Những người mang "Tiếng hát át tiếng bom"
Lượt xem: 232

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những người không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng vũ khí họ mang ra chiến trường lại chứa đựng sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược của quân dân cả nước trong những ngày chiến đấu gian khổ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những người không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng vũ khí họ mang ra chiến trường lại chứa đựng sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược của quân dân cả nước trong những ngày chiến đấu gian khổ. Đó là những chiến sĩ tuyên văn mang tiếng hát, lời ca đến khắp các chiến trường ác liệt.

Ký ức đẹp về một thời tuổi trẻ

Năm tháng đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng cất "tiếng hát át tiếng bom" vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Bế Xuân Tiến, Đội phó Đội văn công xung kích Cao Bằng năm xưa: Những năm đầu của thập niên bảy mươi thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, theo yêu cầu động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên chiến trường 559, Đội Văn công xung kích Cao Bằng được thành lập với số lượng 16 thành viên (8 nam, 8 nữ), là những nghệ sĩ của Đoàn văn công Cao Bằng (nay là Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng) và một số đồng chí có năng khiếu ca, múa được chắt lọc từ cơ sở. Thành viên nhiều tuổi nhất chưa đầy 35, nhỏ tuổi nhất vừa tròn 16.

 

 
16 diễn viên của Đội văn công xung kích Cao Bằng.

  Ngày 25/11/1970, đội làm lễ xuất quân lên đường vào Nam, mang theo niềm tự hào "Thay mặt cho hơn 32 vạn nhân dân các dân tộc Cao Bằng thăm hỏi và biểu diễn phục vụ các binh chủng, các lực lượng thuộc chiến trường 559. "Hành trang mang theo là cây đàn tính quê hương, là chiếc sáo trúc, đàn ghi ta, đàn ắc-coóc-đê-ông và những tiết mục tự biên, tự diễn dựa trên chất liệu dân ca các dân tộc Cao Bằng đằm thắm, mượt mà. Đó là bài then "Pác Bó - Làng Sen" của Chu Trần Phước; khúc hát Nàng ới, hà lều, điệu sli, câu lượn; là ca cảnh "Tiễn anh lên đường", vở kịch dân ca "Cây bơ reng Trường Sơn" của tác giả Vương Hùng" - Ông Tiến kể lại.

NSƯT Hoàng Kim Tuế, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, ca sĩ của Đoàn Văn công xung kích Cao Bằng thuở ấy, khi nhắc lại những kỷ niệm thời đó đã dành những tình cảm yêu thương, trân trọng nhất. Tham gia Đội văn công xung kích khi mới 16 tuổi, là một trong 2 thành viên nhỏ tuổi nhất, ấn tượng đậm nét nhất trong bà là buổi biểu diễn đầu tiên phục vụ các chiến sĩ, khi bà cất giọng hát bài "Pác Bó - Làng Sen", tất cả các chiến sĩ ở đều khóc, bởi tình yêu, sự kính trọng, nỗi nhớ trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - vị cha già của dân tộc, người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm không quên khác là về những buổi biểu diễn đặc biệt tại Đội điều trị tiền phương của các binh trạm. Khán giả đều là thương binh, bệnh binh bị thương rất nặng. Như thể muốn dùng tiếng hát để xoa dịu nỗi đau trên cơ thể các thương, bệnh binh nên các anh đến xem rất đông. Có chiến sĩ bị mất hai chân nhưng hai mắt sáng được một chiến sĩ khác mất đôi mắt nhưng hai chân lành lặn cõng đi xem văn công, hay hai chiến sĩ mỗi người mất một cánh tay cùng ngồi sát bên nhau vỗ tay cỗ vũ các tiết mục của Đoàn. Nhìn những vết thương chằng chịt trên cơ thể các anh, không một nghệ sĩ nào trong đội cầm được nước mắt. Tiếng hát lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào. Và thế là có chuyện "ngược đời", chiến sĩ động viên lại diễn viên. Có anh thương binh bị mất 1 chân, giơ cao chiếc chân còn lại lên nở nụ cười tươi rói: "Sao các cô lại khóc? Tôi bị mất một chân, tôi còn chưa khóc đây này!".

Tiếng hát át tiếng bom

Trong chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Cũng băng ngàn bằng đôi dép cao su; vượt Trường Sơn trên những chiếc "xe không kính"; cùng ăn những bữa ăn "dã chiến": sang thì có cơm trắng, thịt hộp, rau rừng, nếu không thì san sẻ với chiến sĩ từng bữa ăn chỉ có ngô và sắn; quanh năm ngủ võng trong rừng sâu, khi xung quanh là những chiến sĩ mới hy sinh chưa kịp chôn cất. Có những đêm ngủ trên võng, sáng dậy đỉa, vắt đã bu kín chân tay. Không một ai trong Đội không bị sốt rét rừng hành hạ. Đồng chí Quốc Phó (một diễn viên trong đoàn) sốt cao đến rụng cả tóc, nhưng qua cơn sốt lại hành quân, lại biểu diễn.

