chí Minh nói: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa". Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo tinh thần nhân văn cao cả đó: Sống chí tình, chí nghĩa, nhân ái với đồng bào, đồng chí, bạn bè. Đồng chí sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, không chỉ dành những tình cảm cao quý cho đồng bào, đồng chí mà còn chia sẻ cả đồng lương ít ỏi của mình với bạn hữu nghèo thiếu.

- Khiêm tốn, giản dị. Đây là những đức tính suốt đời của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Những cán bộ từng ở trong lao tù với đồng chí và làm việc với đồng chí sau này, chỉ thấy ở đồng chí một đức tính, một phong cách không hề biến đổi, đó là đức tính giản dị, chân thành, trong sáng, gần gũi, hòa nhập với mọi người. Khi đã là người lãnh đạo cao cấp, đồng chí vẫn giữ những đức tính vốn có của mình. Ăn những món ăn bình dân của quê nhà; mặc như những người bình thường, ghét sự sang trọng xa hoa; luôn gần gũi, thân thiết khi tiếp xúc với đồng bào, nói chuyện bằng ngôn ngữ bình dân, mộc mạc, dễ hiểu.

Khiêm tốn, giản dị trở thành nếp sống, thể hiện trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hằng ngày của đồng chí. Ở đồng chí Nguyễn Văn Linh, đã có một sự khắc kỷ rất cao, nhưng không làm người khác thấy có sự cưỡng ép và luôn hàm chứa cái đẹp, cái trọn vẹn trong đạo đức đời thường.

- Tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả. Ở đồng chí, tình cảm yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản chân chính; yêu Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, đồng chí cũng tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác; coi cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của các nước thuộc địa cũng như sự nghiệp cách mạng của nhân dân mình. Trong tư duy, hành động và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí, dân tộc chân chính đã bao hàm yếu tố quốc tế; yếu tố quốc tế chân chính đã chứa đựng, tổng hợp các nhân tố dân tộc. Đồng chí đã có những cống hiến lớn lao trong xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới; xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới; là một người khát khao và đấu tranh không mệt mỏi cho tình hữu nghị bền vững và hợp tác lâu dài của các dân tộc.

Tấm gương đạo đức Nguyễn Văn Linh phản ánh tương đối chuẩn xác, khách quan những vấn đề có tính quy luật quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện và phát huy đạo đức cách mạng trong xây dựng phát triển đất nước. Tấm gương đạo đức Nguyễn Văn Linh với các chuẩn mực đạo đức cụ thể có thể được xem là một mô hình đạo đức thực tiễn mà xã hội chúng ta đang cố gắng hướng tới xây dựng. Nó cũng hoàn toàn trùng khớp với mô hình đạo đức mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng: Yêu nước, thương dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân ái, khoan dung; trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, chung thủy; tinh thần quốc tế chân chính, cao cả, trong sáng, thủy chung... Đây cũng là mô hình cấu trúc đạo đức mà các xã hội hiện đại, tiến bộ, phát triển bền vững thường đề cập tới, với tư cách kiểu mẫu đạo đức nhân loại trong thế kỷ XXI.

Theo QĐND

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1