Tết "Nhỉn tệt xặp ngầu" (15/1 âm lịch) của đồng bào Sán Chỉ
Lượt xem: 262

Mỗi dân tộc đều có ngày lễ, ngày tết khác nhau, đối với dân tộc Sán Chỉ còn có tết 15/1 âm lịch, mà theo tiếng Sán Chỉ còn gọi là tết "Nhỉn tệt xặp ngầu".

Mỗi dân tộc đều có ngày lễ, ngày tết khác nhau, đối với dân tộc Sán Chỉ còn có tết 15/1 âm lịch, mà theo tiếng Sán Chỉ còn gọi là tết "Nhỉn tệt xặp ngầu".

Nếu tết nguyên đán của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng và các dân tộc khác vào ngày 1/1 âm lịch thì có thể nói tết 15/1 âm là tết nguyên đán của người Sán Chỉ. Ngày tất niên 30 tết cũng thắp hương và khấn với ý nghĩa đưa các cụ tổ tiên trong nhà đi du xuân, và cũng từ ngày này đến ngày 3 hoặc mùng 4 tết kiêng không được quét nhà, không thắp hương với quan niệm:tổ tiên, ông bà không ở nhà nên nếu quét thì tài lộc theo đó cũng rơi vãi hết, nếu thắp hương thì ma quỷ khắp nơi sẽ đến nhà. Trong ngày mùng 3 nếu nhà nào có người làm tào thì được đánh trống, chiêng làm lễ nhưng từ mùng 4 tết đến ngày 14 âm lịch không được làm lễ.

Người Sán Chỉ không có tục lệ dọn dẹp nhà cửa đón tết mà các nghi lễ cúng, làm bánh, vui chơi dường như thực hiện trọn vẹn trong ngày 15. Người đàn ông trụ cột trong gia đình có nhiệm vụ thắp hương và cúng tổ tiên. Họ phải dậy từ sớm, đợi đến giờ thắp hương lên bàn thờ gọi ông bà, tổ tiên về nhà. Để thực hiện, lễ vật cũng rất đơn giản, một lễ đặt ngay dưới bàn thờ và một lễ ở ngoài cửa chính. Mâm lễ dưới bàn thờ gồm 3 cái chén, 1 bát nước lá bưởi để xông nhà, 1 chiếc đèn dầu và giấy đỏ để trang trí bàn thờ và  một vài vị trí quan trọng trong nhà. Lễ ở cửa chính thì càng đơn giản chỉ có bát hương, quy hương được dán giấy đỏ và 3 que huơng dán giấy bản được thắp và nằm ngang. Dán giấy ở que huơng tượng trưng cho quần áo của tổ tiên, giấy đỏ thể hiện quần áo mới còn giấy bản là quần áo cũ. Sau khi khấn xong gia chủ đứng giữa nhà và quay 4 phuơng, 8 huớng gọi tổ tiên về. Sau đó, thầy cúng dán giấy đỏ được cắt sẵn để trang trí bàn thờ, phía trên dán 9 và bên dưới dán 3, các con số có ý nghĩa tượng trưng cho ông bà và tổ tiên. Trên bàn thờ người Sán Chỉ có  2 bát hương: một bát hương cúng vị thần phù hộ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt và một vị thần cai quản gia súc, gia cầm trong nhà. Ngày tết thì mới thắp cả hai bát hương cầu cho mọi người trong nhà có sức khoẻ dồi dào, làm ăn thuận lợi, mọi vận hạn đều tan biến, đồng thời các con vật trong nhà không bị dịch bệnh, trâu, bò khoẻ mạnh giúp con người cày kéo, đàn lợn mau lớn, sinh sôi nảy nở để con người sớm được mang đi bán.

Tiếp đó, thầy cúng dán giấy ở cửa buồng, ở cửa nhà và các cửa chuồng trại. Dán giấy xong nghĩa là gia đình đã gọi tổ tiên, ông bà về nhà, thay quần áo mới. Sau đó mới được phép thịt gà để mời lên tổ tiên ăn bữa cơm đầu tiên của năm.

Một loại bánh không thể thiếu trong ngày tết đó chính là bánh nếp, bánh nếp của đồng bào Sán Chỉ cũng được ví như bánh chưng của đồng bào Tày, Nùng vậy. Bánh nếp làm khá đơn giản.  Gạo nếp rửa sạch, mang lên đồ, khi chín được mang ra  gói thành từng cái bánh nhỏ và cho đường đỏ vào làm nhân. Sau đó được đồ lại một lần nữa thì mới ăn được. Có một chi tiết có lẽ không phải ai cũng biết, đó là bánh nếp được gói thành 2 loại: một loại bánh hình vuông và bánh hình tròn. Bánh vuông gói để ăn, số lượng không  giới hạn còn bánh tròn gói để thắp hương dâng lên ông bà tổ tiên, vì vậy thường được gói bằng số lẻ như 3 chiếc, 5 chiếc, 7 hay 9 chiếc. Chỉ với nguyên liệu gạo nếp, đường đỏ và lá rong đã tạo nên huơng vị đặc trưng của ngày tết “Nhỉn tệt xặp ngầu”.  

Do điều kiện tự nhiên và địa hình cư trú của đồng bào Sán Chỉ chủ yếu trên địa hình đồi núi cao, vùng sâu, vùng xa nên phần lớn sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày chủ yếu là tự cung tự cấp. Điều đó không chỉ mang ý nghĩa phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn mang bản sắc riêng biệt. Cuộc sống ngày càng phát triển hơn, đủ đầy hơn, sự tiện dụng của máy móc dường như đã làm hao mòn phần nào bản sắc dân tộc và giờ đây  có lẽ ít nơi, ít dân tộc còn ép bún. Vì làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên làm bún khá cầu kỳ và chỉ làm trong ngày tết.để làm nên những sợi bún dài,bóng và ngon không chỉ đòi hỏi có sức khoẻ mà còn cả sự khéo léo, dẻo dai của người phụ nữ.

Đối với dân tộc Sán Chỉ, vai trò của người phụ nữ vô cùng quan trọng, để chuẩn bị cho ngày tết, các công đoạn làm bánh, bún, nấu ăn đều do một tay người phụ đảm nhiệm. Có lẽ vì vậy mà trong gia đình người Sán Chỉ, người phụ nữ được ví như ngọn lửa của cả gia đình, phải có lửa thì ngôi nhà mới ấm, và phải có lửa thì các hoạt động sinh hoạt mới được duy trì vì vậy ngọn lửa được ví như sự no đủ, sung túc của một gia đình. Sau khi hoàn thành các công việc ấy, họ mới có thời gian chăm lo cho bản thân, cùng nhau mặc những bộ quần áo mới nhất để đón tết.

Một điều khá thú vị đó là trong ngày 15/1 âm lịch nếu ai muốn học hát dao duyên, học làm thầy tào thì đến nhà thầy để học, cho dù bạn không phải là người Sán Chỉ. Đến gặp thầy tào trong ngày này bạn có thể học đánh trống, đánh chiêng hay học chữ nho. Thầy tào rất được coi trọng và được coi như cuốn cẩm nang về kho tàng văn hoá dân gian, về lễ nghĩa và nho học của đồng bào Sán Chỉ.

Phan Huế

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1