Nhớ về những năm tháng đó, bà Vương Thị Trần, một trong những người "chị cả" của Đội (dù khi đó mới 24 tuổi) bùi ngùi: Thực sự có đi mới thấy hết những gian khổ hy sinh của các chiến sĩ. Có những người nhiều năm chưa được về quê nhà, có những người mấy năm ở rừng Trường Sơn chưa gặp qua người con gái nào. Thiếu ăn thiếu mặc nhưng cái gì các anh cũng ưu tiên văn công. Có chăng chúng tôi chỉ giúp được các anh nấu cơm, vá quần sờn áo rách, chăn màn, chăm sóc thương binh. Bộ đội tươi vui bao nhiêu, vỗ tay tán thưởng nhiều bao nhiêu,  văn công chúng tôi trào nước mắt xúc động bấy nhiêu. Gian khổ của chúng tôi có là gì so với hy sinh của các anh. Điều đó thôi thúc mỗi thành viên trong đội phải bền lòng vững chí, thể hiện hết tài nghệ của mình để động viên chiến sĩ.

Không ít lần Đội đối mặt với hiểm nguy, như lần trên đường hành quân quyết thắng đi Savanakhet (Lào), máy bay bắn phá liên tục, hai bên đường bom phát quang, lửa cháy thiêu đốt cả cánh rừng, các cay săng lẻ cổ thụ đổ ngổn ngang, Đội phải nhanh chóng vượt qua, nhất là các trọng điểm địch liên tục bắn phá như: ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, cua chữ A, ba lô nặng trĩu trên vai nhưng vẫn phải chạy "maratông" trong 5 phút vượt qua trọng điểm. "Có lần người cuối cùng vừa vào hầm thì máy bay ném bom đúng chỗ vừa hành quân qua". Ông Văn Lọng, nghệ sĩ thổi sáo trong đoàn khi ấy nhớ lại.

Hồi đó, hầu hết các buổi biểu diễn đều diễn ra ban ngày, ban đêm Đội lại hành quân sang đơn vị khác. Vừa đi vừa sưu tầm cải biên, sáng tác, dàn dựng thêm những bài mới. Giữa núi rừng Trường Sơn, trong điều kiện “3 không”: Không phông màn, không âm thanh, không ánh sáng, trên những sân khấu đơn sơ giản dị, có khi "sang" lắm có tấm phông màn căng giữa 2 nhành cây, có khi biểu diễn ngay trên mâm pháo, giao thông hào, sân kho, hầm trú ẩn; có khi bộ đội chật kín "hội trường", có khi diễn viên đông hơn bộ đội. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của quê hương cội nguồn cách mạng cất cao giọng hát khi dìu dặt đằm thắm, khi hào hùng sôi nổi, thổi vào mỗi tác phẩm lý tưởng cách mạng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, góp phần động viên tinh thần, cổ vũ bộ đội thi đua giết giặc lập công, vững tin ngày chiến thắng. Suốt khoảng 90 phút biểu diễn, không khí cả một góc cánh rừng Trường Sơn như nóng lên bởi âm thanh của đàn, sáo, tiếng hát, những tràng vỗ tay động viên liên tục của bộ đội dành tặng cho văn công.

Cũng có những "sự cố" bất ngờ, có lần các nghệ sĩ đang biểu diễn thì giặc ném bom. Nghe tiếng bom gần nhưng với kinh nghiệm, các chiến sĩ biết vị trí bom rơi không ảnh hưởng gì đến đơn vị. Văn công tiếp tục biểu diễn, tiếng hát vẫn vang lên át tiếng bom đạn trong đêm.

  Có những điểm dừng chân xúc động và hạnh phúc khi gặp được ở binh trạm nào đó những đồng hương Cao Bằng. Anh em nắm chặt tay nhau vui mừng khôn xiết, hẹn ngày chiến thắng trở về. Tròn một năm biểu diễn phục vụ các binh chủng, lực lượng trên tuyến lửa Trường Sơn (25/11/1970 - 25/11/1971), đi từ Quảng Trị, Khe Xanh đến tận binh trạm 470, sang Xít Tung Cheng ở Campuchia, phục vụ nhân dân và các chiên sĩ Pathét ở biên giới tỉnh Savanakhet (Lào), đội văn công xung kích Cao Bằng tự hào trở thành đội văn công xung kích đi xa nhất, đi sâu nhất và trở về nguyên vẹn nhất trong số các đoàn văn công miền Bắc vào Nam phục vụ chiến trường. Sự đoàn kết, gắn bó, bền bỉ kiên cường chịu đựng gian khổ, sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ của các nghệ sĩ - chiến sĩ trong Đội được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều bằng khen của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch), Tổng cục Chính trị Quân đội, Bộ Tư lệnh 559 Trường Sơn...

 

 
Những kỷ vật, tư liệu về Đội văn công xung kích Cao Bằng luôn được ông Bế Xuân Tiến (Đội phó Đội văn công xung kích Cao Bằng) lưu giữ trân trọng.

Giờ đây, những nghệ sĩ của Đội văn công xung kích Cao Bằng năm xưa có người còn, người mất. Những người ở lại đều bước vào ngưỡng tuổi quá lục tuần vẫn tiếp tục tiếp tục say mê đóng góp lời ca, tiếng hát cho đời. Họ luôn nhớ về những năm tháng ở Trường Sơn như những ký ức đẹp nhất về một thời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết và ước mơ. Còn đối với thế hệ hôm nay, ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, về những con người dũng cảm, can trường trên mặt trận văn nghệ, sáng tạo nghệ thuật giữa bom rơi đạn nổ, bền bỉ truyền “ngọn lửa” sức mạnh đến với đồng bào, đồng chí vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, tiếng hát của họ còn vang vọng mãi trong những bản anh hùng ca của dân tộc.

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1