Tấm gương cách mạng cho các thế hệ trẻ noi theo
Lượt xem: 233

Lão thành cách mạng Bàn Thị Chủ, bí danh Kim Sơn, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi và là nhân chứng sống chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Bà là niềm tự hào khơi dậy tinh thần cách mạng để các thế hệ trẻ noi theo.

 Đón chúng tôi tại xóm Pù Mìn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình), bà Chủ vẫn vẹn nguyên những ký ức về sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương mà bà trực tiếp tham gia. Bà Chủ sinh năm 1925, trong gia đình người dân tộc Dao tại xã Hoa Thám. Khi bà mới 2 tuổi thì bố mất. Dưới ách đàn áp của của thực dân Pháp, chúng dồn dân, lập xóm để cai quản. Người dân phải chịu sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch, đa số người dân mù chữ và bị đầu độc nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan..., khiến đời sống nhân dân cực khổ vô cùng.

lao%20thanh%20cach%20mang

Lão thành cách mạng Bàn Thị Chủ kể lại quá trình hoạt động cách mạng cho thế hệ trẻ.

Từ cuối năm 1941, nhiều xóm bản của vùng Tam Kim - Hoa Thám có các tổ chức đoàn thể cách mạng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Song hoạt động của của các đoàn thể Việt Minh còn yếu, phong trào chưa phát triển đều khắp. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng và các đảng viên, hội viên kiên trung hoạt động tại địa bàn đã mang lại niềm tin và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các đồng bào và nhân dân địa phương chống lại chế độ thực dân phong kiến. Nhớ lại thời điểm đó, bà bảo, trước làn sóng cách mạng như vũ bão, thực dân Pháp hoảng sợ đã ra sức khủng bố phong trào Việt Minh ở khắp nơi, đồng thời tăng cường bộ máy thống trị. Chúng dò la tin tức, lùng sục vào tận các thôn bản, vùng đồng bào dân tộc. Vì gia đình toàn phụ nữ nên thực dân Pháp và tay sai cho rằng gia đình bà không gây nguy hiểm cho chế độ. Năm bà 18 tuổi, cán bộ Việt Minh và đoàn thể tiếp cận và vận động bà vào tổ chức. Bà đã thoát ly hẳn gia đình và cùng tổ chức Việt Minh vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ lương thực, truyền tin tức, giúp đỡ, phục vụ cho cách mạng. Thời kỳ này, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện phong trào “vườn không nhà trống”, sơ tán của cải, người già, trẻ em đến nơi an toàn bí mật, lập các kho thóc bí mật... Để truyền tin cách mạng, bà thường cho thư vào ruột cây gậy tre, dọc đường nếu gặp người lạ thì vứt đi. Nhiều lần bà nhanh trí giúp cán bộ tránh sự truy lùng của kẻ địch. Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn và cứ khoảng 2 - 3 hôm lại phải xóa dấu vết và di chuyển chỗ ở mới. Với tinh thần quật khởi, hưởng ứng phong trào ủng hộ Việt Minh, bà Chủ cùng nhân dân địa phương đã quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm. Nhiều gia đình đã giành hết số thóc của mình cho Việt Minh và động viên nhau ăn cơm độn sắn, ngô, khoai, để khích lệ các đội du kích, tự vệ vũ trang luyện tập chờ thời cơ diệt giặc.

Nhận thấy phong trào cách mạng lên cao, tinh thần nhân dân ở vùng Tam Kim - Hoa Thám một lòng theo Đảng, là cơ sở chính trị tốt, Bác Hồ và Trung ương đã chọn rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Theo lịch sử Đảng bộ xã Tam Kim “Các đội viên đã tuyên thệ trước đại biểu Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, trước đông đảo bà con các dân tộc tham dự buổi lễ”. Sau lễ thành lập, bà Chủ cùng chuẩn bị bữa cơm cho đội quân và cùng nhau ăn bữa cơm không rau, không muối biểu thị tinh thần đoàn kết quân dân chịu đựng gian khổ để chiến thắng quân thù của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đối với bà Chủ, được chứng kiến và tham dự Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là niềm tự hào và vinh dự lớn lao, bởi sự kiện đó đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau đó 2 ngày, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân quyết định đánh đồn Pha Khắt và Nà Ngần. Để thuận tiện đánh đồn, đồng chí Võ nguyên Giáp giao cho đồng chí Nông Văn Lạc phối hợp với các cán bộ, tự vệ địa phương làm công tác chuẩn bị trận đánh. Bà Chủ được phân công bố trí chuẩn bị cơm nước, phối hợp chặt chẽ với những thành viên và các đội tự vệ du kích nắm tình hình địch trong đồn, tìm và chuẩn bị quần áo lính dõng để Đội cải trang đột nhập  đồn địch. Bà cùng mọi người đảm nhiệm tiếp tế, cảnh giới, thu dọn chiến trường, xóa dấu vết, giữ bí mật của đội và đối phó với địch khi chúng quay trở lại đồn.

Chứng kiến những thăng trầm của quê hương cách mạng, bà Chủ chỉ là một con người thầm lặng, nhưng đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình làm nên chiến thắng vang dội. Điều đó thúc giục bà vững tin cuộc chiến đấu chống kẻ thù nhất định giành thắng lợi. Khi đất nước hòa bình thống nhất, năm 1994, bất ngờ và hạnh phúc bởi bà được gặp mặt trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng trở lại thăm chiến trường xưa. Và bà đã cùng nhân dân địa phương làm những bó cơm lam tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn công tác.

Đã 70 năm trôi qua, đất nước đang đổi thay và phát triển. Nhưng trên mảnh đất lịch sử Tam Kim - Hoa Thám thấm máu biết bao chiến sỹ và quần chúng cách mạng để những công lao và sự hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng và những người con ưu tú của quê hương trong đó có bà Chủ mãi là những tấm gương cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo.      

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1